Chuyển đổi số góp phần đưa hàng không Việt Nam bước vào giai đoạn mới
Ngành hàng không Việt Nam đang tăng trưởng mạnh mẽ nhờ các nâng cấp cơ sở hạ tầng đáng kể và một loạt sáng kiến số hóa góp phần nâng cao hiệu quả và chất lượng dịch vụ.

Hàng không Việt Nam tăng trưởng nhanh chóng
Theo bài viết của Yanyan Shang trên Vietnam Briefing, thị trường hàng không Việt Nam đang tăng trưởng nhanh chóng, gần đạt mức hành khách trước đại dịch và dẫn đầu sự phục hồi của Đông Nam Á.
Với nhu cầu đi lại quốc tế mạnh mẽ, các nâng cấp cơ sở hạ tầng lớn như Sân bay Long Thành và chuyển đổi số (CĐS), các đổi mới kỹ thuật số, Việt Nam đang củng cố vai trò là trung tâm hàng không khu vực bất chấp những thách thức như tình trạng tắc nghẽn sân bay và thiếu hụt lao động.
Ngành hàng không Việt Nam đang nhanh chóng lấy lại đà phát triển, với lượng hành khách gần đạt mức trước đại dịch và báo hiệu một quỹ đạo phục hồi mạnh mẽ. Trong nửa đầu năm 2024, các hãng hàng không Việt Nam đã vận chuyển hơn 54 triệu hành khách, nhấn mạnh sự phục hồi mạnh mẽ của ngành sau suy thoái do đại dịch gây ra.
Lĩnh vực hàng không đã trở thành một trụ cột quan trọng trong sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Hàng không không chỉ hỗ trợ ngành du lịch đang bùng nổ của Việt Nam mà còn tăng cường các liên kết thương mại và nỗ lực hội nhập quốc tế. Nằm ở vị trí chiến lược tại Đông Nam Á, dấu ấn hàng không đang mở rộng của Việt Nam góp phần nâng cao vai trò là trung tâm quan trọng trong du lịch khu vực và toàn cầu, tạo tiền đề cho tăng trưởng bền vững trong những năm tới.
Phát triển cơ sở hạ tầng và công nghệ
Theo nhận định, ngành hàng không Việt Nam đang tăng trưởng nhờ các nâng cấp cơ sở hạ tầng đáng kể và một loạt các sáng kiến số hóa góp phần nâng cao hiệu quả và chất lượng dịch vụ.
Hai dự án lớn về cơ sở hạ tầng của ngành hàng không Việt Nam sẽ nâng cao đáng kể năng lực sân bay. Việc xây dựng Nhà ga số 3 tại Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất ở TP. Hồ Chí Minh giúp giảm tình trạng tắc nghẽn tại sân bay bận rộn nhất cả nước. Trong khi đó, Sân bay quốc tế Long Thành dự kiến sẽ được đưa vào khai thác giai đoạn 1 vào năm 2026, định vị trở thành trung tâm khu vực quan trọng cho cả hành khách và hàng hóa.
Đồng thời, Việt Nam đang đẩy nhanh việc áp dụng các công nghệ tiên tiến để hợp lý hóa hoạt động của sân bay và nâng cao trải nghiệm của hành khách. Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) có kế hoạch giới thiệu hệ thống ID ACV, tận dụng xác minh sinh trắc học để tự động hóa việc kiểm tra an ninh và danh tính.

Các hãng hàng không cũng đang áp dụng số hóa. Vietnam Airlines đã ra mắt VNA AI, được hỗ trợ bởi GPT-4 thông qua Azure OpenAI, để tăng cường tuân thủ quy định và cải thiện hiệu quả quy trình làm việc. Đồng thời, Vietjet Air đã áp dụng SkyBreathe, một giải pháp hỗ trợ AI để tối ưu hóa mức tiêu thụ nhiên liệu và giảm lượng khí thải carbon.

Mới đây, VNPT và Vietnam Airlines đã ký kết hợp tác cung cấp dịch vụ Internet trên tàu bay - IFC (In-Flight Connectivity). Sự hợp tác này giữa Vietnam Airlines và VNPT đưa khái niệm "kết nối trên không" trở thành hiện thực.
Dịch vụ IFC sẽ được triển khai cho đội bay Airbus A350. Trong giai đoạn đầu, dịch vụ IFC sẽ được lắp đặt trên 10 máy bay Airbus A350 - dòng máy bay hiện đại đang khai thác các đường bay quốc tế dài đến Mỹ, Châu Âu và một số đường bay nội địa của Vietnam Airlines.
Dịch vụ sẽ được triển khai từ tháng 7/2025, đánh dấu bước tiến quan trọng trong lộ trình CĐS và nâng cao trải nghiệm hành khách của Vietnam Airlines. Dự kiến từ năm 2026, hãng hàng không này sẽ mở rộng dịch vụ ra toàn bộ đội bay, mang lại trải nghiệm kết nối liền mạch cho hàng triệu hành khách mỗi năm.
Với những tiến bộ mới nhất về công nghệ kết nối hàng không, dự kiến tốc độ mạng Internet trên các chuyến bay của Vietnam Airlines độ khả dụng dịch vụ đạt 99%, đáp ứng tốt nhu cầu làm việc, giải trí, và kết nối liên tục của hành khách trong suốt hành trình bay.
Việc hợp tác triển khai dịch vụ IFC giữa hai doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực viễn thông và hàng không không chỉ đánh dấu bước phát triển mới trong dịch vụ hành khách mà còn khẳng định quyết tâm thực thi chủ trương CĐS quốc gia trong các ngành kinh tế trụ cột. Lễ ký kết là một hành động cụ thể của VNPT và Vietnam Airlines nhằm triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về nội dung “phát triển hạ tầng số đồng bộ, hiện đại, phủ khắp” và “xây dựng các mô hình kinh tế số trong các ngành mũi nhọn”, đặc biệt là giao thông và logistics.

Ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines nhấn mạnh: “Việc triển khai dịch vụ Internet trên không là minh chứng rõ ràng cho nỗ lực CĐS của Vietnam Airlines, đồng thời thể hiện cam kết nâng cao chất lượng dịch vụ theo tiêu chuẩn quốc tế. Chúng tôi tin rằng sự hợp tác với VNPT sẽ giúp Vietnam Airlines tạo ra trải nghiệm bay hiện đại, tiện nghi và kết nối hơn bao giờ hết cho hành khách”.
Trước đó, năm 2024, hai bên đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác, thống nhất lộ trình triển khai dịch vụ IFC trên các chuyến bay quốc tế và nội địa, bao gồm việc hoàn thiện thủ tục pháp lý, lắp đặt thiết bị, cấu hình phần mềm và hỗ trợ vận hành.
Theo báo cáo Triển vọng thị trường thương mại 2024 - 2043 của Boeing (Boeing's Commercial Market Outlook 2024 - 2043), Việt Nam dự kiến sẽ là thị trường hàng không phát triển nhanh nhất Đông Nam Á, với lưu lượng hành khách hàng năm dự kiến sẽ tăng 8,1% trong giai đoạn 2025 - 2030. Được hỗ trợ bởi cơ sở hạ tầng mở rộng, nhu cầu đi lại bằng đường hàng không tăng cao và đổi mới kỹ thuật số liên tục, ngành hàng không Việt Nam đang có vị thế tốt để tăng trưởng nhanh và bền vững./.