CĐS trong lĩnh vực báo chí, góc tiếp cận từ vấn đề nội dung số

20/06/2022 06:35
Theo dõi ICTVietnam trên

Chuyển đổi số (CĐS) trong lĩnh vực báo chí nói riêng, các lĩnh vực kinh tế - xã hội Việt Nam nói chung đã và đang trở thành thực tế tất yếu diễn ra hiện nay.

Minh chứng cho điều này, ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành quyết định số 749/ QĐ-TTg phê duyệt Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030. Với ba trụ cột chính là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, Việt Nam là một trong những quốc gia sớm có một chương trình về CĐS được Chính phủ phê duyệt.

Đối với lĩnh vực báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cũng đã sớm có những hành động cụ thể về hoạt động CĐS. Theo đó, ngày 12/1/2021, Bộ đã xây dựng nền tảng CĐS cho các cơ quan báo chí và công bố ba nền tảng hỗ trợ các cơ quan báo chí truyền thông CĐS là Quản lý tòa soạn điện tử (1); Phân tích thông tin, dư luận xã hội (2) và Nền tảng hỗ trợ phòng chống tấn công và ứng cứu khẩn cấp cho hệ thống thông tin của các cơ quan báo chí (3) (Phúc Hằng, 2021).

Tuy nhiên, khi nhìn ở góc độ lý luận, CĐS trong lĩnh vực báo chí lại khá phong phú về góc độ tiếp cận, thực tiễn quá trình CĐS tại từng đơn vị báo chí lại càng nhiều màu sắc. Trong bài viết này, nhóm tác giả sẽ đưa ra các luận điểm tập trung vào CĐS lĩnh vực báo chí từ góc độ tiếp cận của ngành công nghiệp nội dung số, từ đó nhấn mạnh đến trọng tâm về nội dung số, trong quá chuyển đổi này.

Nhiều hướng tiếp cận về CĐS báo chí

Trong thực tiễn hiện nay, vẫn còn nhiều hướng tiếp cận khác nhau về quá trình CĐS. Có nghiên cứu cho rằng CĐS có thể lấy công nghệ làm trung tâm, theo đó, chuyển đổi số là việc sử dụng công nghệ, kỹ thuật để thay đổi cách con người làm việc, giao thương, giao tiếp và các hoạt động khác trong đời sống xã hội. Xuất phát từ nền tảng công nghệ và kỹ thuật, những người tham gia CĐS chú trọng đầu tư vào lắp đặt các thiết bị, hệ thống máy tính, Internet tốc độ cao, kết nối Internet vạn vật, xử lý và lưu trữ dữ liệu trên đám mây, phát triển phần mềm và hệ thống tự động (Mạch Lê Thu, 2021). 

Ví dụ trong lĩnh vực báo chí, nhiều cơ quan, tòa soạn báo chí truyền thông sẽ dịch chuyển sang số hóa nội dung, số hóa làm việc qua mạng, từ xa, trên những nền tảng cho phép hội họp để thảo luận, trao đổi đề tài, chuyển tải dữ liệu, dùng công nghệ trí tuệ nhân tạo, robot trong quá trình tìm kiếm, tổng hợp, sản xuất các sản phẩm tin tức báo chí... Đây đều là những biểu hiện của CĐS bằng thay đổi công nghệ. Cách này có ưu điểm là dùng công nghệ để hỗ trợ nhiều loại hình hoạt động trước đây làm thủ công, giúp kết nối nhiều người; nhưng nhược điểm là nguồn đầu tư nhiều khi quá lớn, nguồn thu về nhiều khi quá nhiều mà không xử lý hết, gây lãng phí tài nguyên.

Ở góc độ khác, CĐS có thể tiếp cận là việc triển khai một loạt những thay đổi về công nghệ và con người để tái cấu trúc cách thức hoạt động báo chí, từ đó tạo ra những cơ hội và giá trị mới trong hoạt động kinh doanh báo chí. 

Nói cách khác, trọng tâm CĐS là quá trình thay đổi từ mô hình truyền thống sang số bằng cách áp dụng công nghệ mới như dữ liệu lớn (big data), Internet cho vạn vật (IoT), điện toán đám mây (cloud)... để thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa nhằm tạo những sản phẩm, dịch vụ mới cùng những giá trị và phương thức tiêu dùng mới. Trên cơ sở dữ liệu và quy trình được số hóa từ môi trường diễn ra các hoạt động liên quan báo chí truyền thông, sử dụng các công nghệ số phân tích, đánh giá, đưa ra các quyết định để thay đổi căn bản cách thức vận hành, mô hình kinh doanh và cung cấp các giá trị mới cho khách hàng của đơn vị kinh doanh (Vũ Văn Hà, 2021).

Hay CĐS theo hướng xây dựng mô hình hoạt động số, chẳng hạn như mô hình hội tụ cho cả một thiết chế truyền thông của quốc gia, bộ, ngành, địa phương hay một cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp (DN) và quan trọng hơn là thực hiện chuyển đổi, trong đó diễn ra quá trình tổng thể, toàn diện, từ lãnh đạo cao nhất đến mọi thành viên của cơ quan, tổ chức, DN... nhằm vận hành, thực thi mô hình hoạt động số ấy (Phúc Hằng b, 2021).

Hướng tiếp cận lấy thông tin làm trung tâm là hướng đi được nhiều nhà nghiên cứu đồng tình. Theo đó CĐS lấy thông tin làm trung tâm là việc xử lý thông tin (dữ liệu lớn) thu được từ môi trường diễn ra các hoạt động để làm cơ sở đưa ra quyết định. Bằng quan sát, chúng ta không khó để thấy cách CĐS này. 

Ví dụ như nhiều báo điện tử hay sử dụng Cookies (4) để đưa ra câu hỏi cho bạn đọc “Có cho phép báo truy cập vào cookies của bạn hay không?”. Khi bạn đọc chọn câu trả lời “có”, cho phép báo điện tử được sở hữu thông tin này, đồng nghĩa với việc tờ báo được khai thác dữ liệu lớn vào những mục đích mang lại lợi nhuận, ví dụ cho hiển thị quảng cáo phù hợp với bạn đọc. Điều này dễ nhận thấy khi chúng ta trải nghiệm mạng xã hội Facebook. Bất kỳ người sử dụng mạng xã hội này sẽ không quá ngạc nhiên khi nhiều lần Facebook cho họ tiếp cận những quảng cáo đúng mặt hàng, đúng thời điểm sau khi họ có các tác vụ tìm kiếm, chọn vào đường link hoặc dừng lại với một thông tin nào đó lâu. Khi được khai thác đúng đắn, hợp lý, phù hợp với luật pháp và quy ước đạo đức, dữ liệu lớn là một loại tài sản mới của các cơ quan báo chí truyền thông, bên cạnh những tài sản truyền thống, hữu hình như trụ sở, trang thiết bị, vốn tài chính, vốn nhân lực.

Hay quan điểm một số người lại cho rằng nhiều cơ quan báo chí truyền thông chưa hiểu rõ thế nào là CĐS. Nhiều cơ quan cho rằng đầu tư về trang thiết bị, phần mềm, công nghệ là đã đi trên con đường CĐS, nhưng thực ra không phải vậy. CĐS không nằm ở vấn đề công nghệ mà ở con người và tư duy, không phải là số hóa các nội dung đưa lên nền tảng số mà phải tạo ra cả một quy trình sản xuất mới mẻ, tạo ra những thông tin mới mẻ, thậm chí có cả văn hóa tòa soạn phù hợp trong CĐS (Tuấn Sơn, 2022). 

Trọng tâm là nội dung số

Như vậy, hướng tiếp cận về CĐS báo chí hiện nay khá phong phú và đa dạng, từ góc độ công nghệ, tổ chức, mô hình đến thông tin, con người, tư duy... Góc độ tiếp cận nào cũng có những luận điểm, lý lẽ nhất định. Trong nghiên cứu này, nhóm tác giả nhấn mạnh góc nhìn về nội dung số, từ đó mở ra kết nối cho tương lai CĐS của lĩnh vực báo chí với tương lai của ngành công nghiệp số nhiều tiềm năng. 

Trên thế giới, CĐS xoay quanh trọng tâm nội dung số, mô hình của The New York Times là một trích dẫn được nhắc đến nhiều trong các nghiên cứu tại Việt Nam. The New York Times là một trong những tờ báo lâu đời nhất tại Hoa Kỳ với lượng bản in khổng lồ xuất bản mỗi ngày. Đứng trước tình trạng doanh thu từ báo giấy giảm rõ rệt, quảng cáo in ấn trên báo in trung bình giảm khoảng 18% mỗi năm, thế nhưng The New York Times đã có những thay đổi theo hướng tập trung thay đổi nội dung trong bối cảnh số hóa, hướng nội dung tới độc giả, lấy sự hài lòng của công chúng truyền thông làm trung tâm để thay đổi chiến lược hoạt động của mình. 

Minh chứng cho điều này, The New York Times đã từng xuất bản một tác phẩm báo chí dài tới 21.000 chữ về việc một người phụ nữ sống chung với bệnh mất trí nhớ Alzheimer bằng tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha. Bài viết này do tác giả Sonny thực hiện. Ông đã dành 20 tháng để tìm hiểu một người phụ nữ tên là Geri Taylor, ghi lại những trải nghiệm của cô khi mới biết mình mắc bệnh Alzheimer và khoảng thời gian sau đó. Bài viết ngay lập tức có được lượng đọc khổng lồ. Chính nhờ những nội dung độc quyền, có sự đầu tư về chất lượng mà The New York Times vừa giữ được uy tín thương hiệu là tờ báo chất lượng hàng đầu, vừa giữ chân người đọc đồng thời gia tăng các nguồn thu đến từ các thuê bao trả phí để mua nội dung.

Tại Việt Nam, về mặt chính sách, Dự thảo Chiến lược CĐS báo chí đến năm 2025, định hướng năm 2030 được công khai lấy ý kiến đầu từ năm 2022 đến nay, đã đề cập đến nội dung 70% cơ quan báo chí thực hiện số hóa nội dung báo chí trên các nền tảng sẵn có. Đến năm 2025, 30% cơ quan báo chí điện tử có ảnh hưởng lớn trong xã hội áp dụng mô hình thu phí với những nội dung trải nghiệm được cá nhân hóa; quyền lựa chọn nguồn tin để theo dõi, giới thiệu tin tức theo thị hiếu cá nhân. 

Nhiệm vụ phát triển dữ liệu số ngành báo chí, phát triển các sản phẩm báo chí số là hai trong 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện các mục tiêu đề ra trong bản dự thảo (Bộ Thông tin và Truyền thông, 2022). Việc đề cập đến các nội dung như số hóa các dữ liệu nội dung báo chí, phát triển dữ liệu số ngành báo chí, phát triển các sản phẩm báo chí số, tiến hành áp dụng các mô hình thu phí trong dự thảo là những từ khóa quan trọng, nhấn mạnh đến yếu tố nội dung số trong xu hướng CĐS trong lĩnh vực báo chí truyền thông. Với hướng đi này, chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí là một trong những hướng đi đưa báo chí truyền thông tích cực tham gia vào ngành công nghiệp nội dung số. 

Chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí, góc tiếp cận từ vấn đề nội dung số - Ảnh 1.

Ảnh: VTV

Về mặt thực tiễn, tại Việt Nam, mới đây, ngày 24/5/2022, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) đã chính thức ra mắt Hệ sinh thái thông tin kinh tế VTVMoney. Hệ sinh thái này gồm 07 chương trình (Tài chính kinh doanh, Tạp chí Kinh tế cuối tuần, Dòng chảy tài chính, Khớp lệnh, Bí mật Đồng tiền, Tự do tài chính, Landshow); được thực hiện trực tuyến trên 6 nền tảng (1 báo điện tử, 4 trang Fanpage và 1 kênh YouTube) và một trang thông tin điện tử. Hệ sinh thái lấy hệ thống Bản tin Tài chính kinh doanh trên sóng là trung tâm cốt lõi. Bên cạnh hệ thống tin bài trên báo điện tử VTV News, hệ sinh thái VTVMoney hướng mục tiêu đẩy mạnh truyền thông trên nền tảng số, nhắm tiếp cận với số lượng khán giả, độc giả, các nhà đầu tư ở khắp mọi nơi, mọi lúc, trên nhiều thiết bị khác nhau. Hệ sinh thái nội dung của VTVMoney hướng đến yếu tố uy tín, chuyên sâu và kịp thời (Chu Anh, 2022). 

Sự ra mắt, xây dựng và phát triển hệ sinh thái báo chí số với điểm nhấn nội dung là một dấu hiệu quan trọng đưa quá trình CĐS của lĩnh vực báo chí về với bản chất nguyên bản của nó là xoay quanh trọng tâm về nội dung (sản phẩm đặc thù của báo chí truyền thông là sản phẩm hàng hóa thông tin). Hàng hóa này dù trong một quá trình chuyển đổi để có những hình thái mới thì nội dung vẫn là những căn cốt cho quá trình phát triển bền vững.

Nội dung số và tương lai công nghiệp nội dung số

Công nghiệp nội dung số là công nghiệp thiết kế, sản xuất, xuất bản, lưu trữ, phân phối, phát hành các sản phẩm nội dung số và dịch vụ liên quan. Công nghiệp nội dung số bao gồm nhiều lĩnh vực như tra cứu thông tin, dữ liệu số, giải trí số, giáo dục trực tuyến, học tập điện tử, thư viện và bảo tàng số, phát triển nội dung cho mạng di động... 

Hiện nay, ngành công nghiệp nội dung số là ngành giao thoa giữa ba nhóm ngành công nghệ thông tin, viễn thông và ngành sản xuất nội dung số (Báo chí truyền thông là lĩnh vực có mối liên hệ mật thiết đối với ngành này). Các sản phẩm nổi bật của ngành công nghiệp nội dung số được đề cập và biết đến nhiều tại Việt Nam mà chúng ta có thể kể đến đó chính là các sản phẩm về trò chơi, âm nhạc, hình ảnh, tin tức điện tử, mạng xã hội, nội dung cho các mạng di động, quảng cáo Internet, thương mại điện tử, thanh toán điện tử...

Tại Việt Nam, công nghiệp nội dung số xuất hiện từ khoảng những năm 1990. Nhưng trong khoảng 10 năm trở lại đây, ngành này đạt tăng trưởng bình quân hàng năm khoảng 20%. Doanh thu hàng năm có thể đạt từ 3-4 tỉ USD/ năm (Việt Nga, 2019). Việt Nam cũng đã ban hành nhiều văn bản, chính sách, chương trình, dự án ưu tiên phát triển ngành công nghệ thông tin, trong đó công nghiệp nội dung số được xem là mũi nhọn phát triển (5). 

Xu hướng thị trường nội dung số ngày càng sôi động, nội dung số xuất hiện ngày càng nhiều. Thêm vào đó là sự bùng nổ nội dung số trên điện thoại di động buộc các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông phải chạy đua về công nghệ, hướng tới cung cấp cho người sử dụng các dịch vụ về điện thoại, truyền hình, truyền dữ liệu... trong môi trường không dây và phát triển mạnh dịch vụ liên kết giữa điện thoại di động với Internet (Bùi Thị Thanh Diệu, 2015).

Báo chí là lĩnh vực có sản phẩm hàng hàng hóa đặc biệt. Các sản phẩm của nhóm này có mối liên hệ mật thiết đối với ngành công nghiệp nội dung số. Nhiều sản phẩm nội dung của ngành công nghiệp nội dung số đã và đang là những sản phẩm báo chí truyền thông như sản phẩm nội dung tin tức, giải trí, nội dung dữ liệu... Trong kỷ nguyên của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, các sản phẩm nhóm này ngày càng phong phú, đa dạng, là chủ thể thu hút sự quan tâm, nghiên cứu của không chỉ những người làm báo chí, truyền thông mà còn nhiều lĩnh vực liên quan về nội dụng số khác.

Xét về lý luận và thực tiễn, khi việc triển khai sản xuất, cung cấp các nội dung số ở mức chuyên sâu và đạt được quy mô lớn, các cơ quan báo chí hoàn toàn có thể tham gia mãnh mẽ vào ngành công nghiệp nội dung số. Xây dựng các nền tảng thu phí, tính phí đối với các sản phẩm của mình. Như vậy với trọng tâm nội dung số, sẽ đưa báo chí đến với ngành công nghiệp nội dung số nhiều tiềm năng, giá trị lợi nhuận cao và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế thông tin, kinh tế tri thức. Đồng thời giúp cho các cơ quan báo chí tăng khả năng nhận diện thương hiệu, gia tăng nguồn thu và phát triển.

Kết luận

CĐS trong lĩnh vực báo chí truyền thông với hướng đi trọng tâm vào nội dung số là hướng đi đưa các sản phẩm báo chí đến gần với sự phát triển của ngành công nghiệp truyền thông số. Từ đó, các sản phẩm báo chí truyền thông sẽ vừa tận dụng được những nền tảng lợi thế về nội dung, vừa kết hợp được với bối cảnh xu hướng tạo ra những ưu thế cho quá trình phát triển, gia tăng nguồn thu trong bối cảnh tự chủ của các cơ quan báo chí tại Việt Nam hiện nay.

1. Nền tảng này cho phép xây dựng tòa soạn hội tụ công nghệ hiện đại, đưa toàn bộ nghiệp vụ báo chí lên môi trường số, bao gồm các hoạt động quản lý quy trình xuất bản, hoạt động quản trị nội bộ của tòa soạn, hoạt động tương tác hai chiều với độc giả, đo lường số lượng độc giả, ứng dụng công nghệ, trình bày nội dung và sẵn sàng cho một mô hình thu phí của báo điện tử trong một tương lai gần.

2. Nền tảng này giúp các cơ quan báo chí nắm bắt kịp thời thông tin, dư luận xã hội, nhờ đó nhận biết được nhu cầu thông tin, có tin bài đáp ứng đúng mong muốn của người đọc, đúng thời điểm người đọc cần. Đây là cách giúp cơ quan báo chí đổi mới hoạt động, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng nhanh số lượng độc giả.

3. Nền nhằm tạo lá chắn, bảo vệ hoạt động trên môi trường số cho cơ quan báo chí.

4. Cookies là tệp tin lưu lại thông tin bạn đọc sử dụng thiết bị gì, truy cập trang web nào, tìm kiếm thông tin gì, sở thích đọc tin, vị trí của bạn đọc...

Tài liệu tham khảo:

[1]. Chu Anh (2022), “Hệ sinh thái kinh tế VTVMoney cú chuyển mình lớn, mang theo thế
mạnh của VTVDigital lên nền tảng số”, Báo điện tử Đài truyền hình Việt Nam, truy cập tại địa chỉ https://vtv.vn/truyen-hinh/he-sinh-thai-kinh-te-vtvmoney-cu-chuyen-minh- lon-mang-theo-the-manh-cua-vtvdigital-len-nen-tang-so-20220524023244659. htm?fbclid=IwAR23COocvCEizADxVkoMg4qNfJJ7EELYOWKVisJlQWZkcaLL7UlY7mGKCZQ, ngày truy cập 2/6/2022

[2]. Bộ Thông tin và Truyền thông (2022), “Bộ TT&TT đã trình Chiến lược chuyển đối số báo chí đến năm 2025”, truy cập tại địa chỉ https://www.mic.gov.vn/mic_2020/Pages/TinTuc/152219/ Bo-TT-TT-da-trinh-Chien-luoc-chuyen-doi-so-bao-chi-den-nam-2025.html, ngày truy cập 2/6/2022

[3]. Bùi Thị Thanh Diệu (2015), “Thời cơ và thách thức để phát triển ngành công nghiệp nội dung số ở Việt Nam”, Tạp chí Thư viện Việt Nam, (1), tr.17-22.

4. Vũ Văn Hà (2021), “Báo chí, truyền thông trong xu thế chuyển đổi số”, Tạp chí Tuyên giáo điện tử, địa chỉ truy cập https://tuyengiao.vn/nghien-cuu/bao-chi-truyen-thong-trong-xu-the- chuyen-doi-so-137238, truy cập ngày 2/6/2022

[5].Phúc Hằng(2021),“Công bố 3 nền tảng hỗ trợ chuyểnđổi số cho các cơ quan báo chí”, Báo điện tử Vietnamplus, truy cập tại địa chỉ https://www.vietnamplus.vn/cong-bo-3-nen-tang- ho-tro-chuyen-doi-so-cho-cac-co-quan-bao-chi/689164.vnp, ngày truy cập 2/6/2022’

[6]. Phúc Hằng b (2021),“Chuyển đổi số trong báo chí tạo ra một thời đại thông tin tăng tốc”, Báo điện tử Vietnamplus, truy cập tại địa chỉ https://www.vietnamplus.vn/chuyen-doi-so-trong- bao-chi-tao-ra-mot-thoi-dai-thong-tin-tang-toc/721085.vnp, ngày truy cập 3/6/2022.

[7]. Việt Nga (2019), "Ngành nội dung số cơ hội tăng trưởng lớn", Báo điện tử Hà Nội mới, truy cập tại địa chỉ https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Oto-xemay/942597/nganh-noi-dung-so-co-hoi- tang-truong-lon, ngày truy cập 2/6/2022

[8]. Mạch Lê Thu (2021), "Chuyển đối số trong báo chí truyền thông đồng hành với khát vọng phát triển đất nước", Báo điện tử Quân đội Nhân dân, truy cập tại địa chỉ https://www.qdnd.vn/van- hoa/doi-song/chuyen-doi-so-trong-bao-chi-truyen-thong-dong-hanh-voi-khat-vong-phat- trien-dat-nuoc-663187, ngày truy cập 2/6/2022

[9]. Tuấn Sơn (2022), "Chuyển đổi số sẽ giúp báo chí gần gũi và phục vụ bạn đọc tốt hơn", Báo điện tử Quân đội Nhân dân, truy cập tại địa chỉ https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/chuyen-doi- so-se-giup-bao-chi-gan-gui-va-phuc-vu-ban-doc-tot-hon-691548, ngày truy cập 2/6/2022

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 6 tháng 6/2022)

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
CĐS trong lĩnh vực báo chí, góc tiếp cận từ vấn đề nội dung số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO