Chuyển đổi năng lượng tái tạo - mục tiêu lớn của Cộng đồng ASEAN
Chuyển đổi năng lượng sạch đang trở thành xu hướng mạnh mẽ tại khu vực ASEAN, khi mà nhu cầu năng lượng dự báo của các quốc gia khu vực này sẽ tiếp tục gia tăng. Trong bối cảnh đó, ASEAN cần sự đồng hành, tài trợ từ các nền kinh tế phát triển và các tổ chức tài chính toàn cầu.
Đối mặt với nhiều khó khăn trong chuyển đổi năng lượng tái tạo
Các quốc gia ASEAN đang phải đối mặt với nhiều tình huống "tiến thoái lưỡng nan" về chuyển đổi năng lượng. Các nền kinh tế trong khu vực phát triển nhanh chóng, mức độ đô thị hóa tăng nhanh trong những năm vừa qua và sự gia tăng của tầng lớp trung lưu đã tạo ra nhu cầu đối với dịch vụ năng lượng và điện năng chưa từng thấy.
Theo số liệu từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) công bố, thị trường năng lượng ở khu vực Đông Nam Á đang phát triển nhanh chóng. Nhu cầu tổng thể đã tăng 80% kể từ năm 2000. Điều này tạo nên áp lực đối với các hệ thống năng lượng, và khi phần lớn nhu cầu được đáp ứng bằng việc tăng gấp đôi lượng sử dụng nhiên liệu hóa thạch, lượng khí thải CO2 cũng tăng lên. Dựa trên các thiết lập chính sách hiện nay, tổng nhu cầu năng lượng của Đông Nam Á sẽ tăng 60% từ nay đến năm 2040.
Cũng theo phân tích của IEA, nhiệt độ cao hơn dẫn đến sự gia tăng trong việc sử dụng máy điều hòa không khí, và nhu cầu cao điểm đối với các hệ thống làm mát tạo ra những căng thẳng đáng kể lên hệ thống điện trong khu vực. Năng lượng cần thiết để làm mát sẽ tăng vọt lên gần 30% nhu cầu điện cao điểm vào năm 2040; tương đương 200GW công suất. Tổng số máy điều hòa không khí trong năm 2040 có thể tăng từ 40 triệu chiếc trong năm 2017 lên 300 triệu chiếc vào năm 2040, một nửa trong số đó sẽ ở Indonesia, IEA ước tính.
Bên cạnh đó, các nước ASEAN đang đối mặt với những thách thức trong việc phát triển nguồn năng lượng và phân phối chúng từ các địa điểm xa xôi đến các trung tâm sản xuất và tiêu thụ đô thị. Hơn nữa, trình độ phát triển về kinh tế và năng lượng của các nước ASEAN rất không đồng đều.
Đối với việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thì những mối lo chính bao gồm các rào cản về luật pháp, thị trường và tài chính, tiền thu hồi có thể không đủ để bù đắp số tiền đã đầu tư. Các rào cản về quy định bao gồm việc phân bổ không chính xác các chính sách về năng lượng với chính sách về khí hậu và phát triển xã hội.
Bên cạnh đó, trợ cấp vẫn là rào cản thị trường có ảnh hưởng lớn đến giá năng lượng. Sự biến động đột ngột của tỷ giá hối đoái và lãi suất là rủi ro tài chính liên quan đến các khoản đầu tư mới. Ví dụ như ở Indonesia có nhiều cơ sở hạ tầng hơn, còn ở những nước khác vẫn chưa đầu tư nhiều vào lĩnh vực năng lượng tái tạo. Hơn nữa, việc luật pháp ở từng khu vực khác nhau có thể dẫn tới hạn chế về các cam kết đầu tư, tài chính và hỗ trợ từ công ty năng lượng nước ngoài.
Tương tự, các nhà đầu tư có những khoảng thời gian khác nhau và mức độ chấp nhận rủi ro khác nhau, và không có giải pháp dễ dàng để giải quyết những rủi ro này. Cần có một quá trình trao đổi giữa các nhà hoạch định chính sách và ngành tài chính để giảm rủi ro cho các khoản đầu tư.
Theo nghiên cứu của Statista Research, có ba nguyên nhân dẫn tới việc các quốc gia ở khu vực ASEAN gặp khó khăn trong việc sử dụng năng lượng tái tạo. Thứ nhất, chi phí bảo trì và xây dựng cơ sở hạ tầng quá tốn kém để biến nó thành một nguồn tài nguyên khả thi. Thứ hai, các giải pháp năng lượng sạch có thể chiếm nhiều tài nguyên đất ở một số quốc gia. Thứ ba, một số cơ sở cần thiết như nơi sản xuất hiện không có sẵn.
Hiện nay, nhiều quốc gia vẫn sử dụng nhiên liệu hóa thạch và các nguồn năng lượng không tái tạo khác để cung cấp năng lượng cho các hoạt động và nền kinh tế của họ. Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), 83% năng lượng tại Đông Nam Á đến từ nhiên liệu hóa thạch.
Tranh thủ hợp tác quốc tế thúc đẩy chuyển đổi năng lượng sạch
Trong Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng ASEAN lần thứ 38 năm 2020, ASEAN đã đặt mục tiêu nâng tỷ trọng năng lượng tái tạo lên 23% tổng nguồn cung năng lượng sơ cấp và 35% tổng công suất điện lắp đặt vào năm 2025. Các nước đã thống nhất đưa mục tiêu tỉ lệ năng lượng tái tạo đạt 23% và giảm cường độ năng lượng xuống 32% vào năm 2025.
Tại Lễ khai mạc nhiệm kỳ Chủ tịch Năng lượng ASEAN 2023, dẫn một báo cáo của IRENA, Bộ trưởng Năng lượng Indonesia Arifin Tasrif khẳng định rằng các nước ASEAN cần các công nghệ carbon thấp có thể tiếp cận và tài trợ lãi suất thấp từ nhiều nguồn để đạt được mục tiêu trung hòa carbon. ASEAN sẽ cần 29.400 tỷ USD đến năm 2050 để sản xuất 100% năng lượng tái tạo. Đó là lý do ASEAN rất cần tài trợ từ các nền kinh tế phát triển và các tổ chức tài chính toàn cầu.
Tại Hội nghị Quan chức cấp cao năng lượng ASEAN (SOME) lần thứ 41 vừa qua, Bộ trưởng Năng lượng và Tài nguyên khoáng sản Indonesia (ESDM) Arifin Tasrif đã kêu gọi các nước trong khu vực cùng các tổ chức quốc tế và các bên liên quan hỗ trợ và hợp tác bền vững nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác đổi mới, tài chính bao trùm, cũng như tiếp cận các công nghệ cần thiết và hiệu quả để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng.
Ngày 22/6/2023, tại Jakarta (Indonesia), Trung tâm Năng lượng ASEAN (ACE) đã ký thỏa thuận hợp tác với Chương trình điện thông minh Đông Nam Á (SPP) thuộc Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) nhằm thúc đẩy chuyển đổi năng lượng sạch trong khu vực.
Giám đốc điều hành ACE - Tiến sĩ Nuki Agya Utama - khẳng định quan hệ đối tác kéo dài 3 năm này có ý nghĩa then chốt trong tiến trình đạt được các mục tiêu của khu vực vào năm 2025, đồng thời trang bị cho ACE những công cụ và nguồn lực cần thiết để đẩy mạnh triển khai các hợp tác, từ đó thúc đẩy năng lượng sạch và đáng tin cậy, cũng như những nỗ lực chống biến đổi khí hậu.
Ngày 11/7/2023, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Cơ quan Thị trường Năng lượng (EMA) của Singapore cũng đã ký biên bản ghi nhớ mở đường cho việc phát triển sản xuất và truyền tải năng lượng tái tạo trong khu vực ASEAN, đồng thời hỗ trợ thành lập Lưới điện ASEAN.
Các hợp tác quan trọng này sẽ hướng tới chia sẻ chuyên môn và thực tiễn tốt nhất trong các lĩnh vực như hợp tác khu vực, quan hệ đối tác công-tư, cấu trúc và tài trợ dự án. Việc thu hút nhiều khoản đầu tư quốc tế về năng lượng sách là rất cần thiết để có thể đạt được mục tiêu chuyển sang năng lượng tái tạo trong thời gian tới tại ASEAN.