Sáng ngày 17/5, Câu lạc bộ (CLB) nhà khoa học Trường Quốc tế (VISL) phối hợp Học viện Viettel và CLB nhà khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội (VSL) tổ chức hội thảo "CĐS trong trường đại học".
Đẩy mạnh CĐS trong dạy và học
Ngày nay, CĐS không chỉ là vấn đề của một tổ chức, một cá nhân mà là vấn đề toàn cầu. Đặc biệt giáo dục cũng không nằm ngoài quy luật chuyển đổi để kịp thời nắm bắt những thành tựu khoa học kỹ thuật, công nghệ nhằm nâng cao chất lượng dạy và học. Do tác động của đại dịch COVID-19, để ứng phó với những biến động về mọi mặt của nền kinh tế, các trường đại học cũng cần chuyển mình theo xu hướng số hóa nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục.
Phát biểu khai mạc hội thảo, đại diện VISL, PGS.TS Nguyễn Văn Định,cho biết: Trong thời gian dịch bệnh vừa qua chúng ta đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ nên hoạt động đào tạo của các trường đại học nói chung, trong đó có Trường Quốc tế không bị gián đoạn, bảo đảm cho các em được học một cách liên tục.
Chương trình đào tạo của Trường Quốc tế có cấu phần trên 20% nội dung được giảng dạy bởi các giảng viên nước ngoài nên khi mời các giảng viên uy tín, họ thường bận và không bay sang được nên khi dịch COVId-19 xảy ra trường đã chuyển sang đào tạo trực tuyến. "Đây cũng là cơ hội để mời các giảng viên hàng đầu của nhiều trường đại học trên thế giới. Trong nguy cơ thì chúng ta có cơ hội để chuyển đổi cách thức làm việc", PGS.TS. Nguyễn Văn Định nhấn mạnh.
Trong nội dung trình bày về CĐS trong giáo dục đào tạo (GD&ĐT), TS. Bùi Quang Tuyến, Giám đốc Học viện Viettel đã chia sẻ những điều cần biết căn bản về CĐS và thực trạng nguồn nhân lực trong CĐS. Theo đó, nguồn nhân lực hiện nay đang thiếu kiến thức, bao gồm quên kiến thức nền tảng, kiến thức bị lỗi thời và kiến thức mới xuất hiện.
Theo báo cáo "Future of jobs" năm 2016 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) thì 50% kiến thức bị lỗi thời ngay khi sinh viên tốt nghiệp. Ngoài ra, đặc điểm của những người đi làm đó là: thiếu thời gian học tập, giảm tập trung, nhanh quên, kiến thức nền giảm sút, ngại thay đổi và chủ nghĩa kinh nghiệm - bảo thủ. Trong khi đó, việc tổ chức đào tạo thường xuyên tại các tổ chức, doanh nghiệp (DN) thường gặp nhiều khó khăn do lực lượng phân tán, chi phí lớn và phải đảm bảo vừa học vừa làm.
Mặt khác khó kiểm soát sau đào tạo, khó đo lường giá trị mang lại sau đào tạo và thiếu công cụ hỗ trợ quản lý sau đào tạo. Cuối cùng là tri thức nội bộ còn hạn chế do nhân sự luân chuyển; thiếu công cụ thu thập, lưu trữ và chia sẻ tri thức nội bộ.
Để đáp ứng nhu cầu việc làm trong bối cảnh CĐS hiện nay, việc học tập, đào tạo cần thực hiện suốt đời, kịp thời và chuyển dần từ hướng truyền đạt kiến thức sang phát triển năng lực. Theo TS. Bùi Quang Tuyến, CĐS trong học tập, đào tạo là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện theo hướng: giảm thuyết giảng, giảm truyền thụ kiến thức; phát triển năng lực người học; tạo cơ hội học tập mọi lúc, mọi nơi; cá nhân hóa việc học; tạo ra môi trường học tập, xã hội học tập và học tập suốt đời.
By Day Learning: Hỗ trợ nhu cầu học suốt đời, học kịp thời
Ý thức được CĐS trong học tập, đào tạo đóng vai trò vô cùng quan trọng nâng cao năng lực đội ngũ nhân sự của Viettel nói riêng và cộng đồng nói chung, Học viện Viettel đã sáng tạo ra ứng dụng di động By Day Learning (BDL) dựa trên 4 nhân tố chính: tư duy nhận thức, cơ chế chính sách, ứng dụng CĐS và học liệu. Người học chỉ cần cài đặt app trên điện thoại thông minh hoặc thiết bị khác có kết nối Internet là có thể duy trì việc học tập mọi lúc, mọi nơi.
Ứng dụng này thể hiện rõ nét CĐS trong học tập, đào tạo nhằm mục đích duy trì tiếp nhận kiến thức chủ động, liên tục hàng ngày, mọi lúc, mọi nơi cho người học trên môi trường mạng thông qua các phương tiện kết nối cá nhân (điện thoại, máy tính bảng…). Đây là những đặc điểm đặc biệt quan trọng trong việc duy trì và nâng cao năng lực đội ngũ trong thời kinh tế số.
Theo TS. Bùi Quang Tuyến, điểm ưu việt của ứng dụng là nội dung được số hoá; thiết kế cô đọng, trực quan; đa dạng hình thức thể hiện và nội dung bài học. Quy trình học tập được thực hiện qua ứng dụng di động nhằm giúp mỗi các nhân duy trì học tập hàng ngày; tạo ra cơ hội học tập mọi lúc, mọi nơi; các nhân hóa việc học tập, từ đó tăng khả năng tự học.
Phương thức học tập của BDL là môi trường thuận lợi cho các tổ chức, DN trong việc tiếp nhận kiến thức của đội ngũ bởi tính đa dạng, linh hoạt, chủ động lựa chọn nội dung, thời gian cho người học như:
- Là nơi lưu giữ học liệu - các bài học ngắn (dưới 10 phút) được xây dựng (số hóa) với hình thức thể hiện sinh động, phong phú, đa dạng: hoạt hình, video clip, audio,…và thường xuyên được cập nhật, bổ sung trong quá trình học tập của người học.
- Là phương thức thuận lợi để đội ngũ nhân sự duy trì thường xuyên việc học tập, hình thành thói quen, phát huy tính tự giác cá nhân và góp phần xây dựng văn hóa học tập trong tổ chức, doanh nghiệp.
- Là công cụ giúp người quản lý kiểm soát, đôn đốc, nhắc nhở đội ngũ thực hiện liên tục thường xuyên việc tiếp nhận tri thức đến từng cá nhân, đơn vị trong tổ chức doanh nghiệp.
Những tính năng của BDL cho người dùng bao gồm lựa chọn nội dung học tập, học mọi lúc mọi nơi, đặt mục tiêu, kế hoạch học tập; phản hồi về bài học; xem góp ý về bài học; chia sẻ bài học cho đồng nghiệp; xem thông báo nhắc nhở duy trì học tập; xem trạng thái học,... Tính năng cho người quản lý đào tạo là: tạo và cấp tài khoản người dùng; quản trị danh mục/chủ trì bài học; bổ sung bài học mới; xem số liệu thống kê bài học; xem số lượng, tỷ lệ người học; xem tỷ lệ hoàn thành KPI của đơn vị...
Trong khi các tính năng cho người quản lý tổ chức cũng rất phong phú, bao gồm: quản trị nội dung học tập của đơn vị, thiết lập số bài học phải hoàn thành cho mỗi cá nhân; tạo quy định, nội dung, thời gian thông báo nhắc nhở trong tổ chức; theo dõi, nhắc nhở cán bộ nhân viên, đơn vị học tập,...; nắm bắt số liệu thống kê bài học, số lượng, tỷ lệ người học; xem thông tin phản hồi về bài học; xem tỷ lệ hoàn thành KPI của đơn vị,...
Kết quả bước đầu khi triển khai BDL tại Viettel rất khả quan. Từ tháng 8/2021 đến tháng 4/2022, ứng dụng đã phát triển được 652 bài học (dưới10 phút), đã có 72.568 lượt tải, 51.894 người đăng ký với hơn 4,2 triệu lượt học và 47.845 người học hàng ngày./.