Theo Internetsoiciety.org cho biết tốc độ truy cập trang News Feeds của Facebook tăng lên từ 20 - 40% đối với các thiết bị di động sử dụng IPv6.
Cùng với Google, Microsoft Bing, Yahoo!, LinkedIn,Akamai, Comcast, Verizon Wireless, T-Mobile, NTT…, Facebook đã sớm nghiên cứu, thử nghiệm, chính thức chuyển đổi và ứng dụng IPv6 cho hệ thống mạng lưới và dịch vụ của mình từ năm 2012 (sự kiện thế giới chính thức khai trương IPv6 – World IPv6 Launch).
Theo báo cáo của Facebook tại Diễn đàn thế giới về IPv6 từ ngày 17-18/3/2015 tại Paris, Pháp thì 90% hệ thống mạng của Facebook đã triển khai sử dụng địa chỉ IPv6 (không sử dụng IPv4) và dự kiến 100% hệ thống mạng của Facebook triển khai sử dụng IPv6 vào cuối quý I/2015. Mục tiêu của Facebook trong 2-3 năm tới là 100% lưu lượng là IPv6.
Với việc IPv4 đã cạn kiệt, sự tăng trưởng mạnh các kết nối, phát triển của các dịch vụ, xu hướng chuyển đổi sang mạng di động băng rộng thế hệ tiếp theo 4G/LTE& 5G,xu hướng Internet của vạn vật (IoT - Internet of Things), BYOD (Bring Your Own Device), SMAC (social, mobile, analytics and cloud)… nhu cầu về kết nối Internet càng nhiều với chất lượng dịch vụ ngày càng cao. Do vậy việc chuyển đổi IPv6 là tất yếu để làm nền tảng phát triển Internet, đem lại nhiều lợi ích, dịch vụ đa dạng cho người dùng với chất lượng tốt hơn, an toàn hơn.
Trường hợp Facebook là ví dụ điển hình cho thấy việc một đơn vị cung cấp dịch vụ nội dung (ICP) triển khai IPv6 giúp tăng tốc độ truy cập các dịch vụ trên mạng Internet.
Tại Việt Nam, bên cạnh việc thúc đẩy các nhà cung cấp dịch vụ Internet, nhà mạng chuyển đổi sang sử dụng IPv6, Ban công tác thúc đẩy IPv6 quốc gia cho biết việc các trang báo điện tử, nội dung và mạng xã hội chuyển đổi sang IPv6 cũng là một trọng tâm công tác bởi khi các nhà mạng đã sẵn sàng đáp ứng hạ tầng thì các dịch vụ nội dung cũng cần đảm bảo để đáp ứng nhu cầu bạn đọc, người dùng. Việc chuyển đổi sang IPv6 cũng giúp các trang không cần thiết phải nâng cấp máy chủ, hay xin phép mở rộng băng thông, mà vẫn đáp ứng lượng bạn đọc truy cập lớn.