Các tập đoàn công nghệ gặp khó tại Mỹ

Ánh Dương| 18/12/2020 09:07
Theo dõi ICTVietnam trên

Những vụ kiện chống độc quyền liên tiếp hay những quy định mới được đặt ra nhằm siết chặt quản lý đối với ngành công nghệ đang là những thách thức lớn mà các công ty công nghệ phải đối mặt tại Mỹ.

10 bang Mỹ kiện Google cấu kết với Facebook vi phạm luật chống độc quyền

Ngày 17/12, Reuters đưa tin Texas và 9 tiểu bang khác của Mỹ đã đệ đơn kiện Google cáo buộc công ty này câu kết với Facebook – mạng xã hội lớn nhất toàn cầu một cách bất hợp pháp, qua đó vi phạm luật chống độc quyền để thúc đẩy hoạt động kinh doanh quảng cáo trực tuyến nhằm duy trì vị thế thống trị của mình.

Các bang đã yêu cầu Google - công ty thuộc sở hữu của tập đoàn Alphabet, hiện đang kiểm soát 1/3 thị phần của ngành quảng cáo trực tuyến toàn cầu, bồi thường thiệt hại cho họ và tìm cách "giải tỏa cơ cấu", thường được hiểu là buộc một công ty phải thoái vốn một số tài sản của mình để giảm quy mô nhằm tránh độc quyền.

Vụ kiện ở Texas là vụ lớn thứ hai từ các cơ quan quản lý chống lại Google và là vụ kiện thứ tư liên quan đến liên bang và tiểu bang nhằm mục đích kiềm chế các hành vi xấu bị cáo buộc của các nền tảng công nghệ trong hai thập kỷ qua.

Trong vụ kiện của mình, Texas yêu cầu thẩm phán kết tội Google phạm tội vi phạm luật chống độc quyền và ra lệnh dừng các vi phạm. Họ cáo buộc Google cấu kết với Facebook. Hai công ty này cạnh tranh gay gắt trong việc bán quảng cáo trên Internet và cùng nhau chiếm lĩnh hơn một nửa thị trường trên toàn cầu.

"Như các tài liệu nội bộ của Google tiết lộ, Google đã tìm cách tiêu diệt sự cạnh tranh và làm như vậy thông qua một loạt các chiến thuật loại trừ, bao gồm một thỏa thuận bất hợp pháp với Facebook", đơn kiện cho biết.

Google cũng bị cáo buộc cho phép sàn giao dịch của mình giành chiến thắng trong các cuộc đấu giá quảng cáo ngay cả khi những người khác đặt giá thầu cao hơn.

Trong một video được đăng trên Facebook, Bộ trưởng Tư pháp Texas Ken Paxton cho biết, "Google nhiều lần sử dụng quyền lực độc quyền của mình để kiểm soát giá cả và tham gia vào cấu kết thị trường vi phạm công lý nghiêm trọng".

Trước đó, Tổng chưởng lý 46 tiểu bang cùng Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) cũng đã đệ trình đơn kiện Facebook vì vi phạm luật độc quyền trong ngày 9/12. Vụ kiện của các bang do Tổng chưởng lý New York Letitia James dẫn đầu, cáo buộc công ty có hành vi ngăn chặn cạnh tranh khi mua lại hai đối thủ chính là nền tảng mạng xã hội Instagram năm 2012 và dịch vụ nhắn tin WhatsApp năm 2014, đã giúp công ty này trở thành thế lực dẫn đầu thị trường và tước bỏ quyền bảo vệ quyền riêng tư của người dùng.

(Ảnh minh họa: Internet)

Để giải quyết hành vi chống cạnh tranh của Facebook, các bang và FTC đã kêu gọi thực hiện hành động khắc phục hậu quả, chẳng hạn như buộc công ty bán bớt Instagram hoặc WhatsApp và yêu cầu Facebook phải có sự chấp thuận trước các vụ mua bán và sáp nhập trong tương lai.

Diễn biến vụ việc liên quan đến Facebook cho thấy cả hai đảng của Mỹ cũng như quốc tế đang có quan điểm chống lại Facebook ngày một nhiều hơn. Các nhà hoạch định chính sách Mỹ đang muốn siết chặt chính sách quản lý ngành công nghệ. Việc Facebook, Google, Amazon và Apple nắm thế kiểm soát thương mại, điện tử, mạng xã hội, quảng cáo đã tác động rất mạnh đến kinh tế Mỹ.

Mỹ yêu cầu các tập đoàn công nghệ như Amazon, Facebook, Twitter, YouTube… cung cấp thông tin về việc thu thập dữ liệu. (Ảnh: Internet)

Mỹ yêu cầu các tập đoàn công nghệ cung cấp thông tin về việc thu thập dữ liệu

Ngày 14/12, FTC cũng đã gửi các sắc lệnh đến Amazon, Facebook, Twitter, YouTube và các tập đoàn công nghệ khác, yêu cầu cung cấp thông tin về việc thu thập dữ liệu, các hoạt động quảng cáo và tần suất truy cập của người dùng.

Cụ thể, FTC yêu cầu 9 công ty truyền thông xã hội và công ty truyền phát video trực tuyến cung cấp dữ liệu về cách thức thu thập, sử dụng và hiển thị các thông tin cá nhân, các thông lệ quảng cáo và ràng buộc với người dùng, tác động của những thông lệ này tới trẻ nhỏ và thanh thiếu niên.

Yêu cầu trên được đưa ra theo một đạo luật liên bang cho phép FTC thực hiện các nghiên cứu để hỗ trợ các nhà lập pháp trong quá trình xây dựng những điều luật liên quan.

Những tập đoàn và các ứng dụng nhận được các sắc lệnh là Amazon, công ty mẹ của TikTok là ByteDance, nền tảng chat của game thủ Discord, Facebook, Reddit, Snap, Twitter, WhatsApp và YouTube.

FTC cho biết ủy ban này muốn biết các mô hình kinh doanh có ảnh hưởng ra sao đến những gì người Mỹ nghe và nhìn, họ nói chuyện với ai và chia sẻ những thông tin gì.

Mỗi tập đoàn và ứng dụng nhận được sắc lệnh sẽ phải có phản hồi trong vòng 45 ngày.

Không chỉ riêng Mỹ, tại châu Âu, các nhà chức trách cũng đang định hình những khung quy định chặt chẽ hơn với ngành công nghệ đồng thời cũng sửa luật để thu thêm hàng tỷ USD tiền thuế từ các ông lớn công nghệ.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Các tập đoàn công nghệ gặp khó tại Mỹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO