Chăm sóc sức khoẻ từ xa hỗ trợ chống dịch bệnh tại TP.HCM

Long Giao| 05/08/2021 09:17
Theo dõi ICTVietnam trên

Trong đại dịch, khi số lượng người cần hỗ trợ y tế tăng cao, mạng lưới bác sĩ tư vấn sức khoẻ online tại TP.HCM đã hình thành và phát huy được hiệu quả.

Chưa bao giờ tư vấn sức khỏe online lại cần thiết như lúc này - Ảnh 1.

Số lượng các cuộc tư vấn sứ khỏe trực tuyến đã tăng mạnh trong thời điểm bùng phát Covid-19 thứ 4 tại TP.HCM.

Tình nguyện viên hỗ trợ y tế online cho người dân

Khi số ca nhiễm Covid-19 gia tăng, thời gian thực hiện giãn cách xã hội liên tục và lâu thì áp lực càng đè nặng lên ngành y tế TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung. Khi nhiều bệnh viện và phòng khám phải đóng cửa, người dân e ngại đến các cơ sở y tế khám chữa bệnh... tất cả đã khiến cho nhu cầu được tư vấn sức khỏe trực tuyến của người dân ngày càng tăng cao và trở nên bức thiết.

Trong thư ngỏ kêu gọi các y bác sĩ, nhân viên y tế tham gia tư vấn chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đã cho biết: "Ngay cả khi chưa có kết quả nghiên cứu nào được đưa ra, chúng ta cũng nhìn thấy lực lượng tuyến đầu quá tải, chúng ta có thể huy động sức mạnh của cộng đồng và điều phối những nguồn lực này để chia tải cho tuyến đầu".

Nhận thấy nhu cầu tư vấn sức khỏe trực tuyến ngày càng gia tăng, và với mong muốn cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh, nhiều tổ chức và cá nhân các y bác sĩ đã cùng thành lập các nhóm tư vấn sức khỏe cho nhân dân vùng dịch. Điển hình như Mạng lưới "Thầy thuốc đồng hành" của Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam; "Kênh tư vấn chăm sóc sức khỏe cho người dân phòng, chống Covid-19" thông qua Cổng thông tin 1022 của TP.HCM; Mạng lưới "Bác sĩ yêu thương" của hệ thống phòng khám gia đình 4.0 Med247; Chương trình "VOV bác sĩ 24" của Đài tiếng nói Việt Nam, cùng nhiều ứng dụng di động chăm sóc sức khỏe v.v...

Không chỉ vậy, hiện nay các tổng đài y tế truyền thống khác của TP.HCM cũng đang quá tải và cần sự hỗ trợ của các tình nguyện viên, ví dụ như tại tổng đài cấp cứu 115 của Thành phố, hiện có khá nhiều tình nguyện viên tham gia trực nghe điện thoại tại đây. Theo lãnh đạo của tổng đài 115, nếu ngày thường, mỗi ngày tổng đài tiếp nhận từ 1.000 - 1.300 cuộc gọi thì nay trong đại dịch Covid-19, tổng đài 115 đang phải tiếp nhận hơn 3.000 cuộc gọi mỗi ngày.

Công nghệ đã đóng vai trò quan trọng trong các chiến dịch hỗ trợ phòng chống dịch bệnh như thế nào? Theo Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, những người tham gia vào mạng lưới "Thầy thuốc đồng hành" sẽ vận hành tổng đài trực tuyến, lấy dữ liệu trực tiếp từ CDC các tỉnh và các hotline trên toàn quốc để tư vấn cho người nhiễm hoặc có nguy cơ cao mắc Covid-19 tại cộng đồng, hỗ trợ tăng cường cho y tế TP.HCM và thực hiện Chỉ thị 16 tăng cường. Đồng thời, mạng lưới này cũng phát triển công cụ điều phối công việc theo thời gian thực cho tình nguyện viên, giúp hàng ngàn y bác sỹ có thể cùng lúc tư vấn từ xa cho bệnh nhân. Mạng lưới "Thầy thuốc đồng hành" cũng có nhiệm vụ phân tích dữ liệu, cung cấp thêm thông tin về các ca bệnh nặng, hỗ trợ ngành y tế trong việc điều phối nguồn lực cấp cứu...

Tính đến thời điểm này đã có 3.200 bác sĩ, tình nguyện viên đăng ký tham gia mạng lưới "Thầy thuốc đồng hành". Họ là người có chuyên môn về y dược, sức khoẻ, tâm lý xã hội không phân biệt độ tuổi hay khu vực sinh sống. Họ sẽ chủ động liên hệ, thăm hỏi, cung cấp thông tin, tư vấn y tế và ghi chép tình trạng của người bệnh hoặc các trường hợp nghi nhiễm, sàng lọc những ca trở nặng đột ngột và gửi cảnh báo cho y tế hỗ trợ điều phối khâu cấp cứu, hướng dẫn chủ động chăm sóc sức khỏe tại nhà...

Phát biểu chỉ đạo trong buổi tập huấn cho các tình nguyện viên của mạng lưới "Thầy thuốc đồng hành" hôm 28/7 vừa qua, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: "Từ trước đến nay, chúng ta đã làm được rất nhiều chuyện nhờ chúng ta kết nối, huy động sức mạnh của các cộng động. Tôi tin tưởng lần này cũng vậy".

Tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa

Chưa bao giờ chăm sóc sức khỏe từ xa lại cần thiết như lúc này - Ảnh 2.

Mạng lưới bác sĩ yêu thương của hệ thống phòng khám gia đình 4.0 Med247.

Thực tế đã chứng minh, hạn tiếp xúc là một trong những yếu tố góp phần làm nên thành công trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Và dịch bệnh Covid-19 chắc chắn sẽ còn kéo dài. Chính vì thế, nhu cầu tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa miễn phí đang ngày càng nhiều và trở nên phổ biến tại TP.HCM - nơi đang có số ca dương tính với Covid-19 cao nhất tại Việt Nam.

Không chỉ là các mạng lưới tư vấn của các bác sĩ và nhân viên y tế tự nguyện như đã nói ở trên. Thời gian qua, chung sức cùng ngành y tế tại TP.HCM, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực y tế cũng đã nhanh chóng tham gia vào công việc tư vấn và hỗ trợ y tế cho người dân từ xa, thông qua công nghệ. Hệ thống phòng khám gia đình 4.0 Med247 là một ví dụ điển hình. Hệ thống này đã mở cổng khám bệnh và tư vấn sức khỏe từ xa miễn phí cho người dân vùng dịch mang tên "Vì Việt Nam yêu thương". Ngoài số hotline 028.38213456, cổng khám bệnh này còn cho phép người dân gửi số điện thoại đến để các bác sĩ tư vấn ngay hoặc quét mã QR để "hẹn" các bác sĩ trên ứng dụng di động của chương trình. Hiện tại cổng "Vì Việt Nam yêu thương" đang cung cấp dịch vụ khám tư vấn sức khỏe từ xa miễn phí, test Covid-19 tại nhà (khi cần thiết), cổng này cũng sắp triển khai các dịch vụ như: hỗ trợ lấy máu xét nghiệm tại nhà, và hỗ trợ ship thuốc tại nhà.

Tại TP.HCM, không chỉ là tư vấn và chăm sóc sức khỏe thông thường, lãnh đạo Thành phố đã liên tục nhắc đến việc áp dụng công nghệ trong công tác chăm sóc bệnh nhân dương tính. Để đối phó với việc số ca dương tính tăng cao, có thể gây quá tải cho hệ thống bệnh viện, Thành phố đang có chủ trương, đối với một số trường hợp không triệu chứng, gia đình đủ điều kiện có thể theo dõi, chăm sóc bệnh nhân tại nhà. Bệnh nhân và gia đình sẽ được cung cấp số điện thoại của nhân viên y tế để được tư vấn để điều trị các bệnh nhân triệu chứng nhẹ. Lãnh đạo TP.HCM cho biết, với mạng lưới cộng đồng bác sĩ tư vấn online, cùng cổng thông tin 1022 của Thành phố sẽ giữ liên lạc, thăm hỏi, xử lý tình huống y tế khi có yêu cầu, đảm bảo mọi F0 sẽ được tư vấn online, chăm sóc sức khỏe đầy đủ.

Theo ông Trần Tuấn Hùng, người sống trong một khu vực phong tỏa vì có ca nhiễm Covid-19 tại quận Bình Tân: "Chúng tôi khá hoang mang khi phải liên tiếp ở nhà trong 3 tuần vì nhà hàng xóm có ca dương tính với Covid-19 qua đời. Nhưng khi chỉ cần ngồi ở nhà, qua màn hình máy tính và cả điện thoại, chúng tôi đã được tư vấn các vấn đề liên quan đến dịch bệnh, sức khỏe và lây nhiễm nên rất yên tâm ở nhà để thực hiện giãn cách xã hội, điều mà một tuần đầu thực hiện Chỉ thị 16 chúng tôi khó có thể tiếp cận được".

Sở Thông tin và Truyền thông (TT & TT) TP.HCM đã công bố Cổng thông tin Covid-19 TP.HCM, tích hợp thông tin từ các kênh của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Quốc gia, Bộ Y tế, Sở Y tế TP, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP và các dữ liệu, báo cáo từ nhiều cơ quan khác để cung cấp thông tin tại một địa chỉ duy nhất https://covid19.hochiminhcity.gov.vn để giúp người dân truy cập, tìm kiếm thông tin thuận tiện hơn.

Cổng thông tin Covid-19 này được thiết kế để cung cấp các thông tin về tình hình diễn biến dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố, bản đồ Covid-19 TP.HCM, bản đồ phân tích nguy cơ của Ban chỉ đạo quốc gia tại Thành phố, biểu đồ thi đua mở rộng vùng xanh, các số liệu công tác ứng phó phòng, chống dịch của Thành phố như: khoanh vùng, phong tỏa, truy vết, công tác xét nghiệm, công tác tiêm vaccine...

Cổng thông tin Covid-19 cũng cung cấp các hướng dẫn y tế, thông tin phục vụ chăm sóc sức khỏe, các văn bản điều hành mới nhất của Thành phố, kênh góp ý, hiến kế cho công tác phòng, chống dịch, các liên kết đến Cổng thông tin tiêm chủng quốc gia; các dịch vụ tra cứu thông tin người thân đang điều trị Covid-19, cổng tiếp nhận, giải đáp thông tin thông tin 1022, các thông tin số điện thoại, đường dây nóng của các trung tâm y tế quận, huyện…

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Chăm sóc sức khoẻ từ xa hỗ trợ chống dịch bệnh tại TP.HCM
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO