Cần thu hẹp khoảng cách số giữa hoạch định chính sách và thực thi chính sách

Bảo Bình| 18/07/2021 08:03
Theo dõi ICTVietnam trên

Bằng cách cho phép nhà hoạch định chính sách và các ban ngành địa phương, những người sẽ thực thi chính sách, làm việc cùng nhau, sẽ có thể thiết kế và xây dựng các giải pháp hiệu quả và đi đúng hướng, từ đó thu hẹp khoảng cách giữa thiết kế và thực thi chính sách.

Nếu nói về một điểm sáng xuất hiện trong đại dịch COVID-19, thì đó chính là việc cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu đã thúc đẩy các cơ quan chính phủ áp dụng các công cụ công nghệ cao trong nỗ lực xây dựng chính phủ điện tử (CPĐT), chính phủ số. Yêu cầu về giãn cách xã hội, hạn chế tiếp xúc trực tiếp để ngăn chặn virus lây lan đã thúc đẩy công cuộc xây dựng CPĐT của các quốc gia. Thực tế, những chương trình áp dụng công nghệ cao, xây dựng chính phủ số này vốn đã được nói đến từ lâu, song vẫn chưa bao giờ được tích cực triển khai như trong thời gian đại dịch này.

Sự chuyển đổi mang lại tiềm năng to lớn để cải thiện gần như mọi khía cạnh của chính phủ, từ việc tự động hóa các công việc hành chính tốn nhiều thời gian như xử lý các yêu cầu chăm sóc sức khỏe (CSSK), đến cơ hội mở ra những khả năng mới thú vị cho việc điều trị và nghiên cứu bệnh tật.

Nhưng công cuộc chuyển đổi này cũng khiến các quan chức chính phủ, các nhà hoạch định chính sách bối rối khi đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn: Làm thế nào để những giải pháp, những chính sách được thiết kế nên với mục đích thiết thực, tiện lợi thực sự phát huy hiệu quả khi thực thi. 

Natalie Taylor, Giám đốc điều hành Khu vực công của tập đoàn tư vấn Foundry4, đã có những thảo luận về việc làm thế nào các chính phủ có thể thu hẹp khoảng cách giữa những người thiết kế chính sách và những người thực thi chính sách.

“Tôi thường xuyên nghe một bộ trưởng chính phủ đề cập đến "chuyển đổi số" (CĐS) một cách thiếu rõ ràng. Các cụm từ khó hiểu được sử dụng để che giấu sự thiếu hiểu biết trong quy trình cải tạo, chuyển đổi số các hoạt động của các dịch vụ chính phủ”, ông nói.

Các nguyên tắc cơ bản của cấu trúc chính phủ từ lâu đã mâu thuẫn với tốc độ thay đổi nhanh chóng hiện nay - sự chia rẽ giữa các chuyên gia chính sách và những người thực sự thực thi chính sách không chỉ phản tác dụng mà còn phản trực giác.

Cần thu hẹp khoảng cách số giữa hoạch định chính sách và thực thi chính sách - Ảnh 1.

Đôi khi, những nhà hoạch định chính sách thường sử dụng các cụm từ khó hiểu để che giấu sự thiếu hiểu biết về CĐS các dịch vụ chính phủ. (Ảnh minh họa: ZDnet)

“Trong Báo cáo Transformation Government Report gần đây của chúng tôi, một trong những khuyến nghị mà chúng tôi đưa ra là chính phủ và thực sự là bất kỳ tổ chức nào cũng cần áp dụng, đó là sự thay đổi văn hóa để thực sự chấp nhận CĐS. Điều này nói chung bao gồm việc áp dụng các nguyên tắc nhanh nhẹn, tránh chây ỳ, thời gian ban hành chính sách cần đẩy nhanh hơn, thiết kế lấy người dùng làm trung tâm và trách nhiệm chung cho sự thành công chung”, Natalie Taylor nói.

Khoảng cách giữa thiết kế chính sách và thực thi chính sách

Vấn đề đối với các chính phủ ở đây là khoảng cách giữa thiết kế chính sách và phân phối, thực thi chính sách khiến việc xây dựng các sản phẩm và dịch vụ kỹ thuật số thành công trở thành một thách thức. Một giải pháp là đưa tiếng nói kỹ thuật số vào trong quy trình thiết kế và hình thành, thực thi chính sách sớm hơn nữa.

Khoảng cách lâu dài giữa thiết kế chính sách và thực thi chính sách đã gây khó khăn cho việc xây dựng và triển khai rộng rãi các sản phẩm và dịch vụ kỹ thuật số, khiến các quy trình lập pháp vốn đã kéo dài càng kéo dài hơn. Tuy nhiên, đã có những bước tiến đáng khích lệ trong một số lĩnh vực cho thấy những khoảng cách này có thể được thu hẹp và xóa bỏ - ví dụ như việc sử dụng dữ liệu.

Việc phân loại và lưu trữ dữ liệu bệnh nhân chính xác của NHS Digital đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhanh chóng xây dựng những giải pháp bảo vệ cho những người dễ bị tổn thương nhất trước Covid-19. Trong đại dịch, những dữ liệu tương tự này cũng là trọng tâm của chương trình triển khai tiêm chủng, ưu tiên những người cần nó nhất.

NHS Digital chính là Trung tâm Thông tin Chăm sóc Xã hội và Y tế của Anh, một tổ chức cung cấp quốc gia về thông tin, dữ liệu và hệ thống CNTT cho các thành viên, nhà phân tích và bác sĩ lâm sàng trong lĩnh vực CSSK và xã hội ở Anh, đặc biệt là những người liên quan đến Dịch vụ Y tế Quốc gia của nước Anh.

Vì vậy, theo chuyên gia về dịch vụ công của Foundry4, chúng ta cần các nhà hoạch định chính sách tận tâm, những người có thể điều hướng bối cảnh kỹ thuật ngày càng phức tạp, để không chỉ mơ về một quốc gia kỹ thuật số đầu tiên, quốc gia số đó sẽ trông như thế nào, mà còn biết cách thực sự mang lại những lợi ích thiết thực cho công chúng trong quốc gia số đó. Điều này sẽ đòi hỏi phải đầu tư nhiều về mặt tài chính, nhưng điều quan trọng là chúng ta không nên chờ đợi trong một môi trường kinh tế đầy thách thức. Thay vào đó, trước hết nên tập trung vào việc đặt đúng nhân tài vào vị trí công việc.

Tâm lý do dự áp dụng công nghệ mới của địa phương

Vấn đề đôi khi không chỉ ở các nhà hoạch định chính sách ở cơ quan chính phủ trung ương, vấn đề đôi khi còn nằm ở chính các đơn vị địa phương, những đơn vị sẽ trực tiếp thực thi chính sách. Bởi vì, theo Glen Ocsko, Giám đốc tư vấn về các vấn đề chính phủ địa phương ở Made Tech, nhiều người làm việc trong các cơ quan chính quyền địa phương sẵn sàng thay đổi và sẵn sàng triển khai các công nghệ mới, nhưng ban đầu thường do dự, e ngại trước các công nghệ hiện đại. Cho dù nguyên nhân là những lo lắng về rủi ro tài chính, rủi ro xung quanh việc triển khai, hay chỉ đơn thuần là sức ỳ bên trong bản thân các dịch vụ, thì nỗi sợ hãi này là có thật.

Tất nhiên, có thể có nhiều lý do giải thích cho nỗi sợ hãi này. Chính quyền địa phương đang chịu sự giám sát liên tục từ các thành phần và các phương tiện truyền thông, để đảm bảo rằng họ đang hoạt động hiệu quả và tiền của người đóng thuế được sử dụng tốt. Nếu có gì sai trái, chẳng hạn như một giải pháp kỹ thuật số mới được đưa ra nhưng bị xem là kém hiệu quả hơn những giải pháp thay thế khác, tình thế này có khả năng sẽ bị báo chí cũng như công chúng chỉ trích.

Đồng thời, chính quyền địa phương cũng gặp thêm áp lực trong việc đảm bảo mọi thứ họ làm đều hiệu quả về chi phí và tạo ra lợi tức đầu tư. Nếu ngân sách liên tục bị cắt giảm, hoặc những khó khăn trong đại dịch, các bộ phận CNTT có thể do dự trong việc triển khai các giải pháp mới, nhiều khi chỉ đơn thuần vì suy nghĩ “hãy cứ ở trong cái vòng tròn an toàn”.

Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng lo ngại nguy cơ bị ràng buộc với một nhà cung cấp, như là bị mắc kẹt trong một hợp đồng dài hạn với một nhà cung cấp mà phần mềm của nhà cung cấp có thể không mang lại kết quả mong đợi; khiến họ phải chi tiêu những nguồn lực vốn đã hạn chế mà không có cách nào thoát khỏi thỏa thuận.

Tất cả những lo ngại này đều hoàn toàn chính đáng và có thể hiểu được tại sao nhiều cơ quan chính quyền địa phương do dự trong việc tiếp nhận các công nghệ mới và muốn duy trì sự an toàn của các nền tảng cũ mà họ đã biết và tin tưởng. Tuy nhiên, những lo ngại này đang cản trở họ đưa ra các giải pháp có thể mang lại lợi ích to lớn cho chính họ và cả đất nước, bao gồm giảm chi phí, tăng cường bảo mật thông tin công cộng nhạy cảm và quan trọng nhất là cải thiện dịch vụ công.

Vì vậy, để chính sách hiệu quả khi ban hành, các chính phủ cần tháo gỡ khó khăn cho địa phương.

Nhà hoạch định chính sách và các ban ngành địa phương cần làm việc chặt chẽ với nhau

Mong muốn làm những điều khác biệt chính là những gì nằm sau sự ra đời của Dịch vụ kỹ thuật số của chính phủ (GDS) (Anh) cách đây một thập kỷ. Nguyên tắc thành lập của GDS là giúp các bộ phận xây dựng dịch vụ theo cách nhanh nhẹn, lấy người dùng làm trung tâm, cho phép chính phủ tận dụng những lợi ích của chuyển đổi số. GDS ban đầu được mô tả là "một tầm nhìn mới cho chính phủ số", nhưng mục đích này đã bị mất đi cùng với hàng loạt thay đổi về thế hệ lãnh đạo và sự thiếu hợp tác giữa các cơ quan chính phủ, khiến mọi việc không thuận buồm xuôi gió.

Cần thu hẹp khoảng cách số giữa hoạch định chính sách và thực thi chính sách - Ảnh 2.

Bằng cách cho phép nhà hoạch định chính sách và các ban ngành địa phương, những người sẽ thực thi chính sách, làm việc cùng nhau, sẽ có thể thiết kế và xây dựng các giải pháp hiệu quả và đi đúng hướng. (Ảnh minh họa: Openaccessgovernment)

Tuy nhiên, gần đây hơn, có những gợn sóng cho thấy một lần nữa chúng ta đang đi đúng hướng. Tom Read là Giám đốc điều hành và Tổng giám đốc mới của GDS đã xuất bản một chiến lược, một lần nữa đưa ra những gợi ý về cách giải quyết mối kết nối giữa thiết kế, hoạch định chính sách với việc phân phối, thực thi chính sách mà chúng ta đang rất cần.

Theo truyền thống, việc hoạch định chính sách trong chính phủ thường mang tính lý thuyết và học thuật. Bị thúc đẩy bởi chính trị, các nhà hoạch định chính sách sẽ đưa ra các giải pháp phần lớn là trừu tượng hóa. Chưa phân tích kỹ những gì sẽ xảy ra khi ban hành chính sách, chưa nghiên cứu về các đơn vị thực thi chính sách, đó không phải là công thức thành công khi xây dựng các giải pháp hiệu quả.

Hơn nữa, các nhà hoạch định chính sách thường có xu hướng tập trung vào những tác động của chính sách đối với một nhóm người, điều này khiến họ mất đi cái nhìn về một bức tranh tổng thể về toàn bộ người dân và những tác động rộng hơn đến sức khỏe, giáo dục và phúc lợi. Một triển vọng toàn diện đòi hỏi sự hợp tác giữa các chính phủ, với sự hỗ trợ của dữ liệu ngày càng chính xác hơn, lên tác động xã hội của các quyết định chính sách. Việc xem xét sự thành công của chính sách và những gì cần được cải thiện phải được thực hiện thông qua một lăng kính rộng. Điều này đòi hỏi cả sự cộng tác nhiều hơn giữa các cơ quan chính phủ và cả cơ sở dữ liệu chính xác về cách các quyết định chính sách tác động chung cuộc sống của mọi người. Các phương pháp nghiên cứu truyền thống dựa vào dữ liệu tĩnh, không đầy đủ và đặc biệt là nếu không thể cập nhật, rất dễ dẫn đến thất bại. 

Xã hội đang số hóa nhanh chóng và chính phủ cần phải di chuyển nhanh chóng để bắt kịp. Ngày nay, nhiều người tiếp cận và “sống trực tuyến” hơn bao giờ hết, sử dụng Internet một cách tự tin. Kết quả là, dân số kỹ thuật số ở Anh đã tăng 3%, tương đương với 5 năm tiến bộ, trong 12 tháng qua.

Chính sách phải là một quá trình lặp đi lặp lại chứ không phải là một công việc mang tính lý thuyết, rườm rà. Trong khi chính phủ cần phải tự mình bước vào kỷ nguyên kỹ thuật số, thì cũng phải phải thừa nhận rằng xây dựng cơ sở hạ tầng và dịch vụ ở quy mô toàn quốc cần có thời gian.

Bằng cách cho phép nhà hoạch định chính sách và các ban ngành địa phương, những người sẽ thực thi chính sách, làm việc cùng nhau, sẽ có thể thiết kế và xây dựng các giải pháp hiệu quả và đi đúng hướng. Mặc dù việc đưa tiếng nói kỹ thuật số vào chính sách vẫn còn chưa nhiều, song chắc chắn nó sẽ dẫn đến kết quả tốt hơn và đây là điều mà chúng ta mong đợi sẽ tiếp tục phát triển trong những năm tới./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Cần thu hẹp khoảng cách số giữa hoạch định chính sách và thực thi chính sách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO