Chính phủ tiếp tục kiên định thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”

Trường Thanh| 31/08/2021 17:11
Theo dõi ICTVietnam trên

Bước vào những tháng còn lại của năm 2021, tình hình trong nước và quốc tế có những cơ hội, thuận lợi, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, dịch bệnh COVID-19 vẫn rất phức tạp, diễn biến khó lường… Điều này ảnh hưởng vô cùng lớn đến sức khỏe, đời sống Nhân dân cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trước những khó khăn đầy thử thách, Chính phủ tiếp tục kiên định thực hiện hiệu quả "mục tiêu kép", vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe Nhân dân, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.

Tại phiên họp thứ 57 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 6 vừa qua, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH 6 tháng cuối năm 2021. Chính phủ dự báo tình hình 6 tháng cuối năm 2021 triển vọng tăng trưởng kinh tế trong nước còn nhiều yếu tố rủi ro, thách thức; dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp; năng lực nội tại của nền kinh tế thấp, phụ thuộc vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài; khả năng lạm phát gia tăng…

Báo cáo của Chính phủ về kết quả phát triển KT-XH 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH 6 tháng cuối năm 2021 tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV diễn ra từ ngày 20/7 đến 29/7, Chính phủ cũng nhận định, trong những tháng còn lại của năm 2021, tình hình quốc tế và trong nước có những cơ hội, thuận lợi, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, đại dịch COVID-19 còn rất phức tạp.

Trong nước, dù kinh tế vẫn giữ đà tăng trưởng nhưng rất nhiều khó khăn, thách thức; nguy cơ lan rộng dịch bệnh ở nhiều địa phương có thể làm đứt gãy chuỗi sản xuất và xuất khẩu… Thực hiện mục tiêu tăng trưởng cả năm 2021 gặp rất nhiều khó khăn, đòi hỏi phải có nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, hiệu quả, vừa kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19, vừa thúc đẩy phát triển KT-XH. Tuy nhiên, Chính phủ vẫn đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2021 cao hơn mục tiêu trong nghị quyết của Quốc hội, với mức 6,5%.

Chính phủ tiếp tục kiên định thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” - Ảnh 1.

Kiên định thực hiện hiệu quả "mục tiêu kép"

Để phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu Quốc hội đã giao, Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra. Trong đó, tiếp tục chuyển nhanh tư duy, nhận thức, phương thức chỉ đạo, điều hành theo hướng bám sát thực tiễn, nắm chắc tình hình để đưa ra quyết sách kịp thời, chính xác, hiệu quả. Tiếp tục kiên định thực hiện hiệu quả "mục tiêu kép", vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khỏe Nhân dân, vừa đẩy mạnh phát triển KT-XH.

Kiên trì kiềm chế, đẩy lùi, ngăn chặn có hiệu quả đợt bùng phát lần thứ 4 của dịch COVID-19. Sử dụng tổng hợp mọi nguồn lực để sớm có vắc xin phòng chống COVID-19 và tiêm miễn phí cho toàn dân. Đồng thời, thường xuyên rà soát, kịp thời có biện pháp hiệu quả tháo gỡ những vướng mắc về thể chế để huy động mọi nguồn lực phục vụ phát triển đất nước. Chủ động triển khai kịp thời các giải pháp hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng do COVID-19. Tích cực và đẩy nhanh hơn việc hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp Việt Nam trong mọi lĩnh vực, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số thiết thực, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm.

Tăng cường các biện pháp siết chặt kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; khẩn trương nắm bắt tình hình để điều chỉnh giải pháp thu hút FDI phù hợp. Tiết giảm tối đa chi thường xuyên; chống tiêu cực, lãng phí trong thu, chi ngân sách nhà nước, cương quyết xử lý nghiêm các vi phạm; đẩy mạnh việc thu ngân sách ở tất cả các tỉnh, thành phố. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; tháo gỡ những vướng mắc thể chế đầu tư công, xây dựng, bồi thường, giải phóng mặt bằng…

Tổ chức lại công tác xúc tiến đầu tư theo hướng chủ động tiếp cận, tìm hiểu và hỗ trợ các đối tác, tập đoàn lớn tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác. Kịp thời đề xuất giải pháp kiểm soát lạm phát. Tích cực triển khai các biện pháp xử lý nợ xấu, kiểm soát, hạn chế nợ xấu mới phát sinh.

Cùng với đó, tập trung phát triển hạ tầng số, hạ tầng logistic, giao thông, năng lượng. Phát triển đồng bộ giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ, tạo nền tảng phát huy giá trị văn hóa và con người Việt Nam trở thành nguồn lực, động lực quan trọng trong phát triển KT-XH. Quán triệt tinh thần phát triển kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nhất là đối với các đối tượng yếu thế. Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh. Củng cố, mở rộng các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Đặc biệt, việc thực hiện "mục tiêu kép" vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khỏe Nhân dân, vừa đẩy mạnh phát triển KT-XH được Chính phủ xác định là mục tiêu quan trọng hàng đầu, nhưng ưu tiên lúc này là tập trung phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh và phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu đề ra.

Với tinh thần "chống dịch như chống giặc", "bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân trên hết, trước hết", Chính phủ tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp: Quyết tâm kiềm chế, khống chế dịch tiếp tục bùng phát và lây lan rộng, nhanh chóng ổn định tình hình. Tập trung thực hiện các biện pháp phòng ngừa, triển khai hiệu quả chiến lược vắc xin và nâng cao ý thức của người dân trong việc chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch vẫn là cơ bản, chiến lược, có tính quyết định.

Tuyệt đối không chủ quan lơ là, mất cảnh giác; tiếp tục thực hiện chủ trương "5K + vắc xin" và tăng cường ứng dụng công nghệ chặt chẽ, rộng rãi; chủ động các phương án, kịch bản để kịp thời ứng phó với mọi tình huống, nhất là khi dịch đang xâm nhập vào khu công nghiệp, khu đô thị có mật độ dân số cao, khu đông dân cư… Cùng với đó là chăm lo đời sống vật chất, tinh thần Nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.

Triển khai các giải pháp hỗ trợ cho người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định số 23/2021 /QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để người dân nào thuộc đối tượng mà không nhận được hỗ trợ; tuyệt đối không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu nhu yếu phẩm tối thiểu. Qua đó cho thấy, trước khó khăn thử thách, Chính phủ, một mặt kiên định với các chính sách đề ra; mặt khác linh động trong chỉ đạo, điều hành để phù hợp với tình hình thực tế nhằm phát huy tối đa hiệu quả, biến khó khăn, thách thức thành cơ hội phát triển.

Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương ngày 2/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: "Càng khó khăn càng phải đẩy mạnh phân cấp phân quyền để phát huy tính tích cực, chủ động, linh hoạt, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cấp, các ngành, huy động được sức mạnh đại đoàn kết, truyền cảm hứng cho Nhân dân cùng vào cuộc để thực hiện bằng được mục tiêu kép vì hạnh phúc, ấm no của Nhân dân".

Tình thế thay đổi cho thấy quyết sách mạnh và đúng đắn của Chính phủ

Trong bài trả lời phỏng vấn báo Điện tử Chính phủ, PGS. TS. Trần Đình Thiên, Chuyên gia kinh tế (Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam) nhận định, trong bối cảnh rất nhiều khó khăn, mức tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm đạt 5,64% là kết quả đáng ghi nhận và rất có ý nghĩa. Điểm xuyên suốt trong điều hành của Chính phủ thời gian qua là kiên định lập trường "mục tiêu kép", nhưng linh hoạt và quyết đoán trong chỉ đạo thực tiễn, lắng nghe các ý kiến nhiều chiều để có các quyết sách mạnh và đúng đắn. "Dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, song đánh giá một cách công bằng, cách điều hành linh hoạt, quyết đoán và quyết liệt của Chính phủ đang mang lại những kết quả tích cực, củng cố niềm tin vững chắc và "kháng thể" mạnh cho Nhân dân".

Chính phủ tiếp tục kiên định thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” - Ảnh 2.

Chuyên gia Trần Đình Thiên cũng cho rằng năm nay dịch bệnh không còn như năm 2020 mà tốc độ lây lan nhanh hơn nhiều, biến thể của virus nguy hiểm hơn, độc lực mạnh hơn, diễn biến phức tạp hơn nhiều. Trong tình huống mới, Chính phủ vẫn kiên định "mục tiêu kép" nhưng phương cách phòng chống dịch đã có sự thay đổi cho phù hợp với diễn biến của dịch bệnh. Chính phủ đã điều chỉnh, chuyển sang chiến lược ưu tiên nhiều hơn cho vắc xin, chứ không chỉ tập trung truy vết hay phong tỏa... "Tình thế thay đổi cho thấy quyết sách mạnh và đúng đắn của Chính phủ".

Theo PGS.TS. Trần Đình Thiên, bối cảnh COVID-19 cũng là thời điểm để chớp thời cơ tái cơ cấu nền kinh tế. Nền kinh tế thế giới "hậu COVID" sẽ có định hướng công nghệ cao và kinh tế số rất mạnh. Đó sẽ là những xu hướng quyết định số phận và triển vọng các nền kinh tế và các doanh nghiệp. Các nền kinh tế đang phục hồi khá hiện nay (trong dịch và sau dịch) đều đi theo logic này. Họ không quá chú trọng bảo tồn nền kinh tế cũ bằng cách chỉ tập trung cứu các doanh nghiệp "truyền thống" mà ưu tiên xây dựng các động lực tăng trưởng mới, là khu vực công nghệ cao và kinh tế số.

Do vậy, Việt Nam phải ráo riết chuẩn bị năng lực cho công nghệ cao, kinh tế số, dành một phần nguồn lực để thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp và hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp, ưu tiên phát triển nền kinh tế số… "Có thể thấy rằng "mục tiêu kép" hoàn toàn có thể đạt và giữ được. Chính phủ đã làm được điều đó trong suốt một năm rưỡi cực kỳ khó khăn vừa qua. Chính phủ đang "chắc tay" điều hành công việc, niềm tin xã hội được củng cố vững chắc hơn. Với một Chính phủ hành động quyết liệt và linh hoạt trong điều hành, chúng ta có thể đạt được cả hai mục tiêu chống dịch và phát triển kinh tế", PGS.TS. Trần Đình Thiên chia sẻ.

Chính phủ tiếp tục kiên định thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” - Ảnh 3.

Cũng trong bài trả lời phỏng vấn báo Điện tử Chính phủ, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định, Chính phủ đang đi đúng hướng trong xác định và triển khai chiến lược vắc xin, các chínhsách kinh tế trọng tâm. Cùng với đó, nhiều tín hiệu khá lạc quan từ nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm cho thấy việc thực hiện "mục tiêu kép", tăng trưởng kinh tế 6-6,5% là điều vẫn có thể đạt được trong năm 2021 mặc dù tình hình dịch bệnh đang rất phức tạp, đất nước đang trong giai đoạn hết sức khó khăn.

PGS.TS. Bùi Quang Tuấn cho rằng giai đoạn vừa qua, Chính phủ đã kiên định quan điểm thực hiện "mục tiêu kép", thực hiện các chính sách linh hoạt, phù hợp để nền kinh tế sớm vượt qua cú sốc và khôi phục tốc độ tăng trưởng. Điều này đem lại kết quả tích cực khi Việt Nam hiện vẫn nằm trong nhóm nước có số người tử vong do COVID-19 trên 1 triệu dân thấp nhất, đồng thời kinh tế đạt mức tăng trưởng dương. Tuy nhiên, vào Quý II/2021 sau khi Chính phủ kiện toàn, đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát với mức độ nguy hiểm hơn, tốc độ lây lan nhanh hơn, diễn biến phức tạp hơn rất nhiều so với 3 đợt bùng phát trước do có biến chủng mới, đặt ra những thử thách lớn hơn cho Chính phủ.

Chính phủ đã kịp thời đưa ra chiến lược vắc xin và thúc đẩy mọi biện pháp có thể để có vắc xin sớm nhất, nhiều nhất để tiêm cho Nhân dân, huy động các nguồn lực trong nước, tích cực triển khai ngoại giao vắc xin, tạo điều kiện để doanh nghiệp trong nước đẩy nhanh nghiên cứu và sản xuất vắc xin. 

"Đây là chiến lược căn bản rất phù hợp, rất "trúng", đồng thời cũng là điểm nhấn nổi bật nhất trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ sau kiện toàn. Cách tiếp cận như vậy là vừa đúng trọng điểm (căn cốt phải là vắc xin), vừa toàn diện (vẫn phải là kết hợp 5K+ vắc xin và giãn cách, cách ly xã hội khi cần thiết), huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, vừa kết hợp với phân cấp, giao trách nhiệm cho các địa phương để phát huy sự chủ động và sáng tạo của các địa phương, vừa quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ để hỗ trợ các địa phương", PGS.TS. Bùi Quang Tuấn nhấn mạnh.

PGS.TS. Bùi Quang Tuấn đánh giá, các chính sách kinh tế của Chính phủ, đang đi đúng hướng trong bối cảnh hiện nay, ví dụ như việc thúc đẩy giải ngân đầu tư công, hỗ trợ các trọng điểm là các khu công nghiệp, đồng thời có những hỗ trợ mới cho người lao động như gói 26 nghìn tỷ đồng. Chính phủ đã có định hướng rất rõ ràng là phải thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân đầu tư công, coi đây là trụ cột quan trọng của phục hồi tăng trưởng… Trong giai đoạn dịch bệnh, có thể có "đứt gẫy" chỗ này, chỗ kia nhưng không vì thế mà các nền tảng cho xu hướng phục hồi bị ảnh hưởng mạnh.

Nếu chúng ta kiểm soát được COVID-19, thì mức tăng trưởng 6-6,5% vẫn có thể đạt được. Hiện một số tổ chức quốc tế cũng dự báo năm 2021 Việt Nam vẫn có thể đạt tăng trưởng ở mức khá cao (Standard Chartered Bank dự báo tăng trưởng của Việt Nam là 6,5%, Ngân hàng thế giới dự báo khoảng 6,6 %, HSBC dự báo là 6,1%, ADB dự báo 5,8%).

Tuy nhiên, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn cho rằng, quan trọng nhất vẫn là phải kiểm soát được dịch bệnh; phải đáp ứng được điều kiện tiên quyết này mới có thể phục hồi tăng trưởng tốt. Đồng thời, cần xem xét rà soát, bổ sung thể chế, chính sách để khơi thông, hỗ trợ những trụ cột mới, động lực mới của tăng trưởng như kinh tế số, chuyển đổi số. Trong khủng hoảng COVID-19, các hình thức sản xuất, dịch vụ truyền thống đi xuống, riêng kinh tế số, chuyển đổi số, đặc biệt là thương mại điện tử… lại lên ngôi. Đây là xu hướng của tương lai, phổ biến trên thế giới và không thể đảo ngược. Do đó, chúng ta phải nhanh chóng bắt kịp xu hướng đó và phải phát huy vai trò của trụ cột này để có đóng góp cho sự phục hồi của nền kinh tế.

Chính phủ tiếp tục kiên định thực hiện hiệu quả "mục tiêu kép", vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khỏe Nhân dân, vừa đẩy mạnh phát triển KT-XH. Kiên trì kiềm chế, đẩy lùi, ngăn chặn có hiệu quả đợt bùng phát lần thứ 4 của dịch COVID-19. Sử dụng tổng hợp mọi nguồn lực để sớm có vắc xin phòng chống COVID-19 và tiêm miễn phí cho toàn dân.

Như vậy, có thể khẳng định, với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, sát sao của Chính phủ và nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân cả nước, sự hỗ trợ thiết thực của cộng đồng quốc tế, chắc chắn Việt Nam sẽ đẩy lùi dịch bệnh, đạt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2021, tạo tiền đề phát triển cho các năm tiếp theo.

Như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định: "Phòng chống dịch bệnh COVID-19 được coi là công việc quan trọng, cấp bách nhất hiện nay. Để ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh, Chính phủ sẽ cùng cả hệ thống chính trị và Nhân dân cùng nhau kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh bằng cách thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch và nhất là thực hiện Chiến lược vắc xin. Chúng ta có quyền hy vọng và tin tưởng, bình minh của cuộc sống bình thường sẽ sớm trở lại".

Hơn thế nữa, với quyết tâm cao, ý chí thống nhất, hành động quyết liệt của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; cùng với sức mạnh đoàn kết, truyền thống yêu nước, tinh thần tương thân, tương ái của dân tộc…, chúng ta luôn có một niềm tin mãnh liệt Việt Nam sẽ chiến thắng đại dịch COVID-19, tiếp tục phát triển kinh tế mạnh mẽ, khẳng định vị thế và uy tiến trên trường quốc tế.

Đúng như lời hiệu triệu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Với tinh thần "chống dịch như chống giặc", bảo vệ sức khỏe, tính mạng của Nhân dân là trên hết…, tôi tha thiết kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và đồng bào ta ở nước ngoài: Chúng ta đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa; toàn dân tộc muôn người như một, đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành tìm mọi cách quyết ngăn chặn, đẩy lùi bằng được, không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng…".

"Tôi tin tưởng sâu sắc rằng, cả nước góp sức, toàn Đảng, toàn dân đồng lòng, thống nhất ý chí và hành động, cùng với sự giúp đỡ chí tình của đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế, nhất định chúng ta sẽ chiến thắng đại dịch COVID-19 và phải chiến thắng cho bằng được, góp phần xứng đáng vào sự nỗ lực chung của toàn nhân loại vì một thế giới an toàn, lành mạnh, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và thịnh vượng, xứng đáng với truyền thống anh hùng vẻ vang của Đất nước ta, Dân tộc ta!".

Tài liệu tham khảo:

1. Chính phủ, 2021, Báo cáo tóm tắt đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021. Truy cập tại http:// vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/ hethongvanban/baocaochinhphu

2. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, 2021, Lời kêu gọi gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài về công tác phòng, chống đại dịch COVID-19. Truy cập tại https://baochinhphu.vn/Tin-noi-bat/TongBi-thu-Nguyen-Phu-Trong-ra-Loi-keu-goi-phong-chongdai-dich-COVID19/440490.vgp

3. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, 2021, phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại buổi Lễ công bố và trao quyết định của Chủ tịch nước bổ nhiệm các Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026. Truy cập tại https://baochinhphu.vn/Tin-noi-bat/Chung-ta-coquyen-hy-vong-va-tin-tuong-binh-minh-cua-cuoc-songbinh-thuong-se-som-tro-lai/440367.vgp

4. https://quochoi.vn/UBTVQH/tintuc/Pages/tin-hoat-dong. aspx?ItemID=1512

5. https://baochinhphu.vn/Tin-noi-bat/Chinh-phu-hanh-dong -quyet-doan-linh-hoat-cung-co-niem-tin-vung-chac-vakhang-the-manh-cho-nhan-dan/439875.vgp

6. https://baochinhphu.vn/Tin-noi-bat/Chinh-phu-di-dung -huong-trong-cac-chinh-sach-trong-tam-xay-dung-nen tang-tot-cho-tang-truong/439873.vgp

Bài viết đăng trên ấn phẩm đặc biệt Tạp chí TT&TT Kỷ niệm 76 năm Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (2/9/1945 -2/9/2021)

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Chính phủ tiếp tục kiên định thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO