Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp sẵn sàng thích nghi với dịch

Thúy Hà| 22/10/2021 11:48
Theo dõi ICTVietnam trên

Đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, đã gây đứt gãy chuỗi cung ứng, hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) bị đình trệ. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp (DN) buộc phải chủ động, tích cực tìm hướng đi mới để kịp thời giải quyết vấn đề trên.

Một trong những giải pháp được hầu hết các DN áp dụng chính là chuyển đổi số. Những DN sớm triển khai chuyển đổi số sẽ có sức chống chọi tốt hơn. Đồng thời, chuyển đổi số giúp DN sẵn sàng thích nghi “sống chung với dịch”, tận dụng cơ hội để bứt phá…

Dịch COVID-19 đã làm thay đổi thói quen của người dân trong việc mua sắm hàng hóa đến các dịch vụ, từ hình thức trực tiếp chuyển sang trực tuyến, online. Phát triển mạnh nhất là các dịch vụ giao hàng, bởi nhu cầu mua sắm hàng hóa qua mạng đang gia tăng chóng mặt.

Tương tự, với các dịch vụ như chăm sóc sức khỏe, trước đây người dân đến trực tiếp tại các phòng khám, bệnh viện, thì nay người dùng chỉ cần vào ứng dụng di động, đặt lịch hẹn thì sẽ có ngay nhân viên liên lạc, đến tận nhà chăm sóc chu đáo. Việc thay đổi tư duy, tập trung đầu tư mạnh vào các dịch vụ như trên, theo các DN đó chính là chuyển đổi số mà các DN đã và đang áp dụng để thích ứng với bối cảnh dịch bệnh COVID -19.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (Vecom) cho rằng, đẩy mạnh chuyển đổi số giúp DN tham gia chuỗi cung ứng mới thay thế cho các chuỗi cung ứng truyền thống vốn đang bị đứt đoạn hoặc đình trệ do dịch COVID-19, đồng thời mở rộng và đa dạng hóa hơn thị trường XNK, giảm phụ thuộc vào một nhóm thị trường nhất định. Vai trò chính trong chuyển đổi số đối với việc tận dụng cơ hội mà Hiệp định thương mại tự do mang lại, là cung cấp cho các DN một nền tảng số để tiếp cận đa dạng thị trường hiệu quả hơn so với các hình thức trước đây. Chuyển đổi số trong thương mại điện tử (TMĐT) hiện đang là lựa chọn của nhiều DN.

Ông Châu Việt – Phó Tổng thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (Viac) nhìn nhận: “Dịch COVID -19 tác động tiêu cực đến ngành sản xuất trong thời gian qua. Tuy nhiên, về mặt tích cực thì nó đã thôi thúc DN chuyển đổi số, hướng đến sản xuất thông minh. Trong thời gian qua, cộng đồng DN tiếp tục áp dụng chuyển đổi số để vận hành DN nhằm duy trì tối đa hoạt động sản xuất kinh doanh, trong đó có XK.

Theo khảo sát TMĐT, TMĐT xuyên biên giới trong năm 2021 đã tăng trưởng 25,7% so với năm 2020. Các giao dịch mua bán hàng hóa XNK được xác lập thông qua phương thức truyền thống cũng được dần thay thế giao kết thông qua website, sàn TMĐT. Đáng lưu ý, theo khảo sát thì các hợp đồng được ký kết với chữ ký điện tử tăng 17% so  với những người không dùng chữ ký điện tử. Việc chuyển đổi số kịp thời sẽ giúp DN duy trì hoạt động trong bối cảnh dịch bệnh”.

Nhiều DN cho rằng, chuyển đổi số là quá trình tất yếu để nâng cao năng lực cạnh tranh của DN, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước và XK. Ông Nguyễn Trung Nam - Giám đốc điều hành Công ty Luật TNHH Cộng sự Tinh Tú cũng khẳng định: “Công ty tôi 2 năm trước chưa sử dụng chữ ký điện tử, nhưng khi xuất hiện dịch COVID - 19 thì toàn bộ những tài liệu có thể ký được bằng chữ ký số thì chúng tôi đều thực hiện chữ ký số”.

Theo ông Nguyễn Trung Nam, dịch COVID -19 đã tạo ra cú huých rất lớn để phát triển TMĐT và công nghệ số. Nếu trước đây các DN vẫn còn marketing, vẫn tiếp xúc trực tiếp với khách hàng thì trong thời điểm dịch COVID -19 hầu như giao dịch này bị đóng băng hoàn toàn nên các DN buộc phải thực hiện thông qua các phương tiện điện tử tự động như: Hệ thống quản trị công việc, website, mạng xã hội Facebook… và đang phát triển rất mạnh. Đặc biệt, hiện nay tỷ lệ các DN thực hiện hợp đồng điện tử trong các giao dịch đang ngày càng tăng.

Tuy nhiên, vẫn có nhiều DN còn loay hoay, mơ hồ, chưa hiểu chuyển đổi số phải bắt đầu từ đâu, phải định hướng, triển khai thế nào vào trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. TS Nguyễn Tuấn Hoa – Trọng tài viên Trung tâm VIAC giải thích, DN cần xây dựng kế hoạch chuyển đổi số theo từng giai đoạn. Đầu tiên là ứng dụng phần mềm vào quản lý tài chính kế toán, thanh toán, bán hàng… Tiếp đến là thay đổi quy trình sản xuất và ứng dụng công nghệ cao, kỹ thuật tiên tiến vào hoạt động kinh doanh. Muốn làm được điều này phải có sự hướng dẫn, hỗ trợ của chuyên gia công nghệ số.

Để vượt qua khó khăn, nhiều DN đã chuyển đổi số nhằm tối đa hóa hoạt động quản trị DN, bán hàng... Tuy nhiên, DN lại gặp phải những thách thức không nhỏ về thiếu nền tảng công nghệ thông tin đủ mạnh để chuyển đổi số; thiếu kỹ năng và tư duy về kỹ thuật số, thách thức về văn hóa chuyển đổi số trong DN; khó khăn trong việc đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.

Để hỗ trợ DN trong chuyển đổi số, bà Nguyễn Thị Hạnh - Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ DN nhỏ và vừa VCCI khẳng định: “Trung tâm VCCI có chương trình hỗ trợ cho DN tham gia những khóa đào tạo về kỹ năng số và marketing số phối hợp Facebook. Khóa đào tạo này hỗ trợ các DN chọn Facebook làm công cụ để marketing, tổ chức mỗi tuần 1 khóa”.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Việt Nam - Malaysia nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện
    Phát biểu tại họp báo, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, Việt Nam-Malaysia tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực mới (như kinh tế xanh, đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, chuyển đổi số, năng lượng xanh...).
  • Chuyển đổi số thành công không thể thiếu “niềm tin số”
    Muốn triển khai hiệu quả chiến lược số hóa quốc gia cần triển khai theo hướng tiếp cận từ trên xuống dưới và phải phù hợp với thực tế, đảm bảo có tầm nhìn rộng trong tương lai.
  • Việt Nam - Hàn Quốc đồng hành trong kỷ nguyên AI
    Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm hy vọng, Việt Nam có thể học tập nhiều hơn từ Hàn Quốc về các bài học kinh nghiệm, cách làm hay để phát huy tối đa vai trò công nghệ số nói chung và trợ lý ảo nói riêng trong hoạt động của cơ quan nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo lập xã hội số nhân văn và thu hẹp khoảng cách số.
  • Robot Delta hữu dụng trong nhiều ngành
    Nhờ vào thiết kế độc đáo và khả năng hoạt động với tốc độ và độ chính xác cao, robot Delta là một giải pháp tối ưu trong nhiều ngành công nghiệp hiện đại.
  • Cà Mau ứng dụng các phần mềm chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp
    Ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau đã không ngừng triển khai các giải pháp chuyển đổi số thông qua việc sử dụng các phần mềm, xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ quản lý, điều hành. Trong tương lai không xa, các phần mềm này sẽ hoàn thiện và bắt kịp xu hướng công nghệ để hỗ trợ người nông dân nhiều hơn trong việc tăng gia sản xuất.
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp sẵn sàng thích nghi với dịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO