Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực quản trị tài sản trí tuệ: Kinh nghiệm Trung Quốc và hàm ý cho Việt Nam
Vai trò của việc quản trị tài sản trí tuệ cũng như thực thi quyền sở hữu trí tuệ trở nên quan trọng, tác động đến quá trình đổi mới sáng tạo, thúc đẩy cạnh tranh và phát triển bền vững của doanh nghiệp (DN).
Tóm tắt:
- Kinh nghiệm Trung Quốc cho thấy vai trò quan trọng của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (ĐMST) trong phát triển kinh tế.
- Quản trị và thực thi quyền SHTT là yếu tố then chốt để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững của DN.
- Trung Quốc đã thiết lập khung pháp lý về quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) từ những năm 1980, không ngừng hoàn thiện và cập nhật để phù hợp với tình hình thực tế và hội nhập quốc tế.
- Chính sách hỗ trợ DN nâng cao năng lực quản trị tài sản trí tuệ của Trung Quốc tập trung vào việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng chiến lược quốc gia, ban hành các đề cương và hướng dẫn cụ thể.
- Trung Quốc chú trọng xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia về quản lý SHTT, coi đây là công cụ để hỗ trợ DN nâng cao năng lực cạnh tranh và giảm thiểu rủi ro.
- Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm của Trung Quốc trong việc xây dựng chính sách hỗ trợ DN quản trị tài sản trí tuệ, bao gồm hoàn thiện khung pháp lý, xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, phát triển dịch vụ tư vấn và thúc đẩy hợp tác quốc tế.
Nghiên cứu về kinh nghiệm quốc tế nói chung và Trung Quốc nói riêng về chính sách hỗ trợ DN nâng cao năng lực quản trị tài sản trí tuệ sẽ góp phần củng cố các luận cứ thực tiễn về giải pháp chính sách hỗ trợ DN quản lý tài sản trí tuệ đối với Việt Nam.
Tầm quan trọng của chính sách hỗ trợ DN nâng cao năng lực quản trị tài sản trí tuệ đối với phát triển kinh tế của Trung Quốc
Kể từ năm 2019, số lượng đơn xin cấp bằng độc quyền sáng chế được Trung Quốc chấp nhận vượt qua Hoa Kỳ và trở thành nước đứng đầu thế giới, tốc độ tăng trưởng về số lượng đơn xin cấp bằng sáng chế của Trung Quốc ngày một gia tăng, tuy vậy chất lượng bằng sáng chế ra sao, có bao nhiêu số bằng độc quyền sáng chế được đưa vào khai thác thương mại trong các DN, khả năng cạnh tranh của các sáng chế này, và tính thương mại của nó ra sao là một vấn đề cần được đặt ra ở trên bình diện chính sách hỗ trợ quản lý tài sản trí tuệ trong DN của Trung Quốc. [1-2]
Trong những năm trở lại đây, Trung Quốc đã tiến hành sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các khung pháp lý để thúc đẩy thương mại hóa sáng chế với việc ban hành các Luật như Luật Tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN), Luật Thúc đẩy chuyển đổi các thành tựu KH&CN, Luật Sáng chế với việc cải thiện môi trường thương mại hóa sáng chế và khung pháp lý chống độc quyền trong thương mại hóa sáng chế. [3]
Số lượng DN cả nước của Trung Quốc đạt 48,42 triệu DN, trong đó có hơn 99% là DN vừa và nhỏ, số liệu điều tra kinh tế lần thứ 4 cho thấy, số lượng lao động trong các DN vừa và nhỏ Trung Quốc chiếm 80% số lượng lao động trong tổng số lao động của các DN. [4]
Trong lĩnh vực SHTT, tính đến tháng 6/2022, số bằng sáng chế được cấp tại Trung Quốc là 3.906 triệu, số lượng nhãn hiệu là 40.545, chỉ dẫn địa lý được cấp phép là 2.943, số đơn đăng ký nhãn hiệu tập thể nhãn hiệu chứng nhận là 6.927; 19.350 chủ thể thị trường được cấp phép sử dụng dấu hiệu đặc biệt cho chỉ dẫn địa lý, 57.000 giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn.
Trung Quốc bắt đầu thiết lập các khuôn khổ pháp lý về quyền SHTT từ những năm 1980 đến những năm 1990, như: Luật Sáng chế, Luật Nhãn hiệu, Luật Bản quyền, Luật Chống cạnh tranh không lành mạnh và các Luật chuyên ngành khác có liên quan đến SHTT.
Vào đầu thế kỷ 21, Trung Quốc ra nhập WTO và tham gia hiệp định TRIPS, gắn với việc tuân thủ các quy định quốc tế về quyền SHTT, gắn với việc tăng cường bảo vệ pháp lý đối với quyền SHTT thông qua việc ban hành khung pháp lý với các bộ luật như Bộ Luật Dân sự, Luật Khuyến khích các DN nhỏ và vừa, Luật Thúc đẩy chuyển đổi thành tựu KH&CN, Luật ngoại thương, và Luật Thương mại điện tử (TMĐT) đã quy định rõ ràng các yêu cầu về quyền SHTT đối với DN khi tham gia hoạt động thương mại đây là những quy định có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo nền tảng thể chế trong việc hỗ trợ DN quản trị tài sản trí tuệ.
Ngoài các văn bản Luật nêu trên, Chính phủ, các Bộ, ngành, và chính quyền địa phương đã ban hành các quy định khác nhau trong việc quản lý SHTT trong DN. Quá trình này được xây dựng dựa trên việc tăng cường nhận thức về SHTT trong DN với 3 giai đoạn: thí điểm thăm dò (trước 2018), triển khai thực hiện theo chiều rộng (từ 2018 - 2022) và theo chiều sâu (từ 2022).
Các chính sách hỗ trợ DN nâng cao năng lực quản trị tài sản trí tuệ của Trung Quốc.
Luật Tiến bộ KH&CN năm 2021 của Trung Quốc được sửa đổi và thông qua tại kỳ họp lần thứ 32 của Ủy ban thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc lần thứ 13 của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa được xem là một trong những văn bản thể chế hóa chính sách hỗ trợ DN quản lý tài sản trí tuệ.
Trong đó, Điều 13 của Luật quy định “Nhà nước xây dựng và thực hiện Chiến lược sở hữu trí tuệ, thiết lập và hoàn thiện hệ thống SHTT, tạo môi trường xã hội tôn trọng quyền SHTT, bảo vệ quyền SHTT và khuyến khích đổi mới. Các DN, tổ chức xã hội và nguồn nhân lực khoa học kỹ thuật cần nâng cao nhận thức về quyền SHTT, nâng cao khả năng tự chủ trong đổi mới, bảo vệ quản lý và khai thác tài sản trí tuệ”;
Điều 39 của Luật quy định “Nhà nước thiết lập hệ thống đổi mới công nghệ với DN là chủ thể, thị trường là chủ đạo, tạo lập sự phối hợp giữa các tổ chức nghiên cứu và triển khai trong các trường đại học gắn với đổi mới công nghệ nghệ của DN; thúc đẩy DN là chủ thể quyết định đổi mới công nghệ”; Điều 45 của Luật quy định về việc Nhà nước bảo vệ quyền SHTT mà DN có được thông qua hoạt động nghiên cứu và triển khai. Các DN cần không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi quyền SHTT, nâng cao năng lực tự chủ trong đổi mới và khả năng cạnh tranh trên thị trường; Trên khía cạnh hợp tác quốc tế, Điều 82 của Luật cũng quy định về việc Nhà nước tăng cường bảo vệ SHTT và cơ chế rà soát an toàn, đạo đức KH&CN trong hợp tác nghiên cứu KH&CN quốc tế. [5]
Chiến lược SHTT quốc gia được Quốc vụ viện Trung Quốc ban hành và triển khai thực hiện kể từ năm 2018, đây là kim chỉ nam đánh dấu sự phát triển của SHTT như một lĩnh vực mũi nhọn để thúc đẩy ĐMST tại Trung Quốc, trong đó tập trung vào 5 ưu tiên đó là; (1) cải thiện hệ thống SHTT; (2) thúc đẩy sáng tạo và ứng dụng SHTT; (3) tăng cường bảo vệ SHTT; (4) ngăn chặn lạm dụng SHTT và (5) nuôi dưỡng văn hóa SHTT.
Sau 10 năm triển khai, những định hướng mới được các nhà lãnh đạo Trung Quốc tập trung thực hiện đó là coi việc tăng cường bảo vệ SHTT là một trong những biện pháp quan trọng nhất để cải thiện khả năng cạnh tranh của kinh tế Trung Quốc. [6]
Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc và Quốc vụ viện đã ban hành “Đề cương xây dựng một quốc gia hùng mạnh về SHTT (2021-2035)” với mục tiêu đến năm 2025 xây dựng một quốc gia hùng cường về SHTT, với khả năng cạnh tranh của các tài sản trí tuệ như sáng chế, nhãn hiệu được cải thiện chiếm tỷ trọng 13% GDP, bản quyền chiếm 7,5% GDP, tổng xuất nhập khẩu hằng năm về SHTT đạt 3500 tỷ Nhân dân tệ. Đến năm 2035 năng lực cạnh tranh SHTT toàn diện của Trung Quốc đứng đầu thế giới. SHTT thúc đẩy ĐMST và khởi nghiệp sáng tạo, ý thức văn hóa SHTT được nâng cao, hình thành các mô hình trong quản lý SHTT toàn cầu mang đặc sắc Trung Quốc.
Những nhóm nhiệm vụ và giải pháp được đưa ra tập trung vào: (1) Xây dựng hệ thống SHTT theo hướng hiện đại, xã hội chủ nghĩa; (2) xây dựng hệ thống bảo vệ SHTT hỗ trợ môi trường kinh doanh đẳng cấp thế giới; (3) thiết lập cơ chế vận hành thị trường SHTT khuyến khích đổi mới và phát triển và (4) xây dựng hệ thống dịch vụ công SHTT thuận tiện phục vụ người dân và DN; (5) xây dựng môi trường thúc đẩy văn hóa SHTT; (6) tham gia sâu vào SHTT toàn cầu và (7) Bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, định hướng của Nhà nước.
Để triển khai thực hiện chiến lược, Cục SHTT quốc gia và Bộ Công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) đã ban hành hướng dẫn một số biện pháp về quyền sở hữu trí tuệ nhằm hỗ trợ đổi mới và phát triển các DN ĐMST vừa và nhỏ trong đó tập trung vào các nhiệm vụ: Nâng cao trình độ sáng tạo tài sản trí tuệ và năng lực đổi mới của DN, thúc đẩy lồng ghép quản lý SHTT vào toàn bộ quá trình đổi mới của DN. Thiết lập các chuẩn mực theo mô hình quản lý DN tiên tiến trên thế giới, triển khai tiêu chuẩn quốc tế “quản lý đổi mới - hướng dẫn quản lý SHTT theo ISO 56005”; Thúc đẩy sử dụng hiệu quả quyền SHTT và nâng cao năng lực cạnh tranh cốt lõi của DN; thúc đẩy và nâng cao sự đóng góp về SHTT trong hoạt động kinh doanh chính của công ty; nâng cao hiệu quả dịch vụ tài chính SHTT; Tăng cường thực thi các biện pháp bảo vệ SHTT và bảo vệ sự đổi mới và phát triển của DN; Tăng cường bảo đảm dịch vụ SHTT và nâng cao hiệu quả hỗ trợ và mang lại lợi ích cho DN; tiếp tục mở rộng phạm vi công khai và chia sẻ dữ liệu SHTT cơ bản, tối ưu hóa các phương thức chia sẻ hệ thống thông tin SHTT. Tăng cường bảo vệ tài năng SHTT của DN, xây dựng đội ngũ quản lý SHTT cho DN vừa và nhỏ theo hướng chuyên trách, chuyên sâu và ĐMST. [7]
Về hệ thống các tiêu chuẩn trong quản trị SHTT trong DN. Để trực tiếp hỗ trợ cho DN quản trị tài sản trí tuệ, từ năm 2013, Trung Quốc đã ban hành “tiêu chuẩn quốc gia về quản lý SHTT trong SHTT” (GB/T 29490-2013), Sự ra đời của tiêu chuẩn đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ đông đảo các DN, hiện nay, có hơn 80.000 SHTT đã triển khai thực hiện và được được chứng nhận đạt tiêu chuẩn này, thông qua đó thúc đẩy việc nâng cao nhận thức của DN về quản trị SHTT. Mô hình quản lý SHTT trong DN theo cách tiếp cận quy trình được tiêu chuẩn thể hiện qua Hình 1.
Là một phần của hệ thống quản lý DN, hệ thống quản lý SHTT DN sử dụng cách tiếp cận theo quy trình: từ lập kế hoạch, thực hiện, kiểm tra và cải thiện. Đầu vào của hệ thống quản lý SHTT trong DN được xác định trong tiêu chuẩn bao gồm: kịp thời chuyển đổi kết quả của hoạt động đổi mới công nghệ thành quyền SHTT; ngăn ngừa hiệu quả rủi ro thị trường SHTT; Giám sát đánh giá hiệu quả quyền SHTT và chuyển đổi hiệu quả quyền SHTT thành lợi nhuận của DN. Thông qua việc liên tục triển khai và cải thiện hệ thống quản lý SHTT, khả năng cạnh tranh cốt lõi của DN có thể được cải thiện và có thể ngăn ngừa được rủi ro về sở hữu trí tuệ với việc thúc đẩy đổi mới công nghệ và bảo vệ kết quả đổi mới công nghệ; nâng cao giá trị sản phẩm và tăng cường chất lượng dịch vụ và hoàn thiện mô hình cạnh tranh và nâng cao thương hiệu quả DN.
Ba nguyên tắc cơ bản được đề xuất trong tiêu chuẩn đó là: định hướng chiến lược - các DN phải triển khai thống nhất hoạt động phát triển kinh doanh, nghiên cứu và triển khai và quản lý SHTT ở cấp độ chiến lược để phát triển kinh doanh, hoạt động nghiên cứu và triển khai và quản lý SHTT phải hỗ trợ và thúc đẩy lẫn nhau; Vai trò lãnh đạo - sự tham gia của lãnh đạo là chìa khóa để thực hiện quản lý SHTT một cách hệ thống, đào tạo và giáo dục cho các nhà lãnh đạo và quản lý; sự tham gia của mọi thành viên bởi lẽ quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến tất cả nhân viên, các lĩnh vực kinh doanh khác nhau và tất cả các liên kết kinh doanh, đồng thời yêu cầu sự tham gia của nhân viên để phát huy khả năng chung của DN.
Sau 10 năm triển khai thực hiện, với sự phát triển của KH&CN, cùng với đó là hội nhập quốc tế, thương mại quốc tế giữa DN Trung Quốc với toàn cầu, đã đặt ra những thách thức lớn trong hệ thống quản lý SHTT, xuất phát từ điều này, Cục SHTT Trung Quốc đã ban hành tiêu chuẩn mới “Yêu cầu về Hệ thống quản lý tuân thủ SHTT DN (GB/T 29490-2023)". So với tiêu chuẩn năm 2013, tiêu chuẩn này quy định rõ ràng các yêu cầu cụ thể đối với quy trình tuân thủ SHTT của DN, đánh giá rủi ro, giám sát và thanh tra, đó là: nhấn mạnh vào thuộc tính tuân thủ của quyền SHTT và hoàn thiện hơn nữa các yêu cầu về quản lý SHTT trong DN.
Ngoài ra, Trung quốc còn hình thành chính sách hỗ trợ DN nâng cao năng lực quản trị tài sản trí tuệ thông qua hoạt động nhập khẩu, giải mã công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ thân thiện với môi trường, hỗ trợ DN tiếp cận, sử dụng cơ sở dữ liệu công nghệ, chuyên gia về đánh giá công nghệ, tài sản trí tuệ phục vụ hoạt động nghiên cứu, phát triển, làm chủ công nghệ và ĐMST.
Hàm ý chính sách cho Việt Nam
Thông qua phân tích các chính sách của Trung Quốc trong việc hỗ trợ DN nâng cao năng lực quản trị tài sản trí tuệ, một số hàm ý chính sách mà Việt Nam có thể nghiên cứu, tham khảo, cụ thể:
(1) Sự cần thiết phải có một Chương trình hỗ trợ DN quản trị tài sản trí tuệ có tính chiến lược gắn với hoàn thiện khung pháp lý trong hỗ trợ quản lý tài sản trí tuệ, trong đó điểm cốt lõi đó là pháp luật về SHTT kết hợp với pháp luật về DN, khởi nghiệp sáng tạo, chuyển giao công nghệ. Cùng với đó ban hành các hướng dẫn cụ thể để DN tự bảo vệ, quản lý và khai thác tài sản trí tuệ do mình là chủ sở hữu.
(2) Hình thành một hệ sinh thái hỗ trợ DN quản trị tài sản trí tuệ gắn với phát triển các mô hình kinh doanh và khởi nghiệp sáng tạo dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, trên sự liên kết giữa Nhà nước, DN và các tổ chức trung gian hỗ trợ các vấn đề pháp lý trong quản lý và khai thác tài sản trí tuệ của DN (các tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp hay tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan). Cùng với đó là cải thiện hệ thống dịch vụ công của Nhà nước trong việc hỗ trợ DN xác lập, quản lý và bảo hộ quyền SHTT đối với các tài sản trí tuệ trong DN;
(3) Xây dựng một hệ thống tiêu chuẩn quốc gia về quản lý SHTT trong DN làm căn cứ để đánh giá chất lượng quản lý SHTT trong DN, cũng như tạo cơ sở để Nhà nước có các chính sách hỗ trợ nhằm cải thiện những điểm yếu trong công tác quản trị tài sản trí tuệ trong DN. Bên cạnh đó, việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao về SHTT trong DN dựa trên các tiêu chuẩn đặt ra cũng cần được chú trọng, từ đó đặt ra yêu cầu cần thiết phải thiết lập một hệ thống giáo dục và đào tạo về quản lý SHTT mà trọng tâm đó là hỗ trợ DN quản lý và khai thác tài sản trí tuệ.
(4) Phát triển các tổ chức dịch vụ tư vấn hỗ trợ quản lý tài sản trí tuệ, bao gồm các cơ quan nhà nước (cung ứng dịch vụ công), các tổ chức đại diện và các văn phòng luật trong việc hỗ trợ các DN quản lý và khai thác tài sản trí tuệ.
(5) Thúc đẩy liên kết hợp tác quốc tế trong quản lý tài sản trí tuệ trên bình diện quốc tế thông qua việc ký kết các hiệp ước song phương và đa phương về bảo hộ quyền SHTT, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong việc quản trị tài sản trí tuệ.
Như vậy, sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc trong những năm trở lại đây xuất phát từ ĐMST, mà trọng tâm đó là phát triển của DN công nghệ với việc gia tăng năng lực quản trị tài sản trí tuệ. Đây là hệ quả của quá trình hoàn thiện thể chế chính sách hỗ trợ DN của Trung Quốc.
Thông qua phân tích các chính sách của Trung Quốc, nghiên cứu đã đưa ra 5 hàm ý chính sách trong việc định hướng hoàn thiện chính sách hỗ trợ DN quản trị tài sản trí tuệ của Việt Nam. Bên cạnh đó, nhìn lại quá trình tiếp nhận và tích lũy công nghệ của Trung Quốc cho thấy, Trung Quốc đã hình thành các chiến lược, kế hoạch phát triển KH&CN Quốc gia phù hợp, trong đó nhấn mạnh tới hoạt động động hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ trong DN, có kế hoạch hỗ trợ cụ thể trong từng giai đoạn phát triển thông qua các chính sách phù hợp.
---
*Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội
**Viện Chiến lược và Chính sách khoa học và công nghệ
1..DanPrud’homme,TaolueZhang(2017) Section 4.2. Chinese patent quantity and Pantetquality and the role of state, Evaluationof China’s intellectual property regime for innovation. Report for the World Bank pp 39-66.
2. Ma Zhong Fa (2021), 论知识产权制度的主要使命:促进 知识产权运用, 深圳社会科学, 第4卷第1期, tr 116-129.
3. Taolue Zhang, Dan Prud’homme & Oliver Lutze (2017) China New patent commercialization Strategy, Journal of Intellectual Property Law, Vol 12 (6), pp 474-488.
4. Theo: 党的十八大以来工业和信息化发展成就[J].中国信息化,2022,No.338(6):17-235. Tham khảo: 中华人民共和国科学技术进步法(2021年修订) https://www.most.gov.cn/xxgk/xinxifenlei/fdzdgknr/fgzc/flfg/202201/t20220118_179043.html, truy cập ngày 26/10/2023.
6. Tham khảo từ bài viết: 《国家知识产权战略纲要》实施重大事件, đường dẫn: https://www.cnipa.gov.cn/art/2020/6/5/art_407_154337.html truy cập ngày 25/10/2023.7. Tham khảo: 国家知识产权局 & 工业和信息化部 (2022) 关于知识产权助力专精特新中小企业创新发展的若干措施, truy cập: https://www.gov.cn/zhengce/zhengceku/2022-10/28/
content_5722347.htm, truy cập ngày 26/10/2023.8.中华人民共和国国家标准:GB/T2940902-2013,企业知识产权管理规范(Enterpriseintellectual property management), tr2. Đường dẫn: http://scjg.jl.gov.cn/ztzl/jlszscq/qygb/qygb_ 386556/202111/
P020211105410969192391.pdf, truy cập ngày 03/6/2024.
Tài liệu tham khảo:
1. Dan Prud’homme, Taolue Zhang (2017) Section 4.2. Chinese
patent quantity and Pantet quality and the role of state,
Evaluation of China’s intellectual property regime for
innovation. Report for the World Bank pp 39-66.
2. Ma Zhong Fa (2021), 论知识产权制度的主要使命:促进 知
识产权运用, 深圳社会科学, 第4卷第1期, tr 116-129.
3. Taolue Zhang, Dan Prud’homme & Oliver Lutze (2017)
China New patent commercialization Strategy, Journal of
Intellectual Property Law, Vol 12 (6), pp 474-488.
4. Nguyễn Hữu Xuyên và cộng sự (2022), Chính sách thúc đẩy
chuyển giao công nghệ: Kinh nghiệm của Trung Quốc và Bài
học cho Việt Nam.
5. 党的十八大以来工业和信息化发展成就[J].中国信息
化,2022,No.338(6):17-23
Wu Jing, Lyu Xijiang (2023), Research on the Current
Situation and Management Strategy of Intellectual Property
Protection for Technology-based Small and Medium-sized
Enterprises, Science and Technology for Development, dol:
10.11842/chips.20230406001,
He Dan, Chen Lu, Qi Xiaojing (2023), 知识产权合
规领域新动向:评析《企业知识产权合规管理体
系要求》, truy cập: https://www.zhonglun.com/
Content/2023/10-12/1401381254.html, ngày truy cập
25/11/2023
8. 中华人民共和国科学技术进步法(2021年修订) https://www.
most.gov.cn/xxgk/xinxifenlei/fdzdgknr/fgzc/flfg/202201/
t20220118_179043.html, truy cập ngày 26/10/2023.
9. 《国家知识产权战略纲要》实施重大事件, đường dẫn:
https://www.cnipa.gov.cn/art/2020/6/5/art_407_154337.
html truy cập ngày 25/10/2023.
10. 中共中央 国务院印发《知识产权强国建设纲要(2021
-2035年)》, truy cập ngày 26/10/2023.
11. 赵亚静 万兴亚 (2012), 加强中小企业知识产权建设, truy
cập: http://theory.people.com.cn/n/2012/1130/c40531-
19747136.html, ngày truy cập 26/10/2023.
12. 国家知识产权局 & 工业和信息化部 (2022) 关于知识产
权助力专精特新中小企业创新发展的若干措施, truy cập:
https://www.gov.cn/zhengce/zhengceku/2022-10/28/
content_5722347.htm, truy cập ngày 26/10/2023.
13. 中华人民共和国国家标准: GB/T 2940902-2013, 企业知识产
权管理规范 (Enterprise intellectual property management),
tr2. Đường dẫn: http://scjg.jl.gov.cn/ztzl/jlszscq/qygb/
qygb_386556/202111/P020211105410969192391.pdf, truy
cập ngày 03/6/2024.
(Bài viết đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 6 tháng 6/2024)