Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc Hội về chính sách tài khóa tiền tệ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. Tinh thần của Nghị quyết góp phần phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn gắn với phát triển bền vững.
Ảnh minh họa
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc hỗ trợ ứng dụng công nghệ, chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng xanh và tuần hoàn là tiền đề và nền tảng quan trọng để các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng, chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh của mình đáp ứng yêu cầu tình hình mới…
Đại diện đơn vị tổ chức Hội thảo, bà Nguyễn Lệ Thủy, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo, cho biết đây là một hội thảo rất thiết thực và mang nhiều ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh Việt Nam đang phục hồi phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch COVID-19, đồng thời cũng đang phải đối mặt với các thách thức nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu; ô nhiễm môi trường gia tăng… Đây cũng là dịp để tái khẳng định tầm quan trọng của tăng trưởng xanh trong phát triển bền vững quốc gia, ngay trước thềm Hội nghị COP 26, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt "Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050" tại Quyết định số 1658/QĐ-TTg, ngày 1/10/2021, trong đó, đề ra mục tiêu thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa các-bon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam, khẳng định: Thực tế cho thấy, việc chuyển hướng sang kinh tế xanh và tăng trưởng xanh, thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh là một lựa chọn tất yếu nhằm thực hiện định hướng phát triển mới của đất nước. Đây cũng là mục tiêu Việt Nam phải hướng đến trong giai đoạn phát triển tới để vượt qua thách thức phục hồi trong và sau dịch bệnh COVID-19, tiếp tục đà đổi mới, đẩy mạnh mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, chất lượng và hiệu quả.
Theo TS. Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tài nguyên và Môi trường, Bộ KH&ĐT, kế hoạch hành động tăng trưởng xanh đóng vai trò quan trọng trong việc cụ thể hóa Chiến lược tăng trưởng. Với 8 nhóm chủ đề tổng hợp, 10 chủ đề theo nhóm ngành, lĩnh vực ưu tiên, 57 nhóm nhiệm vụ, hành động và 134 nhiệm vụ, hoạt động cụ thể, Kế hoạch Hành động xác định rõ lộ trình nhằm đạt được các mục tiêu về kinh tế - xã hội - môi trường cho toàn bộ nền kinh tế, đồng thời phù hợp với cam kết của Việt Nam về đưa phát thải ròng về "0" vào năm 2050.
Theo ước tính của các chuyên gia, nếu không bảo vệ môi trường, cái giá phải trả cho môi trường bị hủy hoại và ô nhiễm là khoảng 6 - 7% GDP. Nếu tính cả chi phí y tế để chữa bệnh cho người dân, thì tổng chi phí này đã mất 8 - 10% GDP. Cộng với cái giá phải trả cho văn hóa - xã hội xuống cấp khoảng 5 - 6% GDP. Ông Lý khẳng định, với con số này, thì tăng trưởng kinh tế 8 - 9% chưa làm cho nền kinh tế phát triển được mà thực tế là kết quả âm. Đây là một thách thức không nhỏ, nếu không phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa - xã hội và bảo vệ môi trường.
Trên góc độ về kinh tế tuần hoàn, PGS.TS. Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng Viện Kế hoạch chính sách môi trường nhấn mạnh việc chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn là một cơ hội lớn để phát triển nhanh và bền vững, không chỉ đạt mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường, mà còn ứng phó với biến đổi khí hậu. Việc chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn giúp đáp ứng các mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.
Ông Chinh chỉ rõ, sự xuất hiện khái niệm "kinh tế tuần hoàn" đã phản ánh được tính thực thi đối với thực hiện kinh tế xanh, duy trì vốn tự nhiên, các bon thấp, tăng trưởng xanh cũng như các chỉ tiêu của SDGs. Phát triển kinh tế tuần hoàn để hướng tới nền kinh tế xanh có cơ sở khoa học và thực tiễn hiện nay ở Việt Nam.
Tuy nhiên, để hướng tới nền kinh tế xanh từ việc thực hiện kinh tế tuần hoàn, chuyên gia này cho rằng cần tiếp tục có những triển khai tiếp từ nhận thức đến xem xét lại cơ chế chính sách và sự đồng bộ trong quá trình triển khai thực hiện phù hợp với xu thế chung toàn cầu trong bối cảnh kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu và rộng với kinh tế thế giới.
Trao đổi một số vấn đề và cách tiếp cận phát triển kinh tế biển xanh để thích ứng với BĐKH, hướng tới phát triển bền vững kinh tế biển ở Việt Nam, PGS. TS Nguyễn Chu Hồi, Ủy viên Ủy ban Khoa học Môi trường của Quốc hội, Phó Chủ tịch thường trực Hội nghề cá Việt Nam, đã nêu các khó khăn, thách thức chủ yếu trong phát triển kinh tế biển xanh ở nước ta, trong đó lưu ý tới nhận thức chưa đầy đủ, thậm chí khác biệt về tăng trưởng xanh lam và kinh tế biển xanh của các cấp, các ngành, các địa phương ven biển và người dân; tình trạng khai thác, sử dụng biển và hải đảo chưa hiệu quả, thiếu bền vững; môi trường biển bị ô nhiễm, đa dạng sinh học biển và các hệ sinh thái biển bị suy thoái, chất thải không qua xử lý từ các lưu vực sông và vùng ven biển, cũng như trên các đảo có người sinh sống đổ vào biển ngày càng nhiều.
Liên quan tới chuyển đổi số với tăng trưởng xanh, năm 2022, Ngân sách trung ương hỗ trợ khoảng 50 tỷ đồng và các địa phương cũng dành hàng chục tỷ đồng để hỗ trợ cho các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ, chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng xanh và tuần hoàn. Đây là những tiền đề và nền tảng quan trọng để các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng, chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh của mình đáp ứng yêu cầu tình hình mới…/.