Căn bệnh Alzheimer đã quá quen thuộc đối với nhiều người, nhưng khi phải tự mình trải nghiệm và ở trong hoàn cảnh đó, bạn mới hiểu được tất cả những gì chúng ta đã có và đang có bắt đầu tan vỡ.
Đạo diễn người Nhật Naoko Nobutomo dũng cảm ghi lại quá trình bố mẹ cô dần già đi, người mẹ đột nhiên mắc bệnh Alzheimer, rồi ngôi nhà ấm áp và yên tĩnh bao năm đã hoàn toàn bị phá vỡ.
"Tôi bị mất trí nhớ, xin hãy chăm sóc cho tôi" là một bộ phim tài liệu của đạo diễn Naoko Nobutomo đã giành được “Giải thưởng kỷ lục phim Văn hóa” từ Cơ quan Văn hóa Nhật Bản vào cuối năm ngoái.
Bộ phim không có sự đầu tư lớn, không tuyên truyền rầm rộ cũng không có sự hỗ trợ của những người nổi tiếng. Toàn bộ chất liệu bộ phim đều do chính tay đạo diễn Naoko Nobutomo làm mọi thứ từ khâu ghi hình đến hậu kỳ đã thật sự để lại ấn tượng đặc biệt trong lòng khán giả.
Nhân vật chính trong bộ phim tài liệu ấy chính là bố mẹ ruột của nữ đạo diễn. Những mảnh vỡ buồn tẻ như nước đun sôi đã thật sự tạo nên một cơn bão trong lòng mọi người. Một người mẹ dần đánh mất đi chính mình, một người bố không thể nghe rõ câu nói trong lần đầu mà phải nói đi nói lại nhiều lần, và Naoko - một người con làm việc xa quê nhà.
Gia đình ba người hạnh phúc phải đối mặt với căn bệnh của người mẹ. Đó là bước ngoặt, buộc họ phải đối mặt với sự mất mát và cái chết.
Quê hương của Naoko nằm ở thành phố Kure, thuộc tỉnh Hiroshima, Nhật Bản. Khi còn nhỏ, cô đã từng tham gia vào công việc có liên quan đến điện ảnh và truyền hình ở Tokyo, có thời gian thì Naoko sẽ về nhà đoạn tụ với bố mẹ. Bất cứ lúc nào ở nhà, Naoko cũng lấy máy ảnh để ghi lại từng khoảnh khắc một, điều này dần trở thành thói quen của cô.
Vào tháng 1/2014, Naoko trở về nhà và cảm thấy có điều gì đó không ổn. Người mẹ toàn năng vốn làm được tất cả mọi thứ, vài phút trước bà còn nói về việc đi mua sữa sau khi mua cá nhưng ngay lập tức đã quên mọi thứ.
Từ lúc này, Naoko đã biết được sức khỏe của mẹ đã thay đổi. Theo đề nghị của con gái, mẹ Naoko đồng ý đến bệnh viện để kiểm tra thì phát hiện bà đang mắc bệnh Alzheimer.
Suy nhược thần kinh, giảm khả năng nhận thức, không thể chữa khỏi và cuối cùng là mất trí nhớ… Bệnh Alzheimer dường như là một cái bẫy được lên kế hoạch rõ ràng có khả năng xuất hiện trên mọi phương diện đối với mỗi người.
Naoko mô tả người mẹ sau khi chẩn đoán bệnh: "Mẹ không mất đi vẻ bề ngoài của mình nhưng có gì đó khiến tôi bị thuyết phục. Lần này, đúng thật là mẹ đã bệnh rồi”. Từ lúc này, Naoko đã hiểu được rằng, người mẹ có lòng tự trọng cao, có khả năng hiểu biết sâu rộng cùng tính cách mạnh mẽ tuyệt vời đã không bao giờ trở lại được nữa.
Một người mẹ toàn năng
Mẹ Naoko sinh năm 1929, thời điểm đó phụ nữ độc thân khá là hiếm hoi. Tuy nhiên, sau cùng mẹ Naoko cũng đã kết hôn nhưng khá muộn, năm 30 tuổi, bà và bố Naoko mới gặp nhau đã tiến tới hôn nhân. Hai năm sau, đứa con gái duy nhất chính là Naoko chào đời.
Giống như nhiều gia đình truyền thống Nhật Bản khác, công việc quan trọng nhất của phụ nữ lúc này chính là toàn tâm toàn ý lo cho gia đình. Trong trái tim của Naoko, mẹ là người toàn năng, đến quần áo của cô cũng do chính mẹ may. Dù là nấu ăn hay may vá, dù giao tiếp với mọi người bên ngoài hay chăm sóc gia đình, mẹ đều quán xuyến vẹn toàn. Càng trưởng thành, Naoko càng tự hào về mẹ.
Mẹ Naoko cũng rất thích chụp ảnh. Vào thời điểm đó, rất hiếm có người phụ nữ nào có nhiều máy ảnh chuyên dụng, nhưng mẹ Naoko thì khác, bà cũng là người mở ra cánh cửa đến với thế giới nhiếp ảnh cho Naoko. Trong vài thập kỷ tiếp theo, Naoko dần phát hiện ra ước mơ của mình và quyết tâm theo đuổi.
Năm 18 tuổi, Naoko rời khỏi nhà và bắt đầu con đường riêng. Bố mẹ luôn an ủi rằng cô nên sống theo cách mà cô muốn. Khi quyết định đi theo nghệ thuật, Naoko đã không có ý định kết hôn và lập gia đình nhưng bố mẹ vẫn rất tôn trọng và không can thiệp. Được sống trong vòng tay yêu thương và ủng hộ của bố mẹ, Naoko đã thành công đạt được mục tiêu trong sự nghiệp của mình.
Sau khi con gái trở nên thành đạt, mẹ Naoko bắt đầu học thư pháp. Vào năm 2007, người phụ nữ 78 tuổi này đã nhận được giải thưởng lớn tại triển lãm thư pháp ở Tokyo. Khoảnh khắc vinh quang này của mẹ khiến Naoko không bao giờ quên được.
Thế nhưng, người mẹ mà Naoko quen thuộc đã biến mất
Năm 2016, 2 năm sau khi mẹ Naoko bị chẩn đoán mắc bệnh Alzheimer, tình trạng của bà ngày càng xấu đi. Khi mẹ Naoko đang dọn dẹp quần áo trong máy giặt nửa chừng, bà đột nhiên nằm trực tiếp lên đống quần áo ấy. Bà bướng bỉnh bảo rằng không cần con gái giúp, nhưng cơ thể quá mệt mỏi không thể đứng dậy được.
Không chỉ làm việc nhà không suôn sẻ, người mẹ lúc này còn không thể nấu ăn. Tuy vậy nhưng bà vẫn cố gắng duy trì sự sạch sẽ trong nhà bếp. Naoko nói rằng, nhà bếp là “lâu đài” độc quyền của mẹ và bà đã nấu nhiều món ăn ngon trong nhiều thập kỷ qua.
Trên con đường chống chọi với bệnh tật này, người bố bắt đầu chịu trách nhiệm trong việc quản lý liều lượng của các loại thuốc bởi vì mẹ Naoko bắt đầu không nhớ rằng mình đã uống thuốc hay chưa.
Ngay cả vào ban ngày, bà cũng thường không thể kiểm soát được những lời nói của mình: “Mẹ không biết chuyện này thế nào, cái gì mẹ cũng không biết. Mẹ đã trở thành người ngu ngốc rồi”. Nói được một nửa, bà đột nhiên khóc: “Rõ ràng là con đã về nhà, nhưng mẹ lại như vậy. Mẹ phải làm sao đây?”...
Một người mẹ mà Naoko từng tự hào vì có thể nấu được nhiều món ngon, nhưng nay đã phải từ bỏ điều đó và cần sự chăm sóc của người xung quanh. Bà hay nói: “Mẹ đã đem đến sự phiền phức cho con. Mẹ xin lỗi, đã làm cho con lo lắng”.
Khi tình trạng của người mẹ trở nên tồi tệ thì gánh nặng lại đè nặng lên vai người bố 95 tuổi. Bố Naoko đã phải dành rất nhiều thời gian để đổ rác, tiếp quản các công việc thay mẹ nhưng ông không một thời than vãn, ông vẫn rất lạc quan. Ông gọi tất cả những kinh nghiệm này là định mệnh.
Bố Naoko hơn mẹ cô 9 tuổi, trước khi nghỉ hưu ông làm việc trong một công ty kế toán để đảm bảo gia đình có đủ thức ăn và quần áo và sống một cuộc sống đủ đầy sung túc. Bố mẹ Naoko đã cùng nhau nắm tay đi qua nhiều thập kỷ, bất cứ khi nào gia đình ngồi ăn cùng đều khiến mọi người ngưỡng mộ vì quá hạnh phúc.
Mặc dù đã 95 tuổi nhưng bố Naoko vẫn chăm chỉ học tiếng Anh. Ông xem từ điển là kho báu của riêng mình. Sau khi vợ bị ốm, ông bắt đầu loạng choạng đi chợ mua rau, trên đường về phải ngồi xuống nghỉ ngơi nhiều lần. Ông muốn tạo cho con gái có cảm giác an toàn, không muốn con từ chức về nhà chăm sóc bố mẹ. Thay vì nghỉ việc về nhà chăm sóc bố mẹ, ông hy vọng con gái sẽ được tự do lựa chọn cuộc sống của mình.
Một ngày của ông là phân loại quần áo gọn gàng rồi gấp chúng lại. Ông mua tã và nhắc nhở vợ uống thuốc đúng giờ. Chiếc mền cũ sần có một cái lỗ, ông sẽ mang theo sợi kim vá cho lành lặn. Nhưng Naoko biết rằng để duy trì trạng thái cuộc sống trước đó, bố mẹ cô đã phải cố gắng rất nhiều.
Để bảo vệ cuộc sống của bố mẹ, Naoko đã yêu cầu được về nhà thường xuyên nhưng đã bị người mẹ từ chối. “Có người về nhà, mẹ phải dọn dẹp và rất bận rộn”, bà nói thế với con gái mình. Bố Naoko cũng không đồng ý, ông nói rằng mình vẫn có khả năng quán xuyến mọi thứ.
Tình trạng của mẹ Naoko ngày càng đáng lo ngại, bà không chỉ quên đồ, cơ thể yếu ớt mà cảm xúc cũng bắt đầu trở nên bất ổn. Khi bà không thể thức dậy vào buổi sáng, bà đã khóc như một đứa trẻ khiến người chồng vô cùng đau lòng. “Cơ thể không nghe lời tôi, tôi không đứng dậy được, tôi không biết tại sao, có chuyện gì xảy ra với tôi thế”, bà nói với chồng.
Nhận thấy cuộc sống bố mẹ đã đạt đến giới hạn của họ, Naoko đã mời người phụ trách ở địa phương đến để giải thích vấn đề với bố mẹ. Sau đó, người mẹ vốn mạnh mẽ nay đã phải bật khóc và chấp nhận một sự thật: “Tôi chỉ có thể tiếp tục sống với sự giúp đỡ của người khác”.
Vài ngày sau, những người phụ trách chăm sóc bệnh nhân đã đến nhà bắt đầu công việc. Ban đầu cuộc sống khá thuận tiện, nhưng sau khi người chăm sóc rời đi, người mẹ liền quên đi mọi chuyện trước đó, bà nói rằng không phải làm phiền tới người khác, hãy để họ đi giúp đỡ người khác đi.
Cảm xúc của người mẹ bắt đầu khó kiểm soát và những lúc hiếm hoi khi cảm xúc bắt đầu ổn định, bà lại không chịu buông bỏ lòng tự trọng. Những ngày có người đến nhà dọn dẹp, bà sẽ dậy sớm, thay quần áo và làm tóc gọn gàng, không muốn để người khác thấy mình đang làm gì. Bà từ chối thể hiện sự yếu đuối của mình trong khi người khác đang dọn dẹp.
Bà tỏ ra mạnh mẽ để giúp đỡ mọi người, sau cùng thì căn nhà cũng sạch sẽ nhưng sau khi họ rời đi, bà quên hết mọi thứ. Cho dù đó là sự bướng bỉnh hay niềm vui khi nhìn thấy kết quả tốt đẹp thì sau cùng với bà nó chưa từng tồn tại. Nhờ có sự giúp đỡ của người chăm sóc mà cuộc sống bố mẹ Naoko dần tốt hơn.
Năm 2017, vào đêm giao thừa, mẹ Naoko đã gửi lời chúc năm mới đến cô: “Mẹ bây giờ lẫn rồi, con hãy chăm sóc mẹ nhé”. Khi Naoko trở về nhìn thấy mẹ ngày càng già đi, mẹ đã bị thương quanh mắt, cô đã hỏi có chuyện gì. Người bố cũng chẳng nhớ đã có chuyện gì đã xảy ra với vợ mình, ông chỉ nói với con gái rằng chắc là bị thương đâu đó.
Naoko không thể tưởng tượng được mẹ mình đã cố gắng thế nào, nhưng bà đã quên đi vết thương của chính mình trong nháy mắt. Nhìn thấy tình cảnh như thế, cô đau khổ nói không nên lời. Naoko đã đưa mẹ đi kiểm tra và may mắn đó chỉ là vết thương nhỏ, không có gì nghiêm trọng.
Sau khi từ bệnh viện trở về, bà mệt không đi nổi nhưng không muốn con gái giúp, bà đã tự bò vào nhà từ cửa, leo lên phòng ngủ và nằm thẳng. Sáng hôm sau, mẹ không thể đứng dậy được, khi người chăm sóc đến bà cũng không dậy và cũng không cần họ giúp đỡ, bà khóc trong chăn và chỉ muốn ở bên chồng.
Bố mẹ Naoko đã nắm tay nhau và yên lặng trong một khoảng thời gian, tiếng khóc người mẹ lắng xuống và dường như mất hết sức sống. Bà cúi đầu buồn bã bất lực vẫn không chịu thừa nhận rằng mình không thể tự chăm sóc bản thân mình nữa. Đó là điều bà không cảm thấy hạnh phúc. Ngày qua ngày, người mẹ không ngồi dậy, nhưng người bố vẫn phải làm việc nhà. Lâu lâu người mẹ lại tuyệt vọng kêu lên: “Tôi không muốn sống, hãy để tôi chết đi”.
Sau khi nghe câu nói của chồng: “Bà quá mạnh mẽ về lòng tự trọng” thì mẹ Naoko như choáng váng, bà cố gắng thay quần áo ngồi vào bàn và cố gắng gượng, che mặt khóc nức nở. Bên ngoài ống kính camera, chỉ còn bố mẹ thút thít. “Chúng ta hãy cùng cổ vũ nhau, nếu ai rời đi trước thì người còn lại sẽ cô đơn”, câu nói này là mẹ Naoko nói với bố cô khi bà bị chẩn đoán bị bệnh Alzheimer.
Trước căn bệnh này, tuổi thọ không phải được xem là phước lành mà giống như sự tra tấn tàn khốc nhất. Sau khi bộc phát cảm xúc của mình, người mẹ đã bình tĩnh trở lại và bắt đầu cù lét chồng mình như thể không có gì xảy ra trước đó.
Hai người ngồi bên nhau với những cảm xúc nguyên vẹn như hàng chục năm trước. Một người bố 97 tuổi, một người mẹ 88 tuổi và họ cố gắng bên nhau đi bộ trên đường theo từng bước ngắn. Không cần đối mặt với mất mát, chết chóc, vào thời điểm đó, hai ông bà có tinh thần mạnh mẽ vẫn bên nhau như họ đã từng, hạnh phúc như thế là đủ.
(Nguồn: ifeng)