Chuyển đổi số

Các xu hướng công nghệ giúp cách mạng hóa ngành bán lẻ

Tuấn Trần 05:23 24/07/2023

Các nhà lãnh đạo CNTT (CIO) trong ngành bán lẻ phải bắt kịp các xu hướng công nghệ mới để phát triển các giải pháp nội bộ sáng tạo, đồng thời mang lại doanh thu và gia tăng giá trị khách hàng.

Có một số ngành dọc như bán lẻ đã trải qua những sự thay đổi lớn trong vài năm qua. Bị thúc đẩy bởi sự cạnh tranh khốc liệt và những thay đổi đáng kể theo mong muốn của người tiêu dùng, các công ty bán lẻ đang cố gắng thích nghi với bối cảnh mới, trong đó CNTT đóng một vai trò quan trọng trong mục tiêu của ngành bán lẻ ngày nay.

anh-man-hinh-2023-07-23-luc-17.24.26.png
CNTT đóng một vai trò quan trọng trong mục tiêu của ngành bán lẻ ngày nay

Để mang đến cho khách hàng trải nghiệm mua sắm dễ tiếp cận, liền mạch và hấp dẫn, các CIO bán lẻ phải đưa ra các chiến lược tập trung vào doanh thu, khai thác công nghệ tiên tiến để giải quyết các nhu cầu hiện tại và tương lai của doanh nghiệp (DN).

Dưới đây là những xu hướng công nghệ mà nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng các CIO ngành bán lẻ nên áp dụng để tạo ra giá trị cho DN và cả khách hàng của họ.

Bán lẻ "không ma sát"

Ngày nay, trải nghiệm của khách hàng là thượng đế. Để đảm bảo trải nghiệm mua sắm phong phú hơn, mượt mà hơn, các CIO ngành bán lẻ phải giảm thiểu bất kỳ trở ngại nào có thể cản trở giao dịch.

Điều đó có nghĩa là cung cấp một kết nối ban đầu liền mạch trực tuyến hoặc tại cửa hàng truyền thống, loại bỏ mọi vấn đề phiền phức liên quan đến việc thêm hàng vào giỏ hàng ảo hoặc vật lý, đồng thời làm cho quy trình thanh toán trở nên trực quan và dễ dàng nhất.

Để đáp ứng nhu cầu này, các CIO ngành bán lẻ hàng đầu đang triển khai các giải pháp công nghệ sáng tạo "không ma sát" để tạo ra trải nghiệm "lấy và đi" không cần xếp hàng. Các giải pháp này tận dụng những tiến bộ mới nhất trong IoT cũng như công nghệ camera và cân để giảm thiểu hoặc thậm chí loại bỏ xung đột, vì chúng có thể theo dõi chính xác các mặt hàng mà khách hàng thêm vào giỏ hàng của mình và lập hóa đơn cho chúng khi họ ra khỏi cửa hàng.

Các thương hiệu như Sam's Club, 7-Eleven, Amazon, Wheelys 247 và Albertsons đã cung cấp trải nghiệm mua sắm không cần làm thủ tục thanh toán cho khách hàng.

Theo nghiên cứu mang tên "Mobile Self-Scanning and Checkout-Free 2022" của RBR London, số lượng cửa hàng tận dụng công nghệ không cần làm thủ tục thanh toán trên toàn thế giới đã tăng gấp 3 lần. Từ 250 cửa hàng vào năm 2021, nghiên cứu dự báo con số này sẽ chạm mốc 12.000 vào năm 2027.

Cùng với sự phát triển trong mua sắm trực tuyến là sự gia tăng đột biến về hành vi trộm cắp danh tính và gian lận thanh toán. Bằng cách triển khai các giải pháp ngăn chặn gian lận, các nhà bán lẻ có thể tránh được các khoản bồi thường. Điều này giúp xây dựng niềm tin của khách hàng và cải thiện hơn nữa hoạt động bán lẻ "không ma sát". Kết quả của hành trình người tiêu dùng sắm nhanh chóng, hiệu quả, trơn tru và gắn kết như vậy sẽ làm gia tăng lượng khách hàng và doanh thu của DN bán lẻ cao hơn.

Bán lẻ thuật toán

Với việc sở thích của khách hàng thay đổi nhanh chóng và cạnh tranh gia tăng, các nhà bán lẻ đang ngày càng chuyển sang sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để giúp họ giải quyết các vấn đề phức tạp và đưa ra quyết định nhanh hơn. Từ các thương hiệu thời trang lớn đến các mặt hàng chủ lực và cửa hàng tạp hóa, mọi nhà bán lẻ đều đang tìm cách áp dụng các thuật toán để cải thiện lợi nhuận, đặc biệt là trong lĩnh vực bán lẻ đa kênh.

Bằng cách áp dụng các thuật toán để dự báo tốt hơn về các biến động và nhu cầu trên thị trường, các nhà bán lẻ sẽ có vị thế tốt hơn để giải quyết một trong những thách thức lớn nhất trong ngành - quản lý hàng tồn kho - bằng cách dự trữ đúng sản phẩm tùy thuộc vào tình hình thị trường.

Chẳng hạn, giải pháp AI Eden của Walmart tận dụng công nghệ máy học (ML) để tối ưu hóa mức độ tồn kho và dự đoán nhu cầu trên các cửa hàng. Điều này đã giúp công ty cắt giảm tới 30% tình trạng hết hàng, đồng thời giảm lãng phí và dự trữ quá mức.

Theo Phó chủ tịch Tiếp thị của Datasembly - Brad LaRock: “Các nhà bán lẻ nên đặt cược vào công nghệ ML và AI để giúp phân tích dữ liệu từ nhiều kênh. Các thuật toán ML có thể giúp các nhà bán lẻ tối ưu hóa việc phân loại, đổi mới, định giá, mức tồn kho và hoạt động của chuỗi cung ứng.”

Bằng cách đưa các thuật toán vào hoạt động dựa trên dữ liệu lớn được thu thập từ nhiều nguồn khác nhau, các nhà bán lẻ có thể dự đoán một cách thông minh những gì khách hàng sẽ mua và theo thứ tự nào.

Ví dụ, các cửa hàng tạp hóa có thể lên kế hoạch dự trữ dựa trên điều kiện thời tiết, mô hình mua hàng của khách hàng và vị trí địa lý. Và bằng cách hiểu rõ hơn về thói quen mua hàng của khách hàng thông qua phân tích thuật toán, họ có thể tối ưu hóa bố cục cửa hàng để cải thiện điều hướng và tăng doanh số bán hàng, chẳng hạn như dự trữ rau tươi trước, tiếp theo là bánh mì và cuối cùng là bia.

Các nhà bán lẻ trực tuyến như Alibaba và Amazon nổi tiếng với việc khai thác thuật toán bán lẻ để cung cấp cho khách hàng các đề xuất theo thời gian thực, dựa trên hoạt động duyệt web của người tiêu dùng.

Bán lẻ nhập vai

Người tiêu dùng ngày nay muốn có một sự hiểu biết đầy đủ về một sản phẩm trước khi mua nó. Mua sắm nhập vai đáp ứng những nhu cầu này bằng cách xây dựng các trải nghiệm tương tác cho khách hàng, từ đó giúp gia tăng cơ hội mua hàng của họ. Hơn nữa, đầu tư nhiều thời gian hơn cho một sản phẩm sẽ làm tăng sự quen thuộc của người tiêu dùng với thương hiệu của bạn.

anh-man-hinh-2023-07-23-luc-16.36.41.png
Gương AR mang lại trải nghiệm mua sắm phong phú và đầy đủ hơn.

Đó là lý do các CIO ngành bán lẻ hàng đầu đang sử dụng các công nghệ như thực tế ảo, thực tế tăng cường (AR) và máy học để cung cấp hình ảnh 3D, phòng trưng bày ảo và gương AR nhằm mang lại trải nghiệm mua sắm phong phú và đầy đủ hơn.

Khi kỳ vọng của người tiêu dùng tăng lên, nhu cầu đã chuyển từ tùy chỉnh sang trải nghiệm mua sắm phong phú hơn. (Họ) tìm kiếm nhiều trải nghiệm ảo hơn... AR đóng vai trò then chốt trong việc biến điều này thành hiện thực”, Subhransu Sahu, nhà phân tích nghiên cứu thị trường tại G2 cho biết.

Hình ảnh 3D thực tế cung cấp ý tưởng hay về cách một sản phẩm sẽ trông như thế nào khi được nhìn từ các góc độ khác nhau. Điều này giúp khách hàng vượt qua nỗi lo lắng rằng sản phẩm thực tế sẽ trông khác với sản phẩm xuất hiện trên trang web.

Các công ty bất động sản và ô tô đang tận dụng các phòng trưng bày ảo, cho phép khách hàng xem căn hộ và ô tô tương ứng một cách thoải mái ngay tại nhà của họ.

Các cửa hàng bán lẻ cung cấp thiết bị đeo như đồng hồ, quần áo, đồ trang sức hoặc đồ trang điểm đang sử dụng gương thực tế tăng cường vì một lượng lớn khách hàng muốn dùng thử các sản phẩm này trước khi mua hàng trực tuyến.

Khi khách hàng tìm kiếm những cách hấp dẫn hơn để mua sắm, môi trường kỹ thuật số, trải nghiệm và nhập vai sẽ trở nên bắt buộc đối với các nhà bán lẻ.

Bài liên quan
  • Ngành bán lẻ và tiêu dùng hưởng lợi nhờ chuyển đổi số
    Theo đại diện Unilever và FPT Retail, đại dịch COVID-19 đã khiến 2 đơn vị này gặp rất nhiều khó khăn để vận hành theo cách truyền thống. Tuy nhiên, nhờ ứng dụng công nghệ để chuyển đổi số, Unilever và FPT Retail đã "hái quả ngọt" khi tăng chất lượng phục vụ, giảm chi phí và làm hài lòng khách hàng hơn.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Các xu hướng công nghệ giúp cách mạng hóa ngành bán lẻ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO