Cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh để xây dựng Chính phủ hành động

Xuân Tuấn| 14/05/2020 10:14
Theo dõi ICTVietnam trên

Theo Văn phòng Chính phủ (VPCP) đến nay, công tác cải cách hành chính (CCHC), cải thiện môi trường kinh doanh gắn kết với xây dựng Chính phủ điện tử (CPĐT) đã có những kết quả tích cực trên tất cả các mặt.

Theo đó, công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC), cải thiện môi trường kinh doanh gắn kết với xây dựng CPĐT do VPCP chủ trì cùng với các Bộ, ngành thực hiện đã đạt được một số kết quả tích cực, có nhiều bước tiến quan trọng.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC, cải thiện môi trường kinh doanh và cung cấp dịch vụ công trực tuyến

Tính từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV đến nay, Chính phủ đã cắt giảm, đơn giản hóa 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh, 6.776/9.926 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành và 30/120 thủ tục hành chính (TTHC) liên quan đến kiểm tra chuyên ngành.

Cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh để xây dựng Chính phủ hành động - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với DN diễn ra ngày 9/5.

Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được từ việc cắt giảm, đơn giản hóa ước tính khoảng hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm.

Hoạt động kiểm tra chuyên ngành có chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức theo hướng toàn diện, thực chất hơn. Nhiều bộ, cơ quan đã ban hành văn bản quy phạm pháp luật để phân định đầu mối kiểm tra chuyên ngành, giảm chồng chéo về thẩm quyền. Trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng, các bộ ngành đã có phương án xử lý 1.501 mặt hàng có chồng chéo về thẩm quyền.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới năm 2018, chi phí thông quan trực tiếp tại cửa khẩu cho 1 lô hàng giảm 19 USD; ước tính với 12 triệu tờ khai của năm 2018, doanh nghiệp (DN) tiết kiệm được trên 200 triệu USD, tương đương hơn 4.000 tỷ đồng thủ tục thông quan; tiết kiệm 17 triệu giờ lưu kho đối với 5,8 triệu tờ khai xuất khẩu, tiết kiệm 37 triệu giờ lưu kho đối với 6,2 triệu tờ khai nhập khẩu. Hiện nay, riêng hàng luồng xanh, thời gian thông quan chỉ còn 1-3 giây, tỷ lệ lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành chỉ còn 19,1%.

Cũng theo VPCP, tới đây, Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện thủ tục hải quan điện tử phù hợp chuẩn mực quốc tế và cải cách kiểm tra chuyên ngành theo hướng cơ quan Hải quan là đầu mối kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu, bộ quản lý chuyên ngành thực hiện hậu kiệm.

Phát huy tinh thần chính phủ kiến tạo, chính phủ phục vụ, Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh công cuộc cải cách TTHC, cải thiện môi trường kinh doanh và cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVC TT).

Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ triển khai nhiều chương trình cải cách mới với một loạt nhiệm vụ, giải pháp mới. Tiêu biểu như thông qua Nghị quyết về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025 nhằm thúc đẩy cải cách TTHC, cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm gánh nặng hành chính cho người dân, DN khi tham gia hoạt động kinh doanh.

Cổng DVCQG hiện đã cung cấp chức năng thanh toán trực tuyến

Tính đến ngày 07/5/2020, Cổng Dịch vụ công Quốc gia (DVCQG) đã có trên 35 triệu lượt truy cập: Trên 134.000 tài khoản đăng ký; trên 7 triệu hồ sơ được đồng bộ trạng thái; trên 55.000 hồ sơ được thực hiện qua Cổng DVCQG; tiếp nhận, hỗ trợ trên 10.000 cuộc gọi của người dân, DN. Từ 8 nhóm DVC được cung cấp ở thời điểm khai trương, đến nay trên Cổng DVCQG đã tích hợp, cung cấp 389 DVC trực tuyến (160 cho công dân, 229 cho DN).

Cổng DVCQG hiện đã cung cấp chức năng thanh toán trực tuyến, trong đó cho phép người dân, DN kê khai, nộp thuế điện tử, đề nghị gia hạn thuế, nộp phí, lệ phí, các nghĩa vụ tài chính khi giải quyết TTHC và các DVC khác.

Cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh để xây dựng Chính phủ hành động - Ảnh 2.

Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng trải nghiệm Cổng DVCQG.

Để hỗ trợ người dân, DN gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, VPCP đã phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng phương án kỹ thuật cung cấp 6 DVC trên Cổng DVCQG gồm: Hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; Hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động; Kê khai gia hạn nộp thuế doanh nghiệp; Kê khai gia hạn nộp thuế cá nhân; Tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí tử tuất; Tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị trong thực hiện hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid.

Các DVC này trên Cổng DVCQG sẽ hỗ trợ cho 4 triệu đối tượng người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid 19, rút ngắn thời gian thực hiện từ 6 đến 10 ngày làm việc với từng đối tượng so với cách triển khai trực tiếp.

Đẩy mạnh thực hiện TTHC trên môi trường điện tử

Theo VPCP, để thúc đẩy việc thực hiện TTHC trên môi trường điện tử, ngày 8/4/2020 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 45/2020/NĐ-CP về thực hiện TTHC trên môi trường điện tử.

Nghị định này giúp tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất cho việc thực hiện TTHC trực tuyến trên môi trường điện tử, từ vấn đề xác thực, định danh cá nhân đến quy trình thực hiện, thanh toán trực tuyến, giá trị pháp lý của hồ sơ điện tử, trách nhiệm của các cơ quan trong xây dựng, kiểm soát chất lượng thực hiện TTHC trên môi trường điện tử... để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công dân, tổ chức trong giao dịch trực tuyến với các chi phí xã hội thấp nhất, từng bước nâng cao tỷ lệ giao dịch trực tuyến trong các cơ quan hành chính nhà nước.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, Chính phủ sẽ dành ưu tiên triển khai thực hiện Nghị định này để sớm đem lại lợi ích cho người dân, DN. Kế hoạch thực hiện TTHC trên môi trường điện tử của các bộ, ngành và địa phương sẽ được giám sát, đánh giá thường xuyên để Nghị định được thi hành nhanh chóng và hiệu quả.

Trên cơ sở đánh giá tình hình thực hiện và đề xuất, kiến nghị của người dân, DN Chính phủ sẽ có chỉ đạo cụ thể về các ưu tiên thực hiện TTHC trên môi trường điện tử trong từng thời kỳ.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh để xây dựng Chính phủ hành động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO