Sáng 17/9, Bộ TT&TT, UBND tỉnh Hòa Bình, Tập đoàn VinGroup đã tổ chức Lễ bàn giao mô hình điểm đài truyền thanh ứng dụng CNTT - viễn thông cho xã Phú Nghĩa, huyện Lạc Thuỷ, tỉnh Hòa Bình.
Triển khai thực hiện Quyết định số 135/QĐ-TTg ngày 20/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở dựa trên ứng dụng CNTT", Bộ TT&TT phối hợp với Tập đoàn Vingroup là đơn vị tài trợ, tổ chức xây dựng 03 mô hình điểm đài truyền thanh ứng dụng CNTT - Viễn thông cho 03 khu vực: (i) Mô hình điểm khu vực miền núi tại xã Phú Nghĩa, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Binh; (ii) Mô hình điểm khu vực đồng bằng tại xã Hồng Phong, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương; (iii) Mô hình điểm khu vực đô thị tại phường Trần Phú, TP. Hải Dương.
Đây là 03 mô hình điểm đại diện cho 03 khu vực miền núi, đồng bằng và đô thị. Theo đó, các địa phương trong cả nước có thể tham khảo, áp dụng để từng bước thay thế truyền thanh có dây/không dây FM trên địa bàn nhằm hiện đại hóa hệ thống thông tin cơ sở.
Hệ thống truyền thanh ứng dụng CNTT - viễn thông của xã Phú Nghĩa được đầu tư 17 bộ thu phát thanh, với 46 loa công suất 30 W/loa để phủ sóng toàn bộ 15 thôn trong xã; 01 bộ máy vi tính và phần mềm quản trị, biên tập nội dung; 01 micro để bàn.
Toàn bộ thiết bị lắp đặt tại mô hình điểm xã Phú Nghĩa do Công ty TNHH Ứng dụng công nghệ mới và Du lịch (Newtatco) thuộc Viện Hân lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam sản xuất, lắp đặt.
Xã Phú Nghĩa mới được thành lập từ tháng 12/2019 trên cơ sở sáp nhập xã Cố Nghĩa và xã Phú Lão, nằm ở phía Bắc huyện Lạc Thủy, với tổng diện tích tự nhiên là 30,97 km², dân số 9.288 người, mật độ dân số đạt 300 người/km²; có 15 thôn, địa hình đồi núi, một số thôn dân cư sinh sống thưa thớt.
Trao đổi với PV Tạp chí TT&TT, ông Lê Chí Dũng, Giám đốc Trung tâm ứng dụng công nghệ cao, Công ty Newtatco cho biết Truyền thanh ứng dụng CNTT - viễn thông là giải pháp công nghệ mới, hiện đại, có nhiều ưu điểm hơn hẳn so với truyền thanh có dây, truyền thanh không dây FM với các khả năng: Hẹn giờ tự động để tiếp âm chương trình Đài truyền thanh các cấp; Thực hiện phát thanh trực tiếp các nội dung đột xuất như thiên tai, lũ lụt, cháy rừng, phòng chống dịch bệnh… đến tất cả các cụm loa hoặc từng cụm loa; Có thể chuyển đổi nội dung từ văn bản sang giọng nói ngay trên phần mềm; Giám sát và vận hành đơn giản, tập trung, phân quyền phân cấp theo các mức ưu tiên; Có độ bảo mật và an toàn thông tin cao… Các khả năng này đáp ứng chuyển đổi số cấp xã.
Truyền thanh ứng dụng CNTT - viễn thông sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong một số khâu như chuyển đổi bản tin giấy sang giọng nói, dịch tự động tiếng Việt sang tiếng các dân tộc thiểu số; giải quyết được bài toán thiếu nhân lực quản lý, vận hành đài truyền thanh cơ sở.
Chuyển đổi số để phổ biến thông tin thiết yếu liên quan trực tiếp đến đời sống dân sinh
Phát biểu tại Lễ bàn giao, Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo cho biết truyền thanh cơ sở là một kênh thông tin, tuyên truyền có diện phủ sóng rộng nhất, đưa thông tin trực tiếp và nhanh nhất đến với đông đảo người dân nên phát huy được vai trò, hiệu quả trong công tác thông tin, tuyên truyền ở cơ sở. Người dân khi đang lao động, sản xuất, kinh doanh vẫn nghe được thông tin của đài truyền thanh, đặc biệt rất hiệu quả đối với người dân ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng biên giới, hải đảo.
Trong đợt dịch bệnh Covid-19 vừa qua, Thứ trưởng cho biết: Hệ thống truyền thanh cơ sở ở các địa phương đã phát huy hiệu quả việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Thế giới bước vào cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, một cuộc cách mạng làm thay đổi toàn bộ đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Để thực hiện cuộc CMCN 4.0 thành công, các quốc gia phải thực hiện "chuyển đổi số" để vươn lên phát triển thịnh vượng.
Không nằm ngoài xu thế phát triển chung đó, Thứ trưởng cho biết: Lĩnh vực thông tin cơ sở ở nước ta, trong đó có hệ thống truyền thanh cơ sở đang đứng trước vận hội mới để chuyển mình - thực hiện chuyển đổi số để phổ biến thông tin thiết yếu liên quan trực tiếp đến đời sống dân sinh được nhanh nhất, đầy đủ nhất và chính xác nhất.
Nắm bắt được xu thế đó, một số doanh nghiệp (DN) công nghệ, viễn thông trong nước đã nghiên cứu, sản xuất thiết bị truyền thanh ứng dụng CNTT - viễn thông như Tổng Công ty giải pháp DN Viettel, Tổng Công ty Viễn thông Mobifone, Công ty TNHH Ứng dụng Công nghệ mới và Du lịch (Newtatco), Công ty TNHH Đầu tư Giang Phong, Công ty CP Việt Hưng Việt Nam, Công ty CP công nghệ Savis; Công ty CP xuất nhập khẩu vật tư kỹ thuật (TEMATEX)... đã nghiên cứu, sản xuất thiết bị truyền thanh sử dụng phương thức truyền dẫn tín hiệu âm thanh, kết nối dữ liệu trên hạ tầng viễn thông, Internet hay còn gọi là truyền thanh ứng dụng CNTT - viễn thông.