Cảnh giác với các bẫy lừa đảo xuất khẩu lao động trên mạng
Gần đây không chỉ nở rộ các hình thức lừa đảo qua mạng xã hội, mà còn có hình thức "thừa nước đục thả câu", đánh vào tâm lý thích sang ngoại của những người vừa bị mất tiền.
Bẫy lừa đảo xuất khẩu lao động trên mạng
Ngày 30/10, Công an TP. Cần Thơ cho biết, cơ quan điều tra đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Trần Thị Ngọc Nương (Sinh năm 2000, ngụ xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Thạnh) về hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Theo điều tra, đầu năm 2023, do nợ nần chồng chất, không có khả năng chi trả nên Nương nảy sinh ý định lừa đảo người khác.
Để thực hiện hành vi đen tối, Nương thuê một căn nhà tại gần cầu Trại Mai (thuộc khu vực Thới Thạnh 1, phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt) và tự mở bảng hiệu kinh doanh với tên gọi: "Nương Nương", vận chuyển hàng hóa quốc tế: Hàn Quốc - Đài Loan - Malaysia - Singapore - Mỹ - Úc - Nhật Bản.
Tiếp theo, Nương sử dụng mạng xã hội (MXH) Facebook đặt tên "Nương Nương Trần Ngọc" và nick Zalo "Nương Nương Mai Mối" để đăng tải thông tin xuất khẩu lao động (XKLĐ) thời vụ. Ai có nhu cầu thì liên hệ với Nương qua MXH và số điện thoại 0787.828.967 đã được đăng, rồi đến trực tiếp cơ sở của Nương để ký làm hợp đồng lao động thời vụ ở Hàn Quốc.
Nương ra giá trọn gói một hợp đồng từ 42.000.000 - 48.000.000 đồng, tiền cọc trước là 50%, chuyển khoản qua tài khoản ngân hàng hoặc đưa trực tiếp, sau khi hoàn tất hồ sơ thì nhận đủ số tiền còn lại. Nương hứa hẹn từ 10 - 20 ngày sẽ có kết quả.
Sau khi nhận tiền của các bị hại, Nương không thực hiện như cam kết mà chiếm đoạt luôn số tiền đã nhận. Tất cả các hợp đồng mà Nương ký với bị hại đều do đối tượng tự soạn rồi ký với từng người mà không có công chứng, chứng thực gì.
Trong khoảng thời gian từ đầu năm 2023 đến tháng 9/2024, Nương đã thực hiện hành vi lừa đảo của 132 bị hại, với số tiền khoảng 2.994.000.000 đồng. Để phục vụ điều tra mở rộng vụ án, Công an TP. Cần Thơ thông báo những ai là bị hại trong vụ án của Trần Thị Ngọc Nương, hãy liên hệ Cơ quan CSĐT Công an TP. Cần Thơ (số 71 Trần Phú, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều), hoặc gặp điều tra viên Võ Hùng Lĩnh, ĐT: 0942225512 để được hướng dẫn, giải quyết.
Các đối tượng lừa đảo, thực hiện hành vi vi phạm trong lĩnh vực XKLĐ ngày càng tinh vi, lợi dụng MXH và sự thiếu hiểu biết của người dân. Trước đó, Thanh tra Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) phối hợp Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) và Phòng An ninh chính trộ nội bộ (ANCTNB) Công an TP. Cần Thơ công bố quyết định của Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ, xử phạt vi phạm hành chính 360 triệu đồng đối với Công ty TNHH Huỳnh Hương Group (phường An Khánh, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ).
Lý do công ty này bị xử phạt vì đã tổ chức tuyển chọn, thu tiền của người lao động (NLĐ) Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; tổ chức đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài khi không có giấy phép hoạt động dịch vụ đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Công ty Huỳnh Hương Group bị buộc trả lại NLĐ số tiền đã thu trái pháp luật.
Một số khuyến cáo
Ngày 28/5, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB&XH) đã đưa ra khuyến cáo về tình trạng lừa đảo NLĐ đi làm việc ở nước ngoài trên môi trường mạng. Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết thời gian qua, vẫn còn tình trạng một số cá nhân, tổ chức mạo danh các doanh nghiệp được cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ để lừa đảo tuyển dụng NLĐ đi làm việc ở nước ngoài.
Đối tượng nhằm vào nhu cầu đi làm việc tại các thị trường mới như Australia, Canada và một số thị trường có thu nhập cao khác, thông qua các trang MXH (Facebook, Zalo) hoặc các website mạo danh. Một trong những website cung cấp thông tin giả mạo về tuyển dụng NLĐ đi làm việc ở nước ngoài là https://h5.vinacomvn.com.
Nhằm tránh bị lừa đảo và đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, Cục Quản lý lao động ngoài nước khuyến cáo NLĐ có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài cần tìm hiểu kỹ các thông tin liên quan. Đồng thời, chỉ liên hệ với doanh nghiệp được cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo số điện thoại, website chính thức, được đăng tải trên Giấy phép hoạt động dịch vụ của doanh nghiệp và trên Cổng thông tin điện tử của Cục Quản lý lao động ngoài nước.
NLĐ cần tư vấn, cung cấp thêm thông tin hoặc phản ánh thông tin về các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu lừa đảo trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, có thể liên hệ với Cục Quản lý lao động ngoài nước.
Trước đó, hồi tháng 10/2023, Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng đã từng cảnh báo về tình trạng NLĐ bị lừa đảo trên môi trường mạng. Tuy nhiên, đến nay tình trạng này tiếp tục tái diễn. Vì vậy, để ngăn ngừa tình trạng tổ chức, cá nhân lợi dụng thông tin về các chương trình đi làm việc ở nước ngoài để lừa đảo, thu tiền của người lao động trái quy định pháp luật, Bộ LĐTB&XH đề nghị các địa phương chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức thông tin, tuyên truyền tới người lao động tại địa phương.
Theo đó, NLĐ không đăng ký, nộp tiền cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào không nằm trong danh sách doanh nghiệp dịch vụ được Bộ cấp phép.
Theo kế hoạch năm 2024, Bộ LĐTB&XH đặt mục tiêu đưa khoảng 125.000 người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tập trung vào các thị trường ổn định, có thu nhập cao, như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc...
Trước thực trạng lừa đảo tràn lan, cục an ninh không gian mạng cũng như các chuyên gia công nghệ khuyến cáo người sử dụng MXH, Internet nên tự nâng cao ý thức cảnh giác với các giao dịch trên mạng; Luôn luôn giữ cảnh giác và không đồng ý thực hiện bất kỳ giao dịch tài chính nào mà không có đầy đủ thông tin và xác minh; Bảo vệ thông tin tài chính cá nhân của bạn và tìm hiểu thêm về các hình thức lừa đảo phổ biến để tránh trở thành nạn nhân.
Bên cạnh đó, người sử dụng nếu nghi ngờ hoặc trở thành nạn nhân của lừa đảo chuyển nhầm tiền, giả danh thu hồi nợ, hãy ngay lập tức báo cáo sự việc cho cơ quan chức năng, như cảnh sát hoặc ngân hàng, để họ tiến hành điều tra và cung cấp sự hỗ trợ./.