Truyền thông

Cần các giải pháp tổng thể để tăng khả năng hấp thụ vốn của người dân, doanh nghiệp

XT 11:16 08/09/2023

Để giải quyết bài toán nâng cao hiệu quả tiếp cận tín dụng của người dân và doanh nghiệp, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, Chính phủ cũng như Ngân hàng Nhà nước có nhiều giải pháp chỉ đạo sâu sát, kịp thời nhằm bảo đảm kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, công tác điều hành chính sách tiền tệ....

Việc triển khai các giải pháp để tăng khả năng hấp thụ vốn của người dân, doanh nghiệp là rất cần thiết

Thời gian qua, nhằm nâng cao hiệu khả năng tiếp cận vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp, tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, Chính phủ cũng như Ngân hàng Nhà nước có nhiều giải pháp chỉ đạo sâu sát, kịp thời nhằm bảo đảm kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, công tác điều hành chính sách tiền tệ … để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, phát triển kinh tế. Tuy nhiên, khả năng tiếp cận vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn hạn chế.

Báo cáo tại cuộc họp về giải pháp nâng cao hiệu quả tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp mới đây, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cho rằng: Chưa bao giờ công tác điều hành chính sách tiền tệ khó khăn như bây giờ. Cũng giống như các doanh nghiệp bị tồn kho hàng hóa, các ngân hàng thương mại cũng đang tồn kho tiền.

“Dù Ngân hàng Nhà nước cùng với toàn hệ thống tín dụng liên tục tổ chức các hội nghị nhằm đẩy kết nối ngân hàng với doanh nghiệp trên toàn quốc, để lắng nghe ý kiến, rà soát, hoàn thiện thể chế pháp luật trong hoạt động cấp tín dụng; thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận tín dụng trong lĩnh vực bất động sản, các mặt hàng nông sản chủ lực (lúa gạo, thủy sản, cà phê); ban hành chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ; triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất; giảm lãi suất cho vay, đẩy mạnh công tác truyền thông… nhưng việc cung cấp tín dụng cho nền kinh tế vẫn khó khăn, bởi doanh nghiệp không hấp thụ được vốn”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đến ngày 29/8/2023, tín dụng nền kinh tế đạt khoảng 12,56 triệu tỷ đồng, tăng 5,33% so với cuối năm 2022 (cùng kỳ năm 2022 tăng 9,87%).

Trong 3 năm gần đây, tín dụng toàn hệ thống tăng thêm bình quân khoảng 1 triệu tỷ đồng/năm. Thực tế doanh số cấp tín dụng của hệ thống ngân hàng ra nền kinh tế trong năm lớn hơn rất nhiều lần. Cụ thể, năm 2021 là 17,4 triệu tỷ đồng; năm 2022 là 19,7 triệu tỷ đồng; 6 tháng đầu năm 2023 gần 10,2 triệu tỷ đồng.

Theo Ngân hàng Nhà nước, mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống vẫn thấp so với cùng kỳ các năm trước, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ các yếu tố khách quan như: Do tác động của đầu tư, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng; một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa; tác động từ khả năng hấp thụ vốn của nhóm bất động sản;… Bên cạnh đó, việc triển khai một số chương trình tín dụng (gói 120.000 tỷ đồng; chương trình hỗ trợ lãi suất) cũng gặp khó khăn, vướng mắc.

Ngân hàng Nhà nước cho rằng, trong bối cảnh thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng dư thừa và còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng tín dụng, việc triển khai các giải pháp để tăng khả năng hấp thụ vốn của người dân, doanh nghiệp là rất cần thiết để tổ chức tín dụng có điều kiện cung ứng vốn, mở rộng tín dụng đối với nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng.

Theo đó, để nâng cao hiệu quả tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, tăng khả năng tiếp cận vốn của nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước đề xuất 4 nhóm giải pháp gồm: Nhóm giải pháp kích cầu đầu tư, tiêu dùng, thúc đẩy các động lực tăng trưởng kinh tế; Nhóm giải pháp phát triển các loại thị trường (trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản); Nhóm giải pháp nâng cao năng lực, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp; Nhóm giải pháp về tiền tệ, tín dụng, lãi suất.

dsc_5186.jpg
Trong bối cảnh thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng dư thừa và còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng tín dụng, việc triển khai các giải pháp để tăng khả năng hấp thụ vốn của người dân, doanh nghiệp là rất cần thiết.

Cần có các giải pháp mang tính tổng thể

Các chuyên gia cho rằng, thời gian qua Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước trong điều hành kinh tế nói chung và điều hành chính sách tiền tệ nói riêng nhằm tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn chung của tổng cầu hiện nay, khả năng hấp thụ vốn thấp nên việc triển khai giải ngân tín dụng chưa được như kỳ vọng. Do đó, bên cạnh các giải pháp về tiền tệ, cần có các giải pháp mang tính tổng thể, khôi phục niềm tin của thị trường.

TS. Võ Trí Thành cho rằng, để giải quyết bài toán nâng cao hiệu quả tiếp cận tín dụng của người dân, doanh nghiệp, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, cần phải có cách nhìn và giải pháp tổng thể cả trong hệ thống kinh tế cũng như trong hệ thống ngân hàng.

Từ tổng thể chung của nền kinh tế, cần có sự kết hợp hài hòa, hiệu quả giữa các chính sách tài chính với chính sách tiền tệ, nhất là trong bối cảnh hiện nay, dư địa để điều hành chính sách tiền tệ không còn nhiều (chủ yếu liên quan đến lãi suất), cần nghiên cứu các giải pháp phù hợp, hiệu quả để đẩy mạnh chính sách tài khóa.

Đối với tín dụng, cần phân biệt rành mạch khả năng về chính sách của Ngân hàng Nhà nước và hoạt động của các ngân hàng thương mại. Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ khôn khéo, gắn với bảo đảm an toàn hệ thống tín dụng. Các ngân hàng thương mại cần hoạt động tuân theo pháp luật và quy luật của thị trường.

Bên cạnh đó, cần tính toán, đánh giá kỹ lưỡng để hướng dòng vốn vào những khu vực có khả năng phục hồi và phát triển, dẫn dắt nền kinh tế, đi đôi với các giải pháp kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy xuất khẩu, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh,…

PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh, chưa bao giờ Chính phủ, các cấp, các ngành điều hành quyết liệt như thời gian vừa qua, nhưng kết quả chưa như mong đợi. Trong bối cảnh đó, cần phải phân tích kỹ các nguyên nhân từ bên trong bộ máy hành chính cũng như cấu trúc của hệ thống doanh nghiệp Việt Nam để nhận diện đúng và có biện pháp xoay chuyển. Vấn đề khó nhất đối với doanh nghiệp hiện nay là vấn đề thị trường, cho nên phải mở được các thị trường cho doanh nghiệp, "thị trường tắc thì không lĩnh vực nào thông được".

Đối với việc điều hành tín dụng trong trạng thái bất thường, phải có những giải pháp khác thường. Đây cũng là cơ hội để các ngân hàng can đảm lên, tiếp cận doanh nghiệp bằng xu hướng, tiềm năng tương lai… Ví dụ hỗ trợ tín dụng doanh nghiệp phát triển kinh tế số, chuyển đổi xanh, năng lượng tái tạo.

“Trong giai đoạn hiện nay nên tính toán tiếp tục đẩy mạnh các chính sách tài khóa ngân sách để hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ nền kinh tế đảm bảo đủ mức, đủ độ”, PGS.TS Trần Đình Thiên đề xuất.

Bài liên quan
  • Đưa Đồng bằng sông Hồng trở thành vùng phát triển nhanh, bền vững
    Vùng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) được định hướng trở thành vùng phát triển nhanh, bền vững; công nghiệp, dịch vụ hiện đại và nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, xanh, tuần hoàn có giá trị kinh tế cao; đi đầu về phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Cần các giải pháp tổng thể để tăng khả năng hấp thụ vốn của người dân, doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO