Doanh nghiệp số

Cần “thuốc tăng lực” đủ mạnh cho các nhà cung cấp dịch vụ IDC Việt bứt phá

Minh Thiện 21/02/2024 07:05

Dữ liệu phát sinh tại Việt Nam gia tăng nhanh chóng cùng quá trình chuyển đổi số (CĐS) quốc gia. Do đó, thị trường trung tâm dữ liệu (TTDL) Internet (Internet Data Center - IDC) cũng đang theo đà “nước lên, thuyền lên”. Tuy nhiên, phần lớn dữ liệu và thị trường IDC Việt Nam lại nằm trong tay các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài.

ttdl.png

Nhằm đảm bảo chủ quyền quốc gia trên không gian số, các nhà cung cấp dịch vụ trong nước phải có tốc độ phát triển bứt phá để làm chủ được thị trường IDC. Muốn vậy, bên cạnh sự nỗ lực tự thân của các doanh nghiệp (DN), chính sách vĩ mô của nhà nước cũng phải điều tiết mạnh mẽ hơn, hỗ trợ thúc đẩy cho quá trình này.

Tổng quan thị trường TTDL Việt Nam

Sự giàu có của một quốc gia trong tương lai được đo bằng dữ liệu. Dữ liệu lớn và xử lý dữ liệu lớn sẽ là ngành công nghiệp lớn nhất. Ở Việt Nam hiện nay, việc phát triển các trung tâm dữ liệu và ứng dụng điện toán đám mây (ĐTĐM) là một trong những trọng tâm của CĐS, phù hợp với chiến lược phát triển nền kinh tế số, xây dựng quốc gia số.

Dữ liệu trên thế giới cứ mỗi năm lại tăng gấp đôi, còn tại Việt Nam tăng nhanh hơn nữa, do vậy, theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Việt Nam một năm cần có thêm từ 4 đến 5 TTDL (IDC) với quy mô 2.000 rack thì mới cơ bản đáp ứng được đủ nhu cầu về dữ liệu.

Trên cả nước hiện có 30 TTDL, phân bố trên nhiều vùng miền khác nhau, hầu hết có quy mô vừa và nhỏ. TTDL mới nhất, cũng là trung tâm lớn nhất của Việt Nam tính tới thời điểm hiện tại là VNPT IDC Hòa Lạc, với tổng diện tích sử dụng lên tới 23.000m2 sàn, có quy mô đến 2.000 tủ racks, Viettel IDC là DN trong nước, cung cấp hạ tầng DC hàng đầu Việt Nam. Sau hơn 15 năm phát triển, Công ty này đang sở hữu 5 TTDL đạt tiêu chuẩn quốc tế Rated 3 - TIA 942, với 35.000m2 mặt sàn phòng máy có sức chưa 6000 rack. Tuy nhiên, tổng công suất của cả 5 IDC này cũng chỉ nhỉnh hơn một IDC loại lớn của thế giới (khoảng 5.000 rack). Điều đó cho thấy, thị trường IDC của Việt Nam còn vô vàn tiềm năng cho các DN khai thác...

TTDL hay Data Center (DC) đặc biệt có vai trò quan trọng đối với các tổ chức quản lý công như các Bộ, ban, ngành, các tỉnh, thành phố... Các tổ chức, DN trong các ngành như tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, v.v... mà dữ liệu và cơ sở dữ liệu (CSDL) đóng vai trò sống còn trong hoạt động, không bị gián đoạn từng giờ từng phút. Điều này có nghĩa là, sự cố thời gian chết xảy ra trong TTDL dù chỉ là vài phút cũng sẽ trở thành một “thảm họa”, gây ra “tổn thất nặng nề” cho các DN, tổ chức, đăc biệt là các tố chức tài chính, tiền tệ. Do đó, nếu TTDL được thiết kế có độ tin cậy và dự phòng tốt, mọi nguy cơ đều được quản lý hiệu quả, thì việc TTDL duy trì hoạt động 24/7 là hoàn toàn có thể. Hầu hết các DN cung cấp dịch vụ TTDL lớn của Việt Nam đều thiết kế, xây dựng DC của mình đạt các tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo chất lượng dịch vụ không kém bất kỳ DN nước ngoài nào.

“Một trong những hạ tầng quan trọng nhất của hạ tầng số là hạ tầng ĐTĐM, hay còn gọi là Data Center. Dữ liệu lớn và xử lý dữ liệu lớn sẽ là ngành công nghiệp rất lớn. [4]
Dữ liệu Việt Nam là tài nguyên và tài sản, nó phải được lưu trữ và xử lý tại Việt Nam; nếu muốn sử dụng phải được sự cho phép của Việt Nam. Chủ quyền số quốc gia liên quan mật thiết tới hạ tầng số Việt
Nam. Không có hạ tầng số Việt Nam thì sẽ không có chủ quyền số Việt Nam. [2]
Bộ TT&TT kêu gọi các DN Việt Nam hãy trở về nhà mình, dùng hạ tầng ĐTĐM Việt Nam. 80% đang ở nước ngoài hãy về Việt Nam! Người Việt Nam thì ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
Bộ TT&TT cũng khuyến nghị các tổ chức và DN Việt Nam, thay vì tự đầu tư, tự vận hành các hệ thống CNTT, hãy chuyển lên sử dụng dịch vụ Cloud với chi phí thấp hơn, tối ưu hơn, an toàn hơn và linh hoạt hơn”. [3]

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng

Thị trường TTDL Việt Nam đang thu hút sự đầu tư lớn của nhiều DN trong và ngoài nước. Các DN công nghệ hàng đầu tại Việt Nam như VNPT, Viettel, CMC, FPT... thời gian qua rất chú trọng đầu tư, xây dựng phát triển các TTDL hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế và cung cấp các dịch vụ đẳng cấp thế giới.

Đáng chú ý, năm 2022 có thể coi là một năm bùng nổ mạnh mẽ của thị trường TTDL Việt Nam với hàng loạt các TTDL mới được khai trương của các nhà cung cấp lớn như CMC, Viettel. Những DC này đều được đầu tư với số tiền lên tới cả nghìn tỷ đồng, xây dựng hiện đại với quy mô ở mức trung bình trên thế giới (lên tới hàng nghìn tủ rack)...

Khi Nghị định 53/2022/NĐ-CP của Chính phủ về nội địa hóa dữ liệu có hiệu lực áp dụng với các DN nước ngoài, các DN công nghệ Việt Nam càng tăng cường thúc đẩy mạnh mẽ quá trình đầu tư vào TTDL. Theo báo cáo của Research and Markets, quy mô thị trường TTDL Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ CAGR là 10,68% trong giai đoạn 2022- 2028, dự kiến tăng từ 561 triệu USD năm 2022 (12.900 tỷ đồng) lên 1,037 tỉ USD vào năm 2028 [1].

so-lieu-phan-tich-thi-truong(1).png
Số liệu phân tích thị trường của Research and Markets

Theo tốc độ tăng trưởng này, năm 2023 giá trị toàn thị trường trong nước ước đạt 620 triệu USD (khoảng 14.270 tỷ đồng).

Theo Báo cáo VNCDC Report 2023 (gọi tắt là Báo cáo) của CLB ĐTĐM & TTDL Việt Nam (CLB VNCDC), mặc dù quy mô toàn thị trường DC của Việt Nam đang mở rộng rất nhanh nhưng thị phần các nhà cung cấp trong nước chỉ chiếm một phần rất khiêm tốn. Cộng tổng doanh thu của 6 DN cung cấp dịch vụ DC hàng đầu Việt Nam cũng chỉ chiếm 17% và 17,6% quy mô toàn thị trường lần lượt các năm 2022 và 2023.

so-sanh-tong-doanh-thu(1).png
So sánh tổng doanh thu của các nhà cung cấp dịch vụ DC hàng đầu của Việt Nam với doanh thu toàn thị trường các năm 2022 và 2023 (Đơn vị tính: triệu đồng) (Nguồn: Báo cáo VNCDC Report 2023)

Các DN DC trong nước cũng đang đạt tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 15%/ năm và không ngừng mở rộng hạ tầng, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ. Bên cạnh đó, chính sách vĩ mô của Nhà nước có xu hướng tạo điều kiện tốt hơn cho các nhà cung cấp dịch vụ trong nước.

DN ĐTĐM và TTDL Việt Nam đã làm chủ công nghệ, tốc độ tăng trưởng tốt, cạnh tranh mạnh mẽ với các Big Tech quốc tế, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu “lên mây” của DN trên lộ trình Việt Nam trở thành một trong những trung tâm kỹ thuật số quan trọng của ASEAN".

Thông điệp của CLB VNCDC năm 2024

Loại hình dịch vụ

Số liệu từ Báo cáo cho thấy, các DN cung cấp dịch vụ DC trong nước hiện nay có nguồn doanh thu chủ yếu (86%) đến từ dịch vụ colocation (cho thuê chỗ). 14% doanh thu còn lại là dịch vụ hosting và các dịch vụ DC khác.

thi-phan-dc-trong-nuoc.png
Thị phần của một số DN cung cấp dịch vụ TTDL lớn trong nước (Nguồn: Báo cáo VNCDC Report 2023)
ty-le-doanh-thu-dc.png
Tỷ trọng doanh thu loại hình dịch vụ DC của các nhà cung cấp trong nước (Nguồn: Báo cáo VNCDC Report 2023)

Năng lực hạ tầng

Năng lực hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) được các DN cung cấp dịch vụ DC trong nước không ngừng nâng cấp, mở rộng và xây mới. Tuy nhiên, hầu hết các TTDL này đều là loại vừa và nhỏ. Việt Nam hiện tại chưa có một TTDL cỡ lớn nào. Hầu hết hệ thống TTDL của các nhà cung cấp trong nước có quy mô công suất dưới 15 MW. Chỉ có Viettel hiện tại sở hữu hệ thống hạ tầng gồm 13 TTDL có quy mô hơn 9.000 tủ rack trên diện tích sàn 60.000 mét vuông có công suất 52 MW.

Mặc dù có quy mô nhỏ nhưng hầu hết các TTDL của nhà cung cấp trong nước đều đạt chuẩn quốc tế (Tier 3, TVRA, ISO 9001:2015, Uptime, Tia - 942), đảm bảo chất lượng dịch vụ hầu như không thua kém so với các nhà cung cấp nước ngoài.

ke-hoach-phat-trien-ha-tang-dc.png
Kế hoạch phát triển hạ tầng của các DN DC nội địa trong 2 năm tới (Nguồn: Báo cáo VNCDC Report 2023)

Xu hướng phát triển dịch vụ TTDL trong nước

Nghị định số 53/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng, trong đó xiết chặt việc quản lý dữ liệu.

Cụ thể, Điều 26 và 27 của Nghị định trên yêu cầu các DN được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam và có trụ sở tại Việt Nam, không phân biệt công ty sở hữu nước ngoài hay không; phải lưu trữ thông tin cá nhân của người dùng Việt Nam, dữ liệu do người dùng tạo ra, và dữ liệu về mối quan hệ của người dùng tại Việt Nam bao gồm mạng xã hội, thương mại điện tử và trò chơi điện tử, trong thời gian tối thiểu là 24 tháng.

Theo đó, các DN trong nước phải tuân thủ yêu cầu nội địa hóa dữ liệu, đã khiến nhu cầu về TTDL trên toàn quốc được dự báo sẽ tăng vọt. Số liệu từ Báo cáo cho biết: Có 6/7 nhà cung cấp dịch vụ DC trong nước đánh giá thị trường TTDL Việt Nam sẽ phát triển nhanh trong 2 năm tới. 1/7 nhà cung cấp thì đánh giá thị trường này sẽ phát triển rất nhanh. Do đó, các nhà cung cấp dịch vụ TTDL trong nước đều có kế hoạch phát triển thêm hạ tầng.

Theo phần trả lời câu hỏi khảo sát của Báo cáo, khi được hỏi về “Kế hoạch mở rộng khả năng cung cấp dịch vụ của Quý Công ty trong 2 năm tiếp theo”, thì hầu hết câu trả lời là sẽ xây dựng thêm DC mới (100% câu trả lời). Đồng thời, các DN sẽ mở rộng DC hiện có (50% số nhà cung cấp dịch vụ) và sẽ liên kết với các DN nước ngoài để tăng cường cung cấp dịch vụ (50% số câu trả lời).

Đặc biệt, khi nâng cấp hoặc xây mới hạ tầng, các DN cung cấp dịch vụ TTDL trong nước đều cam kết thực hiện ứng dụng tiêu chuẩn công nghệ xanh như: LEED; TIA942 Rate 3; ISO/IEC 30134; Chỉ số sử dụng năng lượng hiệu quả (PUE)...

Các DN trong nước đang hy vọng về hệ thống TTDL “Make in Viet Nam” do kỹ sư Việt Nam nghiên cứu, triển khai và quản lý vận hành. Các trung tâm này sẽ đóng góp lớn hơn vào sự phát triển của nền kinh tế số tại Việt Nam. Tuy nhiên, mức độ cạnh tranh quốc tế sẽ ngày càng mạnh và các nhà cung cấp dịch vụ trong nước phải chuẩn bị trước cho điều này. Khuyến nghị trong Báo cáo nêu ra môt số những hành động cần thiết mà các nhà cung cấp dịc vụ DC trong nước cần triền khai:

- Tăng cường về cơ sở hạ tầng công nghệ: Điều này bao gồm việc cải thiện về mạng lưới viễn thông, cũng như sự phát triển về hạ tầng điện và các yếu tố quan trọng khác cần thiết cho việc vận hành TTDL.

- Yêu cầu về Bảo mật và Tuân thủ Quy định: Do nhu cầu về bảo mật dữ liệu ngày càng tăng, các DN và tổ chức đều tìm kiếm các dịch vụ TTDL đáng tin cậy và đáp ứng các tiêu chuẩn về bảo mật thông tin. Các DN cung cấp dịch vụ trong nước phải tuân thủ nghiêm ngặt và gia tăng đầu tư cho yếu tố này.

- Tính cạnh tranh và sự xuất hiện thêm các nhà cung cấp dịch vụ TTDL mới : Các nhà cung cấp dịch vụ ĐTĐM, TTDL, cả quốc tế và trong nước, đang mở rộng hoạt động và cung cấp các giải pháp linh hoạt cho khách hàng. Sức ép canh tranh sẽ gia tăng. Các nhà cung cấp trong nước nên nhanh chóng nâng cao chất lượng dịch vụ, tranh thủ lợi thế sẵn có để chiếm lĩnh thị trường.

“Năm 2022-2023, hàng loạt TTDL mới được khai trương tại Việt Nam với hàng ngàn “rack” mới. Dù vậy, nguồn cung chưa theo kịp nhu cầu “chuyển đổi số” và “lên mây” của các DN, tổ chức trong nước và sự dịch chuyển dữ liệu từ ngoài vào Việt Nam, bởi
các nền tảng toàn cầu. “Ngành” TTDL và Cloud Việt Nam có lẽ đang đứng trước một cơ hội mới, không gian mới để tăng trưởng và phát triển, trong bối cảnh vừa hợp tác vừa cạnh tranh với các nền tảng toàn cầu, cũng như hình dung khả năng trở thành Digital Hub
khu vực.“

Ông Vũ Thế Bình -
Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký
Hiệp hội Internet Việt Nam - VIA

Cần sự điều tiết của cả “2 bàn tay”

“Bàn tay vô hình” mà nhà kinh tế học thế kỷ 18, Adam Smith, nêu ra với nguyên tắc căn bản là “thị trường tự điều tiết” vẫn đang là nguyên lý vận hành cơ bản của thị trường DC và ĐTĐM Việt Nam suốt nhiều năm qua. Các DN trong nước vẫn đang tự thân vận động, tự lực tự cường, từng bước lớn mạnh, cạnh tranh sòng phẳng với các DN hàng đầu quốc tế trong lĩnh vực này.

Số lượng TTDL trong nước ngày càng tăng do sự đầu tư ngày càng nhiều của chính phủ và các công ty lớn vào cơ sở hạ tầng CNTT. Đồng thời, sự chuyển dịch nhanh chóng của các DN sang môi trường đám mây, đang thúc đẩy sự mở rộng của ngành TTDL trong nước. Việt Nam đang được đánh giá là thị trường dễ phát triển các DC và ĐTĐM vì mục tiêu CĐS của đất nước và nhu cầu về lưu trữ và xử lý dữ liệu ở cả trong và ngoài nước đang tăng lên đáng kể.

Tuy nhiên, mức độ cạnh tranh của thị trường này đã ngày càng “nóng” hơn. Kể từ quý I/2021, các đơn vị khai thác TTDL nước ngoài đang tìm kiếm địa điểm và đối tác liên doanh tiềm năng tại Việt Nam đã tăng lên do các công ty siêu quy mô công bố sự quan tâm đến Việt Nam. Đáng chú ý, vào tháng 8/2022, Amazon Web Services (AWS) công bố ra mắt các TTDL tại Hà Nội và TP. HCM. Với tiềm lực khổng lồ cả về tài chính và công nghệ, các “bigt ech” nước ngoài vẫn đang lấn sân, chiếm giữ phần lớn thị trường DC tại Việt Nam.

Hiện nay Cloud & Data Center được xác định là trụ cột của quá trình CĐS. Nhu cầu lưu trữ, xử lý dữ liệu và mục tiêu đưa Việt Nam trở thành “Digital Hub” của khu vực đã tạo tiền đề cho các khoản đầu tư ngày càng tăng mạnh vào 2 lĩnh vực này. Cũng bởi thế mà cuộc đua TTDL ở Việt Nam ngày càng sôi động với sự ra đời của các DC thế hệ mới không thua kém DC của các nhà cung cấp dịch vụ hàng đầu thế giới. Bên cạnh đó, Cloud nội địa cũng đang trên đà phát triển mạnh mẽ khi đáp ứng tốt hạ tầng lưu trữ, sao lưu dự phòng và luôn được sáng tạo, nâng cấp hệ sinh thái sản phẩm để cạnh tranh với các Big Tech trong cuộc chiến thị phần khốc liệt.”

Ông Đặng Tùng Sơn -
Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Kinh doanh
và Marketing CMC Telecom.

Trong báo cáo xây dựng Chiến lược hạ tầng số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, Bộ Thông tin và Truyền thông có đặt ra mục tiêu 70% thị phần dịch vụ ĐTĐM tại Việt Nam thuộc các nhà cung cấp dịch vụ trong nước.

Đây là một chỉ tiêu, một đích đến vô cùng thách thức cho các DN DC và ĐTĐM trong nước. Với quy mô và tốc độ tăng trưởng của các DN nội địa như hiện nay thì đích đến này vào năm 2025 là bất khả thi. Vậy, chúng ta tính đến dài hạn hơn là năm 2030, tức là 7 năm nữa. Mốc thời gian này cũng là ngọn núi cao đối với các DN nội địa.

Giả sử quy mô thị trường ĐTĐM Việt Nam chỉ đạt 1 tỷ USD (khoảng 24.000 tỷ đồng) vào năm 2030 thì với mức tổng doanh thu của các nhà cung cấp nội địa là hơn 2.860 tỷ đồng năm 2023, các DN này phải đạt mức tổng doanh thu là 16.800 tỷ đồng vào năm 2030. Điều đó tương đương với việc họ sẽ phải đạt mức tăng trưởng kép liên tục trong 7 năm là 28,9%/năm. Bất kỳ “vận động viên” hàng đầu nào tham dự cuộc đua leo núi này cũng khó có khả năng về đích vì đuối sức.

Đồng thời, Việt Nam đặt mục tiêu kinh tế số chiếm 20% GDP vào năm 2025 và chiếm 30% vào năm 2030. Để kinh tế số chiếm 20% GDP, kinh tế của ngành ICT dự kiến chiếm khoảng 6 - 6,5%, trong đó DN ĐTĐM dự kiến đóng góp 1% GDP.

Rõ ràng, để các nhà cung cấp DC và ĐTĐM nội địa tự mình bươn chải thì khó đạt thành mục tiêu này. Trong nội dung Báo cáo, khi được hỏi: “Hệ thống chính sách và các văn bản pháp quy hiện nay của Việt Nam có hỗ trợ cho sự phát triển dịch vụ của Quý Công ty như thế nào?” với các lựa chọn “Rất tốt”, “Tốt”, “Bình thường” thì có 57% câu trả lời là “Bình thường”, 43% còn lại đánh giá “Tốt”, không có đánh giá “Rất tốt” nào.

Điều đó cho thấy, các chính sách hiện tại của Việt Nam chưa thực sự hữu hiệu trong việc thúc đẩy mạnh mẽ cho các nhà cung cấp dịch vụ DC và ĐTĐM phát triển. Đã đến lúc, cần sự can thiệp của “bàn tay hữu hình” - học thuyết kinh tế của nhà kinh tế học trứ danh Keynes - yêu cầu có sự can thiệp của nhà nước để điều tiết kinh tế vĩ mô, trong lĩnh vực DC và ĐTĐM tại Việt Nam. Sự can thiệp này phải đủ mạnh để tạo sức bật cho các DN DC và ĐTĐM trong nước phát triển, bắt kịp tốc độ tăng của thị trường và đủ sức cạnh tranh với các “big tech” của nước ngoài.

Tài liệu tham khảo:
1. https://www.researchandmarkets...
vietnam-data-center-market-competition-forecast#src-pos-7
2. https://vietnamnet.vn/xay-dung...
vao-ky-nguyen-so-i5013328.html
3. https://mic.gov.vn/mic_2020/Pa...
bieu-cua-Bo-truong-Nguyen-Manh-Hung-tai-le-ra-mat-he-
sinh-thai-dien-toan-dam-may-Viettel-Cloud.html
4. https://www.mic.gov.vn/mic_202...
Phat-bieu-cua-Bo-truong-Nguyen-Manh-Hung-tai-Le-khanh-
thanh-Data-Center-Tan-Thuan.html

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 1+2, tháng 1/2024)

Bài liên quan
  • Tây Nguyên còn nhiều cơ hội để khai phá và phát triển TTDL vùng
    Việc lựa chọn khu vực để xây dựng trung tâm dữ liệu (TTDL) vùng cần phải dựa trên các yếu tố như hạ tầng điện, logistics, an ninh lãnh thổ, nguồn nhân lực... Theo đại diện Viettel Solutions, các tỉnh Khu vực Tây Nguyên có đầy đủ các điều kiện thuận lợi và rất phù hợp để xây dựng TTDL vùng.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Cần “thuốc tăng lực” đủ mạnh cho các nhà cung cấp dịch vụ IDC Việt bứt phá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO