Chuyển đổi số để hướng tới “ngân hàng 3-1-0”

Anh Minh| 10/12/2022 07:48
Theo dõi ICTVietnam trên

Ngân hàng là nơi thường có những quy trình với khối lượng dữ liệu lớn và đòi hỏi độ chính xác cao, tự động hóa thông minh sẽ giúp ngân hàng tăng năng suất, hiệu quả hoạt động, giảm thiểu rủi ro và nâng cao trải nghiệm tổng thể của người tiêu dùng.

Ngày 9/12, Học viện Ngân hàng và FPT Software đã hợp tác tổ chức Hội thảo Quốc gia với chủ đề “Chuyển đổi số (CĐS): từ dữ liệu đến tự động hóa”. Sự kiện tập trung vào hai mảng chính là công nghệ dữ liệu và tự động hóa quy trình nghiệp vụ cho ngành tài chính, ngân hàng. Hội thảo được xem là cơ hội trao đổi nghiệp vụ và học hỏi bổ ích cho các lãnh đạo, cán bộ ngân hàng, cùng các doanh nghiệp (DN) CNTT tìm kiếm các giải pháp thúc đẩy CĐS ngân hàng hiệu quả hơn.

Hướng tới “ngân hàng 3-1-0” 

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), cho biết hoạt động CĐS trong tài chính ngân hàng tại Việt Nam thời gian qua đã được đánh giá bước vào giai đoạn bùng nổ, các hệ sinh thái số, thanh toán số được thiết lập, ra mắt các dịch vụ ngân hàng kết nối, mang lại những trải nghiệm liền mạch, có ý nghĩa to lớn cho khách hàng.

Nhiều nghiệp vụ ngân hàng như mở tài khoản thanh toán, chuyển tiền, gửi tiết kiệm đã được số hóa 100%, cho phép khách hàng thực hiện hoàn toàn trên môi trường số. Theo thống kê, trong năm 2022, giao dịch thanh toán không tiền mặt đã tăng 77,2 % về số lượng và 29,8% về giá trị; các giao dịch qua kênh Internet tăng 63,2% về số lượng và 32,3% về giá trị, qua kênh di động tăng 98,3% về số lượng và 84,3% về giá trị.

Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng ứng dụng dịch vụ ngân hàng số tại Việt Nam hiện đã đuổi kịp các thị trường phát triển. Tỷ lệ khách hàng cá nhân trên thị trường châu Á - Thái Bình Dương tích cực sử dụng dịch vụ ngân hàng số đã tăng từ 55% vào năm 2017 đến 88% vào năm 2021. Đối với thị trường Việt Nam, mức tăng trưởng này là 41% vào năm 2017 và tăng lên đến 82% vào năm 2021. Đại đa số khách hàng cá nhân Việt Nam (khoảng 73%) sử dụng kết hợp cả ngân hàng số và truyền thống.

Một số ngân hàng Việt Nam đã bước vào giai đoạn sáng tạo số, áp dụng các công nghệ mới như ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), máy học, chuỗi khối (blockchain), tận dụng sức mạnh của big data, robot để gia tăng năng suất, hiệu quả làm việc. 

Nói về ngân hàng số, ông Phan Thanh Đức, Trưởng khoa, Khoa Hệ thống thông tin quản lý, Học Viện Ngân hàng, đã đưa ra một định nghĩa “rất đơn giản” về “ngân hàng 3-1-0”. 

“Trong đó 3 nghĩa là một quy trình không được trải qua quá ba bước, một quy trình chỉ có 3 bước thôi, đến bước thứ thứ tư thì khách hàng sẽ bỏ ra đi. 1 nghĩa là một lệnh chuyển tiền đi sau một giây là khách hàng phải nhận được phản hồi, còn quá một giây khách hàng sẽ không còn tin tưởng nữa. Và 0 chính là không có con người can thiệp vào, đó là một quy trình tự động và quy trình đó không có sự tham gia của con người”, ông Đức nói.

Dữ liệu và tự động hóa là những trụ cột quyết định thành công của CĐS 

Theo ông Phan Thanh Đức, CĐS nhằm tạo ra một tài nguyên mới, và đó là dữ liệu. Nền kinh tế số, một cách đơn giản, chính là nền kinh tế dựa trên dữ liệu. Năm 2022, nền kinh tế số đã trở thành một xu hướng chủ đạo, chiếm ít nhất 30% giá trị GDP ở khu vực Châu Á, doanh thu đó đến từ các sản phẩm và dịch vụ số. Trong đó, dữ liệu mở là một loại tài nguyên dầu mỏ, kinh tế dữ liệu sẽ là một thành tố quan trọng và cốt lõi cho nền kinh tế số quốc gia.

Giá trị cốt lõi của nền kinh tế dữ liệu là tạo ra một cơ chế để khai thác dữ liệu, chia sẻ và sử dụng dữ liệu một cách tốt nhất. Tuy vậy, hiện nay tình trạng dữ liệu dư thừa và phân mảnh ngày càng nhiều. Vì thế, một trong những bước đầu tiên là phải xây dựng chiến lược về dữ liệu mở. Ngoài ra, cần tính đến bài toán quản trị dữ liệu, đảm bảo chất lượng dữ liệu và chia sẻ dữ liệu, tạo dựng cơ sở cho việc phát triển nền kinh tế dữ liệu. 

Ông Đức cho rằng dữ liệu không chỉ là tài nguyên để khai thác, mà còn đóng vai trò cầu nối trong hệ thống thông tin. Hơn nữa, tài nguyên dữ liệu khác với những tài nguyên khác. Các loại tài nguyên khác càng dùng sẽ càng mất đi, càng cạn kiệt, nhưng tài nguyên dữ liệu, càng dùng sẽ càng tạo ra nhiều hơn và càng quý hơn.

Chuyển đổi số ngành ngân hàng: từ dữ liệu đến tự động hóa - Ảnh 1.

Ông Phan Thanh Đức cho rằng dữ liệu không chỉ là tài nguyên để khai thác, mà còn đóng vai trò cầu nối trong hệ thống thông tin

Từ năm 2021, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phê duyệt “Kế hoạch CĐS ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, hướng tới mục tiêu “nâng cao chất lượng cung ứng sản phẩm, dịch vụ, gia tăng trải nghiệm và đáp ứng nhu cầu khách hàng là thước đo hiệu quả của quá trình CĐS”. Trong hành trình này, dữ liệu và tự động hóa quy trình nghiệp vụ được coi là những trụ cột quyết định thành công của Kế hoạch CĐS ngành ngân hàng.

Với việc dữ liệu được thu thập và quản trị hiệu quả, công cuộc CĐS sẽ bước sang một giai đoạn mới, đó là tự động hóa. Theo ông Phan Thanh Đức, trong cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ 3, con người phải tự thu thập dữ liệu và nhập vào máy móc. Nhưng với cuộc CMCN lần thứ 4, dữ liệu được thu thập qua hệ thống IoT và thu thập theo thời gian thực, tạo ra nền kinh tế thời gian thực. Khi có sự cố xảy ra, các hệ thống kết nối và xử lý ngay tức thì. 

“Hay nói cách khác, sự khác biệt của tự động hóa trong cuộc CMCN lần thứ ba là chúng ta dùng máy móc để thay thế con người, và con người sẽ dựa trên các thông tin mà máy móc xử lý để đưa ra quyết định. Tuy nhiên, trong cuộc CMCN lần thứ 4, tự động hóa có nghĩa là máy móc sẽ được ứng dụng một cách thông minh, và máy móc tự đưa ra quyết định. Và quá trình này chính là quá trình máy học (machine-learning), học sâu (deep-learning)…”, ông Đức nói.

Nói về các công nghệ tự động hóa thông minh, ông Trần Đăng Hòa, Phó Tổng giám đốc, Công ty TNHH Phần mềm FPT (FPT Software) đã giới thiệu hệ thống akaBot - một giải pháp nền tảng tự động hóa quy trình cho DN, dựa trên công nghệ cốt lõi RPA. akaBot đã được nhiều DN, ngân hàng tại Việt Nam ứng dụng. 

Lãnh đạo FPT Software tự tin khẳng định các nền tảng công nghệ của Việt Nam không hề thua kém so với thế giới. Ông cho biết nền tảng đã ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng 900% lượng khách hàng so với cùng kỳ năm 2020-2021, với hơn 5.000 robot phục vụ hơn 3.000 khách hàng tại hơn 20 quốc gia trên thế giới. 

Ông Trần Đăng Hòa cho biết: “Chúng ta đang sống trong giai đoạn bình thường mới, với làn sóng CĐS mạnh mẽ, những từ khóa như dữ liệu, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo không còn là câu chuyện mới. Từ các DN tư nhân đến các cơ quan nhà nước, dù trong bất cứ ngành nghề nào, chúng ta đều nhận thấy sự chuyển đổi mạnh mẽ từ phương thức hoạt động truyền thống sang phương thức số hiện đại. 

Trong bối cảnh đó, FPT Software là một trong những đơn vị đi đầu về dịch vụ, giải pháp, đồng hành với tất cả các DN trên mặt trận CĐS. Công nghệ sẽ song hành cùng con người để kiến tạo những giá trị mới, đưa DN bước lên những tầm cao mới”.

Năm 2023 được dự báo là một năm đầy thách thức, khác biệt, áp lực lạm phát và niềm tin của người tiêu dùng suy giảm. Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, cho rằng trong thời gian tới, ngành ngân hàng cần có những bước đột phá trong CĐS, trong đó không thể thiếu sự tăng cường tự động hóa quy trình để mang lại sự hài lòng cho khách hàng cũng như cho chính nội bộ ngân hàng. 

"Ngân hàng là nơi thường có những quy trình với khối lượng dữ liệu lớn và đòi hỏi độ chính xác cao, tự động hóa thông minh giúp ngân hàng tăng năng suất, hiệu quả hoạt động kinh doanh, cung cấp khả năng tuân thủ tốt hơn, giảm thiểu rủi ro đồng thời nâng cao trải nghiệm tổng thể của người tiêu dùng. Quản lý dữ liệu bằng tự động hóa quy trình cũng giúp ngân hàng dễ dàng đánh giá hiệu quả", ông Hùng cho hay./. 

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi số để hướng tới “ngân hàng 3-1-0”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO