Luật hóa phát triển năng lượng tái tạo để đẩy nhanh chuyển đổi xanh

PV| 04/10/2022 09:00
Theo dõi ICTVietnam trên

Quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo đòi hỏi sự thay đổi về chính sách, cơ cấu, công nghệ từ sản xuất, tiêu thụ các nguồn năng lượng hóa thạch truyền thống sang các nguồn năng lượng tái tạo, bền vững.

Dịch chuyển năng lượng sẽ giúp đối phó biến đổi khí hậu và an ninh năng lượng

Năng lượng tái tạo, hay còn gọi là năng lượng xanh, đang dần chiếm vị trí quan trọng giúp các quốc gia đạt sự phát triển kinh tế bền vững. Vì vậy, phát triển năng lượng tái tạo đang là một lĩnh vực được nhiều nước chú trọng và tạo điều kiện để khai thác. 

Xu thế chung của các nước trên thế giới hiện nay là sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo. Các hoạt động nghiên cứu, phát triển và sử dụng các loại năng lượng tái tạo được các quốc gia chú trọng, trong đó sẽ tạo năng lượng tái tạo từ các nguồn năng lượng liên tục, có thể coi là vô hạn, như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng thủy triều, thủy điện, năng lượng nhiệt điện… 

Với những ưu điểm nổi bật như thân thiện với môi trường, dồi dào vô tận, giảm thiểu biến đổi khí hậu và mang lại lợi ích về phương diện kinh tế, các nguồn năng lượng mới này đang dần thay thế các nguồn nhiên liệu truyền thống trong các lĩnh vực quan trọng của các nước.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã dự Hội nghị cấp Bộ trưởng đối tác tăng trưởng xanh châu Á lần thứ 2 tại Tokyo, Nhật Bản. Tầm quan trọng của quá trình chuyển dịch năng lượng đã được các Bộ trưởng và đại diện các tổ chức quốc tế tham dự Hội nghị tập trung thảo luận. 

Việc dịch chuyển năng lượng được cho là sẽ giúp các quốc gia đối phó với biến đổi khí hậu và an ninh năng lượng. Điều này đặc biệt quan trọng khi tình hình năng lượng toàn cầu đang có những biến động phức tạp, khó lường và đà phát triển kinh tế của hầu hết các nước trên thế giới đều đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tình hình an ninh lương thực. Vì thế, dịch chuyển năng lượng được cho là sẽ giúp các quốc gia đạt tăng trưởng kinh tế bền vững.

Việt Nam đang là quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh trong khu vực ASEAN. Cùng với đó, tốc độ đô thị hóa và công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng tăng nhanh. Điều này cũng đặt áp lực buộc các thành phần, ngành nghề kinh tế phải có các biện pháp chuyển dịch năng lượng, chuyển sang sử dụng các nguồn năng lượng xanh để giảm tác động lên môi trường, khí hậu. Ngành năng lượng hiện phải đối mặt với nhiều thách thức như cung ứng đủ điện, sạch, chất lượng và chi phí phù hợp.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết đây là thời điểm để Việt Nam xem xét đến cách thức chuyển đổi cơ cấu nguồn năng lượng theo hướng sử dụng nhiều hơn nguồn năng lượng tái tạo đi kèm với sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.

Bộ Công Thương đã nỗ lực rà soát hoàn thiện kế hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2045. Các nguồn năng lượng tái tạo được ưu tiên phát triển mạnh mẽ, như nguồn điện gió, điện mặt trời, sinh khối, đặc biệt là điện gió ngoài khơi; giảm dần tỷ trọng điện than.

Phát triển chính sách phù hợp thu hút đầu tư và khai thác năng lượng tái tạo

Mới đây, vấn đề phát triển năng lượng của Việt Nam đã được các đại biểu thảo luận tại Hội thảo Kinh nghiệm quốc tế về phát triển năng lượng phục vụ các mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia. Hội thảo do Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội tổ chức. Đặc biệt, kinh nghiệm phát triển năng lượng bền vững của các nước trên thế giới cũng như cách đối phó với khủng hoảng năng lượng đã được chia sẻ. 

Đại biểu của một số cơ quan đại diện một số quốc gia, vùng lãnh thổ và đại diện các tổ chức tài chính quốc tế tại Việt Nam cũng khuyến nghị các chính sách phát triển năng lượng bền vững cho Việt Nam. Các đại biểu bày tỏ mong muốn được tham gia vào các dự án phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam.

Các chuyên gia cũng lưu ý quá trình chuyển đổi năng lượng sạch cần đảm bảo diễn ra công bằng và bình đẳng cho mọi thành viên trong xã hội. Việc chuyển đổi phải đạt mục tiêu giảm chi phí năng lượng tiêu dùng, tăng cường an ninh năng lượng và giảm đáng kể lượng phát thải khí nhà kính. 

Trọng tâm của chiến lược chuyển đổi xanh là phát triển các loại năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng địa nhiệt, năng lượng thủy triều …. Tuy nhiên, phát triển năng lượng tái tạo cần đi đôi với giải pháp lưu trữ năng lượng, nhất là khi tỷ trọng tích hợp năng lượng tái tạo vào hệ thống điện ngày càng cao.

Những năm gần đây, nhiều địa phương đã đầu tư, phát triển sản xuất điện mặt trời. Việc đẩy mạnh khai thác, sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo trong đó có điện mặt trời đã giúp kịp thời bổ sung điện năng phục vụ sản xuất, đời sống người dân, giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch. Qua đó, góp phần quan trọng để bảo đảm an ninh năng lượng, hạn chế ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, sự phát triển nở rộ và quá nhanh cũng dẫn đến một số vấn đề. Chẳng hạn như, việc sản xuất điện mặt trời chỉ chú trọng vào một số địa phương có điều kiện tự nhiên phù hợp nên hạ tầng lưới điện nhiều nơi bị quá tải. 

Qua kiểm tra, rà soát điện mặt trời mái nhà, Bộ Công Thương nhận thấy lĩnh vực này đang tập trung nhiều ở những vùng phụ tải thấp, dẫn đến không phù hợp nhu cầu sử dụng điện, làm mất cân đối trong quá trình vận hành hệ thống, ảnh hưởng đến độ tin cậy cung cấp điện. 

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, cho biết  việc thúc đẩy năng lượng tái tạo và đẩy mạnh sử dụng hiệu quả năng lượng vẫn còn nhiều rào cản. Lãnh đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đưa ra một số rào cản cụ thể đối với việc thúc đẩy năng lượng tái tạo ở Việt Nam như vấn đề hoàn thiện và ổn định cơ chế, chính sách về khuyến khích đầu tư, hỗ trợ giá và nội địa hóa công nghệ. Chi phí đầu tư cao cũng là một rào cản của quá trình thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo. Trong khi đó, năng lượng và trình độ công nghệ sản xuất trong nước còn hạn chế, chất lượng sản phẩm và tuổi thọ thấp, chưa sản xuất được các thiết bị trung tâm của hệ thống... 

Tạo điều kiện thu hút đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo - Ảnh 1.

Hội thảo Kinh nghiệm quốc tế về phát triển năng lượng phục vụ các mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia do Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội tổ chức

Quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo cũng đòi hỏi sự thay đổi về chính sách, cơ cấu, công nghệ từ sản xuất, tiêu thụ các nguồn năng lượng hóa thạch truyền thống (như than, dầu, khí tự nhiên) sang các nguồn năng lượng tái tạo, bền vững (như gió, mặt trời, nước, sinh khối, hydro, nhiên liệu sinh học…).  

Vì vậy, để phát triển năng lực tái tạo, ông Nguyễn Tuấn Anh đề xuất cần thúc đẩy mạnh mẽ cơ chế khuyến khích chính sách giá ưu đãi mua điện. Khung pháp lý được hoàn thiện cũng sẽ giúp thu hút nhà đầu tư nước ngoài và tư nhân đến với các dự án năng lượng tái tạo của Việt Nam. Nhà đầu tư dự án năng lượng tái tạo có thể được lựa chọn thông qua đấu thầu.

Năng lượng tái tạo đã và đang được khai thác, sử dụng rộng rãi, trên nhiều địa hình khu vực khác nhau với nguồn cung cấp phong phú, đa dạng vô tận, ít gây tác động đến môi trường tự nhiên. Việt Nam có nhiều thuận lợi trong việc khai thác các nguồn năng lượng tái tạo, nhờ vị trí địa lý với đường bờ biển dài, khí hậu nhiệt đới gió mùa đặc trưng cùng nền kinh tế nông nghiệp chủ đạo. Những điều kiện này giúp Việt Nam có nguồn năng lượng tái tạo dồi dào để khai thác. 

Tuy vậy, những cơ hội này cũng là thách thức lớn với các nhà quản lý, khi làm thế nào để khai thác tốt những nguồn năng lượng tái tạo này, cần phát triển các chính sách phù hợp để thu hút đầu tư và khai thác, nếu muốn tận dụng nguồn năng lượng đó. Thủ tướng Chính phủ và các lãnh đạo Chính phủ cũng đã có văn bản chỉ đạo nhằm tháo gỡ khó khăn, tìm hướng phát triển tốt năng lượng tái tạo. 

Tại Hội nghị cấp Bộ trưởng đối tác tăng trưởng xanh châu Á lần thứ 2, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam cho biết Bộ Công Thương đang nghiên cứu, đề xuất luật hóa việc phát triển năng lượng tái tạo, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư thuộc thành phần kinh tế tư nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển năng lượng tái tạo.

Luật hóa việc phát triển năng lượng tái tạo sẽ giúp tạo hành lang pháp lý thuận lợi, minh bạch, từ đó thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam. Hiện tại, Bộ Công Thương đang nghiên cứu, đề xuất luật hóa phát triển năng lượng tái tạo quốc gia./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Luật hóa phát triển năng lượng tái tạo để đẩy nhanh chuyển đổi xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO