Truyền thông

Báo chí đóng vai trò chủ công trong truyền thông chính sách

Trường Thanh 06/11/2023 08:38

Cơ quan báo chí đóng vai trò chủ công trong truyền thông chính sách, từ hoạch định, thực thi cho đến đánh giá những tác động của chính sách nhằm xây dựng đồng thuận xã hội, tạo sự ổn định chính trị để phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội.

Vai trò chủ công của báo chí trong truyền thông chính sách

Truyền thông chính sách đóng vai trò quan trọng trong việc truyền tải thông tin về các chính sách của Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước đến công chúng.

Trong công tác truyền thông chính sách, các cơ quan báo chí là lực lượng chủ lực. Khi truyền thông chính sách, các nhà báo xây dựng diễn đàn chính sách, tạo cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Báo chí giúp người dân tiếp nhận thông tin chính sách đồng thời tham gia vào quá trình hoạch định, thảo luận, phản biện chính sách.

Ở góc nhìn chuyên gia, PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam đánh giá: Có rất nhiều lực lượng tham gia vào công tác truyền thông chính sách, nhưng báo chí là lực lượng chủ công, có tính chất rộng khắp và mang tính hệ thống. Báo chí là một thiết chế xã hội, trong đó những người làm báo có nhiệm vụ đưa thông tin từ Đảng, Nhà nước và những cơ quan bộ ngành, các địa phương đến với người dân, đồng thời lắng nghe tiếng nói của người dân để phản ánh trên công luận. Từ đó tác động ngược trở lại với những người làm chính sách.

Trong những năm gần đây, công tác báo chí đã có thành tựu rất lớn trong hoạt động truyền thông chính sách, từ chính sách ở tầm vĩ mô cho đến những chính sách ở mức độ thấp hơn. Đã có sự chuyển biến rất lớn về nhận thức của các cơ quan báo chí, của các nhà báo trong vai trò, sứ mệnh với truyền thông chính sách.

Báo chí không chỉ phục vụ công chúng trong nước mà còn đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền đối ngoại. Báo chí Việt Nam đã giúp thế giới và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có những thông tin kịp thời và đúng đắn về tình hình đất nước, thúc đẩy quá trình trao đổi thông tin báo chí với quốc tế.

“Cơ quan báo chí đóng vai trò chủ công trong truyền thông chính sách, từ hoạch định, thực thi cho đến đánh giá những tác động của chính sách nhằm xây dựng đồng thuận xã hội, tạo sự ổn định chính trị để phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Thông qua việc thu thập, biên tập và phát sóng hoặc công bố các tin tức, bài viết, phóng sự liên quan đến các chính sách nhằm giúp người dân hiểu rõ hơn về mục tiêu, nội dung và tác động của những chính sách đối với xã hội và cuộc sống hàng ngày”, PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng nhấn mạnh.

PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng cho biết, báo chí tham gia vào tất cả 4 giai đoạn, tương ứng với 4 bước trong Chu trình chính sách công, bao gồm: Truyền thông trong giai đoạn xây dựng chính sách; Truyền thông khi công bố chính sách; Truyền thông thúc đẩy thi hành chính sách; Truyền thông đánh giá chính sách.

“Bằng sự tham gia then chốt và chủ công vào các chu trình chính sách, báo chí góp phần thúc đẩy tương tác xã hội, tạo tiền đề cho sự thúc đẩy hiệu quả thực thi các chính sách đúng, phản biện chính sách và có sự thay đổi chính sách kịp thời, hiệu quả hướng tới lợi ích công”, bà Đỗ Thị Thu Hằng cho hay.

dsc_9986.jpg
Ảnh: Anh Đức

Nhiều vấn đề đặt ra cần giải quyết đối với truyền thông chính sách của báo chí

Tuy nhiên, PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng cho rằng, hiện nay, có nhiều vấn đề đặt ra cần giải quyết đối với truyền thông chính sách của báo chí, bao gồm: Chưa có tính nhất quán và tính hệ thống của các cơ quan báo chí trong truyền thông chính sách; Công chúng, đặc biệt là công chúng trẻ ít tiếp cận thông tin về chính sách trên báo chí; Về nội dung và hình thức sản phẩm truyền thông chính sách chưa có sự nhất quán trong thông điệp chủ đạo ở các cơ quan báo chí và từng cơ quan báo chí. Thông điệp truyền thông chính sách còn khô cứng, thiếu hấp dẫn.

Cùng với đó, các cơ quan báo chí chưa phát huy thế mạnh của từng loại hình báo chí, đặc biệt là các thể loại báo chí số như: Báo chí đa loại hình, báo chí đa nền tảng (bao gồm cả các nền tảng mạng xã hội), báo chí đa phương tiện, báo chí dữ liệu và báo chí tự động trong truyền thông chính sách; Tỷ lệ nhân lực sử dụng thực thi báo chí đa loại hình, đa nền tảng còn mỏng; Nền tảng số và công cụ số ở các cơ quan báo chí bộ ngành và địa phương về cơ bản chưa nhiều; Công tác chuyển đổi số (CĐS), công nghệ, công tác dữ liệu ở các cơ quan báo chí chưa đồng bộ và tỷ lệ cơ quan báo chí đạt yêu cầu còn chưa cao...

Bên cạnh đó, vấn đề quản lý truyền thông chính sách thiếu sự phân công trách nhiệm cụ thể cho các chủ thể tham gia quản lý, giám sát, đánh giá sản phẩm truyền thông chính sách của báo chí, dẫn tới tình trạng quản lý chất lượng sản phẩm truyền thông chính sách nhiều lúc, nhiều nơi chưa đạt yêu cầu; Nguồn lực truyền thông chính sách và quản lý truyền thông chính sách của cơ quan báo chí còn thiếu và yếu...

Một số giải pháp và kiến nghị

PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng nhấn mạnh, cần nhận thức rõ và nhất quán giữa những người làm công tác báo chí truyền thông đến các chủ thể của chính sách, với mục tiêu đưa thông điệp đa chiều, kết nối từ nguồn phát đến các nhóm đối tượng tiếp nhận. “Làm sao đảm bảo thông điệp truyền thông chính sách phải được truyền tải đến công chúng chính xác, rõ ràng, toàn diện, đa chiều”.

Đồng thời, có cơ chế lắng nghe ý kiến phản hồi và thúc đẩy việc giám sát, toàn diện chính sách một cách tích cực; Cần khảo sát về thực trạng tiếp nhận của công chúng, trên cơ sở đó có những điều chỉnh trong việc truyền tải truyền thông chính sách...

PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng đề xuất, cần có một đề tài nghiên cứu cấp Bộ và cấp Nhà nước để xây dựng mô hình truyền thông chính sách trong bối cảnh chuyển đổi số, trong đó phải chỉ rõ lực lượng truyền thông chính sách ở các cơ quan báo chí và các phương tiện truyền thông khác, lực lượng quản lý, giám sát và đánh giá truyền thông chính sách từ Trung ương đến địa phương...

Các bộ ngành, địa phương có bộ phận chuyên trách cung cấp thông tin, quản lý hoạt động truyền thông chính sách của các cơ quan báo chí; Thưc hiện nghiêm quy chế phát ngôn và công tác cung cấp thông tin cho báo chí; Chủ động, tích cực thực thi công tác đặt hàng cơ quan báo chí, tăng cường hỗ trợ, lắng nghe phản hồi của cơ quan báo chí để có điều chính thích hợp.

Cần nghiên cứu và thực thi mô hình báo chí số tham gia truyền thông chính sách, với phân khúc công chúng số, công cụ và nền tảng số, với nội dung số và toà soạn số tương ứng.

“Hoạt động báo chí, cơ quan báo chí luôn gắn với nhiệm vụ truyền thông chính sách, cung cấp thông tin thiết yếu, phục vụ nhiệm vụ chính trị thuộc lĩnh vực quản lý của cơ quan chủ quản. Vì vậy, các cơ quan chủ quản quan tâm chỉ đạo hoạt động báo chí, bố trí tăng nguồn kinh phí cho công tác thông tin tuyên truyền, đặc biệt là truyền thông chính sách cho các cơ quan báo chí trực thuộc để thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin thiết yếu và truyền thông chính sách, đảm bảo thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích được cấp phép và thực hiện tốt cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập”, PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng nhấn mạnh./.

Bài liên quan
  • Truyền thông chính sách: Tiếp cận nhân dân như một nguồn lực thiết yếu
    Nguồn lực cho truyền thông chính sách đã được nhắc tới nhiều ở các khía cạnh: tài chính, nhân lực, công nghệ… Nhưng có một nguồn lực rất lớn chưa được khai thác xứng với tiềm năng, đến từ chính những đối tượng thụ hưởng và chịu tác động từ chính sách, đó là người dân. Vậy khi được nhìn nhận như một nguồn lực cho truyền thông chính sách, người dân có thể làm được gì?
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Báo chí đóng vai trò chủ công trong truyền thông chính sách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO