Cần tập trung phát triển sản phẩm quốc gia có thế mạnh như nông nghiệp, chế tạo, CNTT

Lan Phương| 15/05/2019 14:59
Theo dõi ICTVietnam trên

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có những chỉ đạo quan trọng tại Hội nghị quốc tế “Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Một trụ cột cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam” diễn ra sáng 15/5/2019, tại Hà Nội.

Hội nghị do Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) phối hợp với Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc và Liên minh Đổi mới sáng tạo Phát triển quốc tế (IDIA) tổ chức. Các Bộ trưởng Bộ KHCN Chu Ngọc Anh, Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Thương mại Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, đại diện các tổ chức trong nước và quốc tế, các doanh nghiệp (DN) đã tham dự.

Cần tập trung phát triển sản phẩm quốc gia có thế mạnh như nông nghiệp, chế tạo, CNTT - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu

Sau khi dành hơn 3 tiếng lắng nghe các ý kiến từ đại diện của các tổ chức quốc tế, Thủ tướng cho biết: Trên hành tinh này thứ tài nguyên càng khai thác sẽ càng nảy nở chính là chất xám, là sự sáng tạo. “Tôi nhớ một khẩu hiệu của một tập đoàn kinh tế hàng đầu Hàn Quốc nêu rằng: “Tài nguyên là luôn có hạn, còn sự sáng tạo của con người là vô hạn”.

Theo Thủ tướng, các mô hình tăng trưởng tân cổ điển nhấn mạnh vai trò của tích lũy vốn và lao động đối với tăng trưởng. Trong các thời kỳ trước đây, con người chủ yếu khai thác các tài nguyên tự nhiên để tạo ra tăng trưởng và phục vụ cho con người.

Tuy nhiên, tài nguyên tự nhiên luôn có giới hạn và nhân loại đang đứng trước sự khan hiếm tài nguyên nghiêm trọng. Nếu chúng ta vẫn trông chờ vào thứ tài nguyên hữu hạn đó thì tăng trưởng sẽ sớm cạn kiệt, tăng trưởng sẽ đạt trạng thái dừng.

Thủ tướng dẫn chứng mô hình tăng trưởng nội sinh (được trao giải Nobel Kinh tế năm 2018) chứng minh rằng công nghệ là yếu tố nội sinh quan trọng của tăng trưởng. Chính công nghệ mới cùng với nguồn nhân lực phù hợp (có khả năng sử dụng, kiểm soát và sáng tạo công nghệ mới) là yếu tố quyết định cho tăng trưởng trong dài hạn, là chìa khóa để chúng ta đột phá vượt qua trạng thái dừng, thoát bẫy thu nhập trung bình.

Thực tiễn đã cho thấy nhiều nước giàu tài nguyên, nhưng không thể tăng trưởng nhanh và bền vững, ngược lại có nước rất ít tài nguyên nhưng vẫn đạt được tăng trưởng kinh tế cao. Vậy bí quyết là cái gì? Thủ tướng nêu rõ, yếu tố quan trọng tạo nên sự khác biệt chính là con người và công nghệ.

Sự sáng tạo của con người là vốn quý giá nhất

Nếu như tài nguyên tự nhiên càng khai thác càng cạn kiệt thì tài nguyên sáng tạo của con người càng khai thác sẽ càng sinh sôi, nảy nở. Trong DN hay bất kỳ tổ chức nào, không phải máy móc thiết bị, không phải nguyên vật liệu, mà chính sự sáng tạo của con người mới là vốn quý giá nhất.

Sáng tạo phải từ con người và vì con người. Con người phải là trung tâm của sáng tạo. “Người Việt Nam chúng ta có đầy đủ tố chất bẩm sinh cho sự sáng tạo, tôi tin nếu có đủ những dưỡng chất tốt sẽ tạo ra những con người xuất sắc và tâm huyết đóng góp cho đất nước vì sự phồn thịnh của đất nước”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, chúng ta cần phải nhìn thẳng vào thực tiễn để thấy rằng phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo của Việt Nam còn nhiều hạn chế, bất cập và hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia còn non trẻ, manh mún. Vẫn còn ít hoạt động đổi mới sáng tạo và năng lực Nghiên cứu và Phát triển (R&D) trong khu vực kinh doanh. Số lượng DN theo đuổi các chiến lược về đổi mới sáng tạo còn khiêm tốn. Các trường đại học thiên về đào tạo hơn nghiên cứu, nếu có nghiên cứu thì tính ứng dụng không cao. Chúng ta cũng chưa thực sự có những chính sách tốt, cơ chế tốt hoặc những bài toán hay, đúng tầm để kích thích sáng tạo và sự cống hiến của đông đảo các nhà khoa học và chuyên gia.

Cả khu vực Nhà nước và tư nhân, chi cho KHCN của Việt Nam hiện nay chỉ khoảng 0,44% GDP, khá thấp so với bình quân của thế giới là 2,23% GDP (Thái Lan 0,78%; Singapore 2,2%; Malaysia 1,3%, Trung Quốc 2,1%).

Theo đó, Thủ tướng nêu rõ, nếu không mạnh dạn đầu tư cho KHCN và đổi mới sáng tạo, chúng ta sẽ bị mắc kẹt trong chính cái hố năng suất thấp, giá trị gia tăng thấp và bẫy thu nhập trung bình. Do vậy, cả Nhà nước và khu vực tư nhân cần nhận thức đúng tầm quan trọng của đầu tư cho KHCN và ưu tiên chi cho KHCN một cách tương xứng hơn, hiệu quả hơn, chú trọng tính thiết thực, không làm theo phong trào, gây lãng phí, ứng dụng thấp.

Các DN cũng cần hiểu rằng đầu tư cho R&D là con đường ngắn nhất để đạt được hiệu quả, tăng năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững hơn. “Chúng ta cần tìm ra điểm kích hoạt khuyến khích DN hăng hái đầu tư cho R&D chứ không chỉ kêu gọi bằng lời nói”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Tập trung cho sản phẩm quốc gia có thế mạnh như nông nghiệp, chế tạo, CNTT

Để thúc đẩy R&D khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng kết hợp với phát triển công nghệ trong một số ngành, lĩnh vực mới có thế mạnh, Thủ tướng nêu rõ, thời gian tới Việt Nam cần phải có một bước chuyển đổi về mặt chiến lược.

Cần phải xác định KHCN và đổi mới sáng tạo phải là nền tảng thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững đất nước; là lực lượng sản xuất trực tiếp; là động lực chính của mô hình phát triển kinh tế-xã hội. Phải làm tốt hơn nữa sự phối hợp giữa Nhà nước và xã hội trong phát triển KHCN, kết hợp tốt hơn giữa nội lực và ngoại lực trong phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các ngành, các địa phương cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong chỉ đạo phát triển KHCN, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và cơ chế chính sách; Tập trung hoàn thiện hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia với DN là trung tâm, gắn kết chặt chẽ giữa viện nghiên cứu, trường đại học với DN nhằm kiến tạo và tích lũy tài sản trí tuệ, tạo ra nguồn nhiên liệu mới cho tăng trưởng kinh tế nhanh, bao trùm và bền vững.

Thủ tướng yêu cầu Bộ KHCN làm đầu mối phối hợp các bộ, ngành, tổ chức liên quan tham mưu cho Chính phủ một số vấn đề lớn như đề xuất chính sách khuyến khích và thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong khu vực DN, coi DN là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo. Thúc đẩy liên kết các mạng lưới đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước.

Đồng thời cần tập trung phát triển sản phẩm quốc gia dựa vào công nghệ mới, công nghệ cao để hình thành các ngành nghề mới và các sản phẩm mới, giá trị gia tăng cao, nhất là lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh như: Nông nghiệp, công nghiệp chế biến chế tạo, CNTT... Cần xây dựng khuôn khổ cho việc đo lường và đánh giá hiệu quả của nền kinh tế số, hoạt động của các trường đại học, viện nghiên cứu, các cơ sở có hoạt động KH&CN. Cần nghiên cứu thành lập ngân hàng dữ liệu quốc gia về khoa KHCN và đổi mới sáng tạo. Xây dựng chính sách nhằm thu hút và cộng tác với các chuyên gia giỏi trong và ngoài nước, đặc biệt là cộng đồng các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài.

Áp dụng mô hình đối tác công-tư (PPP) nhằm khuyến khích DN tham gia nhiều hơn vào các hoạt động đổi mới sáng tạo. Thử nghiệm mô hình “Nhà nước sở hữu, tư nhân vận hành”. Chuyển từ mô hình sử dụng ngân sách nhà nước sang đồng tài trợ, tiến đến tự chủ tài chính, Nhà nước đặt hàng đối với các cơ sở nghiên cứu, các cơ sở KHCN và đổi mới, sáng tạo.

Đưa DN thực sự trở thành trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia

Cũng tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ KHCN Chu Ngọc Anh cho biết Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn xác định KHCN có vai trò hết sức quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trên cơ sở bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cơ chế, chính sách về KHCN đã được tập trung hoàn thiện với nhiều quy định tiến bộ và đổi mới để đưa KHCN không chỉ gắn mà thực sự đồng hành và thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực và địa phương.

Cần tập trung phát triển sản phẩm quốc gia có thế mạnh như nông nghiệp, chế tạo, CNTT - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ KHCN Chu Ngọc Anh

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cũng cho biết: Hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia được hình thành và chuyển dịch theo hướng đưa DN trở thành trung tâm để đưa các kết quả nghiên cứu thành sản phẩm, hàng hóa phục vụ trực tiếp cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Phong trào khởi nghiệp sáng tạo đã lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội. Tiềm lực KHCN quốc gia được củng cố. Thị trường KHCN bước đầu gắn kết hoạt động KHCN với sản xuất, kinh doanh. Hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ dần đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế.

Minh chứng rõ nét cho điều này thể hiện ở thành tựu phát triển của các ngành, lĩnh vực nổi bật như: Nông nghiệp, công nghiệp, tài chính ngân hàng, xây dựng, giao thông, y tế, an ninh quốc phòng… trong thời gian qua đều có sự đóng góp của KHCN.

Theo đánh giá của Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO), trong những năm gần đây, Việt Nam luôn tăng hạng trong xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, dẫn đầu nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp (năm 2017 tăng 12 bậc, năm 2018 tăng tiếp 02 bậc, xếp thứ 45/126 quốc gia, trong đó, nhóm chỉ số về tri thức - công nghệ của Việt Nam có thứ hạng rất cao, xếp thứ 28).

Tuy nhiên, để khoa học thực sự trở thành động lực và nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho rằng, cần phải khắc phục những khó khăn, vướng mắc, tạo sự đồng bộ về thể chế giữa pháp luật về KHCN với pháp luật liên quan.

Bên cạnh đó, cũng cần có các giải pháp mạnh mẽ hơn để thu hút đội ngũ cán bộ KHCN đầu ngành, nhà khoa học tài năng và nhà khoa học nước ngoài cùng hợp tác, hỗ trợ giải bài toán cụ thể của Việt Nam; cần có những giải pháp để tăng cường đầu tư cho KHCN không chỉ từ nhà nước mà còn từ xã hội, đặc biệt là từ DN; nâng cao nhu cầu công nghệ tự thân của DN, đặc biệt là DN vừa và nhỏ.

Các Viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo và DN cũng cần tăng cường liên kết, đưa DN thực sự trở thành trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, nơi biến các kết quả nghiên cứu từ viện, trường thành sản phẩm, hàng hóa.

Cần tập trung phát triển sản phẩm quốc gia có thế mạnh như nông nghiệp, chế tạo, CNTT - Ảnh 3.

Toàn cảnh Hội nghị

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nhấn mạnh, Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ và lan rộng, mang tới nhiều cơ hội và thách thức cho mỗi quốc gia trong chặng đường phát triển. Việt Nam đang xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, trong đó KHCN và đổi mới sáng tạo được xác định nền tảng để đưa Việt Nam phát triển nhanh và bền vững.

Trong thời gian qua, Việt Nam đã triển khai hoạt động hợp tác với các quốc gia có nhiều kinh nghiệm phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo như: Israel, Canada, Phần Lan, Vương quốc Bỉ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… để từng bước hình thành hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, đưa KHCN và đổi mới sáng tạo vào phục vụ trực tiếp cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Cần tập trung phát triển sản phẩm quốc gia có thế mạnh như nông nghiệp, chế tạo, CNTT
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO