Chuyển đổi số đối với hoạt động xuất bản thích ứng và tận dụng cơ hội của CMCN lần thứ 4

12/02/2022 07:25
Theo dõi ICTVietnam trên

Chúng ta đang bước vào thời kỳ mà Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) và Chuyển đổi số (CĐS) được cả Chính phủ, doanh nghiệp (DN) và người dân quan tâm. Với dân số khoảng 98 triệu người và tỉ lệ người sử dụng Internet ở Việt Nam năm 2020 đạt 70,23% dân số.

Trong cùng khoảng thời gian này, chúng ta có khoảng 130 triệu thuê bao di động có phát sinh lưu lượng, trong đó đang có khoảng 30 triệu người sử dụng điện thoại di động thông minh hàng ngày. Internet và các thiết bị thông minh đang trở thành phương tiện chủ yếu để người đọc tiếp cận với thông tin nói chung và sách nói riêng. Sự phát triển nhanh chóng của người dùng viễn thông và Internet, cùng với CMCN 4.0 và công cuộc CĐS đã và đang tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực hoạt động nói chung và hoạt động xuất bản nói riêng. 

CĐS hoạt động xuất bản với việc tận dụng cơ hội của CMCN 4.0

Hoạt động xuất bản ở Việt Nam trong những năm gần đây có sự phát triển mạnh, ngày càng khẳng định vị trí, vai trò của mình trong lĩnh vực tư tưởng - văn hóa. Nội dung xuất bản phẩm đáp ứng ngày càng tốt hơn đời sống tinh thần của xã hội, góp phần tích cực vào nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước. Đội ngũ những người làm công tác xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng, vững vàng về chính trị, chuyên sâu về nghiệp vụ. Số đầu sách xuất bản hàng năm được đầu tư xuất bản ngày một tăng, đáp ứng được yêu cầu sử dụng ngày một đa dạng của mọi đối tượng bạn đọc và từng bước xuất khẩu ra nước ngoài.

Xuất bản nước ta cũng đã có nhiều đổi mới về công nghệ, phong phú về nội dung và đa dạng về hình thức, trong đó có hình thức xuất bản điện tử, đặc biệt việc là thúc đẩy phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, trong đó có xuất bản phẩm điện tử (Quyết định số 329/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”). Cũng như đa số các lĩnh vực khác, bước vào thời kỳ CMCN 4.0, xuất bản sẽ là lĩnh vực chịu nhiều tác động, mà nếu biết tận dụng thì sẽ mang lại nhiều kết quả tích cực.

Trong hoạt động xuất bản, nhiều thiết bị điện tử kết hợp việc ứng dụng CNTT trong kết nối và xử lý dữ liệu đã, đang và sẽ hỗ trợ rất nhiều trong công tác xuất bản, phát hành, điển hình là các máy đọc mã vạch để tra cứu nguồn gốc xuất xứ cũng như giá của xuất bản phẩm, kết hợp hệ thống phần mềm bán hàng. Mỗi xuất bản phẩm được bán thì hệ thống đều tự động cập nhật số lượng xuất/tồn kho và ghi nhận doanh thu về máy chủ. 

Hoặc đối với việc mang lại những trải nghiệm cao cấp hơn nội dung của xuất bản phẩm thì hiện nay nhiều xuất bản phẩm có sự tích hợp cả sách in truyền thống và ứng dụng CNTT, điện tử (ví dụ một số loại xuất bản phẩm như Flash card, bút chấm đọc hoặc một số loại sách in về khoa học vũ trụ, thiên văn). Với các loại xuất bản phẩm này, hình ảnh minh họa hoặc nhân vật trong sách sẽ trở nên sống động hơn với những chuyển động ba chiều khi dùng điện thoại thông minh quét lên các bức hình được in trên sách.

Sách điện tử và các hình thức xuất bản trên phương tiện truyền thông hiện đại ra đời cũng đang tạo thêm sự lựa chọn cho bạn đọc trong việc tiếp cận nội dung xuất bản phẩm. Tuy vậy, sách điện tử như đang được xuất bản và phát hành hiện nay có lẽ vẫn chỉ là hình thức sơ khai so với những gì mà chúng ta có thể nhìn trước được khi Công nghiệp 4.0 thực sự ở giai đoạn phát triển cao trào. 

Khi đó, nội dung đa phương tiện sẽ vô cùng phát triển, và sách điện tử không chỉ còn là những dòng chữ đơn điệu trên màn hình đọc mà sẽ có sự xuất hiện của các thành phần đa phương tiện kết hợp công nghệ thực tế ảo và thực tại tăng cường. Nội dung sách sẽ có những video clip mô phỏng, kết hợp các thiết bị như kính 3D thực tế ảo, qua đó giúp độc giả có được những trải nghiệm tuyệt vời đối với một số loại sách như sách hướng dẫn du lịch, sách kỹ nghệ thực hành, v.v...

Vượt xa cả các trang web xuất bản và phát hành trực tuyến qua mạng hiện nay, xuất bản và phát hành trong thời kỳ CMCN 4.0 cũng sẽ có sự kết hợp và tương tác mạnh mẽ của các nền tảng dịch vụ mạng xã hội khác nhau. Thông qua định hướng khách hàng và dựa trên cơ sở xử lý nội dung số, kết nối nhiều sản phẩm với các thông tin về thói quen, sở thích của khách hàng, các hình thức truyền thông mới có thể tạo ra các dịch vụ nội dung được cá nhân hóa cho từng đối tượng khách hàng khác nhau.

CMCN 4.0 cũng có thể mang đến những thay đổi ngày càng rõ nét trong các khâu xuất bản, truyền thông, phát hành. Những công đoạn của xuất bản truyền thống sẽ được giảm đi rất nhiều để đến được tay nhiều độc giả nhất trong thời gian nhanh nhất. Chuỗi quá trình, từ sáng tạo tác phẩm đến khi được phát hành đến bạn đọc có thể được điều chỉnh phù hợp với nhiều mô hình kinh doanh khác nhau. Cùng với đó là khả năng đo lường sự quan tâm của bạn đọc với một xuất bản phẩm đang trong kế hoạch xuất bản hoặc sắp được công bố, thông qua mạng xã hội và các kênh phát hành riêng của nhà xuất bản (NXB), để kịp thời có những bước đi hợp lý trong việc xuất bản và phát hành tới tay bạn đọc.

Đối với bạn đọc, tiến tới việc đọc và thưởng thức tác phẩm cũng có nhiều thay đổi dễ nhận thấy, đó là sự tương tác qua lại giữa người đọc và sách dưới hình thức điện tử. Việc đọc sách sẽ đem đến nhiều trải nghiệm mới với việc thưởng thức các thành phần đa phương tiện như đã nêu trên; đồng thời là khả năng tra cứu tức thời các nội dung quan tâm, hoặc người đọc cũng có khả năng dễ dàng đối chiếu nội dung với những phần mở rộng (ngoài nội dung chính của sách) được tích hợp ngay trong cuốn sách điện tử. 

Chuyển đổi số đối với hoạt động xuất bản thích ứng và tận dụng cơ hội của CMCN lần thứ 4 - Ảnh 1.

Hơn thế nữa, sự tương tác, trao đổi thông nhận xét, đánh giá về một tác phẩm giữa bạn đọc với nhau hoặc giữa bạn đọc với tác giả, bạn đọc với NXB có thể được thực hiện ngay trên chính giao diện đọc sách của thiết bị mà không phải email hay điện thoại hoặc bất kỳ hình thức nào khác.

Thực tế cho thấy, CĐS trong lĩnh vực xuất bản đã từng bước diễn ra trong các khâu của hoạt động xuất bản, mà thấy rõ nhất là trong các hoạt động marketing, bán hàng trên các trang thương mại điện tử, xuất bản điện tử. Hầu hết các NXB, công ty sách đã thúc đẩy ứng dụng công nghệ vào trong hoạt động xuất bản, phát hành. Các kênh phát hành cũng sẽ được mở rộng, vượt ra ngoài khuôn khổ của các kênh phát hành truyền thống với các hệ thống phát hành trực tuyến được xây dựng theo công nghệ đa nền tảng, đa giao diện. Nghĩa là tương thích và phù hợp với mọi chủng loại thiết bị, kích thước màn hình, nền tảng công nghệ thiết kế ra thiết bị và phần mềm điều khiển thiết bị đó.

Theo báo cáo của Cục Xuất bản, In và Phát hành trong 06 tháng đầu năm 2021, toàn ngành đã xuất bản được 19.217 cuốn, bằng 103% so với cùng kỳ năm 2020; hơn 33 triệu bản, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng doanh thu đạt 1.578 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy vậy, những kết quả này có được do nỗ lực sản xuất, phát hành ở 5 tháng đầu năm, khi làn sóng COVID-19 thứ tư chưa bùng phát mạnh ở khu vực phía Nam, đồng thời thành phố Hà Nội cũng thực hiện nghiêm giãn cách. Đây là hai thị trường lớn của ngành sách, đã tác động trực tiếp đến tình hình sản xuất kinh doanh của các DN phát hành xuất bản phẩm. 

Theo ông Phạm Minh Thuận, Chủ tịch HĐQT Công ty Fahasa, từ tháng 7/2021 đến tháng 10/2021, thương mại điện tử (TMĐT) đóng góp lớn cho doanh thu Fahasa, mỗi tháng hơn 30 tỷ đồng. Có thể thấy, trong thời gian qua, các NXB và công ty phát hành sách đã rất nhanh nhạy, thích ứng tốt để biến khó khăn thành cơ hội, đưa ra những phương án đối phó kịp thời với tình hình dịch bệnh COVID-19, kích hoạt và thúc đẩy mạnh việc bán sách qua ứng dụng công nghệ để phục vụ kịp thời nhu cầu tìm hiểu về sách, đọc sách của nhiều đối tượng bạn đọc trong thời gian tạm dừng các hoạt động xã hội. Từ đó, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động xuất bản. 

Nhìn ra thế giới, Michael Pietsch, Giám đốc điều hành Tập đoàn Sách Hachette (một trong 5 đơn vị xuất bản lớn nhất thế giới), dựa trên những kinh nghiệm trong năm 2020 đã đưa ra một trong những dự đoán về ngành xuất bản trong tương lai gần, đó là doanh số bán sách trực tuyến tiếp tục tăng: Doanh số bán sách in trực tuyến đã tăng đều đặn trong nhiều năm. Sự tăng trưởng về sách nói (audio book) có thể bù đắp cho doanh số bán sách điện tử đang giảm. Hơn một nửa số giao dịch mua sách hiện được những người sử dụng máy tính, điện thoại hoặc máy tính bảng thực hiện, chứ không phải ở cửa hàng.

Chuyển đổi số đối với hoạt động xuất bản thích ứng và tận dụng cơ hội của CMCN lần thứ 4 - Ảnh 2.

Hiện nay, các loại hình sách mới như ebook, audio book, sách video (video book) đã xuất hiện ngày một nhiều hơn trên thị trường xuất bản Việt Nam, không chỉ đáp ứng nhu cầu của bạn đọc thông thường mà còn đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng đặc biệt khác như học sinh các cấp học, người khiếm thị, v.v... Còn trên thế giới, ngoài việc mua bản điện tử và tải xuống theo đơn vị xuất bản, phát hành, các mô hình kinh doanh và phân phối mới đã nhanh chóng được mở rộng và trở nên phổ biến. Chẳng hạn, các mô hình đăng ký ebook và audio book hoặc cung cấp cho mượn sách kỹ thuật số thông qua các nền tảng khác nhau, bao gồm cả thư viện công cộng.

Theo báo cáo mới nhất từ Bookwire (công ty phân phối hơn 50.000 audio book trên thế giới) và nghiên cứu của Rüediger Wischenbart (trang chuyên nghiên cứu thị trường sách của tổ chức ở Áo), kể từ khi đại dịch bùng phát, doanh thu bán sách ở định dạng kỹ thuật số (ebook, audio book, podcast...) có mức tăng trưởng đáng kể ở các quốc gia như Canada, Đức, Áo, Thụy Sĩ, Italy, Mexico, Brazil và Tây Ban Nha. Trên nhiều thị trường quốc tế nơi Bookwire hoạt động (bao gồm Đức, Tây Ban Nha, Anh, Pháp và Mỹ), độc giả trẻ đang có xu hướng khám phá những phiên bản audio book và podcast trong thời gian dịch bệnh. 

Ông Videl Bar-Kar - Giám đốc âm thanh toàn cầu của Bookwire - cho biết bối cảnh audio book mỗi ngày một thay đổi, đặc biệt là ở Đức. Nguyên nhân nằm ở xu hướng phát trực tuyến nhạc và podcast là hai loại hình rất gần với thị trường audio book. Trên các nền tảng chính như Spotify, Deezer và YouTube, công ty cho phép độc giả nghe thử các trích đoạn sách thông qua dịch vụ BASS (Bookwire Audio Stream Snipping) là dịch vụ có chức năng sáng tạo của Bookwire, giúp tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp thị, quảng bá audio book trên các cổng phát trực tuyến lớn. Dịch vụ này cho phép các đơn vị xuất bản cắt nhỏ các tác phẩm audio book có dung lượng dài thành từng trích đoạn, phục vụ nhu cầu độc giả một cách tiện lợi. 

Theo đó, các NXB, phân phối audio book thông qua Bookwire hiện có thể sử dụng chức năng BASS mà không phải trả thêm phí hoặc bổ sung kiến thức kỹ thuật nội bộ. Theo dự đoán của các chuyên gia, người nghe audio book và podcast sau khi trải nghiệm thường thích chúng hơn các phương tiện truyền thống như sách giấy. Đây không chỉ là hiện tượng xuất bản ở các nước phát triển mà sẽ nhân rộng ra toàn cầu với hàng trăm triệu độc giả tiềm năng có thói quen nghe audio book và podcast hàng ngày.

Các hệ thống marketing, bán hàng tự động và bán tự động với trí tuệ nhân tạo như Chatbot, tự động gửi thông tin marketing qua email, mạng xã hội theo sở thích, thói quen và nhu cầu riêng của từng khách hàng đang xuất hiện ngày một nhiều. Ví như hôm nay chúng ta lên Google tìm kiếm một tựa sách, ngay lập tức các tài khoản mạng xã hội của chúng ta sẽ xuất hiện hàng loạt thông tin về các tên sách và chủ đề tương tự mà chúng ta cần tìm. Quy trình quản lý, quản trị hoạt động xuất bản cũng được thay đổi dựa trên ứng dụng công nghệ. Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong xử lý các nội dung mà trước đây chỉ dành cho lao động trí tuệ cao như khâu biên tập, cũng đã được một số NXB thực hiện.

CĐS giúp công tác biên tập trở nên nhanh gọn hơn rất nhiều. Nhiều khâu công việc hiện nay thuộc về biên tập viên có thể sẽ được đảm nhiệm bởi hệ thống máy móc tự động hay những robot thông minh. Hệ thống máy móc có thể được lập trình để rà soát các lỗi morat, thậm chí là biên tập bản thảo... Công tác biên tập cũng trở nên chuyên nghiệp hóa hơn khi biên tập viên có được nhiều nguồn thông tin để kiểm định, kiểm chứng và hệ thống thông tin được hệ thống hóa, giúp NXB kiểm định được chất lượng bản thảo, kiểm soát nhanh và triệt để được những nội dung nhạy cảm nhờ ứng dụng khoa học và công nghệ. 

Một số NXB, công ty sách đang chuyển dần hướng tiếp cận bạn đọc từ sách in sang sách điện tử cũng là một minh chứng sinh động và rõ rệt nhất cho CĐS trong hoạt động xuất bản. Bạn đọc chỉ cần sử dụng các thiết bị số cá nhân nhỏ gọn như điện thoại thông minh, máy tính bảng là có thể lưu trữ và đọc hàng nghìn cuốn sách ở dạng số. Việc phát hành các sách này cũng trở nên thuận tiện và nhanh chóng.

Hướng đi CĐS cho xuất bản Việt Nam

Tính đến nay cả nước đã có 11 NXB và 06 DN phát hành được cấp xác nhận xuất bản/phát hành xuất bản phẩm điện tử [1]. Để đạt được các chỉ tiêu về số lượng đầu sách xuất bản hằng năm và đặc biệt là số lượng xuất bản sách điện tử trong Quy hoạch phát triển Xuất bản, In, Phát hành xuất bản phẩm đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt (tỉ lệ xuất bản phẩm điện tử đạt 20 - 30% tổng số xuất bản phẩm được xuất bản); Chiến lược thúc đẩy phát triển lĩnh vực Xuất bản, In và Phát hành xuất bản phẩm giai đoạn 2021-2025 đã được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt, trong đó trọng tâm từng bước CĐS trong hoạt động xuất bản. 

Ngành Xuất bản cần có những giải pháp cụ thể nhằm tăng cường năng lực của các đơn vị xuất bản và phát hành; CĐS theo hướng đồng bộ; tạo mối liên kết chặt chẽ giữa các đơn vị trong ngành, đồng thời phối hợp các DN ngoài ngành để phát triển phần mềm nền tảng hỗ trợ cho từng công tác trong hoạt động xuất bản, từng bước tiến tới thí điểm xây dựng mô hình NXB số.

Theo chúng tôi, con đường chuyển đổi của các đơn vị xuất bản Việt Nam cần tập trung theo các nội dung sau:

(1) Đổi mới và phát triển theo mô hình cơ quan xuất bản - công nghệ;

(2) Sản xuất và phân phối nội dung đa nền tảng, đa phương tiện với phương châm bám sát nhu cầu và sở thích của độc giả - đặc biệt là thế hệ Z (tạo app đọc sách, app bán sách, phân phối nội dung trên Facebook, Tik tok...; sản xuất podcast, audio book...);

(3) Cải tiến quy trình biên tập - xuất bản theo phương thức tích hợp; sử dụng các phần mềm biên tập, quản lý duyệt bản thảo nhanh chóng, hiệu quả;

(4) Sử dụng tối đa các công cụ đo lường và phân tích nhu cầu của độc giả, các review của độc giả khi đọc sản phẩm của đơn vị xuất bản;

(5) Đầu tư công nghệ hiện đại và đội ngũ nhân sự công nghệ giỏi. Đây là yếu tố then chốt để thực hiện thành công CĐS trong lĩnh vực xuất bản bởi ngày nay “nội dung là vua, công nghệ là nữ hoàng”;

(6) Tăng cường nghiên cứu khoa học, phát triển và đổi mới, sáng tạo các sản phẩm xuất bản độc đáo, đặc sắc. Cần thay đổi tư duy xuất bản không chỉ là tạo ra sách, mà cần hướng tới xuất bản tạo ra nội dung, các đơn vị xuất bản kinh doanh nội dung dựa trên các nền tảng đa phương tiện như trên thế giới vẫn làm;

(7) Ứng dụng AI trong biên tập, đọc, duyệt bản thảo sách;

(8) Xây dựng các chiến lược kinh doanh phù hợp với mục tiêu CĐS như tổ chức các sự kiện; chú trọng đầu tư, nâng cấp xây dựng sàn thương mại điện tử; thành lập các câu lạc bộ yêu sách, tạo các ưu đãi hấp dẫn cho các thành viên khi tham gia câu lạc bộ. Đặc biệt, các NXB có lợi thế rất lớn là có kho dữ liệu phong phú về các lĩnh vực, có thể liên kết với nhau để môi giới, giới thiệu bán các dữ liệu cho những đơn vị tổ chức hoặc cá nhân cần dùng. Tất nhiên, việc môi giới, bán dữ liệu phải tuân thủ các quy định của Luật Xuất bản, Luật Sở hữu trí tuệ;

(9) Xây dựng, đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ quản lý chuyên ngành có năng lực đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trực tiếp thực hiện CĐS. Bởi CĐS là chuyển đổi tư duy, chứ CĐS không phải là chuyển đổi công nghệ.

1. Nhà xuất bản: TT&TT, Giáo dục Việt Nam, Quân đội nhân dân, Y học, Tài nguyên Môi trường và Bản đồ, Chính trị Quốc gia Sự thật, Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, Trẻ, Xây dựng, Đại học Kinh tế quốc dân, Kim đồng; 06 doanh nghiệp phát hành: Công ty TNHH Công nghệ VOOC tên sản phẩm Umbalena, Công ty TNHH Tài nguyên số Nguyên Bảo, Công ty CP Waka, Công ty CP Fonos, Công ty CP công nghệ WeWe, Công ty CP đầu tư và thương mại Phúc Minh.

1. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng giải đáp những câu hỏi then chốt về chuyển đổi số (Vietnamnet.vn)

2. Trần Quốc Hoàn, Vị trí, vai trò của chuyển đổi số trong cuộc cách mạng 4.0, (https:// binhphuoc.gov.vn/)

3. Hải An, CĐS - Hoạt động sống còn của doanh nghiệp Việt, (https://ictvietnam.vn)

4. Mai Lữ, Ngành xuất bản trước thử thách chuyển đổi số, (https://nhandan.vn) 5. https://zingnews.vn/nhung-xu-huong-cua-xuat-ban-post1283003.html 6. https://zingnews.vn/su-bung-no-cua-sach-ky-thuat-so-post1280457.html

7. Lê Quốc Minh, Báo Nhân dân: CĐS để dẫn đầu, Bài nói chuyện tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, tháng 12/2021.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT Số 1 -Tháng 1/2022)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi số đối với hoạt động xuất bản thích ứng và tận dụng cơ hội của CMCN lần thứ 4
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO