Cách mạng toàn dân làm phần mềm - Giải pháp đột phá nguồn nhân lực cho chuyển đổi số quốc gia

.| 01/08/2021 20:05
Theo dõi ICTVietnam trên

Ngày 14/6/2021, Gartner đưa ra dự báo rất đáng chú ý: Do ảnh hưởng đại dịch COVID-19, năm 2024, 80% sản phẩm và dịch vụ công nghệ (số) trên thị trường không phải do chuyên gia công nghệ (số) làm ra.

Cách mạng toàn dân làm phần mềm - Giải pháp đột phá nguồn nhân lực cho chuyển đổi số quốc giaBack to top

Cách mạng toàn dân làm phần mềm

Giải pháp đột phá nguồn nhân lực cho chuyển đổi số quốc gia

Ngày 14/6/2021, Gartner đưa ra dự báo rất đáng chú ý: Do ảnh hưởng đại dịch COVID-19, năm 2024, 80% sản phẩm và dịch vụ công nghệ (số) trên thị trường không phải do chuyên gia công nghệ (số) làm ra. Nguyên nhân là do sự bùng nổ của các nền tảng và công cụ no-code/low-code với sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo (AI) tạo nên đội quân “citizen developer” mới (tạm dịch là “lập trình viên nhân dân”). Xu hướng này sẽ tạo ra cơ hội đột phá nguồn nhân lực cho chuyển đổi số (CĐS) quốc gia nhờ thực hiện cuộc cách mạng toàn dân làm phần mềm.

No-Code/Low-Code sẽ tạo nên đội quân “lập trình viên nhân dân” đông đảo

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn ra phức tạp, lâu dài, CĐS trở thành yêu cầu tất yếu và đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu. Theo khảo sát của McKinsey, 90% tổ chức cho rằng đại dịch làm thay đổi căn bản cách hoạt động của mình theo hướng đáp ứng môi trường làm việc không tiếp xúc…[1].

Áp lực phải làm việc từ xa cần xây dựng thêm rất nhiều ứng dụng số có tính chất “may đo” có thể thay đổi linh hoạt, nhanh chóng. Microsoft dự báo thế giới cần hơn 500 triệu ứng dụng số mới trong 5 năm tới - nhiều hơn tổng số ứng dụng làm ra trong 40 năm qua [2].

“Nỗi đau” lớn của thế giới là lực lượng CNTT (cả nội bộ và thuê ngoài) chỉ đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu CĐS hiện nay [3]. Do đó, năm 2020 đã bùng nổ các nền tảng, công cụ no-code (không cần lập trình/không viết mã lệnh) và low-code (lập trình tối thiểu/ít mã lệnh) để phát triển phần mềm trong thời gian cực nhanh so với cách truyền thống.

Năm 2021, no-code/low-code (viết tắt là NC/LC) được dự báo thuộc nhóm 5 xu hướng công nghệ CĐS hàng đầu trên thế giới, được xem là cuộc cách mạng phát triển phần mềm vì đã “dân chủ hóa” lập trình cho đại chúng.

Nhân lực sử dụng NC/LC làm phần mềm được gọi là “citizen developers” (tạm dịch là “lập trình viên nhân dân”) - những người không cần có kiến thức lập trình (no-code) hoặc chỉ cần biết ở mức cơ bản (low-code). Do đó, số lượng “lập trình viên nhân dân” trong xã hội là rất lớn, có tiềm năng tạo ra đột phá CĐS rất nhanh cho xã hội.

Sự phát triển của NC/LC giúp giải phóng lập trình viên khỏi những công việc lặp lại mang lại giá trị thấp (coder - “thợ lập trình”), tập trung nâng trình độ để làm công việc chuyên môn cao hơn đúng nghĩa là nhà phát triển phần mềm (developer) mang lại giá trị cao.

  Hình 1: “Citizen developer” bắt đầu phổ biến vào khoảng năm 2022 (Gartner) [4]

Tương lai tươi sáng của NC/LC...

Theo Gartner, no-code là thuật ngữ marketing mới xuất hiện từ năm 2014 mặc dù lịch sử phát triển của NC/LC được tính từ năm 1985 khi xuất hiện phần mềm Excel cho phép người dùng xử lý dữ liệu mà không cần viết mã lập trình, sau đó là sự xuất hiện của nhiều công cụ no-code [5]. Mới đây, các “ông lớn công nghệ” như Oracle, Microsoft… cũng đã có nền tảng NC/LC sử dụng mã nguồn mở [6]. Nhờ tích hợp AI, người dùng có thể nhập lệnh bằng ngôn ngữ giao tiếp tự nhiên để NC/LC tự động chuyển thành các câu lệnh của ngôn ngữ lập trình.

Trên nền tảng NC/LC giao diện đồ họa thân thiện (nền tảng lập trình thế hệ thứ 4), người dùng chỉ cần thao tác kéo và thả các khối chức năng cơ bản được lập trình sẵn lắp ghép vào quy trình nghiệp vụ may đo - công việc được ví như trò chơi Lego. Vì vậy, lập trình viên nhân dân còn gọi là người lắp ghép phần mềm (software assembler). Nền tảng NC/LC sẽ tự động sinh mã chương trình phần mềm tương ứng.

Forrester cho rằng [7], low-code có thể tăng tốc độ phát triển phần mềm nhanh gấp 10 lần so với phương pháp truyền thống. Mức độ tự động hóa cao của no-code cho phép tăng tốc độ phát triển phần mềm lên tối đa 100 lần so với phương pháp truyền thống [8].

No-code rất hữu ích cho các công ty, tổ chức nhỏ tự xây dựng các ứng dụng nội bộ. Đối với các startup mà người sáng lập không có kiến thức lập trình có thể tự mình nhanh chóng tạo ra các MVP (Minimum Viable Product - bản dùng thử chức năng tối giản) khác nhau để thử nghiệm và hoàn thiện ý tưởng, xác định thị trường… mà không tốn chi phí thuê lập trình viên chuyên nghiệp ở giai đoạn này.

Gartner dự báo năm 2021 [9], thị trường low-code toàn cầu sẽ tăng 23%; 50% doanh nghiệp (DN) vừa và lớn sẽ coi low-code là một trong các nền tảng (platform) chiến lược của mình vào năm 2023; 65% việc phát triển ứng dụng sẽ thực hiện bằng low-code vào năm 2024. Năm 2030, số lượng lập trình viên nhân dân trong các công ty lớn sẽ nhiều gấp 4 lần số lượng lập trình viên chuyên nghiệp ở các công ty đó [10].

Forrester dự báo [11] thị trường low-code có tốc độ tăng 40%/năm, đạt 21,2 tỷ USD vào năm 2022. MarketsandMarkets [12] dự báo quy mô thị trường low-code (doanh thu bán nền tảng low-code) tăng từ 13,2 tỷ USD năm 2020 lên 45,5 tỷ USD năm 2025.

Thời gianSự phát triển của no-code
12/2021Số lượng phần mềm phát triển mới bằng no-code nhiều hơn số lượng phần mềm phát triển bằng lập trình truyền thống
9/2022No-code phổ biến như sử dụng phần mềm PowerPoint
12/2022Phần mềm phát triển mới bằng no-code trở thành dòng chủ lưu
3/2023Nền tảng no-code có sức mạnh tương đương low-code
6/2025Hầu hết các trường phổ thông và đại học đều có khóa học no-code
6/2027Phần lớn các chính trị gia đều nói về tầm quan trọng của no-code

  Công ty tư vấn Adalo dự báo lộ trình tương lai phát triển của no-code [13] (Bảng 1).

Nhưng NC/LC không phải “cây đũa thần” cho mọi trường hợp

NC/LC đang trong giai đoạn chuyển đổi từ giai đoạn xuất hiện sang giai đoạn phát triển (LC ở giai đoạn đầu phát triển trong khi NC vẫn trong giai đoạn xuất hiện). Sau đây là một số hạn chế hiện nay của NC/LC khi áp dụng thực tế:

- NC/LC chỉ phù hợp các ứng dụng, module hay phân hệ có nghiệp vụ xử lý đơn giản và có thể chuẩn hoá [14]. Ví dụ với nền tảng Power Apps của Microsoft cho thấy: chỉ các ô vuông màu tím áp dụng được low-code, các ô màu xám và đen vẫn áp dụng cách làm phần mềm truyền thống (Hình 2).

  Hình 2: Các ứng dụng (ô tím) có thể áp dụng low-code trên nền tảng Power Apps

- Các nguồn lực và cộng đồng hỗ trợ còn hiếm so với cộng đồng hàng chục triệu lập trình viên chuyên nghiệp, rất nhiều tài liệu và khóa học được xây dựng chuẩn mực.

- Có thể cần sử dụng nhiều nền tảng NC/LC: Thực tế hiện nay cần phối hợp nhiều nền tảng NC/LC khác nhau để hoàn thành sản phẩm phần mềm may đo vì mỗi nền tảng chỉ chuyên biệt một số chức năng nhất định.

- Cần thời gian để học nền tảng NC/LC: NC/LC dễ sử dụng nhưng vẫn cần dành thời gian (từ 1-2 tuần đến 1-2 tháng, tùy loại nền tảng NC/LC, mức độ phức tạp của ứng dụng cần xây dựng) để học các nền tảng NC/LC.

- Cam kết thay đổi: Cần có tầm nhìn và sự cam kết của lãnh đạo đầu tư cho hướng CĐS dựa trên NC/LC; chỉ đạo bộ phận công nghệ thông tin xây dựng mô hình quản trị hợp lý cho NC/LC trong hoạt động CĐS.

Trào lưu phát triển NC/LC ở một số nước

Trung Quốc

Báo cáo đầu năm 2021 của Viện nghiên cứu Haibi và Hiệp hội công nghiệp và Phần mềm Trung Quốc [15] cho thấy ngày càng nhiều DN Trung Quốc lựa chọn các nền tảng NC/LC để xây dựng các ứng dụng số. Mức độ chín muồi về công nghệ các nền tảng NC/LC của Trung Quốc không có chênh lệch lớn so với thị trường quốc tế, chỉ 4,8%.

Quy mô thị trường NC/LC năm 2020 của Trung Quốc đạt 1,9 tỷ nhân dân tệ (NDT) với 426.000 khách hàng, khoảng 1,64 triệu người đang sử dụng các nền tảng/công cụ low-code tự phát triển hoặc mã nguồn mở. Dự báo thị trường đạt 10 tỷ NDT vào năm 2024.

Nguyên nhân chính thúc đẩy sự phát triển của thị trường NC/LC tại Trung Quốc là nhu cầu CĐS của các DN Trung Quốc gia tăng, trong đó có sự tham gia của các nền tảng NC/LC nội địa như Kingdee, Seeyon, Yonyou, Tencent, Baidu, Ali, Zhiyuan Internet, UFIDA, Inspur Tongsoft…

Ấn Độ

Thị trường NC/LC chủ yếu do các công ty công nghệ hàng đầu thế giới như Microsoft, Amazon, Appian, Pega và ServiceNow cung cấp. Một số công ty phần mềm lớn của Ấn Độ như Infosys (tập trung cho ngân hàng), HCL Technologies, Tech Mahindra, Quixy… đang tự xây dựng các nền tảng công nghệ NC/LC.

Việt Nam

Một số công ty chuyên làm gia công phần mềm cho nước ngoài khá quen thuộc với các nền tảng low-code phổ biến trên thế giới. Ngoài ra, có công ty như FPT Software tự phát triển nền tảng low-code riêng của mình là akaDev từ năm 2019, miễn phí cho người dùng cá nhân, DN nhỏ không cần phải thiết lập bộ phận CNTT chuyên nghiệp mà vẫn có thể tự làm ra các ứng dụng đáp ứng nhu cầu CĐS của mình. Ngoài đào tạo tại DN, đã xuất hiện khóa đào tạo no-code trên thị trường nhưng giá còn cao [16].

Việt Nam nên làm gì?

Như vậy, NC/LC giải quyết được “nỗi đau” lớn của ngành công nghiệp phần mềm là thiếu trầm trọng số lượng lập trình viên và bổ sung bằng đội quân “lập trình viên nhân dân” đông đảo có sẵn ở mọi DN, tổ chức. Mới đây, đặc phái viên của WHO về COVID-19 đã cảnh báo, COVID-19 sẽ mãi mãi là mối đe dọa do virus liên tục biến đổi. Do đó, mặc dù còn đang ở giai đoạn đầu phát triển, NC/LC chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong vài năm tới.

Tương tự thế giới, Việt Nam cũng đang có “nỗi đau” lớn là số lượng và chất lượng lập trình viên không đủ đáp ứng nhu cầu [17]. NC/LC có tiềm năng là giải pháp đột phá cho “nỗi đau” thiếu lập trình viên đáp ứng nhu cầu CĐS nhanh của xã hội, đồng thời đạt mục tiêu kép về nhân lực: vừa tạo cơ hội việc làm mới cho người lao động (nhân lực chuyên ngành dọc và nhân lực đang thiếu việc làm do hậu quả dịch COVID-19) vừa nâng tầm lập trình viên làm sản phẩm, dịch vụ giá trị cao. Các công ty phần mềm lớn ở Việt Nam có đủ khả năng tự xây dựng các nền tảng NC/LC phục vụ DN, tổ chức đẩy nhanh CĐS.

Mặc dù các nước chưa ban hành chính sách thúc đẩy phát triển NC/LC, tuy nhiên, với vai trò tiên phong dẫn dắt thúc đẩy CĐS quốc gia, Bộ TT&TT sẽ tập hợp các chuyên gia tập trung nghiên cứu, thử nghiệm NC/LC trong phạm vi giới hạn. Từ đó sẽ rút kinh nghiệm, nhân rộng để tiềm năng của NC/LC thực sự được giải phóng, trở thành một giải pháp đột phá thực hiện cuộc cách mạng toàn dân làm phần mềm đẩy nhanh quá trình CĐS ở Việt Nam trong bối cảnh chung sống kéo dài với dịch COVID-19.

Tài liệu tham khảo

[1]. Innovation in a crisis: Why it is more critical than ever

[2]. Microsoft: Over 500 million new apps likely in 5 years

[3]. Năm 2019, toàn thế giới có khoảng 24 triệu lập trình viên, chiếm chưa đến 1% lực lượng lao động 3,3 tỷ người. Theo IDC, sự thiếu hụt này gây thiệt hại toàn cầu khoảng 390 tỷ USD/năm.

[4]. 6 Trends on the Gartner Hype Cycle for the Digital Workplace, 2020

[5]. Làm website (VD: WordPress, 2003), làm form (VD: Formstack, 2006), làm platform thương mại điện tử (VD: Shopify, 2006), làm ứng dụng web (VD: Bubble, 2012), làm ứng dụng trên di động (VD: Webflow, 2013).

[6]. Microsoft Power Platform: phân tích dữ liệu, phát triển ứng dụng, tự động hóa quy trình, trợ lý ảo

[7]. Predictions for the future of IT in 2021

[8]. Một số điển hình: Nhà mạng Vodafone (Anh) đã dùng nền tảng low-code để bổ sung tính năng và công nghệ mới nâng cao trải nghiệm khách hàng nhanh hơn gấp 3-4 lần/năm. Công ty bảo hiểm Univé (Hà Lan) sử dụng nền tảng no-code phát triển ứng dụng mới từ 12 tháng xuống còn dưới 3 tháng. Schneider Electric xây dựng 60 ứng dụng trong 20 tháng, trong đó hầu hết được triển khai chi trong 10 tuần. Ricoh thay thế hệ thống hiện có bằng nền tảng low-code giúp công ty tăng 253% ROI và hoàn vốn chỉ trong 7 tháng.

[9]. Low-code platforms deliver high rewards

[10]. Hiện nay 41% nhân viên không thuộc bộ phận CNTT đang tham gia vào việc xây dựng hoặc điều chỉnh các giải pháp công nghệ theo hướng “may đo” cho DN, tổ chức của mình. Đến cuối năm 2021, hầu hết các tổ chức lớn toàn cầu sẽ áp dụng các công cụ low-code. Đến cuối năm 2025, 3/4 các DN lớn sẽ sử dụng NC/LC, trong đó mỗi DN sử dụng tối thiểu 4 công cụ NC/LC dành cho cả bộ phận CNTT chuyên nghiệp và các lập trình viên nhân dân của mình (nhân viên nội bộ).

[11]. Is Low-Code No-Code the Future of Software Development?

[12]. Low-Code Development Platform Market worth $45.5 billion by 2025

[13]. The Future is No Code

[14] Ví dụ như các nghiệp vụ CRUD (Create Request/Read Update Delete) dữ liệu, các module, chức năng tổng hợp, xử lý chung tổng quát, hay đóng gói được.

[15]. China’s low-code and no-code development market report 2021

[16]. VD: Khóa học lập trình No-code (9 buổi học/2 tháng, tổng học phí: 8,8 triệu đồng). Nếu có thể cung cấp nền tảng học miễn phí hoặc giá thấp sẽ phổ cập nhanh NC/LC.

[17]. Báo cáo của TopDev về nhân lực CNTT Việt Nam: Năm 2020, Việt Nam thiếu khoảng 100.000 nhân lực CNTT (nhu cầu cần khoảng 400.000). Năm 2021, nhu cầu cần khoảng 500.000 nhân lực CNTT. Sách trắng CNTT-TT năm 2020: số lượng nhân lực công nghiệp phần mềm năm 2019 của Việt Nam chỉ 143.149 người.

PGS. TS. Trần Minh Tuấn - Phó Viện trưởng phụ trách, Lê Duy Tiến

Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông

Xuất bản: Tháng 8/2021


Chia sẻ bài viết này

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Cách mạng toàn dân làm phần mềm - Giải pháp đột phá nguồn nhân lực cho chuyển đổi số quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO