Chuyển đổi số nông nghiệp phải dựa trên nền tảng số

Trọng Thành| 01/02/2021 12:55
Theo dõi ICTVietnam trên

Nông nghiệp không chỉ tiếp tục khẳng định vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế, mà còn vươn lên trở thành ngành kinh tế năng động, phát triển bền vững, tham gia sâu vào hội nhập kinh tế thế giới.

Để làm tốt được điều này, thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) không chỉ đã tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp cơ cấu lại ngành gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng… mà còn luôn tích cực ứng dụng các nền tảng khoa học, CNTT, thành tựu của cuộc CMCN 4.0, đặc biệt là thực hiện tốt Quyết định số 749/QĐ-TTg về Chương trình Chuyển đổi số (CĐS) quốc gia.

Xã hội hóa nông nghiệp trên nền tảng công nghệ số

Cụ thể, kết quả thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, năm 2020, Bộ NN&PTNT đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận với việc thành lập, thực hiện được: 19 nhiệm vụ khoa học và công nghệ, 03 khu nông nghiệp ứng dụng công nghiệp cao (CNC), 09 vùng nông nghiệp ứng dụng CNC, 45 doanh nghiệp (DN) nông nghiệp ứng dụng CNC.

Đồng thời, Bộ cũng đẩy mạnh xã hội hóa công tác kiểm tra chuyên ngành, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ… tất cả dựa trên các ứng dụng CNTT, nền tảng công nghệ số (phát triển hệ thống dữ liệu lớn (Big data), trí tuệ nhân tạo (AI) công nghệ không gian địa lý (GIS, Viễn thám, GPS)…).

Hiện nay, Bộ cũng đang phối hợp với đơn vị CNTT xây dựng đề án Trung tâm điều hành thông minh. Đây là hướng đi thể hiện quyết tâm thay đổi mạnh mẽ, căn bản về chất lượng và hiệu quả điều hành và quản lý tất cả các hoạt động của bộ và toàn ngành.

Chuyển đổi số nông nghiệp phải dựa trên nền tảng dữ liệu số - Ảnh 1.

Những thành tựu to lớn của cuộc cách mạng 4.0 được áp dụng và mang lại hiệu quả cho ngành nông nghiệp - Ảnh: fsivietnam.com.vn

Năm 2020, Bộ đã thực hiện cung cấp 20 thủ tục hành chính (TTHC) mức độ 3, 4 trên Cổng dịch vụ công (DVC) trực tuyến cấp Bộ và hoàn thành 02 TTHC kết nối trên Cổng DVC quốc gia.

Đồng thời, đăng ký, thực hiện 33 TTHC qua hệ thống Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN và hướng dẫn, khuyến khích các cơ quan, đơn vị chuyên ngành thực hiện trao đổi, quản lý công việc qua môi trường mạng điện của hệ thống một cửa quốc gia.

80% các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ có Trang/Cổng thông tin điện tử với hàng nghìn tin bài đáp ứng hiệu quả nhu cầu quản lý điều hành, tìm hiểu, tra cứu, khai thác thông tin của người dân và DN.

Bộ cũng đã công bố trang tin xúc tiến thương mại tại địa chỉ http://xttm.mard.gov.vn/. Đây là địa chỉ quan trọng, hàng ngày cung cấp thông tin về giá cả thị trường của 14 mặt hàng chủ lực và các thông tin về dự báo, tình hình sản xuất, thị trường nông lâm thủy sản.

Ngoài ra, Bộ thường xuyên, tích cực đẩy mạnh các ứng dụng, dịch vụ CNTT phục vụ hoạt động nội bộ các cơ quan nhà nước (CQNN) như: Tăng cường sử dụng văn bản điện tử trong hoạt động của CQNN (5.057 hòm thư cho cán bộ, công chức); sử dụng các phần mềm văn phòng điện tử dùng chung (100% văn bản đến, phát hành được cập nhật số hóa); sử dụng 02 hệ thống phục vụ họp trực tuyến 01 có thể kết nối với 63 điểm cầu trên toàn quốc…

Riêng đối với việc đào tạo nguồn nhân lực có trình độ về CNTT, Bộ luôn thường xuyên chú trọng, đến nay tỷ lệ trung bình đạt được: Cán bộ chuyên trách có trình độ từ cao đẳng trở lên về CNTT (82,73%); cán bộ chuyên trách biết sử dụng máy tính trong công việc (90,23%)…

Phát triển nông nghiệp dựa vào các ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số, công nghệ thông minh

Như thêm khẳng định về tầm quan trọng không thể thiếu của công nghệ số trong phát triển Ngành, vừa qua, tại phiên thảo luận tại Đại hội XIII của Đảng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã nhấn mạnh, 5 năm qua, ngành nông nghiệp luôn đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, mang lại thặng dư xuất khẩu, thu nhiều ngoại tệ cho đất nước, tạo sinh kế, việc làm và thu nhập ổn định cho người dân nông thôn, góp phần quan trọng ổn định kinh tế - chính trị - xã hội và phát triển đất nước.

5 năm tới, mặc dù nông nghiệp vẫn là thế mạnh của Việt Nam, nhưng cũng không tránh khỏi những khó khăn, thách thức đó là "Sản xuất nông nghiệp vẫn đang ở quy mô hộ, nhỏ lẻ, phân tán và đây là nút thắt trong hội nhập quốc tế, giảm khả năng cạnh tranh, khó khăn trong kiểm soát về chất lượng, quy trình, giá thành…".

"Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển Ngành, giờ đây, Ngành cần chú trọng, tích cực đẩy mạnh việc thực hiện, giải quyết đồng bộ, tổng thể 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, trong đó cần thiết phải phát triển, ứng dụng các CNC, công nghệ số, công nghệ thông minh trong sản xuất, quản lý nông nghiệp", người đứng đầu ngành NN&PTNT nhấn mạnh.

Chuyển đổi số nông nghiệp phải dựa trên nền tảng dữ liệu số - Ảnh 2.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Năm 2020 là một năm thành công với nhiều điểm sáng toàn diện của ngành Nông nghiệp (Ảnh: nongnghiep.vn)

Cũng gần đây, tại sự kiện Hội nghị tổng kết năm 2020, triển khai kế hoạch năm 2021 của ngành NN&PTNT, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, năm 2020, trong bối cảnh khó khăn chưa từng có, ngành Nông nghiệp vẫn đóng góp trên 10 tỷ USD vào xuất siêu cho nền kinh tế nước ta.

Người đứng đầu Chính phủ ghi nhận, chúc mừng thành quả trên của ngành nông nghiệp, đồng thời nhấn mạnh, năm 2021, ngành Nông nghiệp cần tiếp tục chủ trương, tinh thần biến "nguy cơ thành thời cơ", tận dụng tốt cơ hội phục hồi nền kinh tế. Chỉ tiêu GDP ngành phải giữ được ở mức 3%, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành phấn đấu đạt 44 tỷ USD…

Như vậy, để thực hiện các mục tiêu phát triển ngành cũng như thực hiện tốt nhiệm vụ CĐS, Chính phủ số, ngành Nông nghiệp đã ban hành cụ thể kế hoạch cho toàn ngành về nhiệm vụ này, trong đó tiếp tục vận hành, thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN), chuyển đổi nông nghiệp số; triển khai các giải pháp để tận dụng tối đa cơ hội của cuộc CMCN 4.0, đặc biệt là các lĩnh vực nông nghiệp thông minh, chính xác CNC, hữu cơ, công nghệ sinh học; thực hiện CĐS trong nông nghiệp phải dựa trên nền tảng dữ liệu số.

Đồng thời, Ngành tăng cường huy động và khai thác nguồn lực đầu tư từ xã hội cho nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ, phân bổ và sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực, biến khởi nghiệp sáng tạo là một trong những động lực đột phá đẩy nhanh chuyển đổi mô hình tăng trưởng ngành; khuyến khích đầu tư các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng CNC.

Đặc biệt, Bộ đưa KHCN, trình độ quản trị và kinh tế số vào chuỗi giá trị sản xuất, sơ chế, chế biến và tiêu thụ, coi đây là tiền đề phát triển sản xuất quy mô lớn và thay thế vai trò sản xuất nông hộ nhỏ lẻ; tăng cường năng lực nghiên cứu, dự báo và thông tin thị trường trong bối cảnh tác động của dịch bệnh xuyên biên giới để tổ chức sản xuất, tiêu thụ hiệu quả; đẩy mạnh tiêu thụ nông lâm thủy sản tại thị trường trong nước.

Cùng với đó, đẩy mạnh nghiên cứu, dự báo nguồn nước, thiên tai, dịch bệnh, tác động của biến đổi khí hậu đối với ngành, lĩnh vực nông nghiệp; tập trung phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo của cuộc CMCN 4.0 và đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo, tập trung đào tạo năng lực thực hành, những kỹ năng, kỹ thuật cốt lõi, các kỹ năng mềm để thích ứng và phát huy trong môi trường công nghệ số, đào tạo dựa trên nền tảng số.

Bộ ưu tiên xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút, ưu đãi đối với tổ chức, cá nhân, người lao động, DN tham gia trực tiếp đầu tư, phát triển tạo ra sản phẩm công nghệ cho nền nông nghiệp số, đồng thời sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi số nông nghiệp phải dựa trên nền tảng số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO