Chuyển đổi số là thay đổi cách sống, cách làm việc khi ứng dụng CNTT

Đỗ Minh| 04/10/2021 08:35
Theo dõi ICTVietnam trên

Thời gian qua, Bộ TT&TT đã tích cực triển khai nhiều chương trình hợp tác nhằm nâng cao nhận thức chuyển đổi số (CĐS) cho các địa phương trên cả nước. Mới đây, tỉnh Thái Nguyên đã được lựa chọn để thí điểm chương trình này.

GS. TS Hồ Tú Bảo, Viện Khoa học & Công nghệ tiên tiến Nhật Bản và TS. Nguyễn Nhật Quang, Viện Khoa học Công nghệ VINASA - 02 chuyên gia có nhiều kinh nghiệm về lĩnh vực CĐS đã có những chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức bổ ích với đội ngũ cán bộ cơ sở ở Thái Nguyên hiểu rõ hơn về khái niệm, bản chất của quá trình CĐS. 

Cần tích cực bồi dưỡng, tăng cường học tập để nâng cao các kiến thức về CĐS

Trong số nhiều nội dung quan trọng được nêu, phân tích và đánh giá, ông Hồ Tú Bảo cho rằng, tại Việt Nam, muốn làm tốt, đạt hiệu quả mạnh mẽ nhiệm vụ CĐS hiện nay ngoài việc cần hiểu toàn diện khái niệm về CĐS, việc bồi dưỡng, học tập, nâng cao các kiến thức về lĩnh vực này cũng phải được song hành, thường xuyên.

"Đặc biệt, các cấp lãnh đạo phải là người đi trước, tiên phong có kiến thức quản lý, chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ này", GS. TS Hồ Tú Bảo nhấn mạnh.

Dẫn chứng thực tế cho quan điểm này, ông Bảo lấy ví dụ Trung Quốc là một điển hình khi thường xuyên tổ chức các lớp học tập, nâng cao kiến thức về CĐS cho các cấp lãnh đạo. Điều này đã giúp Trung Quốc phát triển toàn diện, vững mạnh.

Bộ chính trị Đảng cộng sản Trung Quốc luôn coi trọng các buổi học tập, mời các chuyên gia hàng đầu trong nước về thuyết trình cho các thành viên là lãnh đạo trong Bộ Chính trị, giúp trang bị, nâng cao kiến thức thường xuyên cho các thành viên lãnh đạo trong lĩnh vực này.

"Năm 2019, tại một cuộc họp với các lãnh đạo cấp cao, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh: Tất cả cán bộ lãnh đạo các cấp phải tích cực nghiên cứu các lĩnh vực hàng đầu của khoa học và công nghệ, nắm bắt các quy luật phát triển tự nhiên và đặc điểm của AI", ông Bảo dẫn chứng.

Để Việt Nam thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này, yêu cầu đặt ra là phải chú trọng đến việc học tập để nâng cao kiến thức cho các cấp lãnh đạo trên các mặt: Giao tiếp (chìa khóa lãnh đạo); tầm nhìn (thấy rõ các cơ hội và thách thức); trình độ kỹ thuật số (để không tụt hậu đối với thế hệ trẻ); đổi mới sáng tạo (văn hóa coi trọng sự đổi mới); chấp nhận rủi ro; trọng tài năng; thích nghi.

Khi lãnh đạo nhận thức sâu sắc, quyết tâm cao, có chiến lược và lộ trình rõ ràng, truyền cảm hứng đến mọi thành viên thì ở đó, CĐS dễ dàng thành công và các lãnh đạo cao nhất không thể ủy thác cho người khác trọng trách, nhiệm vụ này", ông Bảo nhấn mạnh.

Cũng theo GS. TS Hồ Tú Bảo, cốt lõi của việc CĐS không phải là việc dùng CNTT, nâng cấp CNTT, mà chính là thay đổi cách sống, cách làm việc khi dùng CNTT và nơi nào CĐS thì chính nơi đó phải xây dựng chiến lược, lộ trình, thực hiện. Đặc biệt, quá trình triển khai CĐS cần phải làm tốt trên 03 nhân tố: Con người (nhận thức và năng lực số); thể chế (môi trường pháp lý và định chế), công nghệ (hạ tầng số).

Chuyển đổi số là một một phương thức phát triển tất yếu của hiện tại - Ảnh 1.

CĐS hiệu quả thì các cấp lãnh đạo phải là người đi trước, tiên phong có kiến thức quản lý, chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ này

CĐS giúp chúng ta hình thành Chính phủ số, xã hội số, kinh tế số, đồng thời là một một phương thức phát triển tất yếu của hiện tại, gắn trong quá trình phát triển lâu dài. Do đó, để làm chủ tiến trình phát triển nhiệm vụ này, chúng ta phải đảm bảo làm chủ, thực hiện tốt trên 03 giai đoạn: Số hóa (tạo dạng số của thực thể và kết nối trên mạng); mô hình hoạt động số (khai thác các cơ hội số để xây dựng mô hình hoạt động hoặc kinh doanh); chuyển đổi (thay đổi tổng thể và toàn diện tổ chức với mô hình hoạt động hoặc kinh doanh mới).

Nhấn mạnh đến các giá trị CĐS mang lại, nhất là việc tạo ra nền kinh tế số, ông Bảo dẫn chứng: Một xưởng sản xuất đồ gỗ giờ có thể dễ dàng thông qua môi trường mạng, số, để mở rộng cơ hội hợp tác, thu hút khách hàng, quảng bá sản phẩm… Nhờ môi trường mạng, số, giúp kết nối, liên thông dữ liệu, đảm bảo việc sản xuất, bán hàng hiệu quả, tăng giá trị lợi nhuận, giảm các chi phí đầu tư. Đây chính là các mô hình kinh doanh, sản xuất mới - mô kinh tế số và điều này được đảm bảo, tạo ra khi chúng ta CĐS mạnh mẽ.

GS. TS Hồ Tú Bảo còn cho rằng, để đảm bảo, thúc đẩy nhanh quá trình này, chúng ta cần tập trung phát triển các nền tảng số bao gồm: Đảm bảo môi trường số, các hệ thống công cụ (ứng dụng Web, ứng dụng thiết bị di động, giao tiếp giữa các dịch vụ…); phát triển các ứng dụng phần mềm, kết nối con người, đồng thời, nên áp dụng phương pháp luận theo mô hình 2-3-5.

"02 quan điểm (thay đổi với tư duy hệ thống; thay đổi với dữ liệu và kết nối); 03 nguyên tắc (tổng thể và toàn diện; đồng bộ và đột phá; chính chủ là lãnh đạo); 05 vấn đề (nhận thức và năng lực số; hành lang pháp lý và định chế; hạ tầng số; lộ trình chuyển đổi; quản trị thực thi)", ông Bảo nhấn mạnh.

CĐS cần đồng bộ, hài hòa bộ giữa 03 nhân tố: Con người - thể chế - công nghệ

Trên quan điểm nhằm giúp các địa phương nhanh thực hiện mạnh mẽ, hiệu quả nhiệm vụ này, TS. Nguyễn Nhật Quang, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ VINASA cho rằng, các địa phương cần xem xét, cập nhật các quy hoạch, chiến lược phát triển, chương trình, đề án, kế hoạch đang có để điều chỉnh mục tiêu, cách thức tổ chức, thực hiện cho phù hợp với thực tế, trên cơ sở tích hợp cùng các nội dung CĐS và đẩy mạnh việc xây dựng, bổ sung dữ liệu - kết nối.

"Dữ liệu - kết nối giúp tạo ra sản phẩm thông minh (thay đổi cơ cấu kinh tế địa phương; vận hành thông minh (nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương); quản trị thông minh (nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị của chính quyền)",  ông Quang nhấn mạnh.

Cùng với đó, các địa phương cần xây dựng, đảm bảo chất lượng hạ tầng số và sử dụng hạ tầng số để thông minh hóa hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - văn hóa - xã hội; phải đảm bảo dễ dàng, chủ động khi hoạch định và quản lý phát triển, xây dựng cộng đồng địa phương theo tiêu chí thông minh. Đây là các nội hàm chính, cơ bản của nhiệm vụ CĐS tại các địa phương.

Bên cạnh đó, các địa phương cần khai thác tối đa các nền tảng quy mô toàn quốc, lựa chọn các nền tảng tốt, phù hợp để tích hợp vào hệ thống của địa phương, tránh tư tưởng cát cứ và đầu tư trùng lặp, lãng phí; tương tác ngoài với các bộ, ngành, các địa phương khác, các đối tác trong và người nước…

Đồng thời, địa phương cần đảm bảo có sự kết nối, tương tác trong và ngoài trên môi trường số; xây dựng mạng cư dân theo công nghệ mạng xã hội nhưng chính danh. Mỗi cá nhân, tổ chức chỉ có một tài khoản duy nhất, có mã xác thực của chính quyền để đảm bảo giao dịch tin cậy…

Đặc biệt, các địa phương cần đảm bảo thực hiện nguyên tắc đồng bộ và đột phá trong CĐS địa phương như: Cần đồng bộ giữa việc giải quyết các vấn đề về con người, thể chế và công nghệ; hạ tầng công nghệ cần đồng bộ với hạ tầng dữ liệu và hạ tầng kỹ thuật; mỗi ứng dụng phải sử dụng dữ liệu đã có, tham gia làm giàu và chính xác hóa hạ tầng dữ liệu hiện có; mỗi CSDL phải có ứng dụng nghiệp vụ để cập nhật dữ liệu tương ứng nhằm tránh trở thành dữ liệu chết.

Chuyển đổi số là một một phương thức phát triển tất yếu của hiện tại - Ảnh 2.

CĐS đã và đang tạo ra sự dịch chuyển xã hội số tích cực cho các đơn vị địa phương của tỉnh Thái Nguyên

Chia sẻ kết quả đạt được trong việc thực hiện nhiệm vụ CĐS, đại diện lãnh đạo 02 xã khó khăn nhất tỉnh là Sảng Mộc và La Bằng cho biết: Khi Sảng Mộc được thí điểm CĐS, điều này đã tạo các cơ hội cho địa phương phát triển, thoát nghèo; tạo sự dịch chuyển xã hội số với kết quả cụ thể: Tăng số người dân sử dụng điện thoại điện thoại thông minh smartphone 60%; cấp chính quyền đã sử dụng các dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân; các dịch vụ y tế khám, tư vấn sức khỏe cho người dân đã phát huy hiệu quả…

"Từ khi thực hiện CĐS, toàn xã đã ứng dụng vận hành hiệu quả các nền tảng số, chủ động hướng đến xây dựng nền chính quyền số, xã hội số; lấy lấy người dân là trung tập để chuyển đổi, phụ vụ ( đáp ứng các yêu cầu của kế hoạch tỉnh đề ra); toàn xã đã tỷ lệ 100% người sử dụng mạng Internet…", đại diện lãnh đạo xã La Bằng cho biết.

"Các địa phương cần ưu tiên xây dựng và ban hành các hệ thống định danh và định vị (địa phương có thể ban hành các hệ thống tạm thời) và mỗi địa phương nên phát huy chọn cho mình các lĩnh vực, thế mạnh để đầu tư, tạo đột phá, nâng cao hiệu quả", ông Quang lưu ý.

Trả lời câu hỏi, vậy đâu là giải pháp để các cấp xã, huyện, ngành (đơn vị) trong tỉnh khi thực hiện việc nhiệm vụ CĐS ngày một hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực?

GS. TS Hồ Tú Bảo cho rằng, đây là một nhiệm vụ quan trọng nên các đơn vị cần xác định ngay từ đầu phải có tinh thần chủ động, sự quyết tâm, hợp lực, thống nhất, đồng bộ cùng nhau thi đua thực hiện.

Tỉnh cần tăng cường chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức nhiều hơn nữa các cuộc đối thoại, hội thảo, tọa đàm về chủ đề này. Vì đây được coi là kênh thông tin quan trọng mang đến các kiến thức, kinh nghiệm từ các chuyên gia, nhà quản lý.

"Việc các đơn vị xây dựng, đảm bảo hạ tầngchất lượng, ổn định, đáp ứng việc kết nối, dùng chung cũng là một giải pháp tránh lãng phí nguồn lực", ông Bảo nêu quan điểm.

Đồng tình quan điểm này, TS. Nguyễn Nhật Quang nhấn mạnh thêm, các đơn vị cần xây dựng, thực hiện theo nguyên tắc tổng thể, thống nhất, đồng bộ, đột phá. Cùng với đó, các cấp chính quyền địa phương cần tăng cường vận động, tuyên truyền, đào tạo kỹ năng cho mọi người dân hiểu, cùng tích cực tham gia, ủng hộ.

"Cần thay đổi các thể chế, quy định để phù hợp với từng giai đoạn trong mỗi đơn vị. Mỗi đơn vị khi thực hiện nhiệm vụ CĐS không nhất thiết phải xây dựng một phần mềm, hạ tầng, nền tảng công nghệ số riêng biệt… Việc dùng chung sẽ là một ưu điểm để tránh lãng phí chi phí, nguồn lực", ông Quang nhấn mạnh./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi số là thay đổi cách sống, cách làm việc khi ứng dụng CNTT
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO