Ngành bán lẻ Việt Nam nhanh chóng bắt nhịp xu hướng chuyển đổi số

P.V| 04/08/2022 15:27
Theo dõi ICTVietnam trên

Với những cơ hội và thách thức đang xuất hiện trên thị trường, để thực hiện chuyển đổi số một cách thành công, ngành bán lẻ Việt Nam phải chuẩn bị các nguồn lực nhằm sẵn sàng giành lấy cơ hội, chủ động bứt phá tăng trưởng trong thời gian tới.

Cơ hội lớn chuyển đổi số trong ngành bán lẻ tại Việt Nam

Ngành bán lẻ Việt Nam có quy mô thị trường 142 tỷ USD, dự báo sẽ tăng lên 350 tỷ USD vào năm 2025, đóng góp 59% vào GDP cả nước, là một trong những ngành quan trọng của nước ta.

Việt Nam hiện có hơn 1 triệu cửa hàng tạp hóa. Trong số này, chỉ có các siêu thị và chuỗi cửa hàng tiện lợi đã ứng dụng công nghệ, còn lại các cửa hàng tạp hóa chiếm hơn 90% số lượng điểm bán lẻ vẫn phải dùng sổ sách ghi chép lại, do đó, tiềm năng để ứng dụng chuyển đổi số của các doanh nghiệp bán lẻ là rất lớn.

Theo nghiên cứu của Visa, có đến 87% số người tiêu dùng Việt Nam được khảo sát hiện đang sử dụng dịch vụ thương mại điện tử và 82% trải nghiệm dịch vụ lần đầu tiên từ khi đại dịch COVID-19 xảy ra. Theo đó, trong số 10 đơn hàng thì có đến gần 6 đơn hàng được giao đến nhà, tăng gấp 20 lần so với thời điểm trước đại dịch. Đa số (77%) người tiêu dùng Việt Nam hiện đã biết đến hoạt động mua sắm trên mạng xã hội.

Từ nhiều năm nay, Việt Nam luôn được đánh giá là một trong các thị trường bán lẻ sôi động và hấp dẫn đầu tư nhất thế giới. Báo cáo "Đề án Tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn 2021 - 2030" của Bộ Công thương vừa công bố cho biết, theo đánh giá của các tổ chức quốc tế như UNIDO, WB, INCENTRA, UN CONTRADE và EU-Vietnam Business Network (EVBN), thì thị trường trong nước hiện nay liên tục được mở rộng, xếp thứ 3 trong khu vực ASEAN (sau Indonesia và Thái Lan) về quy mô bán lẻ và thương mại điện tử. Ngành bán lẻ nội địa đã phát triển mạnh mẽ và tiếp tục duy trì là ngành có tốc độ tăng trưởng cao (trung bình 11,5%/năm) (ngoại trừ năm 2021 do ảnh hưởng của COVID-19 ngành bán buôn, bán lẻ giảm 0,21% so với năm trước).

Sự bùng nổ của xu hướng mua sắm online trong những năm gần đây đã tạo ra một tiền đề rất tốt cho công cuộc chuyển đổi số của ngành bán lẻ. Trong nhịp sống ngày càng bận rộn, khả năng kết nối ngày càng tăng của các thiết bị di động đang đóng vai trò quan trọng trong quyết định mua hàng của người tiêu dùng. Nhu cầu về sự tiện lợi đã làm phát sinh một loạt các sản phẩm đơn giản hóa cuộc sống như các giải pháp bữa ăn chế biến sẵn và những bữa ăn nhanh, các dịch vụ giao hàng tận nhà hoặc văn phòng và các dịch vụ giao hàng theo yêu cầu.

Cùng với đó, ngành bán lẻ Việt Nam sẽ phục hồi nhanh chóng và tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2022. Theo khảo sát của Sapo về triển vọng bán lẻ năm 2022, có 46,7% nhà bán hàng tin tưởng thị trường bán lẻ sẽ phục hồi; 14,5% nhà bán hàng kỳ vọng chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ trong năm mới. Sapo cũng dự báo, trong giai đoạn sắp tới, có hai xu hướng lớn sẽ chi phối ngành bán lẻ tiêu dùng cả nước. Xu hướng thứ nhất chính là chuyển đổi số, đa dạng kênh bán hàng, đẩy mạnh kinh doanh trực tuyến nhằm đáp ứng thói quen mới của người tiêu dùng sau đại dịch.

Ngành bán lẻ Việt Nam nhanh chóng bắt nhịp xu hướng chuyển đổi số  - Ảnh 1.

Ngành bán lẻ Việt Nam có quy mô thị trường 142 tỷ USD, dự báo sẽ tăng lên 350 tỷ USD vào năm 2025, đóng góp 59% vào GDP cả nước.

Cần những định hướng "dài hơi" thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ hơn

Với dân số là gần 100 triệu tính đến thời điểm hiện tại và cơ cấu dân số trẻ, sức mua và sự thích ứng của người tiêu dùng Việt chính là yếu tố thu hút rất mạnh với các doanh nghiệp bán lẻ. Người tiêu dùng đã bắt đầu chọn kênh online để mua sắm, sau khi tìm hiểu, so sánh thông tin sản phẩm trên kênh này.

Theo dữ liệu từ iPrice, Shopee và Lazada là những trang thương mại điện tử hàng đầu tại Việt Nam với lượt truy cập hàng tháng trong quý 3/2021 lên đến 77,8 triệu và 21,4 triệu. Việc đưa các gian hàng lên các trang thương mại điện tử sẽ giúp các công ty bán lẻ và nhà phân phối mở rộng tệp khách hàng và tăng doanh thu bán hàng từ các tệp khách hàng mới này.

Thế nhưng, quá trình chuyển đổi số trong ngành bán lẻ tại Việt Nam không chỉ có các cơ hội, mà còn chứa đựng cả những thách thức, buộc các doanh nghiệp cần phải có các giải pháp phù hợp. Thị trường bán lẻ Việt Nam có tính liên kết rất yếu giữa các lực lượng cùng tham gia. Hơn nữa, sẽ ngày càng có nhiều nhà bán lẻ thương hiệu lớn đến từ các nước khác với sự thay đổi về chất xâm nhập thị trường nước ta. Bên cạnh đó, thói quen của người tiêu dùng dù đang có sự thay đổi nhưng vẫn là thách thức rất lớn ở thị trường Việt Nam. Kết quả nghiên cứu của Lazada chỉ ra những cơ hội khi thói quen mua sắm qua mạng tăng trưởng, nhưng phần nửa số khách hàng vẫn muốn mua hàng ở các chợ, các siêu thị với hình thức trực tiếp và truyền thống. Để thay đổi được điều này không phải là dễ dàng.

Trong điều kiện công nghiệp 4.0 và tác động của dịch bệnh COVID -19, Chính phủ có nhiều chính sách khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số, nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường trong điều kiện mới. Đây là điều kiện thuận lợi giúp các doanh nghiệp trong lĩnh vực bán lẻ có thể thực hiện vấn đề này. Hơn nữa, cùng với phát triển hạ tầng mạng thông tin, tỷ lệ người tiêu dùng sử dụng Internet ngày càng nhiều, trong đó những người dùng Internet để mua hàng trực tuyến càng tăng cao. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực hoạt động bán lẻ đã nắm bắt được xu hướng và sớm thực hiện các hoạt động chuyển đổi số mà trong đó trọng tâm là chuyển đổi mô hình kinh doanh từ truyền thống sang trực tuyến. Những thành công của các doanh nghiệp này cho thấy sự cần thiết thay đổi tư duy, áp dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh.

Thời gian tới các doanh nghiệp cần sớm thay đổi nhận thức và xây dựng chiến lược chuyển đổi số trong tư duy của ban lãnh đạo doanh nghiệp. Chuyển đổi số cần có một nguồn nhân lực có chất lượng cao, được đào tạo bài bản về công nghệ thông tin, đòi hỏi có kiến thức về thị trường, kinh doanh bán lẻ. Các tiêu chí tuyển dụng, kế hoạch phát triển đổi ngũ nhân lực, định hướng từng bộ phận chức năng trong hoạt động nghiệp vụ, như bộ phận tiếp xúc trực tiếp khách hàng, bộ phân dịch vụ, bộ phận giao hàng,… cần được xây dựng bài bản hơn.

Ứng dụng công nghệ số phù hợp cho từng giai đoạn chuyển đổi số và phù hợp với khả năng của doanh nghiệp. Trong mỗi giai đoạn của quá trình chuyển đổi số thì mức độ ứng dụng công nghệ số luôn gắn chặt với từng giai đoạn. Một số công nghệ có thể ứng dụng: sử dụng robot tại các kho hàng, hoạt động bán lẻ, sử dụng chuyển đổi số trong quét mã vạch, thẻ từ RFID, công nghệ nhận dạng,…; thu thập dữ liệu định vị khách hàng; sử dụng IOT có thể cung cấp phân tích chuyên sâu, giúp cải thiện trải nghiệm mua sắm của khách hàng tại cửa hàng.

Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ số, đảm bảo được khả năng kết nối, lưu trữ dữ liệu, bảo mật thông tin của doanh nghiệp cũng như khách hàng. Tập trung đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin vào quy trình bán hàng và dịch vụ sau bán của doanh nghiệp; đảm bảo luôn giám sát vấn đề an ninh mạng để bảo vệ dữ liệu, ứng dụng và trình duyệt nhằm phục vụ vận hành hệ thống và quản lý công nghệ một cách an toàn, hiệu quả.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Ngành bán lẻ Việt Nam nhanh chóng bắt nhịp xu hướng chuyển đổi số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO