Các Sở TT&TT đề xuất chính sách, nhóm chính sách lớn khi sửa đổi Luật Bưu chính
Luật Bưu chính đã xây dựng từ 14 năm trước, chắc chắn phải thay đổi, sửa đổi.
Phát triển bưu chính thành một trong những hạ tầng quan trọng, thiết yếu của quốc gia
Luật Bưu chính được Quốc hội thông qua ngày 17/6/2010, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2011. Sau 14 năm áp dụng, Luật đang được đề nghị sửa đổi, bổ sung để đáp ứng sự phát triển nhanh, mới của lĩnh vực.
Tại Hội nghị tổng kết Luật Bưu chính với các Sở TT&TT trên cả nước ngày 10/5/2024, Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương cho biết, Luật Bưu chính từ năm 2010, đến nay đã được 14 năm. “Lĩnh vực bưu chính hiện nay đã khác rất nhiều so với thời điểm Luật Bưu chính được ban hành. Sự thay đổi lớn đó có thể thấy qua hoạt động thương mại điện tử (TMĐT), trước đây chưa có nhiều nhưng đến nay đã phát triển bùng nổ, mạnh mẽ. Hay các mô hình kinh doanh mới, rất nhiều lần Bộ và các Sở TT&TT đã trao đổi, thảo luận về các mô hình mới, xem những mô hình này là gì, có phải là bưu chính hay không”.
Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương nhấn mạnh: “Việc sửa đổi Luật Bưu chính lần này phù hợp với định hướng của Chính phủ hiện nay, một trong những trọng tâm quan trọng là hoàn thiện thể chế. Luật Bưu chính đã xây dựng từ 14 năm trước, chắc chắn phải thay đổi, sửa đổi”.
Theo Vụ Bưu chính, sau khi Luật Bưu chính được thông qua, Bộ TT&TT đã tham mưu, trình Chính phủ ban hành 5 Nghị định, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 4 Quyết định và ban hành theo thẩm quyền 28 Thông tư, phối hợp với Bộ ngành liên quan ban hành 2 Thông tư liên tịch. Như vậy, lĩnh vực bưu chính hiện có 40 văn bản quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực thi hành.
“Luật Bưu chính và các văn bản hướng dẫn đã góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo dựng môi trường bưu chính cạnh tranh, huy động mọi nguồn lực tham gia thị trường bưu chính, qua đó góp phần thúc đẩy lĩnh vực bưu chính không ngừng phát triển thời gian qua”, đại diện Vụ Bưu chính nhấn mạnh.
8 vấn đề đặt ra để sửa đổi Luật Bưu chính
Năm 2022, Bộ TT&TT đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt chiến lược phát triển bưu chính đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Trong chiến lược này cũng xác định rõ quan điểm: Phát triển bưu chính thành một trong những hạ tầng quan trọng, thiết yếu của quốc gia, hạ tầng bưu chính phải được sử dụng để cung ứng các sản phẩm, dịch vụ bưu chính và các sản phẩm, dịch vụ khác, tham gia thêm vào hoạt động phòng chống thiên tai, dịch bệnh và các trường hợp khẩn cấp; lấy mạng bưu chính công cộng làm nòng cốt.
Vụ Bưu chính cho biết: “Chiến lược phát triển Bưu chính đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030” là chiến lược độc lập cấp quốc gia đầu tiên của lĩnh vực bưu chính, mang một khát vọng và tầm nhìn lớn của lĩnh vực, khi xác định đến năm 2030, “Bưu chính phải trở thành hạ tầng thiết yếu của quốc gia và của nền kinh tế số”. Do đó, việc rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Luật Bưu chính 2010 cũng là nhiệm vụ quan trọng đã được xác định trong Chiến lược, tạo cơ sở pháp lý để lĩnh vực bưu chính sớm đạt được mục tiêu, tầm nhìn như Chiến lược đã đề ra.
Theo đó, Vụ Bưu chính đã đưa ra 8 vấn đề được khái quát từ ý kiến của các bộ, ngành, các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là các Sở TT&TT, các doanh nghiệp (DN) bưu chính trong thời gian qua để trao đổi, thảo luận, xin ý kiến của các Sở TT&TT với mong muốn từ phát hiện tồn tại, hạn chế, bất cập; đưa ra phương án/giải pháp khắc phục những tồn tại, han chế, bất cập từ đó định hình, đề xuất các chính sách, nhóm chính sách lớn trong Luật Bưu chính sửa đổi tới đây.
Vấn đề đầu tiên là hiện nay, đang có sự chồng chéo giữa dịch vụ bưu chính và dịch vụ vận tải hàng hóa, cụ thể: cùng một hàng hóa được DN vận chuyển trên đường thì đâu là hàng hóa do DN bưu chính chuyển phát (thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ TT&TT), đâu là hàng hóa do DN vận tải vận chuyển (thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Giao thông vận tải - GTVT).
Vấn đề thứ hai là về phạm vi cấp giấy phép bưu chính (GPBC), hiện nay, Bộ TT&TT cấp GPBC cho DN bưu chính cung ứng dịch vụ thư có địa chỉ nhận, có khối lượng đơn chiếc đến 02 kg. Luật quy định cấp phép thư để bảo đảm bí mật thư tín đã được quy định trong Hiến pháp.
Theo Vụ Bưu chính, hiện nay, nhu cầu sử dụng dịch vụ bưu chính đã có những thay đổi căn bản, trước đây thì thư chiếm trên 50% sản lượng bưu gửi. Hiện nay, hơn 90% sản lượng bưu gửi là gói, kiện hàng hóa. Nhu cầu sử dụng dịch vụ chuyển phát bưu kiện của người dân tăng nhanh kéo theo các câu chuyện về chất lượng dịch vụ, khiếu nại, bồi thường thiệt hại, an toàn an ninh bưu gửi. Vấn đề đặt ra là có cấp GPBC cho DN chuyển phát gói, kiện hàng hóa (hiện chiếm hơn 90% sản lượng bưu gửi) như chuyển phát thư hay không?
Vấn đề thứ ba là hiện nay, điều kiện cấp phép chủ yếu mang tính định tính (nhân sự, mạng lưới, các biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh). Vậy thì trong luật bưu chính sửa đổi tới đây, điều kiện cấp giấy phép có cần cụ thể, chi tiết hơn không?
Vấn đề thứ tư là bảo đảm an toàn, an ninh bưu chính hiện chưa có quy định cụ thể về các biện pháp bảo đảm an toàn an ninh bưu chính; hướng dẫn quy trình kiểm tra, xử lý về an toàn, an ninh trong bưu chính. Vấn đề đặt ra là bổ sung quy định rõ trách nhiệm hướng dẫn về công tác đảm bảo an toàn, an ninh bưu chính? Bổ sung trách nhiệm của DN bưu chính trong việc lưu trữ dữ liệu, tính sẵn sàng trích xuất của dữ liệu…).
Vấn đề năm là quản lý chất lượng dịch vụ bưu chính. Khoản 2 Điều 27 Luật Bưu chính quy định chất lượng dịch vụ bưu chính ngoài công ích do DN bưu chính công bố, áp dụng phù hợp với quy định của pháp luật, dẫn đến chất lượng dịch vụ bưu chính ngoài công ích không được theo dõi, giám sát và đánh giá đầy đủ để bảo đảm chất lượng dịch vụ cũng như bảo vệ quyền và lợi ích của người sử dụng dịch vụ bưu chính.
Vấn đề đặt ra là có quy định tiêu chí về chất lượng dịch vụ bưu chính (thời gian toàn trình bưu gửi, thời gian giải quyết khiếu nại tố cáo…) hoặc thậm chí chỉ tiêu cụ thể: tối đa 3 ngày, 5 ngày là thời hạn vận chuyển bưu gửi đến bất kỳ đâu trên đất nước Việt Nam để nâng cao chất lượng dịch vụ?
Vấn đề thứ sáu là có cần thay đổi chính sách đối với dịch vụ bưu chính công ích (BCCI) không?
Vấn đề thứ bảy là quản lý mô hình nhận nhượng quyền thương mại trong bưu chính khi có hiện trạng số lượng DN tham gia nhượng quyền rất lớn. VD, tính đến hết năm 2023, Best có 388 DN, đại lý nhận nhượng quyền, Thuận Phong có 18 DN nhận nhượng quyền...
Vấn đề tám là quản lý mô hình kinh doanh mới. Điểm 3 khoản 1 Điều 3 Luật Bưu chính quy định “Dịch vụ bưu chính là dịch vụ chấp nhận, vận chuyển và phát bưu gửi bằng các phương thức từ địa điểm của người gửi đến địa điểm của người nhận qua mạng bưu chính, trừ phương thức điện tử”.
Theo Vụ Bưu chính, rất ít DN tự thực hiện toàn bộ quy trình cung ứng dịch vụ bưu chính, bao gồm 4 công đoạn: Chấp nhận, khai thác, vận chuyển, phát. Hầu hết DN chỉ thực hiện một hoặc một số công đoạn. Có DN không tự thực hiện công đoạn nào mà thuê/hợp tác với các DN khác để cung ứng cả 4 công đoạn.
Thêm vào đó, hiện nay, DN bưu chính ứng dụng công nghệ sử dụng ứng dụng (app) để kết nối người gửi với tài xế đang ở khu vực gần với địa điểm nhận bưu gửi, tài xế sẽ nhận bưu gửi và vận chuyển thẳng đến địa điểm người nhận (không qua bưu cục, trung tâm khai thác). Vấn đề đặt ra là DN không tự thực hiện công đoạn nào, nhưng vẫn chịu trách nhiệm toàn trình đối với dịch vụ bưu chính cung ứng cho khách hàng thì có được coi là DN bưu chính hay không? Nếu có, thì có cần thêm điều kiện gì để quản lý loại hình DN này hay không?
Sửa đổi quy định để phù hợp với xu hướng phát triển bưu chính
Với 8 vấn đề được Vụ Bưu chính đưa ra, tại Hội nghị, nhiều Sở TT&TT đã có ý kiến đề xuất sửa đổi một số nội dung quy định trong Luật Bưu chính phù hợp với xu hướng phát triển của bưu chính.
Bà Kiều Thị Thu Hoài, Chuyên viên Phòng Đầu tư và Hạ tầng số - Sở TT&TT Đà Nẵng cho biết, địa phương này có khoảng 70 DN, chi nhánh DN bưu chính được cấp thông báo xác nhận hoạt động bưu chính và giấy phép hoạt động bưu chính trên địa bàn, trong đó có khoảng 20 DN địa phương, còn lại là các chi nhánh.
Qua thực tiễn rà soát các DN hoạt động bưu chính vừa qua, bà Hoài cho biết, có vấn đề là những DN đã dừng hoạt động hoàn toàn thì thống nhất trả lại giấy phép nhưng những DN chỉ tạm ngừng hoạt động vì nhiều lý do khác nhau thì không muốn trả lại giấy phép, vì các DN này cho rằng, việc xin GPBC khó khăn, hiện tại cũng do tình hình kinh tế đang khó khăn nên tạm thời chưa thể kinh doanh dịch vụ bưu chính nhưng vẫn muốn giữ lại GPBC, xác nhận thông báo hoạt động bưu chính đến khi thời điểm thuận lợi hơn sẽ tiếp tục kinh doanh. “Đối với trường hợp này luật không có quy định và chúng tôi đang vướng”.
Vướng thứ hai được bà Hoài nêu là về thực trạng các DN không gửi báo cáo định kỳ và thay đổi địa chỉ hoạt động nhưng không thông báo cho Sở TT&TT. “Chúng tôi có thể tra cứu địa chỉ kinh doanh mới của DN trên cơ sở dữ liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư nhưng nếu DN không chủ động thông báo cho Sở TT&TT thì rất vất vả trong quá trình theo dõi, liên hệ để báo cáo hàng tháng, hàng quý nên Sở đề nghị thay đổi trong quy định, văn bản hướng dẫn trong đó cho phép thu hồi xác nhận thông báo hoạt động bưu chính đối với trường hợp DN tự ý thay đổi địa chỉ kinh doanh bưu chính mà không thông báo cho Sở TT&TT trong khoảng 6 tháng trở lên hoặc không cung cấp dịch vụ bưu chính 1 năm trở lên mà không thông báo tạm ngừng”.
Trường hợp vướng tiếp theo được đại diện Sở TT&TT Đà Nẵng nêu là các DN nhượng quyền thương mại hiện nay chỉ đăng ký giấy phép hoạt động bưu chính và đăng ký hoạt động với Sở TT&TT với phạm vi kinh doanh và hoạt động nội tỉnh, tuy nhiên, các DN này vẫn nhận các bưu phẩm, bưu kiện liên tỉnh. “DN nhận của khách hàng và giao lại cho DN nhận nhượng quyền để làm trung chuyển liên tỉnh và phát đến đầu cuối”.
Như vậy, bà Hoài cho biết, bản thân DN không hiểu rằng, việc nhận bưu phẩm của khách trên địa bàn thành phố và giao cho 1 DN khác trên địa bàn không có xe ra ngoài tỉnh là sai với giấy phép và xác nhận hoạt động bưu chính đã được cấp.
Bà Hoài cũng cho biết: “Thực tế nếu DN được cấp phép hoạt động bưu chính nội tỉnh và chỉ kinh doanh nội tỉnh thì không có lãi và thực sự là không thể hoạt động như thế được nên chúng tôi đề nghị trong luật, văn bản quy định có thể hướng dẫn về loại hình DN hoạt động này”.
Đại diện Sở TT&TT Đà Nẵng cũng đề nghị Bộ TT&TT có hướng dẫn về đại lý bưu chính của các DN lớn để DN nhỏ có thể uỷ quyền thương mại.
Trong khi đó, ông Võ Minh Thành, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP. HCM cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển bưu chính quốc gia, như vậy, Luật Bưu chính sửa đổi cần phục vụ phát triển ngành Bưu chính, hỗ trợ DN trong quá trình thúc đẩy tham gia phát triển bưu chính. Thứ hai, sửa đổi luật là để đảm bảo lợi ích của người dùng cũng như đảm bảo an ninh bưu chính phục vụ phát triển kinh tế - xã hội quốc gia.
Có một số vướng mắc được ông Thành nêu để sửa đổi Luật Bưu chính là cần làm rõ sự chồng chéo giữa nội dung bưu chính và chuyển phát. Bộ TT&TT cần xác định nội hàm dịch vụ bưu chính để làm việc với Bộ GTVT cho rõ ràng. “Chúng ta làm rõ nhiệm vụ phát triển dịch vụ bưu chính và các điều kiện liên quan đến chất lượng dịch vụ bưu chính, giá cước, bảo vệ người tiêu dùng, thời gian và đảm bảo an ninh bưu chính”.
Thứ hai, trong Luật Bưu chính hiện tại, việc cấp GPBC chỉ áp dụng cho dịch vụ thư dưới 2kg và có địa chỉ nhận, trong khi thư trên 2kg thì chỉ cần văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính. Ông Thành đề xuất cấp GPBC cho cả dịch vụ thư và dịch vụ gói, kiện.
Thứ ba, liên quan đến điều kiện cấp giấy phép có điều kiện tài chính, nhân sự, hạ tầng bưu chính, tuy nhiên, liên quan đến việc ký quỹ hay soi chiếu… chúng ta cần phải vừa quản lý chặt chẽ, vừa tạo điều kiện cho DN phát triển bưu chính phục vụ phát triển bởi mạng lưới bưu chính là nền tảng phát triển quốc gia.
Về công tác đảm bảo an toàn an ninh bưu chính, ông Thành đồng thuận phải ứng dụng công nghệ số trong quản lý dữ liệu của DN.
Là DN bưu chính được chỉ định cung ứng dịch vụ BCCI, ông Lê Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Bưu điện Việt Nam (BĐVN) cho biết để đảm bảo cung ứng dịch vụ bưu chính phổ cập do Nhà nước yêu cầu, câu chuyện chính sách đảm bảo hỗ trợ mạng bưu chính công cộng để cung cấp dịch vụ thiết yếu cho người dân cần được đặt ra.
Đối với sự chồng chéo giữa dịch vụ bưu chính và vận tải, cần xem xét tổng thể sự chồng lấn giữa dịch vụ chuyển phát nhanh, dịch vụ hậu cần logistics, dịch vụ chuỗi cung ứng… “Hiện TMĐT khá phát triển, gian hàng TMĐT, trong đó giao hàng chặng cuối (last mile) đang giao thoa giữa dịch vụ bưu chính, GTVT, kho bãi... nên chưa có một khái niệm nào giúp phân biệt”, ông Lê Quốc Anh nêu.
Cùng với đó, ông Lê Quốc Anh cũng nêu cần làm rõ dịch bưu chính thu gom và phát. Dịch vụ chuyển phát nhanh là hình thái của dịch vụ bưu chính cam kết ở mức cao, dịch vụ vận tải cả nguyên liệu thiết bị thành phần nên cố gắng phân loại tiêu chí. Mô hình kinh doanh mới cần cẩn trọng điều chỉnh. Chất lượng cam kết cả về dịch vụ, COD, các tiêu chuẩn mạng lưới và độ phủ mạng lưới… cùng với việc cấp phép bưu chính, kiểm soát các điều kiện để đảm bảo cho DN thực hiện, có lợi cho người dùng… cũng cần được xem xét./.