Chất lượng nguồn nhân lực và chuyển đổi số quyết định năng suất lao động

Thủy Linh| 09/08/2022 14:17
Theo dõi ICTVietnam trên

Năm 2022, bức tranh toàn cảnh về năng suất lao động (NSLĐ) Việt Nam xuất hiện một vài điểm sáng, nhất là về lực lượng lao động, góp phần tăng năng suất lao động, phục hồi kinh tế và kỳ vọng tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên, những điểm sáng đó vẫn chưa đủ để nâng năng suất lao động Việt Nam sánh bằng với các nước trong khu vực. Đây là nhận định mới đây của TS. Cao Thị Hà (Học viện hành chính Quốc gia).

Tụt hậu năng suất lao động, điểm nghẽn của tăng trưởng dài hạn

 Gần đây, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã đưa ra báo cáo nghiên cứu tổng thể về thực trạng phát triển nguồn nhân lực công nghiệp Việt Nam từ tháng 9/2021 đến tháng 5/2022. Báo cáo nhận định, NSLĐ của Việt Nam đang đối mặt với xu hướng giảm và đình trệ trong thập kỷ qua; đồng thời JICA đánh giá, NSLĐ của Việt Nam mặc dù đã được cải thiện những vẫn thấp so với các nước trong khu vực. Cụ thể năm 2019, năng suất lao động của Việt Nam đạt 13,817 USD, chỉ bằng 8,7% của Singapore, 10,3% của Brunei, 23,2% của Malaysia, 41,2% của Thái Lan, 56,6% của Indonesia và 63,3% của Philippines. Trong cả giai đoạn 2010-2019, NSLĐ của Việt Nam chỉ cao hơn Timor-Leste, Campuchia và Myanmar. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, năng suất lao động của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2021 ước tính đạt 171,3 triệu đồng/lao động (tương đương 7.398 USD/lao động, tăng 538 USD so với năm 2020).

Từ các số liệu trên, TS. Cao Thị Hà nhận định: NSLĐ của Việt Nam tiếp tục tăng nhưng tốc độ đuổi kịp của Việt Nam với các nền kinh tế thu nhập cao đã bị chậm lại, khiến Việt Nam càng phải nỗ lực hơn nữa để rút ngắn khoảng cách với các nước. Đến nay, điều này đang dần bộc lộ rõ những khó khăn nhất định, nhất là về lực lượng lao động - yếu tố chính quyết định đến năng suất lao động Việt Nam. Bởi, sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn dựa chủ yếu là đóng góp của yếu tố vốn và lao động với mức đóng góp bình quân giai đoạn 2016-2020 là 54,28%, trong đó đóng góp của yếu tố vốn vào tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn này cao hơn đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP). 

PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam khi bàn về phục hồi nền kinh tế hậu COVID-19 đã đưa ra các số liệu cho thấy năng suất lao động của Việt Nam đang thấp hơn nhiều so với thế giới. Và điều này là một thách thức của nền kinh tế. "Trong cuộc đua đường trường người ta ăn nhau ở năng suất, tốc độ nhưng chúng ta vẫn còn tụt hậu thì khả năng đuổi kịp các nước trong khu vực là thách thức rất lớn. Đây là điểm nghẽn lớn khi bàn tới tăng trưởng dài hạn" - ông Bùi Quang Tuấn chia sẻ.

Năng suất lao động thấp do chất lượng nguồn nhân lực thấp

Cho rằng có sự chuyển dịch lao động kém năng suất từ các hoạt động nông nghiệp sang công nghiệp, xây dựng và dịch vụ là một yếu tố chính góp phần vào tăng trưởng năng suất ở Việt Nam trong hai thập kỷ qua. Tuy nhiên, bà Hà nhận định, đóng góp cận biên và tăng trưởng NSLĐ từ quá trình chuyển đổi này đang dần cạn. Mặt khác, lực lượng lao động của Việt Nam đang có nguy cơ mất dần lợi thế và có thể là bước cản đối với sự gia tăng NSLĐ.

Bởi, nguyên nhân chính làm cho NSLĐ bình quân của Việt Nam thấp là do chất lượng nguồn lao động của Việt Nam còn thấp. Bên cạnh đó, do thiếu sự gắn kết giữa đào tạo và thực hành, mặt bằng chung lao động Việt Nam còn đang thiếu và yếu về kỹ năng lao động. Theo xếp hạng chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0 (GCI 4.0), kỹ năng của lao động Việt Nam chỉ đứng ở nhóm trung bình với vị trí 93/141 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia đánh giá và chỉ đứng ở vị trí thứ 7 trong ASEAN9. 

Chất lượng nguồn nhân lực và chuyển đổi số quyết định năng suất lao động - Ảnh 1.

 Minh chứng cho mối quan hệ của trình độ lao động với NSLĐ được Tổng cục Thống kê chỉ ra đó là: Theo giá so sánh, năng suất lao động năm 2021 tăng 4,71% do trình độ của người lao động được cải thiện; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ năm 2021 đạt 26,1%, cao hơn mức 25,3% của năm 2020. Mặc dù vậy, chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam từ trước đến nay vẫn luôn là vấn đề đáng bàn. Theo thống kê, lực lượng lao động đã qua đào tạo từ trình độ "Sơ cấp" trở lên tính đến hết tháng 9/2022 ước tính là 13,5 triệu người, chỉ chiếm 26,2% tổng số lực lượng lao động.

Người lao động kiếm sống dựa vào hoạt động có năng suất thấp

Trong khi đó, lao động có việc làm phi chính thức dù đã giảm đáng kể ở Việt Nam trong 15 năm qua nhưng vẫn chiếm tỷ lệ lớn trong số lao động có việc làm. Tỷ lệ phi chính thức cao nghĩa là hầu hết người lao động Việt Nam kiếm sống dựa vào các hoạt động có năng suất thấp, tạo ra thu nhập thấp và không có bất kỳ sự bảo hộ nào.

Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức phi nông nghiệp của cả nước là 55,3%, nếu bao gồm cả lao động khu vực nông nghiệp thì tỷ lệ này là 65,9%. Số lao động làm công việc tự sản tự tiêu là gần 4,5 triệu người, cao hơn 0,2 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Số lao động này chủ yếu ở khu vực nông thôn. Trong tổng số hơn 4,5 triệu người là lao động sản xuất tự sản tự tiêu, gần 2,4 triệu người đang trong độ tuổi lao động (chiếm 52,2%). Hầu hết tất cả lao động sản xuất tự sản tự tiêu đều không có bằng cấp, chứng chỉ.

Trong bối cảnh thị trường lao động ngày càng đòi hỏi, yêu cầu cao về tay nghề, kỹ năng cũng như mở cửa nền kinh tế sau đại dịch COVID-19, cơ hội để nhóm lao động này có một công việc trên thị trường lao động là rất khó khăn, đồng thời cũng là bước cản đối với việc tăng NSLĐ. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi lao động vẫn còn cao, nhất là đối với thanh niên trẻ. Tính đến tháng 9/2022, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động là gần 1,08 triệu người, chiếm 2,35% tổng số dân trong độ tuổi, nhưng số thanh niên trẻ có độ tuổi từ 15-24 thất nghiệp lại chiếm tới 37,5% tổng số người thất nghiệp từ 15 tuổi trở lên. Đây có thể coi là một sự lãng phí nguồn lực, nhất là khi những đối tượng này đang ở trong độ tuổi lao động tốt nhất. 

Có thể thấy một nghịch lý rằng, TS. Cao Thị Hà chỉ ra: khi tiền lương tăng, thu nhập tăng lên, đời sống người lao động được đảm bảo nhưng đồng thời Việt Nam sẽ mất lợi thế so sánh hiện tại về lao động giá rẻ trong các ngành đòi hỏi kỹ năng thấp và thâm dụng lao động. Hay nói cách khác, Việt Nam sẽ mất đi lợi thế về nguồn lao động giá rẻ mà trước nay là một trong những điểm thu hút các nhà đầu tư. Thêm vào đó, chính sách an sinh và bảo hiểm của thị trường lao động có độ bao phủ thấp, chưa đạt hiệu quả cao. Những nhân tố đó cũng góp phần làm giảm NSLĐ.

Giải bài toán nâng cao năng suất bằng chất lượng nguồn nhân lực và chuyển đổi số

Bà Hà nhận định: nguồn nhân lực luôn là một yếu tố tạo nên sự thành công của mọi tổ chức, quốc gia. Đây là nguồn lực quan trọng nhất, quyết định năng suất, chất lượng, hiệu quả sử dụng các nguồn lực khác trong hệ thống các nguồn lực. Việt Nam đang có lợi thế với lực lượng lao động dồi dào và cơ cấu lao động trẻ. Tuy nhiên, nhân lực còn yếu về chất lượng, thiếu hụt lao động có tay nghề cao, chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động và hội nhập; khoảng cách giữa giáo dục nghề nghiệp và nhu cầu của thị trường lao động ngày càng lớn, lao động thiếu năng động và sáng tạo, tác phong chuyên nghiệp…

Vì vậy để giải quyết bài toán về nâng cao NSLĐ, Việt Nam cần chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, về lâu dài là đảm bảo quy mô, cơ cấu và chất lượng dân số. Còn trước mắt là đào tạo, nâng cao trình độ, tay nghề, kỹ năng làm việc cho lực lượng lao động đang tham gia thị trường lao động.

Theo PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, năng suất lao động của Việt Nam đang thấp hơn nhiều so với thế giới.

Theo PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, năng suất lao động của Việt Nam đang thấp hơn nhiều so với thế giới.

Còn theo PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, nền kinh tế số của Việt Nam được đánh giá là cơ hội vàng và có tiềm năng khi năm 2021 đạt 21 tỉ USD thì năm 2025 dự báo đứng thứ 2 trong ASEAN. Do đó, ông cho rằng cần hỗ trợ thúc đẩy kinh tế số, đổi mới sáng tạo. Nhà nước cần hỗ trợ đào tạo, nhân lực, tài chính, vốn, chia sẻ rủi ro với doanh nghiệp để ứng phó với các thách thức là thay đổi mô hình kinh doanh, đầu tư vào công nghệ và dữ liệu lớn, chủ thể số, dịch vụ lưu động, nền tảng dùng chung, nguồn lực con người.

Chung quan điểm này, TS. Cao Thị Hà cho rằng: Chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số được coi là giải pháp đột phá đối với tăng NSLĐ, được Chính phủ dành sự quan tâm đặc biệt trong những năm trở lại đây. Theo nghiên cứu của trường Đại học Kinh tế quốc dân, giai đoạn 2020-2030, nếu tiến trình chuyển đổi số diễn ra như kỳ vọng, dự đoán trung bình mỗi năm, chỉ riêng kinh tế số có thể đóng góp từ 7-16,5% trong 100% tốc độ tăng trưởng NSLĐ tổng thể.

"Qua đó có thể thấy, đóng góp của kinh tế số là rất quan trọng cho việc phát triển hiệu quả nền kinh tế, cải thiện và tăng NSLĐ. Chính vì vậy, cần gấp rút đẩy nhanh và mạnh hơn nữa tiến trình chuyển đổi số quốc gia, đầu tư thích đáng, thúc đẩy hợp tác công tư trong chuyển đổi số để tận dụng nguồn lực mạnh mẽ có thể làm tăng NSLĐ nhanh chóng này." -TS. Cao Thị Hà nêu quan điểm./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Chất lượng nguồn nhân lực và chuyển đổi số quyết định năng suất lao động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO