Chính quyền cần thay đổi nhận thức về công tác truyền thông

PV (theo VGP)| 24/11/2022 18:47
Theo dõi ICTVietnam trên

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, sau hội nghị toàn quốc về truyền thông chính sách, chính quyền các cấp sẽ có sự thay đổi nhận thức về công tác truyền thông. Các cơ quan báo chí sẽ có động lực mới, nguồn lực mới để làm tốt hơn truyền thông chính sách của chính quyền các cấp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về truyền thông chính sách. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về truyền thông chính sách. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Chiều 24/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác truyền thông chính sách với chủ đề "Nhận thức-Hành động-Nguồn lực".

Tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng; Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Ngoại Giao Bùi Thanh Sơn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, lãnh đạo các Bộ Công an, Tư pháp, LĐ-TB&XH; lãnh đạo một số cơ quan báo chí chủ lực như Báo Nhân dân, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam... và lãnh đạo các tỉnh, thành phố Trung ương...

Hội nghị nhằm thảo luận, trao đổi kỹ về nội hàm, phương thức và thống nhất nhận thức, hành động; có các giải pháp khả thi, cụ thể để nâng cao hiệu quả của công tác truyền thông chính sách thời gian tới.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: Báo chí cách mạng thì cách mạng ở chỗ tiên phong, đi đầu. 97 năm qua đã như vậy và sẽ tiếp tục như vậy.

Báo chí nhận sứ mệnh "khơi dậy khát vọng phát triển Việt Nam hùng cường"

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, báo chí thì phải phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội nước ta, không biến dòng phụ thành dòng chính. Dòng chính của chúng ta đang là tốt, bởi vậy phải lan toả cái tốt, tạo ra đồng thuận xã hội, tạo niềm tin xã hội vào sự lãnh đạo của đảng, điều hành của nhà nước, niềm tin vào chế độ. Niềm tin xã hội là một sức mạnh, làm mất niềm tin xã hội là làm xói mòn sức mạnh quốc gia.

Báo chí cũng phải nói cái xấu, phê bình cái xấu trong xã hội. Tuy nhiên, tỷ lệ tin bài loại này dưới 10% thì không làm xói mòn niềm tin nhưng đủ sức cảnh báo, đấu tranh với cái xấu. Tỷ lệ này mà trên 30% thì cái xấu sẽ được cảm nhận là cái chính trong xã hội.

Báo chí thì không chỉ đưa tin mà còn là các bài phân tích, đề xuất các giải pháp. Có người gọi là báo chí giải pháp: Tạo ra các không gian cho người dân, chuyên gia tham gia tranh luận, tìm kiếm giải pháp, chính sách để phát triển đất nước. Đây sẽ là đóng góp mới của báo chí.

Theo Bộ trưởng, hiện nay, tỷ lệ các bài về tuyên truyền chính sách chưa cao. Tin tức về giải trí đang là cao nhất. Nếu người dân không biết, không hiểu chính sách của Đảng và Chính phủ thì hoặc người dân không làm, hoặc làm lại không đúng. Chính sách mà không được giải thích, không đến được mọi người dân thì làm sao mà chính sách thành công được. Rồi còn truyền thông pháp luật, truyền thông vì các lợi ích công cộng, truyền thông ứng phó, thích nghi với các tình huống khẩn cấp, truyền thông dịch vụ công của chính phủ, truyền thông hình ảnh quốc gia, bộ ngành, địa phương... Còn nhiều vấn đề mà chúng ta chưa làm. Báo chí cũng phải nhận lỗi việc này.

Với sự xuất hiện của công nghệ số, của chuyển đổi số, báo chí có xu thể trở thành các nền tảng số để người dân tham gia làm báo. Thay vì làm chủ tờ báo thì làm chủ nền tảng làm báo. Tương tác 2 chiều của tờ báo với người dân chưa bao giờ có cơ hội tốt như bây giờ. Nhưng sau tương tác hai chiều là truyền thông chia sẻ trên mạng xã hội và sau đó là truyền thông cá nhân hoá thông qua sử dụng trí tuệ nhân tạo. Đây là sự thay đổi rất căn bản của báo chí. Báo chí chưa bao giờ có sự thay đổi lớn như vậy.

Bộ trưởng Bộ TT&TT nhấn mạnh: Đại hội XIII của Đảng lần đầu tiên nói đến khát vọng Việt Nam. Khát vọng hùng cường thịnh vượng, trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào giữa thế kỷ XXI. Báo chí hãy nhận lấy một sứ mệnh mới, đó là khơi dậy khát vọng phát triển Việt Nam hùng cường thịnh vượng, sánh vai cường quốc năm châu, biến khát vọng này thành sức mạnh tinh thần để xây dựng đất nước.

Chính quyền cần thay đổi nhận thức về công tác truyền thông nhất là truyền thông chính sách - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: VGP

Nhà nước cần đặt hàng báo chí nhiều hơn

Báo chí là phương tiện truyền thông. Còn công tác truyền thông là việc của chính quyền các cấp. Công tác truyền thông bao gồm việc đưa thông tin gì ra cho báo chí, lập kế hoạch truyền thông, bố trí ngân sách cho truyền thông. Từ trước đến nay vẫn có sự nhầm lẫn là báo chí làm công tác truyền thông và vì thế, chính quyền các cấp không làm công việc này. Do vậy mà hay xảy ra khủng hoảng truyền thông của các cấp chính quyền. Báo chí khi làm tuyên truyền thì thiếu thông tin từ chính quyền, cũng thiếu cả việc đặt hàng từ chính quyền. Tức là, báo chí thiếu cả thông tin và ngân sách để làm tuyên truyền.

Các báo, đài chưa tự chủ tài chính thì được chính quyền các cấp bố trí ngân sách. Chi ngân sách thường xuyên cho báo, đài chiếm khoảng 0,5% tổng chi thường xuyên của ngân sách, và bằng khoảng 60% nguồn thu của báo, đài. Nhưng những báo đài lớn tự chủ tài chính thì lại không có tiền thường xuyên từ ngân sách, cũng không có đặt hàng từ ngân sách. Các báo đài này dựa trên thị trường 100%. Và như vậy, dễ có xu thế trở thành báo chí thị trường.

Nếu gộp lại cả báo đài tự chủ và chưa tự chủ tài chính thì ngân sách nhà nước chỉ chiếm 23% tổng thu thường xuyên của báo đài, 77% còn lại là do báo, đài thu từ dịch vụ. Tức là, cái "dạ dày" của báo chí đang được thị trường nuôi tới 77%.

Nhưng vấn đề hiện nay, theo người đứng đầu ngành TT&TT là phần thu dịch vụ của báo chí, nhất là từ quảng cáo, ngày càng bị mất vào tay các nền tảng xuyên biên giới. 80% quảng cáo trực tuyến đã mất vào tay các nền tảng này, báo chí của chúng ta chỉ còn 20%. Nếu xét toàn bộ thị trường quảng cáo trên các loại phương tiện truyền thông thì báo chí của chúng ta chỉ còn 40%. Nguồn thu đang bị suy giảm mạnh, báo chí đang khó khăn, và vì thế mà cần hơn nữa những sự đặt hàng từ Nhà nước cho báo chí.

Báo chí muốn tồn tại được thì phải chuyển đổi số

Trước đây, chúng ta quan niệm làm báo thì chỉ cần cây bút, tờ giấy, do vậy không cần đầu tư nhiều cho các cơ quan báo chí, có chăng thì cho cái nhà. Nhưng điều này không còn đúng nữa. Bây giờ mà không có công nghệ là không thể làm báo. Làm truyền hình thi còn cần đầu tư công nghệ nhiều hơn nữa. Mạng xã hội, nền tảng số đang lấn sân báo chí chính là do công nghệ.

Tụt hậu về công nghệ là không thể giữ được người đọc, là mất báo chí cách mạng. Bởi vậy, các cơ quan chủ quản báo chí phải quan tâm đầu tư đổi mới công nghệ cho các cơ quan báo chí.

Chiến lược Chuyển đổi số báo chí mà Thủ tướng Chính phủ sắp phê duyệt là để hiện thực hoá Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về báo chí hiện đại, chuyên nghiệp và nhân văn. Công nghệ số ảnh hưởng đầu tiên và mạnh mẽ nhất là tới lĩnh vực truyền thông, nó phá huỷ mô hình truyền thông truyền thống. Báo chí muốn tồn tại được thì phải chuyển đổi số, phải trở thành một tổ chức công nghệ. Công nghệ phải chiếm tới 30% hoạt động của một cơ quan báo chí. Đã đến lúc phải đầu tư mạnh mẽ công nghệ cho các báo đài để giữ vững ừận địa. Hiện nay, mỗi năm đầu tư cho báo chí là chưa đến 0,2% tổng chi đầu tư của ngân sách, là mức rất thấp.

Cần thay đổi nhận thức về công tác truyền thông

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, công tác truyền thông là một việc, một chức năng của chính quyền các cấp. Không những vậy, trong thời đại truyền thông xã hội, khi ai cũng có thể là tờ báo, là đài truyền hình, thì công tác truyền thông là một việc, một chức năng rất quan trọng của chính quyền. Chính quyền các cấp phải có bộ phận chuyên trách làm công tác truyền thông. Bộ phận này có thể đứng riêng, có thể đưa về một vụ, một sở. Sở TT&TT tại các địa phương là làm quản lý nhà nước về báo chí, chứ không phải làm công tác truyền thông. Tỉnh muốn giao chức năng này về sở TT&TT thì phải bổ sung chức năng, nhân lực, vật lực để làm. Người phụ trách công tác truyền thông của các bộ ngành, địa phương ít nhất cũng phải cấp vụ phó, phó giám đốc sở thì mới có thể hoàn thành nhiệm vụ.

Hội nghị truyền thông chính sách được kết nối trực tuyến đến trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Hội nghị truyền thông chính sách được kết nối trực tuyến đến trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Ảnh: VGP

Vì công tác truyền thông là một chức năng của chính quyền các cấp, vậy nên truyền thông phải là một mục trong chi phí. Chính quyền các cấp phải có ngân sách dành riêng cho truyền thông, cả chi thường xuyên và chi đầu tư. Tăng thêm cho truyền thông 0,2% ngân sách trong lúc này là cần thiết để báo chí cách mạng nâng cao năng lực cạnh tranh, cả về hạ tầng công nghệ và nhân lực.

Thay mặt, ngành TT&TT, báo chí cách mạng, giới truyền thông toàn quốc, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng trân trọng cảm ơn Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã cho phép tổ chức hội nghị toàn quốc để bàn về công tác truyền thông chính sách của Chính phủ, qua đó thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Thủ tướng đối với công tác truyền thông.

Sau hội nghị này, chính quyền các cấp sẽ có sự thay đổi nhận thức về công tác truyền thông, coi truyền thông là một chức năng quan trọng của chính quyền, trực tiếp làm chủ công tác truyền thông, bổ sung các nguồn lực cho truyền thông, thì chất lượng truyền thông chính sách sẽ có sự thay đổi căn bản về chất. Các cơ quan báo chí sẽ có động lực mới, nguồn lực mới để làm tốt hơn truyền thông chính sách của chính quyền các cấp./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Chính quyền cần thay đổi nhận thức về công tác truyền thông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO