Doanh nghiệp số

Các tập đoàn viễn thông, công nghệ đi đầu nghiên cứu công nghệ mới nổi

NM 25/02/2024 09:00

Các Tập đoàn, Tổng công ty (TCT) và doanh nghiệp (DN) nhà nước (DNNN) luôn đóng vai trò quan trọng, là “hạt nhân” thúc đẩy, phát triển kinh tế đất nước ngày một hưng thịnh, bền vững.

Để phát huy hơn nữa những giá trị, sự đóng góp to lớn ấy, thời gian qua, Chính phủ luôn quan tâm, đồng hành, thông qua nhiều các cơ chế, chính sách được ban hành. Mới đây, sự quan tâm này được thể hiện thêm trong Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 22/2/2024 về đổi mới quản trị, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh (SXKD) và thúc đẩy mạnh mẽ các Tập đoàn, TCT nhà nước và DNNN.

Theo đó, Chỉ thị yêu cầu các DNNN nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao là quản lý vốn, tài sản của nhà nước tại DN, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu là Chủ tịch, Tổng giám đốc/Giám đốc, người đại diện vốn nhà nước tại DN.

Cùng với đó, người đứng đầu, đại diện cần phát huy tinh thần tự lực, tự cường, nâng cao tính chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, phấn đấu với tinh thần trách nhiệm cao nhất vì lợi ích quốc gia, dân tộc, tạo ra khí thế, tư duy, cách làm mới, quyết tâm, quyết liệt trong hành động.

ban-dan.jpg
Các Tập đoàn viễn thông, công nghệ cần “đi đầu” nghiên cứu công nghệ mới nổi (Ảnh minh hoạ)

Đặc biệt, khẩn trương triển khai có kết quả và hiệu quả Đề án Cơ cấu lại DN giai đoạn 2021 - 2025; Chiến lược phát triển, Kế hoạch SXKD và đầu tư phát triển hàng năm và 5 năm của DN đã được phê duyệt, các nhiệm vụ, chỉ đạo liên quan của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Đẩy mạnh thực hiện các dự án đầu tư lớn, trọng điểm của quốc gia trong các lĩnh vực quan trọng theo chiến lược, kế hoạch được cấp có thẩm quyền và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; ưu tiên tập trung nguồn lực vào lĩnh vực kinh doanh chính, khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, không hiệu quả; nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo; đổi mới mô hình quản trị DN theo hướng hiện đại phù hợp với thông lệ quốc tế; sắp xếp, tinh gọn bộ máy…

“Cần hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch SXKD được giao, góp phần cao nhất bảo đảm các cân đối lớn cho nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm và bảo đảm đời sống cho người lao động, thực hiện chính sách an sinh xã hội”, Chỉ thị yêu cầu.

Cùng với đó, các Tập đoàn, TCT nhà nước và các DNNN tiếp tục phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt của DNNN trong nền kinh tế, bảo đảm DNNN là lực lượng tiên phong dẫn đầu trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số (CĐS) và phục hồi nền kinh tế.

Chỉ thị cũng yêu cầu các: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN); Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV)… cần đẩy nhanh các tiến độ khai thác, quy hoạch, tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn, ổn định cung - cầu để phát triển bền vững…

Các DNNN cần tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh, nhất là lĩnh vực công nghiệp phụ trợ; phát triển thương mại điện tử; đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa; phát triển logistics; "làm mới" sản phẩm du lịch gắn với phát triển kinh tế đêm tại các đô thị lớn…

Đặc biệt, Chỉ thị yêu cầu: Viettel, VNPT, Mobifone, GTEL… tiếp tục thúc đẩy các dự án đầu tư phát triển và phổ cập hạ tầng viễn thông truyền thống sang hạ tầng số; phát triển hạ tầng trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây, hạ tầng công nghệ số và nền tảng số, ứng dụng số tạo động lực phát triển kinh tế số; đồng thời đóng vai trò dẫn dắt, đi đầu trong việc nghiên cứu công nghệ mới nổi (chip bán dẫn...).

Được biết năm 2023, Viettel đã nghiên cứu, xây dựng bộ giải pháp CĐS tổng thể, toàn diện cho nhiều lĩnh vực ngành trọng điểm như: Hải quan, Tư pháp, Công thương, Y tế, Giáo dục, Giao thông... Nhiều nền tảng số quan trọng triển khai trên quy mô toàn quốc. Sản phẩm trợ lý ảo do Trung tâm Không gian mạng Viettel (Viettel CyberSpace) phát triển, dùng trong ngành tòa án để hỗ trợ các thẩm phán, giúp tiết kiệm nhiều thời gian tra cứu, tìm kiếm, nghiên cứu, xử lý, ra quyết định đối với các vụ án được đúng bản chất sự việc, đúng pháp luật. Đây được coi là một bước đi có tính đột phá về CĐS của ngành Tòa án.

Trong khi đó, sau 3 năm nghiên cứu, Trung tâm giám sát không gian mạng Viettel đã phát triển thành công giải pháp giám sát hình ảnh, video trên không gian mạng, nhờ đó có thể tự động tìm kiếm, phát hiện các hình ảnh, video có nội dung vi phạm như: đường lưỡi bò, cờ ba sọc, các hình ảnh cắt ghép, xuyên tạc, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các nội dung bạo lực, khiêu dâm..., góp phần nâng cao năng lực rà quét, phát hiện thông tin xấu độc không chỉ ở dạng chữ viết như trước đây, mà còn cả hình ảnh, video.

Trong khi đó, VNPT năm 2024 tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT, công nghệ mới vào quá trình phân tích để thiết kế ra sản phẩm, phát triển sản phẩm để đưa ra thị trường những sản phẩm thông minh, tạo đột phá trong kinh doanh./.

Bài liên quan
  • Các ngành, lĩnh vực “toả sáng” trong bức tranh chuyển số của Việt Nam
    Với sự nỗ lực, tích cực của toàn hệ thống chính trị, bộ, ngành, tỉnh, thành, địa phương, năm 2023, những kết quả của việc thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số (CĐS) quốc gia đã chuyển biến thiết thực, hiệu quả, góp chung vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ngày càng bền vững.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Các tập đoàn viễn thông, công nghệ đi đầu nghiên cứu công nghệ mới nổi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO