Cần có tổ chuyên gia tư vấn chính sách và công nghệ lĩnh vực ATTT
An toàn thông tin (ATTT) mạng đã nhận được sự quan tâm lớn trong xã hội, đặc biệt trong kỷ nguyên số với sự phát triển quá nhanh của công nghệ, Internet như hiện nay. Một chiến lược cụ thể và định hướng giải pháp cho ATTT là điều cần phải thực hiện càng sớm càng tốt.
Khi con người ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào Internet, dẫn đến các mối đe doạ nghiêm trọng về ATTT, không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân người dùng, mà việc này còn có mức độ phạm vi mang tính toàn cầu, là thách thức đối với mỗi quốc gia, tổ chức và doanh nghiệp (DN).
Ông Nguyễn Thành An, Cục ATTT - Bộ TT&TT mới đây cho biết tại Việt Nam, Luật ATTT mạng được ban hành năm 2015 đã thể chế hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, bên cạnh đó là các chính sách nhằm phát triển hệ thống ATTT mạng.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Thành An cho biết tình hình an ninh, ATTT ở Việt Nam đã và đang có nhiều diễn biến phức tạp hơn. Công nghệ phát triển đồng nghĩa các hành vi tấn công mạng sẽ ngày càng tinh vi hơn. Bởi vậy, Việt Nam cần có chiến lược nghiên cứu và phân tích xu hướng ATTT mạng cụ thể.
Chiến lược và định hướng ATTT mạng cho người dùng kỷ nguyên số
Theo Cục ATTT, Chiến lược An toàn, An ninh mạng quốc gia, chủ động ứng phó với các thách thức từ không gian mạng tới năm 2025, tầm nhìn tới năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 964/QĐ-TTg ngày 10/8/2023 sẽ tập trung triển khai với những điểm nhấn: bảo vệ người dân trên không gian mạng và tạo lập, khai thác dữ liệu số an toàn phục vụ chính phủ số, công dân số.
Theo đó, để bảo vệ người dân trên nền tảng số, ngày 24/11/2022, Liên minh tuyên truyền nâng cao nhận thức, kỹ năng bảo đảm ATTT cho người dân trên không gian mạng có sự tham gia của Cục ATTT, Hiệp hội ATTT (VNISA) và 08 DN gồm Tập đoàn VNPT, Tập đoàn Viettel, Tổng công ty Viễn thông MobiFone, TikTok, VNG, Cốc Cốc, BKAV, CMC dưới bảo trợ của Bộ TT&TT đã ra mắt với mục tiêu tuyên truyền “mở rộng”, “thường xuyên”, “dễ hiểu”, “ấn tượng” để nâng cao nhận thức và kỹ năng ATTT cho các tổ chức, người dân.
“Từ khi được thành lập cho đến nay, Liên minh vẫn luôn thực hiện các hành động tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức cũng như kiến thức nền tảng số”, ông Nguyễn Thành An cho hay.
Bên cạnh đó, Cục ATTT nhận định năm 2023 là năm tạo lập, khai thác dữ liệu số phục vụ trọng tâm số hóa, xây dựng, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ban, ngành, vậy nên cần triển khai mạnh mẽ các nền tảng ứng dụng chuyển đổi số (CĐS). Một trong những nền tảng số thành công có thể nói đến dịch vụ hành chính công trực tuyến, được các tỉnh, thành phố trên cả nước nghiêm túc thực hiện.
Đồng thời, Cục ATTT chủ động thúc đẩy chuyên gia, nghiên cứu, phát triển, tự chủ về công nghệ, sản phẩm, dịch vụ an toàn, an ninh mạng Việt Nam. Đây là giải pháp căn cơ bảo đảm an toàn an ninh mạng quốc gia. Bên cạnh đó, việc này cũng góp phát triển thị trường, DN, năng lực cạnh tranh về an toàn, an ninh mạng, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có năng lực cao về bảo đảm an toàn, an ninh mạng.
CĐS là xu thế, đã và đang được đẩy mạnh trên phạm vi toàn cầu. Việt Nam không nằm ngoài xu thế này. Nếu đơn vị nào không CĐS nhanh, mạnh, toàn diện, hiệu quả thì sẽ bị tụt hậu.
Bởi vậy, ông Nguyễn Thành An cho rằng: “Việc CĐS, bảo đảm ATTT mạng cần phải mở rộng phạm vi hợp tác, học hỏi. Một trong các chính sách của Nhà nước về ứng dụng và phát triển CNTT là tăng cường giao lưu và hợp tác quốc tế; khuyến khích hợp tác với tổ chức, cá nhân Việt Nam ở nước ngoài trong lĩnh vực CNTT”.
“Chủ động hội nhập quốc tế trong lĩnh vực an toàn, an ninh mạng trên tinh thần làm bạn, đối tác tin cậy, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, tôn trọng chủ quyền quốc gia trên không gian mạng của các nước khác, tuân thủ luật pháp quốc tế và các hiệp ước đa phương, song phương mà Việt Nam tham gia”, ông Nguyễn Thành An nhấn mạnh.
Trong năm 2023, Việt Nam đã có những buổi làm việc và hợp tác cùng các nước như Australia, Nhật Bản về CĐS và ATTT mạng. Gần đây nhất, hướng đến kỷ niệm 50 năm hợp tác hữu nghị ASEAN - Nhật Bản, VNISA đã phối hợp với Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản và Cơ quan ATTT Nhật Bản tổ chức hội thảo với mong muốn là cầu nối giữa các tổ chức Việt Nam – Nhật Bản, đề xuất những hoạt động hợp tác thiết thực, hiệu quả trong lĩnh vực ATTT.
Hướng phát triển ATTT mạng tại Việt Nam
Theo ông Nguyễn Thành An, để có thêm kinh nghiệm phát triển mạnh mẽ ATTT mạng, Việt Nam cần tham gia vào các tổ chức, diễn đàn quốc tế và khu vực. Đặc biệt cần phối hợp với các quốc gia có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam; Tăng cường hợp tác song phương với các quốc gia trên thế giới về an toàn, an ninh mạng.
Bộ TT&TT phối hợp tổ chức hội thảo, hội nghị và diễn đàn quốc tế về ATTT mạng cho các bộ, ban, ngành, DN trong nước. Đồng thời kết nối chuyên gia ATTT mạng tại Việt Nam và nước ngoài để tăng cường chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm phát triển mạng lưới chuyên gia ATTT Việt Nam.
Bên cạnh đó, các DN cần nắm bắt cơ hội xúc tiến thương mại, tổ chức triển lãm, hội chợ trong nước, hỗ trợ các DN khác tham gia hội chợ quảng bá quốc tế, mục tiêu đưa dịch vụ ATTTM của Việt Nam đến với bạn bè thế giới.
Theo ông Nguyễn Thành An, các DN ATTT mạng trong nước cần phối hợp với VNISA để đánh giá sản phẩm ATTT của các DN theo các tiêu chí phù hợp. Bên cạnh đó, các cuộc diễn tập, cuộc thi ATTT, kết nối chuyên gia trong và ngoài nước về lĩnh vực hoạch định chính sách, nghiên cứu phát triển kinh doanh cho DN dịch vụ ATTT mạng, kết nối DN Việt Nam với các DN quốc tế về sản phẩm ATTT mạng cần được tổ chức thường xuyên.
Với mục tiêu tăng cường kết nối các chuyên gia giỏi ATTT trong và ngoài nước hỗ trợ công tác tham mưu, quản lý nhà nước của Bộ TT&TT, Bộ TT&TT nghiên cứu xem xét thành lập tổ chuyên gia tư vấn chính sách và công nghệ lĩnh vực ATTT, vừa tư vấn, đóng góp ý kiến cho các kế hoạch ATTT mạng, vừa là cầu nối Việt Nam vươn ra cùng bạn bè thế giới.
Mục tiêu của tổ là tăng cường kết nối các chuyên gia giỏi về ATTT trong nước và ngoài nước hỗ trợ công tác tham mưu, quản lý nhà nước của Bộ TT&TT, tư vấn giải pháp giải quyết thực tiễn an toàn, an ninh mạng trong nước; thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn chất xám phục vụ phát triển đất nước nói chung và ngành ATTT nói riêng.
Thành viên của tổ là các chuyên gia ATTT trong nước và ngoài nước làm việc trong lĩnh vực hoạch định chính sách, công nghệ, nghiên cứu và phát triển, kinh doanh...
Hoạt động dự kiến của tổ là tư vấn, đóng góp ý kiến, phản biện các chính sách, quy định, chiến lược, chương trình, kế hoạch về an toàn, an ninh mạng do Bộ TT&TT xây dựng; Kết nối đưa sản phẩm, dịch vụ ATTT Việt Nam ra thị trường quốc tế; tham gia chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại do Bộ TT&TT thực hiện; Tư vấn, đào tạo, hướng dẫn, đầu tư phát triển ngành công nghiệp ATTT, DN khởi nghiệp ATTT Việt Nam
Trong tương lai gần, xu hướng phát triển công nghệ thông tin - truyền thông chung của Việt Nam được quan tâm là: điện toán đám mây, nền tảng truyền thông 5G và các nền tảng thông tin số. Trong khi những nước phát triển trên thế giới đã đi sát tới 6G với các tính năng vượt trội xa so với 5G như siêu tin cậy, độ trễ thấp, kết nối mọi nơi, giao tiếp quy mô lớn,… thì Việt Nam mới đang phát triển đến 5G.
Theo đó, ông Nguyễn Thành An cho biết cần thúc đẩy CĐS, kinh tế số phát triển mạnh, theo đó, ATTT mạng cũng được đẩy mạnh và nâng cao./.