CĐS thúc đẩy khả năng phục hồi và bứt phá cho ngành Du lịch
Chia sẻ tại Hội thảo chuyên đề "CĐS du lịch - Xu hướng và giải pháp" trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao CĐS Việt Nam - châu Á 2022 diễn ra mới đây tại Hà Nội, ông Lâm Nguyễn Hải Long - Phó Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) nhận định, để thúc đẩy khả năng phục hồi và bứt phá cho ngành Du lịch thì CĐS là một trong những giải pháp hữu hiệu để thích nghi với bối cảnh hiện nay.
Theo ông Long, ở mô hình doanh nghiệp (DN) muốn CĐS thành công, bộ máy điều hành của DN mà đặc biệt là các nhà lãnh đạo DN phải thật sự quan tâm, xem đây là công cụ để thay đổi mô hình kinh doanh của mình. CĐS phải được dẫn dắt từ trên xuống và phải được "thông suốt" đến từng người trong DN.
DN muốn bứt phá, vươn lên nhanh, mở rộng thị trường, tăng lợi nhuận, tiết kiệm chi phí thì CĐS chính là một công cụ có thể giúp DN đạt được kết quả nhanh nhất.
Ông Long cho biết, CĐS sẽ tạo cơ hội cho DN nhỏ có được tính linh hoạt, sở hữu công cụ và dữ liệu giúp những DN nhỏ tăng sức cạnh tranh với các DN lớn trên thị trường theo phương thức hoàn toàn khác so với trước đây.
"CĐS sẽ tạo ra những tác động lớn, chúng ta không nhất thiết phải dự đoán hay thậm chí đo lường được vào thời điểm hiện tại. Thế nhưng các cấu phần của một kiến trúc công nghệ để thúc đẩy CĐS đã sẵn sàng, đó là các công nghệ điện toán đám mây, dữ liệu lớn, Internet vạn vật (IoT) và gần đây là blockchain và NFT. Chính vì vậy, chúng ta hãy bắt tay cùng nhau hành động", ông Long nhấn mạnh.
4 xu hướng chính trong CĐS du lịch
Cũng tại Hội thảo, ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã nhận định rằng công nghệ là một trong những chìa khóa giúp giải các bài toán kinh doanh và du lịch là một trong số những bài toán kinh doanh đó. Do đó, CĐS ngành du lịch được đánh giá là vô cùng cần thiết.
Theo Hà Văn Siêu, với góc độ cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch, CĐS được nhìn nhận là quá trình chuyển dịch cũng như hình thành nền tảng, môi trường kết nối, giao dịch, tương tác giữa các chủ thể trong ngành du lịch bằng công cụ, ứng dụng, dữ liệu số. Với tính năng vượt trội của công nghệ số mà những giao dịch, tương tác trong ngành du lịch có thể trở nên hiệu quả hơn và có thể tạo ra những bứt phá mới trong hoạt động du lịch.
Nhận định và đề xuất về một số xu hướng cũng như giải pháp CĐS ngành du lịch, ông Hà Văn Siêu đã nêu bật 4 xu hướng chính bao gồm: Du lịch thông minh; Tham gia du lịch chủ động hơn; Xu hướng liên minh, liên kết, phát huy cơ chế kinh tế chia sẻ; Xu hướng khuếch trương cực đại những cảm xúc trong trải nghiệm du lịch.
Xu hướng du lịch thông minh
Trong những năm gần đây, nhu cầu du lịch hướng tới trải nghiệm được cá nhân hóa, thân thiện ngày càng phát triển.
Xu hướng du lịch thông minh đáp ứng nhu cầu cá nhân hóa, trải nghiệm sâu, đặt ra yêu cầu cần phải số hóa hệ thống dữ liệu lớn về điểm đến, sản phẩm du lịch và các cơ sở cung ứng dịch vụ theo chuỗi giá trị.
Đồng thời, xu hướng này cũng đòi hỏi sự phát triển của những ứng dụng số thông minh để đưa ra được những sản phẩm, những lời giải tối ưu nhất cho từng nhóm nhu cầu rất riêng của từng nhóm khách du lịch.
Theo đó, những giải pháp công nghệ khi kết hợp với những dữ liệu lớn về tài nguyên du lịch, sản phẩm du lịch, các cơ sở dịch vụ du lịch theo chuỗi giá trị sẽ đưa ra được những lời giải hữu hiệu để phát triển du lịch thông minh.
Tham gia du lịch chủ động hơn
Khách du lịch ngày càng có xu hướng chủ động hơn trong việc lựa chọn dịch vụ, xây dựng chương trình và phương án đi du lịch, cũng như tự kết nối với các nhà cung cấp, tự trải nghiệm theo hướng dẫn của nhà cung cấp thông qua công nghệ.
Ngoài ra, du khách cũng có thể tự đánh giá, chia sẻ về thông tin và những kinh nghiệm trong và sau chuyến đi. Rõ ràng, với công nghệ những hoạt động của khách du lịch đã trở nên chủ động hơn.
Đây là xu hướng mà người tiêu dùng du lịch trực tiếp tham gia vào quá trình hình thành cũng như tiêu thụ sản phẩm du lịch. Điều này tạo ra sự tương tác nhiều chiều với nhiều đối tượng, chủ thể trong ngành du lịch.
Vì vậy, để tranh thủ tính chủ động của khách hàng, ngành du lịch cần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến quảng bá, cung cấp đầy đủ thông tin điểm đến cũng như hỗ trợ tốt nhất cho hoạt động tìm kiếm của khách hàng. Đồng thời, tạo ra những ứng dụng, giải pháp thân thiện, mang tính ứng dụng cao để có thể đáp ứng xu hướng du lịch chủ động của du khách.
"DN có càng nhiều dữ liệu điểm đến, có ứng dụng tìm kiếm tốt sẽ thu hút được càng nhiều khách hàng", ông Siêu nhấn mạnh.
Xu hướng liên minh, liên kết, phát huy cơ chế kinh tế chia sẻ
Đây là một xu hướng đang nổi lên trong ngành du lịch. Nhu cầu liên kết giữa các bên cung ứng dịch vụ như lữ hành - lưu trú; lữ hành - vận chuyển; lữ hành - khách sạn, lữ hành - dịch vụ vui chơi giải trí… là rất lớn. Xu hướng này xuất phát từ nhu cầu liên kết chia sẻ chi phí, doanh thu, dịch vụ… tạo ra các giải pháp ứng dụng số trong cung ứng, tiêu dùng dịch vụ du lịch, những sản phẩm tốt nhất và rẻ nhất, nhanh nhất, như các loại thẻ du lịch thông minh, ứng dụng chia sẻ kỳ nghỉ…
Để làm được điều này, ông Hà Văn Siêu nhấn mạnh cần thiết phải số hóa các cơ sở dịch vụ, quá trình tiêu dùng, kết nối nhiều nhà cung ứng dịch vụ tại nhiều thời điểm khác nhau.
Xu hướng khuếch trương cực đại những cảm xúc trong trải nghiệm du lịch
Đây là một trong những nhu cầu tự nhiên của con người khi đi du lịch, luôn mong muốn có những trải nghiệm độc đáo, vượt trội so với thực tế mà trong điều kiện thực tế khó hoặc không đạt được. Và chỉ có công nghệ thực tế ảo mới có thể giúp khách hàng tạo ra những cảm xúc vượt trội như vậy.
Xu hướng thực tế ảo hiện đang rất phổ biến trong giới trẻ. Từ thực tế đó, CĐS du lịch cũng cần phải hướng tới mục tiêu nâng cao khả năng tương tác giữa thế giới thực và thế giới ảo.
Nhằm hướng tới mục tiêu phục hồi và đẩy mạnh phát triển du lịch sau đại dịch COVID-19, công nghệ số sẽ đóng một vai trò quan trọng. Theo đó, Tổng cục Du lịch đang chuẩn bị triển khai Dự án CĐS ngành du lịch với 3 trụ cột: trục liên thông kết nối thông tin quản lý du lịch từ Trung ương đến địa phương và các cơ sở dịch vụ; hệ thống cơ sở dữ liệu số quốc gia về du lịch; sàn giao dịch điện tử kết nối các DN cung ứng dịch vụ và khách du lịch.
Ba trụ cột này được kỳ vọng sẽ hỗ trợ tích cực cho các chủ thể trong ngành du lịch hoạt động trong môi trường số.
Đứng trước những cơ hội và thách thức mới trong quá trình phục hồi lại ngành du lịch, ông Hà Văn Siêu nhấn mạnh: "Các DN du lịch, DN công nghệ khi tham gia vào quá trình CĐS cần nắm bắt được các xu hướng du lịch để có thể đưa ra những giải pháp thích ứng, đề xuất nhiều ý tưởng tiên phong, biến những "sản phẩm số" thành những "sản phẩm du lịch số"".
Bên cạnh đó, ông Hà Văn Siêu cũng kêu gọi sự chủ động sáng tạo và tăng cường đầu tư cho CĐS từ những người đứng đầu ngành và coi CĐS trong du lịch là chìa khóa cạnh tranh trong giai đoạn phát triển này.
"Chúng tôi tin tưởng rằng với tiềm năng phát triển du lịch của Việt Nam cùng với những sáng tạo, khát vọng phát triển và không ngừng đổi mới, cũng như những chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện của Nhà nước thì công cuộc CĐS ngành du lịch sẽ đạt được nhiều kết quả khả quan và có thể lan tỏa đến nhiều ngành lĩnh vực liên quan, tạo cơ hội cho ngành du lịch phát triển bền vững và vươn lên một tầm cao mới", ông Hà Văn Siêu chia sẻ./.