Trong 2 năm qua, do tác động của đại dịch COVID-19 và tỷ lệ sử dụng Internet gia tăng, quá trình số hóa ở Philippines đã tăng tốc nhanh chóng. Người dân Philippines dần trở nên quen thuộc với mua sắm trực tuyến và chấp nhận điều kiện "bình thường mới" được thúc đẩy bởi các công nghệ số.
Nghiên cứu năm 2021 của Google, Temasek và Bain & Co. cho thấy tiềm năng của nền kinh tế Internet tại Philippines là rất lớn. Từ năm 2020 đến năm 2021, quốc gia này đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực là 93%. Dự báo, đến năm 2025, nền kinh tế Internet tại Philippines sẽ đạt 40 tỷ USD. Philippines là một trong những quốc gia có tỷ lệ người dùng mới bắt đầu tham gia trực tuyến trong thời kỳ đại dịch cao nhất khu vực, với 20% người tiêu dùng số của quốc gia này sử dụng các dịch vụ số lần đầu tiên kể từ tháng 3/2020.
Trong đó, Facebook là nền tảng mạng xã hội phổ biến nhất ở Philippines với 98% trong số 73 triệu người dùng Internet của nước này sử dụng. Kể từ khi đất nước thực hiện giãn cách vì COVID-19, bán hàng trực tuyến (online) bùng lên như nấm sau mưa. Hàng nghìn người Philippines trở thành thương gia trực tuyến với Facebook hoặc Viber.
Nhu cầu của người tiêu dùng về các công nghệ số tiên tiến và hiệu quả hơn trong bối cảnh giãn cách do COVID-19 đã dẫn đến việc nâng cao nhận thức và gia tăng số lượng công ty khởi nghiệp (startup) ở Philippines, đặc biệt là trong các lĩnh vực fintech, thương mại điện tử (TMĐT) và logistics. Nhưng với tỷ lệ tiêm chủng ngày càng tăng trên toàn quốc và việc nới lỏng các biện pháp hạn chế do dịch COVID-19, các công ty khởi nghiệp hiện đang gặp nhiều thách thức trong việc phát triển những giải pháp sáng tạo trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng tăng cao.
Toàn cảnh thị trường khởi nghiệp tại Philippines
Các startup được Bộ Thương mại và Công nghiệp Philippines (DTI) định nghĩa là các công ty giới thiệu "các sản phẩm sáng tạo và tạo ra các mô hình kinh doanh mới đáp ứng nhu cầu thay đổi của xã hội và thị trường". Báo cáo của công ty đầu tư mạo hiểm Gobi-Core Philippine Fund ước tính số lượng startup ở Philippines đã tăng lên 700 vào năm 2021 từ con số 442 vào năm 2019, với khoảng 238 startup có trụ sở chính tại thủ đô của Philippines.
Theo dữ liệu từ hãng kiểm toán Deloitte, Philippines giữ thứ hai thị trường IPO Đông Nam Á. Tổng số vốn huy động được qua các IPO năm 2021 tại Philippines tăng hơn gấp 3 lần so với năm 2020.
Brett Zambarrano, Giám đốc văn phòng của YCP Solidiance tại Manila, chia sẻ 3 trụ cột của hệ sinh thái khởi nghiệp Philippines và các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á là fintech, TMĐT và logistics.
Báo cáo của Gobi-Core cũng nhất trí với quan điểm này và cho biết thêm đại dịch COVID-19 đã nâng cao đáng kể nhận thức của người tiêu dùng và thu hút nguồn vốn từ một số nguồn như vườn ươm và các nhà đầu tư nước ngoài.
Zambarrano lấy ví dụ về sự phát triển mạnh của thanh toán điện tử tại Philippines nhờ đại dịch. Việc phong tỏa áp đặt vào giữa tháng 3/2020 đã buộc hầu hết các cửa hàng phải đóng cửa và khiến người tiêu dùng gặp khó khăn trong việc thanh toán tại quầy ngân hàng hoặc cửa hàng. Sau đó, các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt đã được nới lỏng vào tháng 6/2020 nhưng người dân và doanh nghiệp vẫn được yêu cầu thực hiện các bước để đảm bảo sự giãn cách xã hội. Tình trạng này đã gây ra một sự thay đổi lớn đối với tiền số, được cho là làm giảm sự lây lan của virus có thể được truyền qua việc sử dụng hóa đơn và tiền xu. Điều đó đã thúc đẩy ví di động PayMaya và GCash tăng trưởng mạnh.
Có thể thấy, bên cạnh những khó khăn, đại dịch COVID-19 cũng lại cơ hội to lớn cho các startup Philippines để phát triển trên ba trụ cột này, đặc biệt là khi quốc gia này dần gỡ bỏ các biện pháp hạn chế do COVID-19
"Không gian khởi nghiệp đã xâm nhập đến lĩnh vực giải trí ở Philippines. Kumu đã rất ấn tượng trong không gian đó", Zambarrano cho biết. Theo đó, nền tảng phát trực tiếp trên mạng truyền thông xã hội này đã cung cấp tính năng "ví" để cho phép người dùng thanh toán cho những món quà ảo, như Kumu đã hợp tác với mạng truyền hình địa phương ABS-CBN nhằm cho phép người dùng trả tiền để bình chọn cho chương trình thực tế Pinoy Big Brother của ABS-CBN.
Ngoài giải trí, theo Zambarrano, các startup nông nghiệp cũng có tiềm năng to lớn.
Thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển
Đại dịch COVID-19 đã khiến các công ty, đặc biệt là startup, đẩy mạnh huy động vốn để đầu tư để đa dạng hóa doanh thu và thích ứng với xu hướng chuyển đổi số nhanh chóng. Theo, Zambarrano, những người sáng lập mới và các startup nhỏ cần tận dụng các cơ hội và lợi ích từ Đạo luật Khởi nghiệp Sáng tạo của chính phủ Philippines.
Theo báo cáo "The Global StartupEcosystem Report 2021", hệ sinh thái khởi nghiệp của Philippines đang phát triển nhanh chóng với sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn của chính phủ. Các chính sách hỗ trợ như Đạo luật Đổi mới sáng tạo (ĐMST) của Philippines và Đạo luật Khởi nghiệp Sáng tạo nhằm mục đích thúc đẩy hệ sinh thái ĐMST và khởi nghiệp của đất nước thông qua các biện pháp hỗ trợ hài hòa của chính phủ và cải cách chính sách. Các luật này nhất quán với chính sách công nghiệp dựa trên khoa học và công nghệ của đất nước, Chiến lược Công nghiệp Đổi mới Toàn diện (i3S), nhằm mục đích nuôi dưỡng các startup ĐMST, đặc biệt là những công ty có thể giới thiệu các ý tưởng, sản phẩm, quy trình và mô hình kinh doanh mới sử dụng công nghệ công nghiệp 4.0 như AI.
Vào tháng 5/2021, DTI đã khởi động Lộ trình Chiến lược AI quốc gia nhằm định vị Philippines là một trung tâm AI xuất sắc, một trung tâm phân tích và xử lý dữ liệu lớn cung cấp các dịch vụ giá trị cao cho thế giới. Trung tâm sẽ tập trung vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng dữ liệu và kết nối số mạnh mẽ, nuôi dưỡng các ngành nghề liên quan đến STEM, thể chế hóa các quy định liên quan đến AI, các biện pháp an ninh mạng và tăng tốc đầu tư vào nghiên cứu và phát triển AI.
Thông qua Trung tâm quốc gia về nghiên cứu AI, quốc gia này đặt mục tiêu phát triển nhiều startup AI hơn bằng cách cung cấp hỗ trợ ươm tạo và thương mại hóa chuyên biệt, khuyến khích tài chính, liên kết với các tập đoàn đa quốc gia và tài trợ R&D có mục tiêu.
Đạo luật Phục hồi Doanh nghiệp (DN) và Ưu đãi thuế dành cho DN (CREATE) đã nâng cao sức hấp dẫn của quốc gia đối với các khoản đầu tư bằng cách làm cho các ưu đãi của nó trở nên cạnh tranh hơn và tập trung vào ĐMST. Theo CREATE, mức ưu đãi cao nhất (lên đến 17 năm kết hợp miễn thuế thu nhập và giảm thuế thu nhập DNp đặc biệt/tăng cường) sẽ được cung cấp để hỗ trợ các hoạt động kích thích nền kinh tế đổi mới.
Ngoài ra, trong bối cảnh trì trệ do đại dịch, chính phủ cũng đã khởi động Quỹ Tài trợ Khởi nghiệp để hỗ trợ cho các startup cung cấp các giải pháp kinh tế cho các vấn đề cụ thể của đại dịch.
Theo Zambarrano, hiện tại, đây là thời điểm rất thuận lợi - mọi người rất quan tâm đến việc tham gia khởi nghiệp, đầu tư vào các startup và ươm tạo các startup. Vì vậy, nếu bạn quan tâm đến việc xây dựng một công ty khởi nghiệp, hoặc nếu bạn có một ý tưởng khởi nghiệp, sẽ có những người giúp đỡ và hỗ trợ bạn thành công.
"Rất nhiều nhà đầu tư đã chuyển các đầu tư của họ từ đầu tư truyền thống sang đầu tư công nghệ cao hơn và khởi nghiệp hơn", Zambarrano nhấn mạnh
Những khuyến nghị cho các startup
Với việc không gian khởi nghiệp ở Philippines ngày càng trở nên cạnh tranh, các công ty nhỏ có thể khó "toả sáng" và tìm được thị trường ngách cho mình, đặc biệt là khi nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng khắt khe. Dưới đây là những khuyến nghị của Zambarrano dành cho các nhà sáng lập khởi nghiệp tiềm năng và thậm chí các tập đoàn lớn hơn để kinh doanh thành công tại thị trường Philippines.
Thứ nhất, khi có một ý tưởng khởi nghiệp, hãy nắm bắt các xu hướng hiện tại và xem xét các không gian thay thế. Tại Philippines còn nhiều ngành công nghiệp khác mà khởi nghiệp và công nghệ vẫn chưa thâm nhập vào.
Thứ hai, xây dựng tên tuổi cho startup của bạn bằng cách hợp tác với các công ty lớn hơn. "Một trong những điều khó nhất đối với một startup, đặc biệt là quy mô nhỏ, là tạo được uy tín. Và một trong những cách tốt nhất để đạt được điều đó, ngoài việc nhận được các khoản đầu tư lớn hoặc hoạt động trong một vườn ươm được đánh giá cao, hãy hợp tác với một công ty có uy tín ở Philippines", Zambarrano cho biết và dẫn chứng về quan hệ đối tác của Kumu với ABS-CBN.
Thứ ba, đối với các DN lớn hơn, hãy xem xét hợp tác với các startup để cải thiện các giải pháp hiện có của bạn. "Có rất nhiều tiềm năng chưa được khai thác. Tôi nghĩ rằng các DN lớn đang ở một vị trí tốt để mở rộng hoạt động kinh doanh của chính họ với giải pháp của một startup".
Cuối cùng, điều quan trọng nhất, theo Zambarrano là cần trở thành người đầu tiên phát triển giải pháp hay mô hình kinh doanh đó. "Có rất nhiều lợi ích khi trở thành người đầu tiên thử và thực hiện một giải pháp mới cho một vấn đề gì đó"./.