Chuyển đổi số

Chuyển đổi số là “đòn bẩy” giúp DN thực thi chiến lược phát triển bền vững 

Anh Minh 11:05 01/02/2023

Ông Phạm Hồ Chung, chuyên gia tư vấn chuyển đổi số (CĐS) của FPT Digital cho rằng khi xây dựng lộ trình CĐS, doanh nghiệp (DN) cần lồng ghép các mục tiêu, sử dụng CĐS như một đòn bẩy để thực thi các sáng kiến theo chiến lược phát triển bền vững.

fin-9718.jpg
Các diễn giả trong chương trình DxTalk với chủ đề "Chuyển đổi số và phát triển bền vững"

Các chương trình nghị sự liên quan đến chủ đề phát triển bền vững xuất hiện ngày càng nhiều trên toàn cầu. Điều đó cho thấy xu hướng phát triển bền vững đang thu hút sự quan tâm rất rộng lớn của cộng đồng DN và các chính phủ.

Bên cạnh đó, DN cũng đối mặt với sức ép về xu hướng tiêu dùng xanh của khách hàng, đối tác, các nhà cung cấp trong mạng lưới hệ sinh thái của mình. Như vậy, ngoài việc theo đuổi các mục tiêu phát triển kinh doanh và lợi nhuận thuần túy, DN cũng đối mặt với những yêu cầu bắt buộc liên quan đến chiến lược phát triển bền vững, cụ thể là các chiến lược ESG - cụm từ viết tắt của E (environmental - môi trường); S (Social - xã hội) và G (governance - quản trị DN). 

ESG là một bộ tiêu chuẩn đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng của DN đến cộng đồng. Trước xu thế đó, DN phải giải quyết bài toán sản xuất - kinh doanh, quản trị - vận hành sao cho tất cả bộ máy, con người nội tại của DN đều phát triển theo xu hướng bền vững, đảm bảo một cấu trúc DN đáp ứng các tiêu chuẩn ESG.

Tại chương trình DxTalks số đầu tiên trong năm 2023 vừa được phát sóng, ông Phạm Hồ Chung, chuyên gia tư vấn CĐS của FPT Digital đã cho rằng khi xây dựng chiến lược ESG, các DN cần lồng ghép những mục tiêu ESG vào CĐS, sử dụng CĐS như một đòn bẩy để thực thi các sáng kiến ESG nhằm đạt được kết quả cuối cùng tích cực nhất.

Theo chuyên gia FPT Digital, CĐS bền vững sẽ đem lại cho DN cơ hội phát triển, gia tăng sức chống chọi trong thời kỳ bình thường mới - một giai đoạn DN phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Thực tế cho thấy, trong thời kỳ đại dịch COVID-19 vừa qua, những DN có chiến lược ESG rõ ràng và vận dụng linh hoạt các công nghệ số như một công cụ để chủ động quản trị và thực hiện các mục tiêu bền vững đều có khả năng chống chọi rất tốt. Sau khi đại dịch đi qua, họ có khả năng phát triển mạnh mẽ và bùng nổ hơn nữa. Thứ hai, thực hiện chiến lược ESG, DN sẽ có cơ hội tiếp cận với những mô hình kinh doanh hoàn toàn mới.

“Để nói về kiến tạo một mô hình kinh doanh (business model), không thể nào không có yếu tố số, vì đó chính là cách chúng ta tiếp cận với một tệp khách hàng hoàn toàn mới, tiếp cận với những thị trường mà từ trước tới nay chúng ta chưa bao giờ tiếp cận, qua đó DN sẽ tăng nguồn doanh thu, đảm bảo phát triển trong tương lai”, ông Chung nói.

Khó khăn khi lồng ghép các yếu tố ESG vào lộ trình CĐS

Tuy nhiên, ngày nay các DN cũng phải đối mặt rất nhiều những rào cản, thách thức khi thực hiện đồng thời mục tiêu CĐS lẫn mục tiêu phát triển bền vững. Theo chuyên gia tư vấn CĐS Phạm Hồ Chung của FPT Digital, đầu tiên, phải nhìn nhận rằng nhận thức của cộng đồng DN khi thực hiện CĐS gắn liền với yếu tố bền vững vẫn chưa tốt. Cụ thể, DN chưa nhận thấy hết tầm quan trọng, cũng như sự cấp thiết của việc tiến hành CĐS gắn liền với những mục tiêu ESG.

Ngoài ra, vấn đề tiếp cận thông tin về cơ chế, chính sách hay thông tin về các quy định tại thị trường nước ngoài liên quan đến giảm phát thải và phát triển bền vững (VD: Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon của EU, Đạo luật cạnh tranh sạch của Mỹ, v.v.) của DN còn hạn chế, khiến DN không bắt kịp được sự thay đổi nhanh chóng diễn ra hàng ngày ở cả trong và ngoài nước. Do đó, họ không có sự chuẩn bị tốt cho việc chèo lái chiến lược ESG đúng hướng và phù hợp với thực tiễn.

Khó khăn tiếp theo nằm ở vấn đề tài chính. Bởi vì, khi thực hiện một chuyển đổi lớn cả về mặt số lẫn bền vững, tài chính sẽ là một yếu tố quyết định lớn sự thành bại của DN. Tuy nhiên, có đến 97% DN Việt Nam là DN vừa và nhỏ, trong đó có một tỉ lệ rất lớn là những DN nhỏ và siêu nhỏ. Một mặt, các DN nhỏ này cho rằng việc thực thi những chiến lược tầm vĩ mô như ESG là câu chuyện của các DN lớn, có bộ máy vận hành quản trị tốt, có tiềm lực tài chính mạnh mẽ. Vì thế, họ chưa thực sự quan tâm đến vấn đề chuyển dịch xanh và bền vững, cũng như việc kết hợp với lộ trình số hóa hiện tại của mình như thế nào để trở thành DN bền vững.

Mặt khác, những DN nhận thức được sự cần thiết của CĐS và ESG lại loay hoay tìm kiếm cũng như tiếp cận với các nguồn tài chính để có thể thực thi chiến lược ESG và CĐS. Ngoài ra, họ thiếu kinh nghiệm về mặt quản trị cũng như thiếu hụt về nhân lực có hiểu biết và năng lực triển khai tại cả hai lĩnh vực này. Tất cả những yếu tố đó cộng lại khiến cho bài toán CĐS gắn liền với phát triển bền vững ESG trở nên khó khăn hơn bao giờ hết đối với cộng đồng DN này. Thực trạng đó đòi hỏi chính phủ phải có những quyết sách phù hợp để hỗ trợ cộng đồng DN nhỏ cùng phát triển.

Thay đổi tư duy khi CĐS: xem yếu tố bền vững là lợi thế cạnh tranh

Ngay cả khi đã nhận thức được vấn đề, DN cũng gặp phải rào cản thứ hai là làm thế nào xây dựng một lộ trình CĐS kết hợp với yếu tố bền vững một cách phù hợp. Theo khảo sát gần đây của tổ chức tư vấn chiến lược toàn cầu Boston Consulting Group (BCG), trong số 800 DN tham gia khảo sát, chỉ 30% tiến hành những mục tiêu liên quan đến CĐS và ESG nhận định họ làm thành công.

Điều đó có nghĩa 70% còn lại đã thất bại hoặc chưa nhận thấy thành công. Với tỷ lệ thất bại cao như vậy, câu hỏi đặt ra cho các nhà lãnh đạo DN là làm thế nào sắp xếp được thứ tự ưu tiên những mục tiêu của mình khi thực hiện chiến lược CĐS và phát triển bền vững.

fin-9323.jpg
Ông Phạm Hồ Chung, chuyên gia tư vấn CĐS của FPT Digital

“Chính vì vậy, khi tư vấn lộ trình CĐS, chúng tôi thường hướng tới các mục tiêu như tối ưu hóa bộ máy quản trị vận hành, các quy trình sản xuất kinh doanh cũng như tạo ra phong cách làm việc mới trong nội bộ tổ chức. Ngoài ra, chúng tôi cũng hướng tới giúp các DN có thể cải thiện quan hệ cũng như trải nghiệm với khách hàng, kiến tạo những mô hình kinh doanh mới trên môi trường số. Và do đó, tất cả những kết quả chúng tôi hướng tới trong lộ trình CĐS thường hướng tới mục tiêu duy nhất, DN CĐS sẽ trở thành một DN phát triển bền vững”, ông Phạm Hồ Chung cho biết. 

Bên cạnh đó, ông Chung cho rằng khi tiến hành xây dựng lộ trình CĐS bền vững, DN phải thay đổi tư duy, nhìn nhận yếu tố bền vững là một lợi thế cạnh tranh, một cơ hội để tăng trưởng, chứ không đơn thuần chỉ là đáp ứng những tiêu chuẩn ESG theo cách đối phó, tuân thủ theo các quy định của nhà quản lý./.

Bài liên quan
  • Tăng tốc chuyển đổi số giúp startup, SME vượt “bão” 2023
    Môi trường kinh doanh đã thay đổi đáng kể trong vài năm qua. Do ảnh hưởng của đại dịch, những trở ngại kinh tế và tốc độ phát triển nhanh chóng của công nghệ, các doanh nghiệp (DN) sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức trong năm 2023.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi số là “đòn bẩy” giúp DN thực thi chiến lược phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO