Truyền thông

Cần tiếp tục đẩy mạnh và ưu tiên thực hiện công tác truyền thông chính sách

Quỳnh Trang 04/12/2023 19:10

Chính sách đóng vai trò then chốt trong sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, và truyền thông chính sách trở thành một trách nhiệm quan trọng của cơ quan hành chính nhà nước giúp tuyên truyền hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Vì vậy, công tác truyền thông chính sách cần phải được quan tâm và chú trọng hơn nữa.

Thực hiện truyền thông chính sách là điều tất yếu

Công tác truyền thông chính sách đóng vai trò quan trọng trong nhiệm vụ chính trị của Chính phủ hay cơ quan, Bộ ngành thuộc Chính phủ và các địa phương. Không chỉ đảm bảo quyền làm chủ của người dân trong xây dựng pháp luật theo nguyên tắc "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng", mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước, tăng cường sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc.

Truyền thông chính sách không chỉ là nhiệm vụ mà còn là một chức năng quan trọng của cơ quan hành chính nhà nước. Ngày 21/3/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ban hành Chỉ thị số 07/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường hoạt động truyền thông chính sách, nhấn mạnh vai trò quan trọng của báo chí và các phương tiện truyền thông khác trong việc truyền đạt thông tin chính sách. Trước đó, vào ngày 30/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 407/QĐ-TTg để chấp thuận Đề án "Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027." Đề án này nhằm mục đích tổ chức truyền thông về những chính sách ảnh hưởng đáng kể đến xã hội, đặc biệt là các vấn đề nhạy cảm và có ý kiến đa dạng trong quá trình đề xuất chính sách và soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Nhà nước luôn quan tâm, chú trọng đến công tác truyền thông chính sách.

Thông qua những đề án và quyết định này, mục tiêu là hướng dẫn thông tin, phản biện các luận điệu sai lệch và giữ vững đoàn kết dân tộc. Công tác truyền thông chính sách không chỉ là một nhiệm vụ, mà còn là một chiến lược cần được triển khai tích cực và chủ động nhằm đảm bảo sự linh hoạt và đồng thuận trong toàn xã hội. Chế độ chính sách và pháp luật không chỉ nên bắt đầu từ khi văn bản có hiệu lực mà còn cần tiếp cận từ giai đoạn sớm, từ khi các cơ quan quản lý hình thành ý tưởng về chính sách. Việc này giúp tạo ra sự đồng thuận xã hội, để dự luật khi được ban hành phải thực sự phản ánh ý chí và lợi ích của người dân. Dân không chỉ là đối tượng thụ hưởng, mà còn là người đóng góp vào quá trình làm chính sách thông qua cơ quan Nhà nước.

Nhờ vào những chủ trương cụ thể và chi tiết, việc thực hiện công tác không chỉ trở nên thường xuyên và kịp thời mà còn tận dụng hiệu quả từng vùng miền, góp phần đưa chính sách pháp luật vào cuộc sống hàng ngày và đưa cuộc sống vào quá trình xây dựng chính sách, trở thành một phần không thể thiếu của truyền thông Nhà nước và Chính phủ.

Một số thành tựu tiêu biểu ở một số tỉnh thành trên cả nước

Các cơ quan, đơn vị, trên toàn tỉnh Lào Cai đã đẩy mạnh triển khai Đề án 407 thông qua nhiều kênh truyền thông, đảm bảo sự quán triệt và tích cực trong việc đạt được mục tiêu. Đến nay, về cơ bản 100% các cơ quan, đơn vị và địa phương đều đã xây dựng và triển khai chương trình, kế hoạch và thực hiện Đề án theo hướng dẫn của UBND tỉnh; Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh. Nội dung chính sách truyền thông được xây dựng chặt chẽ, tập trung vào những vấn đề nhạy cảm, tác động mạnh mẽ đến cộng đồng hoặc liên quan đến việc phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Các hoạt động truyền thông được thực hiện đa dạng cùng hình thức cung cấp thông tin cho báo chí nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch đáp ứng được nhu cầu thông tin; tạo điều kiện thuận lợi cho cho các cán bộ, viên chức, người lao động trên toàn tỉnh có thể tham gia đóng góp, phản biện; xây dựng pháp luật.

Trong việc phối hợp truyền thông, các cơ quan, đơn vị và địa phương đã triển khai các hoạt động truyền thông và lấy ý kiến của toàn cán bộ, công nhân viên chức, nhân dân trên toàn địa phương liên quan đến nhiều dự thảo luật quan trọng như Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ theo yêu cầu của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh. Đặc biệt, Công an tỉnh đã nỗ lực tuyên truyền 05 Dự án Luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo trình Quốc hội khóa XV trong năm 2023, kết hợp tổ chức Hội thảo “Tuyên truyền, đóng góp ý kiến đối với các Dự án Luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo trình Quốc hội khóa XV” với sự tham gia của 110 đại biểu, tạo cơ hội để đóng góp ý kiến.

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã chỉ đạo các cấp hội tập trung truyền thông vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Việc mở chuyên mục “Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)” trên Cổng Thông tin điện tử Hội LHPN tỉnh, đăng tải toàn văn dự thảo và những nội dung quan trọng nhằm thuận tiện cho hội viên phụ nữ và nhân dân tra cứu, tham gia. Hội LHPN cấp xã đã đảm nhiệm chủ trì và phối hợp với các ban ngành đoàn thể địa phương để tổ chức 82 hội nghị lấy ý kiến, có sự tham gia đông đảo của hơn 4.600 hội viên, phụ nữ và nhân dân. Qua các buổi hội nghị, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã thu thập được 57 lượt ý kiến góp ý đối với các nội dung quan trọng của dự thảo.

Tỉnh Lào Cai là một trong những địa phương sớm đẩy mạnh triển khai Đề án 407 của Chính phủ.

Không chỉ vậy, tỉnh Lào Cai còn làm tốt công tác truyền thông chính sách ở cấp huyện. Huyện Bảo Thắng thực hiện chỉ đạo công tác tuyên truyền và truyền thông cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bằng cách sử dụng các phương tiện thông tin địa phương, cổng thông tin điện tử và qua các hội nghị. Huyện chủ động phối hợp với UBMTTQ Việt Nam huyện tổ chức tổng cộng 15 hội nghị tại huyện và 14 xã, thị trấn. UBND của từng xã, thị trấn đã tích cực phối hợp với UBMTTQ Việt Nam cùng cấp để tổ chức 94 hội nghị lấy ý kiến của nhân dân, đến tận 188/188 thôn và tổ dân phố (tổng cộng 109 hội nghị). Điều này thể hiện sự nỗ lực đặc biệt trong việc đảm bảo một quy trình tham gia đồng đều và toàn diện từ cộng đồng.

Huyện Bảo Yên cũng đã tiến hành thu thập ý kiến cho 07 Dự thảo Luật một cách sáng tạo, kết hợp nhiều phương tiện truyền thông. Từ văn bản và hội nghị đến việc đăng tải trên các mạng xã hội như Zalo, Facebook, huyện đã tạo ra một sự tương tác đa chiều. Nội dung truyền thông dự thảo chính sách cũng được công bố rộng rãi trên Trang Thông tin điện tử của huyện, các phương tiện thông tin đại chúng, và qua loa truyền thanh cơ sở, nhằm đảm bảo mọi tầng lớp đều có cơ hội tiếp cận và tham gia vào quá trình đóng góp ý kiến.

Trong thời gian gần đây, Hà Nội đã tích cực triển khai các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) thông qua nhiều hình thức đa dạng. Các cơ quan và đơn vị đã sáng tạo mô hình PBGDPL mới, linh hoạt và tiết kiệm nguồn lực, phản ánh đúng tình hình kinh tế-xã hội ở địa phương. Đặc biệt, việc sử dụng phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội, cùng với ứng dụng công nghệ thông tin, đã giúp tăng cường hiệu quả trong công tác này.

Đối với Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 về Đề án "Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng VBQPPL giai đoạn 2022 - 2027", các đơn vị tại Hà Nội, đóng vai trò là chủ trì soạn thảo văn bản pháp luật, đã tự chủ và chọn lựa các văn bản quy phạm pháp luật có tác động lớn đến cộng đồng, rồi đẩy mạnh tuyên truyền trên các nền tảng điện tử, hướng đến đội ngũ cán bộ, công chức và nhân dân địa phương, đáp ứng sự quan tâm của dư luận. Đồng thời, chủ động trong việc hợp tác với cơ quan thông tin và báo chí cả ở cấp trung ương và địa phương, cũng như với các tổ chức và cá nhân liên quan. Sở Tư Pháp cũng đã tổ chức truyền thông dự thảo chính sách một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với đối tượng và địa bàn theo quy định; đóng góp ý kiến và tham mưu cho UBND Thành phố trong việc đưa nội dung tuyên truyền về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) vào các kế hoạch hàng năm về tuyên truyền và PBGDPL. Hơn nữa, Sở còn tổ chức ban hành kế hoạch tăng cường thông tin và tuyên truyền đối với dự thảo chính sách, đặc biệt là trong quá trình đề xuất xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).

Tiếp tục thực hiện tốt công tác truyền thông chính sách

Thực tế đã chỉ ra rằng mục tiêu cốt lõi của truyền thông chính sách là kêu gọi sự tham gia của người dân và các bên liên quan trong quá trình xây dựng chính sách. Mặc dù đã đạt được một số thành công nhất định trong việc thực hiện truyền thông chính sách trên cả nước. Tuy nhiên, quá trình thu thập ý kiến này chưa đạt được hiệu quả mong muốn. Có nhiều nguyên nhân, một phần là do cơ quan chủ trì soạn thảo chưa tương tác đủ hiệu quả với cơ quan truyền thông báo chí. Mặt khác, người dân vẫn còn thờ ơ và chưa quan tâm.

Theo ông Tạ Văn Ngọ, cán bộ Văn phòng Trung ương Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết, trước đây, các Hiệp hội thường chỉ được tham gia góp ý ở giai đoạn cuối của quá trình soạn thảo, khiến cho việc đóng góp ý kiến trở nên không hiệu quả. Dẫn đến nhiều chính sách không thật sự áp dụng được trong cuộc sống hoặc phải trải qua quá trình sửa đổi, bổ sung nhanh chóng. Thêm vào đó, một số dự thảo chính sách và Luật thực hiện truyền thông chưa đúng đối tượng nên những ý kiến đóng góp không mang lại nhiều giá trị, làm giảm tính ứng dụng và hiệu quả của chính sách được đưa ra.

Để tăng cường hiệu quả hơn trong công tác truyền thông chính sách những năm tới, cần huy động nguồn lực xã hội và tiếp tục nâng cao nhận thức về vai trò của công tác truyền thông dự thảo chính sách. Đặc biệt, tập trung vào sự cần thiết và những tác động, ảnh hưởng của công tác này đến đời sống xã hội, mỗi cá nhân, đặc biệt là những người thụ hưởng trực tiếp. Phát huy vai trò và trách nhiệm xã hội của các tổ chức pháp luật, đội ngũ nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn, và chuyên gia tham gia vào công tác truyền thông dự thảo chính sách. Huy động nguồn lực cần được thực hiện theo hướng gắn trách nhiệm với quyền lợi khi tham gia, hỗ trợ kinh phí, và có cơ chế khuyến khích cụ thể để thu hút sự tham gia của toàn xã hội.

Ngoài ra, cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản pháp luật cần tăng cường phối hợp trong quá trình truyền thông dự thảo chính sách. Sự hợp tác giữa Bộ Tư pháp, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, cùng các cơ quan thông tin, báo chí trong tổ chức truyền thông dự thảo chính sách là quan trọng để đảm bảo chất lượng, hiệu quả, và tuân thủ đúng quy định pháp luật.

Truyền thông chính sách không chỉ là cầu nối đưa pháp luật vào cuộc sống mà còn làm tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật của người dân một cách chặt chẽ, bài bản và hiệu quả hơn, từ đó nâng cao hiểu biết và ý thức trách nhiệm trong việc tôn trọng và tuân thủ Hiến pháp và pháp luật.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Cần tiếp tục đẩy mạnh và ưu tiên thực hiện công tác truyền thông chính sách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO