Các tỉnh vùng cao đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong phòng, chống COVID-19

PV| 07/09/2021 21:29
Theo dõi ICTVietnam trên

Trước những diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, công nghệ số đã và đang thể hiện sức mạnh trong truy vết, cảnh báo, hỗ trợ đắc lực cho công tác chống dịch. Kịp thời nắm bắt công nghệ tiên tiến, nhiều tỉnh vùng cao đã áp dụng công nghệ thông tin như một giải pháp hữu hiệu để đẩy lùi dịch bệnh.

Cao Bằng: Áp dụng công nghệ để giữ vùng "Xanh"

Tính đến thời điểm hiện nay, Cao Bằng là địa phương duy nhất trong cả nước chưa có ca bệnh COVID-19. Tuy nhiên, chính quyền tỉnh không lấy đó làm niềm tự hào, mà luôn tích cực áp dụng các công nghệ số mới để kiểm soát dịch bệnh. Đây là kết quả của nhiều yếu tố, trong đó có cả yếu tố may mắn do khách quan mang lại, đó là do vị trí địa lý của Cao Bằng khá thuận lợi cho công tác chống dịch, mật độ dân cư thấp, sự giao lưu kinh tế, văn hóa của Cao Bằng với các tỉnh, thành phố ít hơn so với các địa phương khác. Về chủ quan, tỉnh Cao Bằng đã triển khai thực hiện tốt các quy định về phòng chống dịch, thực hiện tốt chỉ đạo của cấp trên và khuyến cáo 5K của Bộ Y tế.

Theo số liệu thống kê của Sở TT&TT, tính đến hết ngày 30/5/2021, tổng số lượt tải ứng dụng phần mềm Bluezone tại Cao Bằng là 80.009 lượt, đạt tỷ lệ 15,09% dân số của tỉnh. Trong đó, TP Cao Bằng là địa phương có số điện thoại cài đặt Bluezone nhiều nhất tỉnh với 25.074 số, tiếp đến là các huyện người dân chủ yếu là bà con các dân tộc nhưng số cài Bluezone cũng đạt khá cao, như huyện Trùng Khánh với 9.169 số, huyện Quảng Hòa 8.108 số, huyện Hòa An 7.031 số. Tỷ lệ Bluezoner  có số điện thoại/số smartphone của toàn tỉnh đạt 19,62%. Theo đó, Cao Bằng hiện đang xếp thứ 34 trong số 63 tỉnh, thành phố của cả nước về triển khai cài đặt ứng dụng Bluezone.

Từ ngày 25/5 đến 31/5/2021, đã có 6.804 lượt khai báo y tế qua ứng dụng này. Bên cạnh đó, Sở TT&TT đã triển khai giải pháp quét mã QR code trong phòng chống, dịch COVID-19. Đến nay, toàn tỉnh đã có 582 điểm đăng ký tạo mã QR code được in và dán tại trụ sở làm việc của các cơ quan, đơn vị và tại các điểm công cộng như bệnh viện, trường học, chợ tại các bản làng và các cơ sở lưu trú... 

Các tỉnh vùng cao đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong phòng, chống COVID-19 - Ảnh 1.

Biểu đồ thống kê số lượng người khai báo y tế bằng phần mềm Bluezone.

Cùng với phần mềm Bluzone, NCOVI cũng đã và đang được ngày càng nhiều người dân Cao Bằng sử dụng, nắm bắt thông tin và phản hồi tích cực. Tuy nhiên, do địa bàn là tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, trình độ dân trí không đồng đều, số lượng người dân tiếp cận công nghệ thông tin còn hạn chế nên tỷ lệ người sử dụng ứng dụng khai báo y tế tự nguyện NCOVI còn thấp. Ông Vũ Tiến Dũng, Phó Giám đốc VNPT Cao Bằng cho biết: "Ngay khi triển khai ứng dụng, VNPT Cao Bằng phối hợp với Sở Y tế để tập huấn cho cán bộ Sở Y tế triển khai hướng dẫn cài đặt và khai thác ứng dụng NCOVI. Ứng dụng NCOVI là thành quả chung của các doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam nhằm hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ về việc ứng dụng công nghệ số sáng tạo vào cuộc sống, góp phần nâng cao hiệu quả của công tác phòng, chống dịch COVID-19".

Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, qua nhiều kênh để thu thập thông tin là cần thiết, nhưng quan trọng nhất vẫn là ở bản thân mỗi người, mỗi cá nhân cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mình với cộng đồng, tự nguyện khai báo sức khỏe của bản thân, góp phần kiểm soát, phòng, chống dịch một cách chủ động, hiệu quả với tinh thần "Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận chống dịch COVID-19".

Hà Giang: Tận dụng Tele-Health để kiểm soát COVID-19

Là một trong những tỉnh biên giới nằm ở vùng Đông Bắc với đa số người dân là dân tộc thiểu số, nhưng Hà Giang đã nỗ lực áp dụng công nghệ số trong kiểm soát dịch COVID-19. Gần đây nhất, Sở Y tế Hà Giang đã khai trương hệ thống Tele-Health trong khám, chẩn đoán, điều trị bệnh nhân COVID-19. Tele-Health là nền tảng khám, chữa bệnh từ xa, hệ thống này sẽ tận dụng được thời gian vàng trong điều trị, tránh lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám chữa bệnh, đặc biệt là đối với các bệnh nhân mắc COVID-19.

Sở Y tế đã đầu tư, đưa hệ thống Tele - Health vào sử dụng, kết nối tới 2 cơ sở điều trị COVID-19 là Bệnh viện Phổi và Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Thông qua kết nối trực tuyến tới các buồng bệnh, đội ngũ y, bác sĩ sẽ thuận lợi trong việc theo dõi các chỉ số sinh tồn, giảm thời gian đi lại, hạn chế nguy cơ lây nhiễm. Đồng thời, kết nối tới hội đồng chuyên môn đầu ngành nhằm giúp cho việc hỗ trợ và tham gia chẩn đoán những ca bệnh khó để có phác đồ điều trị hiệu quả nhất.

Chia sẻ về việc áp dụng Tele - Health vào hệ thống y tế tỉnh, ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định việc đưa hệ thống Tele-Health vào khám, chẩn đoán, điều trị bệnh nhân từ xa sẽ là một trong những nhóm giải pháp quan trọng trong tình hình dịch COVID-19 đang có những diễn biến phức tạp như hiện nay đồng thời yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh cần nghiên cứu, tận dụng tối đa hệ thống để góp phần điều trị hiệu quả bệnh nhân COVID-19. Bên cạnh đó, đội ngũ các y bác sĩ tại các cơ sở điều trị cần tuân thủ nghiêm các quy định trong phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Các tỉnh vùng cao đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong phòng, chống COVID-19 - Ảnh 2.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đức Quý phát biểu tại buổi khai trương hệ thống Tele-Health.

Trước đó, hầu hết các cơ quan, đơn vị, trên địa bàn thành phố Hà Giang đã triển khai việc đăng ký và nhận mã QR của các ứng dụng khai báo y tế điện tử như Bluezone, NCOVI. Hình thức khai báo y tế điện tử thông qua quét mã QR tại các bệnh viện cũng được triển khai nghiêm túc, tiết kiệm thời gian cho bệnh nhân và thân nhân. Tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh viện trong hoạt động phân luồng bệnh nhân, góp phần phòng, chống hiệu quả dịch bệnh COVID-19 nói riêng và các bệnh truyền nhiễm nói chung.

Một trong những điểm ấn tượng khác của Hà Giang là đã triển khai áp dụng phần mềm quản lý Y tế xã, thôn liên thông. Tính đến thời điểm này, Hà Giang đã triển khai đến hầu hết các trạm Y tế thuộc Trung tâm Y tế thành phố, Trung tâm Y tế huyện. Phần mềm được cài trên máy tính có kết nối mạng Internet, được cấp tài khoản để truy cập sử dụng, dữ liệu tập trung trên máy chủ (server), thuận tiện cho các cấp quản lý, kiểm tra, xem báo cáo trực tiếp mà luôn đảm bảo độ chính xác và cập nhật kịp thời. Từ đó giúp cho cơ quan quản lý theo dõi kho thuốc, tình hình khám, chữa bệnh ở cơ sở hàng ngày, tình hình tiêm chủng, phụ nữ khám thai, dân số... Đồng thời, chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh, thống kê chi phí khám chữa bệnh, thanh quyết toán BHYT và tình hình chuyển tuyến được thuận lợi hạn chế tối đa sai sót.

Với diễn biến phức tạp của đại dịch hiện nay, lãnh đạo tỉnh Hà Giang cũng đã chú trọng triển khai thực hiện khai báo y tế điện tử qua phần mềm: suckhoe.dancuquocgia.gov.vn tại các chốt kiểm soát. Đây là phần mềm ngành Y tế phối hợp với ngành Công an triển khai đồng bộ tại các chốt kiểm dịch y tế. Thông qua việc kê khai trên website và đối chiếu thông tin trong cơ sở dữ liệu sẽ kịp thời truy vết di chuyển của công dân khi có yêu cầu.

Đáng chú ý, qua quản lý tập trung di biến động của công dân trên toàn quốc nên khi phát hiện F0, F1…, hệ thống sẽ đưa ra lịch trình di chuyển của người nhiễm và nghi nhiễm một cách chính xác, giúp các đơn vị nghiệp vụ nhanh chóng khoanh vùng, truy vết, tiết kiệm chi phí trong công tác phòng chống dịch. Bên cạnh đó, khi áp dụng hệ thống này cho phép người dân khai báo trước thông tin cá nhân, thông tin y tế và cho phép người dân xuất, lưu mã QRcode để cán bộ trực chốt đối chiếu, kiểm tra khi đi qua các chốt kiểm soát. Khi đã có mã QRcode, người dân có thể sử dụng lại mã QRcode trong 72 giờ đồng hồ (kể từ thời điểm khai báo) để tránh phải khai báo lại.

Các tỉnh vùng cao đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong phòng, chống COVID-19 - Ảnh 3.

Nhân viên Bệnh viện Y dược Cổ truyền tỉnh Hà Giang hướng dẫn người nhà bệnh nhân khai báo y tế điện tử.

Yên Bái: Kịp thời triển khai một số phần mềm ứng dụng CNTT trong phòng chống dịch COVID-19

Yên Bái hiện có trên 770 nghìn thuê bao điện thoại, trong đó có trên 480 nghìn điện thoại thông minh, tỉnh phấn đấu hoàn thành cài đặt ứng dụng Bluezone cho trên 50% số thuê bao. Hưởng ứng và thực hiện lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ về việc tuyên truyền người dân cài đặt ứng dụng Bluezone, tỉnh Yên Bái đã có văn bản chỉ đạo về việc tuyên truyền, vận động triển khai tuyên truyền cài đặt ứng dụng này để cảnh báo nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19, giúp bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng và đặc biệt yêu cầu tất cả cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có điện thoại thông minh phải cài đặt ứng dụng xong trước ngày 7/8. Có thể thấy, người dân Yên Bái đã luôn chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, trong đó có việc chủ động cài đặt ứng dụng Bluezone được coi như một loại khẩu trang điện tử để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Đó cũng là một trong nhiều giải pháp để Yên Bái cùng cả nước chung tay chiến thắng đại dịch COVID-19.

Bên cạnh việc tuyên truyền cài đặt ứng dụng kiểm soát dịch bệnh, Sở Y tế tỉnh cũng có những hoạt động quyết liệt nhằm hạn chế tối đa sự bùng phát dịch. Gần đây nhất, Sở Y tế tỉnh Yên Bái có Công văn khẩn 667/SYT-NVY về hướng dẫn triển khai thực hiện khai báo y tế toàn dân và quản lý dữ liệu thông tin khai báo y tế.

Cùng với Sở Y tế, Sở TT&TT Yên Bái cũng kịp thời tham mưu triển khai một số phần mềm ứng dụng CNTT trong công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh. Ngoài Bluezone, Sở đã áp dụng một số  phần mềm với chức năng chuyên dụng  như NCOVI (hệ thống quản lý tờ khai y tế tự nguyện); Vietnam Health Declaration (Tờ khai y tế); COVIDmaps (Bản đồ thông tin dịch tễ COVID-19), hệ thống ghi nhận người đến, đi các địa điểm công cộng thông qua quét mã QR. Ngoài ra, Sở cũng lên kế hoạch triển khai phần mềm quản lý tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 và truyền thông, phần mềm xét nghiệm và truy vết... 

Các tỉnh vùng cao đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong phòng, chống COVID-19 - Ảnh 4.

Sở Thông tin và Truyền thông Yên Bái lập Inforgaphic hướng dẫn người dân sử dụng phần mềm phòng chống dịch COVID-19.

Không chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền cho người dân, lãnh đạo các Sở, ban, ngành của tỉnh cũng thường xuyên tổ chức các cuộc họp trực tuyến trên Hệ thống hội nghị giao ban điện tử đa phương tiện tỉnh từ UBND tỉnh tới UBND cấp huyện, cấp xã mang lại hiệu quả cao trong công tác chỉ đạo điều hành trước diễn biến tạp của dịch bệnh COVID-19. Việc ứng dụng công nghệ thông tin được coi là một trong những giải pháp hữu hiệu để đẩy lùi COVID-19 trên địa bàn tỉnh Yên Bái trong thời gian qua.

Phú Thọ: Triển khai Sổ Sức khỏe điện tử và đăng ký tiêm vaccine trực tuyến

Với mục tiêu tối thiểu 50% số người trên 18 tuổi được tiêm vắc xin trong năm 2021 và đến hết Quý I năm 2022 đạt trên 70% dân số toàn tỉnh sẽ được tiêm vắc xin, tỉnh Phú Thọ đã triển khai Sổ sức khỏe điện tử và đăng ký tiêm vaccine trực tuyến cho toàn bộ người dân từ 18 tuổi trở lên trong địa bàn tỉnh. Theo đó, bất cứ người dân nào từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn tỉnh đều có thể đăng ký tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 trực tuyến thông qua Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 tại địa chỉ https://tiemchungcovid19.gov.vn hoặc ứng dụng "Sổ sức khỏe điện tử" trên điện thoại thông minh. Căn cứ vào số lượng người đăng ký tiêm chủng, Ban Chỉ đạo triển khai Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 của tỉnh có kế hoạch sàng lọc cụ thể từng đối tượng để phân về các địa điểm tiêm chủng cho phù hợp khi đảm bảo được nguồn vắc xin do Bộ Y tế phân bổ.

Để có thể đăng ký tiêm vắc xin COVID-19 trực tuyến thông qua Cổng Thông tin tiêm chủng COVID-19 và ứng dụng "Sổ sức khỏe điện tử", người dân phải cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân, kê khai trên bảng đăng ký. Các thông tin sẽ được chuyển đến các điểm tiêm chủng mà người dân đã đăng ký. Trên cơ sở đó, các điểm tiêm sẽ sàng lọc, đánh giá tính chính xác của thông tin và lập danh sách.

Bà Nguyễn Thị Hạnh - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ, cho biết: Đến thời điểm này, toàn huyện đã có trên 3.600 người thuộc nhóm ưu tiên theo quy định được tiêm vắc xin COVID-19, trong đó hơn 2.500 người được tiêm mũi 1, hơn 1.100 người được tiêm mũi 2. Tuy nhiên, để đảm bảo trên 70% dân số huyện được tiêm vắc xin phòng COVID-19 trong Quý I/2022, việc triển khai thực hiện các bước đăng ký tiêm chủng trên nền tảng đăng ký trực tuyến là rất cần thiết. Qua các nền tảng này giúp cho ngành Y tế chủ động nắm bắt số lượng người đăng ký tiêm, số lượng người đã tiêm, từ đó lập kế hoạch phân bổ số lượng vắc xin cho từng đối tượng, điểm tiêm, thời gian tiêm cụ thể. Đồng thời quản lý chặt chẽ các điểm tiêm chủng, tiến độ tiêm chủng, giúp việc triển khai nhanh chóng, khoa học, an toàn.

Các tỉnh vùng cao đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong phòng, chống COVID-19 - Ảnh 5.

Người dân khu Tân Trào, xã Minh Đài, huyện Tân Sơn tìm hiểu các bước đăng ký tiêm chủng trực tuyến.

Để tạo thuận lợi cho người dân đăng ký tiêm chủng trực tuyến, góp phần đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng trên diện rộng, cùng với phối hợp rà soát, lập danh sách các đối tượng ưu tiên theo đúng chỉ đạo của Bộ Y tế và UBND tỉnh; ngành Y tế đã  chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết, nâng cao năng lực tiêm chủng tại 245 điểm tiêm trên toàn tỉnh, tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho đội ngũ cán bộ các đơn vị trực thuộc triển khai các nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19 trong quản lý danh sách đăng ký tiêm chủng, lập kế hoạch, lịch tiêm chủng…

Các trang thông tin chính thống của tỉnh Phú Thọ thường xuyên đăng tải thông tin hướng dẫn người dân cách cài đặt và sử dụng ứng dụng "Sổ sức khỏe điện tử" trên điện thoại.

Không chỉ dừng lại ở Sổ Y tế điện tử, vừa qua, lãnh đạo tỉnh Phú Thọ đã quyết định áp dụng quy trình khai báo y tế đối với người dân, quy trình kiểm soát y tế đối với cán bộ trực tại các chốt kiểm soát dịch trên địa bàn bằng công nghệ.

Theo đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Sở Y tế, Sở Giao thông vận tải, Công an tỉnh triển khai lắp đặt, thống nhất quy trình đồng bộ hệ thống camera thông minh theo dõi, giám sát tại các chốt kiểm soát dịch trên địa bàn tỉnh. Ông Lê Quang Thắng - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Phú Thọ cho biết: "Trong một thời gian ngắn, Sở đã tích cực chỉ đạo Viễn thông Phú Thọ hoàn thành lắp đặt 62 camera tích hợp trí tuệ nhân tạo cùng các thiết bị phụ trợ tại 21 chốt kiểm soát dịch trên địa bàn".

Với những tính năng vượt trội có khả năng nhận diện khuôn mặt, biển số xe, nhận dạng QRCode định danh cá nhân trên các ứng dụng khai báo y tế, phát hiện đám đông tụ tập, không đeo khẩu trang…, hệ thống sẽ hỗ trợ rất lớn cho lực lượng làm việc tại các chốt. Toàn bộ dữ liệu được hệ thống camera lưu trữ sẽ được truyền về Hệ thống giám sát dịch COVID-19 của tỉnh phục vụ công tác chỉ đạo điều hành, điều tra, truy vết các trường hợp khi cần thiết.

Các tỉnh vùng cao đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong phòng, chống COVID-19 - Ảnh 6.

Cán bộ trực Chốt kiểm soát dịch cầu Việt Trì thực hiện chụp, nhận diện khuôn mặt và mã QR cho người dân qua hệ thống camera thông minh.

Bên cạnh việc lắp đặt hệ thống camera thông minh theo dõi giám sát tại các chốt kiểm soát dịch trên địa bàn, tỉnh Phú Thọ thống nhất sử dụng một phần mềm khai báo y tế của ngành Công an để khai báo y tế, khai báo di chuyển nội địa khi qua các chốt kiểm soát dịch tại địa chỉ https://suckhoe.dancuquocgia.gov.vn.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Các tỉnh vùng cao đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong phòng, chống COVID-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO