Diễn đàn

Chuyển đổi số hợp tác xã Việt Nam: tích cực nhưng vẫn còn chậm

Hoàng Linh 30/09/2023 15:27

Sau đại dịch COVID-19, nhiều hợp tác xã (HTX) Việt Nam đã hiểu rõ vai trò của chuyển đổi số (CĐS) đối với sản xuất nông nghiệp (SXNN) nhưng việc CĐS còn chậm, gặp nhiều thách thức.

Thành tựu bước đầu CĐS của HTX

Theo bà Phạm Thị Tố Oanh, Trưởng Ban chính sách và Phát triển HTX, Liên minh Hợp tác xã (HTX) Việt Nam tại Hội thảo APEC về thúc đẩy CĐS trong nông nghiệp được Bộ Công thương tổ chức trong 2 ngày 28 và 29/9/2023, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả CĐS. Sau COVID-19, các HTX đã hiểu rõ vai trò của CĐS đối với SXNN, theo đó, các HTX đã thay đổi quy trình sản xuất và đạt được nhiều thành tựu.

ba-to-oanh.jpg
Bà Phạm Thị Tố Oanh: Nhiều HTX đã ứng dụng CĐS trong hoạt động sản xuất

Việt Nam có gần 30.000 HTX trong các lĩnh vực nông nghiệp, vận tải, môi trường, công nghiệp… và có thể chia ra 2 nhóm HTX gồm: các HTX phi nông nghiệp chiếm 37%, HTX nông nghiệp chiếm 63%. Các HTX phân chia theo 8 vùng sinh thái gồm Tây Bắc, Đông Bắc, Đồng Bằng Sông Hồng, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, Đồng bằng Sông Cửu Long. Đồng Bằng Sông Hồng có nhiều HTX nhất với hơn 4500 HTX.

Thông tin với các đại biểu từ các nước APEC, bà Phạm Thị Tố Oanh cho biết Việt Nam đã áp dụng nhiều biện pháp thúc đẩy CĐS trong nông nghiệp như sử dụng máy móc, thiết bị cảm biến, cũng như là các công nghệ mới để kiểm soát ẩm độ, nhiệt độ, độ nước tưới, lượng thức ăn… Nhiều cánh đồng lúa lớn của Việt Nam đã sử dụng máy bay không người lái (drone) để tưới tiêu, phun thuốc trừ sâu…

Bà Oanh nhấn mạnh: “CĐS làm thay đổi phương thức sản xuất truyền thống, đặc biệt khu vực miền núi cao, khoa học công nghệ đã rất nhiều. Hội viên HTX giờ đây có thể dễ dàng sản xuất và thu hoạch ở những vùng địa lý khó khăn, cũng như sử dụng ứng dụng di động (mobile app), công nghệ thông minh để quản lý các giai đoạn SXNN khác nhau”.

Việt Nam đã có các chính sách, quy định về CĐS. Các Bộ ngành, đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) cũng đã có những chính sách, quy định về CĐS cho nông nghiệp. Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó nông nghiệp là 1 trong 8 lĩnh vực được tập trung CĐS.

Đối với HTX nông nghiệp, đã có nhiều chính sách, cơ chế để triển khai CĐS, sử dụng các nguồn lực của chính phủ để chuyển đổi năng lực, hội viên, chủ nhiệm HTX. Chính phủ rất quan tâm đến CĐS. Việt Nam cũng đã áp dụng rất nhiều giải pháp, cơ chế, chính sách để giúp người dân, nông nghiệp CĐS.

Bà Phạm Thị Tố Oanh cũng thông tin về tình hình CĐS HTX qua một kết quả khảo sát của Liên minh, theo đó, 83,5% HTX cho rằng CĐS là cần thiết; 18,9% HTX có kế hoạch thực hiện theo lộ trình cụ thể; 68% HTX sử dụng ít nhất một trong các phương thức giới thiệu, bán sản phẩm trực tuyến như: (i) Có website giới thiệu sản phẩm riêng (38,9%); (ii) Bán hàng trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) như Tiki, Lazada, Shopper,… (20,8%); (iii) Quảng cáo sản phẩm trên các trang mạng xã hội, trang quảng cáo (50,5%); (iv) Bán hàng theo hình thức live streaming trên các nền tảng số như Facebook, Tiktok… (28,3%).

Nhiều HTX nông nghiệp tích cực đầu tư vào các ứng dụng CĐS, như: (1). Ứng dụng phần mềm quản lý (kế toán, quản lý sản xuất của thành viên); (2). CĐS trong quản lý tổ chức sản xuất từ đầu vào đến sản xuất, tiêu thụ sản phẩm (kiểm soát sinh trưởng, phòng trừ sâu bệnh bằng phun thuốc bằng máy bay không người lái (Drone); (3). Tưới nhỏ giọt, sử dụng hệ thống tưới, bón phân, cho ăn, uống nước tự động (hoặc bán tự động)… cho cây trồng, vật nuôi; sử dụng thiết bị giám sát dịch hại thông minh; (4). Kết hợp với các HTX thương mại, tiêu thụ sản phẩm qua các phương thức TMĐT (Facebook, Zalo, Shopee, Sendo, Tiki, Postmart,...).

Các HTX ứng dụng công nghệ thông tin thông qua việc sử dụng các nền tảng ứng dụng như: (i) Kế toán, kê khai thuế (Excel, MISA,…); (ii) Quản lý dữ liệu chính của HTX bằng các tệp (file) máy tính (.doc, .txt, .jpg, .png, .mp3, .mp4,…); (iii) Trao đổi thông tin qua các ứng dụng gửi thư, nhắn tin như email, Zalo, Messenger, Viber,...; (iv) Quản lý hoạt động của HTX trong từng khâu như nhân sự, thu mua, chi tiêu, quản lý đầu vào, đầu ra, hoạt động sản xuất,...

Nhiều HTX đã ứng dụng CĐS trong hoạt động sản xuất, như nhiều HTX ở Bắc Giang đã phát triển sản xuất vải thiều, kết hợp du lịch trải nghiệm. Huyện Lục Ngạn có 30 HTX du lịch nông nghiệp. HTX Mường Đông (Hòa Bình) ứng dụng IoT điều khiển tưới tiêu và bón phân tự động.

HTX rau sạch Chúc Sơn (Hà Nội) ứng dụng trạm cảnh báo thời tiết iMetos và cụm công nghệ eGAP, giúp các hộ thành viên quản lý, giám sát sản xuất; điều chỉnh kế hoạch sản xuất giống, quy trình chăm sóc rau kịp thời khi thời tiết có biến động. HTX Chúc Sơn đã đầu tư hơn 2.200m2 nhà kính. Mỗi sản phẩm của hợp tác xã đều được xây dựng theo quy trình chuẩn để có thể số hóa. Đến nay, HTX đã số hóa được 15 sản phẩm, trong đó có 7 loại rau ăn lá, 5 loại gia vị và 3 loại rau (cà chua, dưa chuột, dưa lưới).

htx-chuc-son.png
Nông dân HTX Chúc Sơn thu hoạch cà chua

Trong khi đó, các HTX ở huyện Tứ Kỳ, Hải Dương đang xây dựng liên vùng sản xuất nuôi trồng thủy sản công nghệ cao lớn nhất với quy mô gần 300 ha nhằm nâng cao giá trị kinh tế nông nghiệp. Sản phẩm của HTX Sunfood (Đà Lạt) được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Sản phẩm đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, có nhãn truy xuất nguồn gốc và được bảo hiểm cho người tiêu dùng.

htx-sunfood.png
HTX Sunfood Đà Lạt

HTX Thành Công (Quảng Trị) ứng dụng công nghệ làm mát tự động trong chăn nuôi lợn, trồng rau thủy canh. Hay mô hình “Cây xoài của tôi” tại các HTX Đồng Tháp đã ứng dụng công nghệ giúp kết nối hợp tác xã với khách hàng thông qua website, giúp khách hàng nắm rõ mọi thông tin, hình ảnh, phim ảnh liên quan đến chiều cao, đường kính tán, tuổi, năng suất trung bình, quá trình trồng trọt...

Tuy nhiên, đại diện Liên minh HTX cũng nhận định việc CĐS HTX có một số khó khăn như: Quá trình CĐS còn chậm. Nhiều HTX (hơn 50%) chưa xây dựng chiến lược, kế hoạch CĐS cụ thể. Một số HTX không có máy tính, thiết bị hỗ trợ như máy in, máy quét (scan),…; không đủ năng lực tài chính để nâng cấp thiết bị hỗ trợ CĐS.

Bên cạnh đó, hầu hết các HTX vẫn hoạt động chủ yếu theo cách truyền thống, chưa có bước đi số hóa quy trình nghiệp vụ để chuyển mọi hoạt động thiết thực lên không gian mạng. Chỉ có một số ít HTX bán hàng trên sàn TMĐT, mạng xã hội, website bán hàng. HTX ít quan tâm đến việc tìm hiểu nhu cầu của khách hàng mà chỉ tập trung vào sản phẩm của đối thủ.

Dữ liệu giúp nông dân Thái Lan cải thiện năng suất nông nghiệp

Chia sẻ về ví dụ cụ thể trong ứng dụng công nghệ trong SXNN tại Thái Lan, ông Therapat Prasansarakij, cơ quan phát triển khoa học và công nghệ quốc gia Thái Lan thông tin về ứng dụng hệ thống giám sát thời tiết và kiểm soát trái mùa ở vườn sầu riêng Bua Kaew giúp kiểm soát nước tự động cho cây trồng và làm vườn.

Theo ông Therapat Prasansarakij, nước và thời tiết là hai yếu tố cần thiết cho việc trồng sầu riêng. Nước cần thiết trong tất cả các giai đoạn, đặc biệt là giai đoạn ra hoa và phát triển quả sầu riêng (120 ngày). Trước đây, người trồng sầu riêng sử dụng những quan sát về thời tiết và cây cối kết hợp với kinh nghiệm của họ để quản lý vườn cây ăn quả của mình. Họ không biết rằng những gì họ quan sát có thể được đo lường một cách khoa học.

Khi triển khai hệ thống giám sát thời tiết và kiểm soát trái mùa ở vườn sầu riêng Bua Kaew, trong năm đầu tiên, dữ liệu về độ ẩm đất thích hợp cho việc tưới nước ở các giai đoạn sinh trưởng khác nhau của cây sầu riêng đã được thu thập. Trong quá trình sinh trưởng của cây, độ ẩm của đất không được giảm xuống dưới 28%. Cây ra hoa không cần nhiều nước nên độ ẩm của đất phải nằm trong khoảng 28% - 34%, trong khi trong quá trình phát triển quả, độ ẩm của đất nên duy trì trong khoảng 32% - 40%.

so-do-he-thong-tuoi-nuoc-nong-nghiep-thai-lan.png
so-do-he-thong-tuoi-nuoc-nong-nghiep-thai-lan-2.png
Hệ thống giám sát thời tiết và kiểm soát trái mùa ở vườn sầu riêng Bua Kaew

Sau khi sử dụng hệ thống này hơn một năm, nông dân Somboon ở vườn sầu riêng Bua Kaew đang có kế hoạch lắp đặt hệ thống này cho toàn bộ vườn cây ăn quả của mình trong 2 năm tới. “Bây giờ tôi bị ám ảnh bởi hệ thống này. Tôi tra cứu dữ liệu trên điện thoại di động của mình 3 - 4 lần một ngày để kiểm tra xem độ ẩm có thay đổi gì không”, Somboon đã chia sẻ.

somboon.png
Nông dân Somboon sử dụng smartphone theo dõi dữ liệu độ ẩm cho vườn sầu riêng

Bài học rút ra từ việc triển khai hệ thống tưới này và các dự án nông nghiệp với ứng dụng công nghệ, ông Therapat Prasansarakij cho rằng phần cứng và phần mềm, thiết bị cảm biến, các mạch khác nhau phải ổn định và có độ tin cậy, chịu được môi trường nhiệt đới.

Người nông dân (người dùng) phải hiểu cách điều chỉnh hệ thống tưới, hệ thống tưới phun mưa trong vườn bằng cách bật máy bơm nước một lần để cấp nước cho toàn bộ cây trồng. Nông dân biết rất rõ yêu cầu cây trồng của cây trồng. Trạm học tập cài đặt công nghệ được Thái Lan triển khai sẽ là nơi tốt để truyền bá kiến thức từ nông nghiệp đến những người nông dân mới, ông Therapat Prasansarakij chia sẻ thêm./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi số hợp tác xã Việt Nam: tích cực nhưng vẫn còn chậm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO