Dịch bệnh Covid 19 đang gây nhiều biến động tới đời sống kinh tế xã hội, khiến nhiều người lao động mất việc làm, nhàn rỗi trong thời gian cách ly xã hội, các hoạt động bán hàng đa cấp bất hợp pháp, các hình thức đa cấp biến tướng lại càng có cơ hội phát triển mạnh trên không gian mạng, gây nhiều bức xúc trong dự luận.
Các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành đã có những quy định chặt chẽ để xử lý các hoạt động kinh doanh đa cấp không phép, biến tướng, bao gồm cả quy định về quản lý hành chính cũng như quy định về xử lý hình sự. Tuy nhiên, các quy định vẫn cần được bổ sung, hoàn thiện để nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý nhà nước, đặc biệt là trước những biến tướng phức tạp, nhanh chóng của hoạt động kinh doanh đa cấp bất chính.
Bộ Công thương đang chủ trì xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 40/2018/NĐ - CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; Nghiên cứu, bổ sung một số quy định nhằm thắt chặt hơn nữa đối với các hoạt động kinh doanh đa cấp không phép. Các quy định này có thể chưa trực tiếp ngăn chặn được các hoạt động đa cấp bất chính, biến tướng, nhưng hy vọng cũng phần nào giúp ngăn chặn được nguy cơ các chủ thể hoạt động kinh doanh đa cấp không phép có thể đăng ký hoạt động rồi lợi dụng giấy chứng nhận được cấp để lừa đảo, trục lợi bất chính.
Kiểm soát hoạt động bảo trợ quốc tế
Một trong những chính sách quan trọng được bổ sung vào Nghị định số 40/2018/NĐ-CP là kiểm soát chặt đối với hoạt động bảo trợ quốc tế. Trong hoạt động bán hàng đa cấp, một số người tham gia bán hàng đa cấp được bảo trợ bởi người tham gia bán hàng đa cấp ở một nước khác. Với vai trò là tuyến trên, bảo trợ và đào tạo, hỗ trợ những người tham gia tuyến dưới ở Việt Nam, người tham gia bán hàng đa cấp ở nước ngoài sẽ được hưởng các loại hoa hồng, tiền thưởng phát sinh trên cơ sở doanh thu của hệ thống tuyến dưới ở Việt Nam. Thông thường, khoản hoa hồng này là khá lớn vì những người được người nước ngoài bảo trợ là những người đầu tiên phát triển hệ thống bán hàng đa cấp ở Việt Nam, có mạng lưới người tham gia tuyến dưới đông đảo, doanh thu lớn và mang lại hoa hồng lớn. Đây là lý do khiến những người tham gia bán hàng đa cấp ở nước ngoài luôn mong muốn vào Việt Nam để xây dựng hệ thống ban đầu khi doanh nghiệp chưa đăng ký hoạt động chính thức ở Việt Nam.
Khi doanh nghiệp này đầu tư vào thị trường Việt Nam, thành lập doanh nghiệp và triển khai hoạt động, những người nước ngoài này đã có sẵn hệ thống ở Việt Nam, chỉ cần hợp thức hóa là nghiễm nhiên có một hệ thống mạng lưới tuyến dưới ở Việt Nam mặc dù hệ thống này hình thành một cách bất hợp pháp. Để ngăn chặn tình trạng này, Bộ Công thương dự kiến sẽ bổ sung quy định cấm người tham gia bán hàng đa cấp ở Việt Nam được bảo trợ quốc tế bởi người tham gia ở nước khác. Quy định này sẽ có tác động trực tiếp vào những người có ý định làm tiền thị trường, hoạt động không phép ở Việt Nam.
Bổ sung công cụ đánh giá uy tín của doanh nghiệp có nhu cầu gia nhập thị trường
Nhằm nâng cao chất lượng đầu vào của doanh nghiệp mới gia nhập thị trường, đảm bảo đã có kinh nghiệm hoạt động bán hàng đa cấp trước khi gia nhập thị trường Việt Nam, Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 40/2018/NĐ-CP bổ sung điều kiện nhà đầu tư nước ngoài thành lập doanh nghiệp hoặc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp tại doanh nghiệp có đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp ở Việt Nam phải có thời gian hoạt động bán hàng đa cấp tối thiểu là 03 năm liên tục ở một quốc gia khác trên thế giới.
Việc yêu cầu doanh nghiệp có kinh nghiệm hoạt động ở nước ngoài một mặt giúp cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp có cơ sở đánh giá uy tín của doanh nghiệp, một mặt cũng chọn lọc được các doanh nghiệp có kinh nghiệm quản lý tốt vì hoạt động này thực hiện thông qua mạng lưới hàng chục, hàng trăm nghìn người tham gia.
Với quy định này, các doanh nghiệp mới thành lập, chưa có uy tín, hay các doanh nghiệp đã có nhiều tai tiếng ở các nước khác trên thế giới, sẽ khó khăn hơn khi gia nhập thị trường Việt Nam một cách chính thống.
Không cấp phép cho doanh nghiệp đã từng hoạt động không phép
Một trong những thực trạng phổ biến xảy ra trong thời gian vừa qua là các doanh nghiệp vừa triển khai thủ tục đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại cơ quan có thẩm quyền, đồng thời triển khai luôn các hoạt động tiền thị trường, thậm chí hoạt động bán hàng đa cấp khi chưa được cấp giấy chứng nhận. Một số doanh nghiệp đã bị các đơn vị báo chí, truyền thông phản ánh về các dấu hiệu hoạt động bất hợp pháp, gồm cả các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Thực tế này cho thấy những doanh nghiệp này không tôn trọng pháp luật, hoạt động không phép và đồng nghĩa với thu lợi bất chính. Các hoạt động này sau đó sẽ có nguy cơ được hợp thức hóa nếu doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.
Bộ Công thương dự kiến bổ sung quy định không xem xét cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp cho những doanh nghiệp đã có vi phạm liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp khi chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp. Quy định này, nếu được bổ sung, sẽ là một công cụ hữu hiệu để răn đe, ngăn ngừa các hoạt động bán hàng đa cấp khi không có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp hợp pháp. Nếu vi phạm, doanh nghiệp sẽ không còn cơ hội được đăng ký hoạt động một cách chính thống, hợp pháp.
Với những quy định này mới này, Bộ Công thương hy vọng sẽ phần nào hạn chế được tình trạng hoạt động bán hàng đa cấp không phép, nâng cao tính nghiêm minh của pháp luật, ngăn ngừa được các thiệt hại không đáng có cho người dân.