Truyền thông

Cà Mau: Tạo việc làm bền vững qua đào tạo nghề, hỗ trợ người lao động tiếp cận cơ hội việc làm chất lượng cao

Đỗ Thêu 02/11/2024 09:22

Không chỉ dừng lại ở thị trường lao động trong nước, Cà Mau còn tích cực hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo các chương trình hợp tác quốc tế, mở ra triển vọng về thu nhập ổn định và nâng cao tay nghề.

ca-mau-lao-dong-1.jpg
Cà Mau tích cực hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo các chương trình hợp tác quốc tế, mở ra triển vọng về thu nhập ổn định và nâng cao tay nghề.

Tập huấn, bồi dưỡng năng lực tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm và xuất khẩu lao động

Tỉnh Cà Mau đang tập trung đẩy mạnh các giải pháp cải thiện điều kiện lao động, tiền lương và quan hệ lao động nhằm xây dựng môi trường làm việc hài hòa, ổn định và tiến bộ. Trong đó, tỉnh chú trọng tạo việc làm bền vững thông qua các chương trình đào tạo nghề, nâng cao kỹ năng lao động và hỗ trợ người lao động tiếp cận các cơ hội việc làm chất lượng cao.

Không chỉ dừng lại ở thị trường lao động trong nước, Cà Mau còn tích cực hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo các chương trình hợp tác quốc tế, mở ra triển vọng về thu nhập ổn định và nâng cao tay nghề. Những chính sách này không chỉ góp phần nâng cao đời sống của người lao động mà còn đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội bền vững của tỉnh.

Ngày 16/10 vừa qua, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Cà Mau đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp, khởi nghiệp học nghề, việc làm cho các đại biểu là lãnh đạo UBND các xã, thị trấn, trưởng ấp, khóm, chi hội phụ nữ và công tác viên tư vấn, giới thiệu việc làm trên địa bàn huyện U Minh. Hội nghị đã phổ biến những kiến thức về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ cơ sở, tuyên truyền viên cơ sở trong thực hiện các hoạt động truyền thông và tạo điều kiện cho người lao động trên địa bàn tham gia các nội dung thuộc Chương trình.

Cụ thể, các đại biểu đã được phổ biến chính sách về việc triển khai các quy định liên quan đến đào tạo nghề, giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động. Nội dung bao gồm việc cung cấp thông tin về nhu cầu thị trường lao động trong tỉnh, trong nước và quốc tế, đồng thời hướng dẫn các kỹ năng phỏng vấn, tư vấn hướng nghiệp, cùng các chính sách hỗ trợ theo luật lao động. Các thủ tục đăng ký đi làm việc trong và ngoài nước theo hợp đồng cũng được phổ biến rõ ràng.

Ngoài ra, Hội nghị còn tập trung vào việc đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm nhằm kết nối cung – cầu lao động, hỗ trợ tạo việc làm bền vững. Đặc biệt, các hoạt động đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài được chú trọng đẩy mạnh. Các kỹ năng cơ bản về truyền thông, tư vấn hướng nghiệp, khởi nghiệp, học nghề và tạo việc làm cho người lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cũng được triển khai đồng bộ, góp phần nâng cao hiệu quả công tác lao động và việc làm trong các khu vực đặc biệt khó khăn.

Nhằm phổ biến mạnh mẽ hơn các chính sách chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, các chính sách về lao động, tiền lương cũng như tạo việc làm, đào tạo nghề lao động, lao động đi làm việc nước ngoài, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Cà Mau cũng đã phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Đầm Dơi tổ chức buổi tư vấn, giới thiệu việc làm và xuất khẩu lao động tại xã Quách Phẩm Bắc và xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi.

Đại diện Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Trung tâm Dịch vụ việc làm đã chia sẽ để hỗ trợ cho người lao động nắm chủ trương của tỉnh về chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đặc biệt là Đề án đưa người lao động tỉnh Cà Mau đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, giai đoạn 2022 - 2025, gồm các khoản kinh phí hỗ trợ không hoàn lại cho người lao động từ nguồn kinh phí hỗ trợ của tỉnh và được vay vốn tín chấp từ Ngân hàng Chính sách Xã hội tại địa phương. Các chuyên gia cũng cung cấp một số thông tin cơ bản về chương trình xuất khẩu lao động tại thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... cho người lao động cũng như điều kiện tham gia các đơn hàng mà công ty, doanh nghiệp đang tuyển dụng lao động trong thời gian tới.

Những thông tin tư vấn này giúp người lao động nắm bắt các chính sách hỗ trợ của tỉnh, trung ương cũng như các quyền lợi mà người lao động được hỗ trợ khi tham gia tìm kiếm việc làm trong tỉnh và ngoài tỉnh. Nhờ đó, người lao động ở Cà Mau có thêm nhiều cơ hội được tiếp cận với thị trường lao động, nhanh chóng tìm được việc làm phù hợp và ổn định cuộc sống trong tương lai.

Bảo vệ quyền lợi người lao động, tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển

Cam kết nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và cải thiện môi trường kinh doanh, ngày 30/10/2024, UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành Quyết định số 3142/QĐ-UBND, phê duyệt Đề án “Phát triển quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới”. Đây là một bước đi quan trọng nhằm đảm bảo quyền lợi và thúc đẩy phát triển bền vững trong lĩnh vực lao động, đồng thời nâng cao hiệu quả các chính sách an sinh và phúc lợi xã hội.

ca-mau-lao-dong-2.jpg
Các chính sách của Cà Mau không chỉ bảo vệ quyền lợi người lao động mà còn tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển, từ đó nâng cao chất lượng đời sống, duy trì an ninh trật tự, và góp phần ổn định xã hội.

Mục tiêu chính của Đề án là thiết lập quan hệ lao động đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người lao động và người sử dụng lao động. Định hướng đến năm 2030, tỉnh Cà Mau sẽ đảm bảo hệ thống quan hệ lao động phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và các tiêu chuẩn lao động quốc tế mà Việt Nam cam kết. Các chính sách này không chỉ bảo vệ quyền lợi người lao động mà còn tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển, từ đó nâng cao chất lượng đời sống, duy trì an ninh trật tự, và góp phần ổn định xã hội.

Trong đó, Đề án đặt ra nhiều mục tiêu cụ thể. Đầu tiên, tỉnh sẽ củng cố các đơn vị quản lý nhà nước về quan hệ lao động từ cấp tỉnh đến cấp huyện. Toàn bộ công chức quản lý lĩnh vực này sẽ được đào tạo bài bản nhằm nâng cao năng lực quản lý và hỗ trợ hiệu quả. Bên cạnh đó, tỉnh phấn đấu đảm bảo 100% doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động đều có tổ chức công đoàn cơ sở. Các doanh nghiệp sẽ tổ chức đối thoại định kỳ hàng năm và hội nghị người lao động, đồng thời đến năm 2025, 80% thỏa ước lao động tập thể dự kiến sẽ có điều khoản mang lại lợi ích cao hơn cho người lao động so với quy định.

Ngoài các chính sách liên quan trực tiếp đến lao động, Đề án cũng tập trung vào việc giải quyết việc làm và nâng cao năng lực nghề nghiệp. Theo kế hoạch, tỉnh sẽ tạo việc làm cho 40.600 lao động, bao gồm 17.100 việc làm trong tỉnh, 22.800 việc làm ngoài tỉnh, và 700 việc làm ở nước ngoài. Đồng thời, tỷ lệ lao động qua đào tạo dự kiến đạt 60%, qua đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trong nước và quốc tế.

Để đạt được các mục tiêu trên, Đề án đề ra một số giải pháp quan trọng. Đầu tiên là tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo để xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ. Cùng với đó, tỉnh sẽ nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, đặc biệt thông qua các chính sách hỗ trợ thiết thực cho người lao động và doanh nghiệp. Vai trò của tổ chức công đoàn cũng sẽ được phát huy mạnh mẽ trong việc đại diện và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động.

Ngoài ra, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, tạo điều kiện cho người lao động nâng cao trình độ chuyên môn. Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp này không chỉ giúp ổn định quan hệ lao động mà còn thu hút và giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Những nỗ lực trên là minh chứng cho quyết tâm của Cà Mau trong việc giải quyết những thách thức hiện tại và tạo lập nền tảng phát triển bền vững cho doanh nghiệp và người lao động trong tương lai./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Cà Mau: Tạo việc làm bền vững qua đào tạo nghề, hỗ trợ người lao động tiếp cận cơ hội việc làm chất lượng cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO