Chuyển đổi số

Chuyên gia tư vấn giải pháp xóa khoảng cách số trong phát triển chính phủ điện tử

Anh Minh 09:22 19/10/2024

Theo chuyên gia UNDP, quá trình phát triển công nghệ số, chính phủ điện tử cần đặt con người làm trọng tâm. Điều quan trọng không nằm ở việc sở hữu công nghệ mới nhất, mà là đảm bảo công nghệ đó phục vụ lợi ích của tất cả mọi người

Tại Diễn đàn Đa phương (MSF) 2024 với chủ đề “Phát triển Con người và Công nghệ hướng tới một Việt Nam bao trùm số”, ông Patrick Haverman, Phó Đại diện thường trú Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, cho rằng đến khoảng tháng 12/1997, Việt Nam mới chính thức tiếp cận với mạng Internet song đất nước đã chứng kiến sự bùng nổ của Internet và nhanh chóng trở thành một trong những quốc gia có cộng đồng mạng sôi động nhất thế giới.

Đầu năm 2024, gần 80% dân số đã được kết nối. Điều đó có nghĩa là khoảng 78 triệu người, trong đó hơn 72 triệu người đang hoạt động trên mạng xã hội - con số này còn lớn hơn cả dân số của Vương quốc Anh hay Thái Lan.

Song song đó, quá trình chuyển đổi số (CĐS) của đất nước cũng đạt được những thành tựu đáng kể. Đặc biệt, trong lĩnh vực chính phủ điện tử (CPĐT), gần đây Việt Nam đã có bước nhảy vọt ấn tượng. Theo Chỉ số Phát triển CPĐT của Liên hợp quốc, Việt Nam đã tăng 15 bậc so với năm 2022, vươn lên vị trí thứ 71 trên tổng số 193 quốc gia.

phien-thao-luan-cap-cao-tai-dien-dan.jpg
Các chuyên gia thảo luận tại diễn đàn MSF.

Đảm bảo cộng đồng ở vùng sâu, vùng xa, người lớn tuổi hưởng lợi từ kinh tế số và chính phủ số

Mặc dù có những tiến bộ trong việc phủ sóng Internet cũng như xây dựng CPĐT, chuyên gia đến từ UNDP cũng cảnh báo về những thách thức của cuộc bùng nổ số, trong đó có thách thức liên quan đến việc đảm bảo sự bao trùm số. Mặc dù nhiều người đang gặt hái được lợi ích từ các nền tảng công nghệ mới, nhưng không ít người lại đối mặt với nguy cơ bị bỏ lại phía sau.

"Chúng ta cần tự đặt câu hỏi: Ai đang thực sự có quyền tiếp cận những cơ hội này? Liệu các cộng đồng ở vùng sâu, vùng xa, những người lớn tuổi hay những người chưa thành thạo về công nghệ có thể tham gia và hưởng lợi từ nền kinh tế số và chính phủ số đang phát triển mạnh mẽ này không? Phải chăng khi chúng ta chào đón những bước tiến công nghệ, chúng ta đồng thời tạo ra những dạng bất bình đẳng mới?", ông Patrick Haverman đã đặt ra những câu hỏi này trong khuôn khổ Diễn đàn MSF.

Bên cạnh đó, ông cũng bày tỏ lo ngại về các vấn đề như bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, quyền riêng tư dữ liệu, tính xác thực của sản phẩm trên các nền tảng trực tuyến, và nguy cơ lạm dụng tài chính trong bối cảnh các thị trường số đang phát triển quá nhanh.

“Gần đây, có bao nhiêu người trong các bạn đã nhận được cuộc gọi từ một số lạ, bằng cách nào đó người đó biết tên, địa chỉ nhà bạn, thậm chí cả những thứ bạn đã mua? Sự thật là, trong quá trình tiếp cận nhanh chóng các cơ hội số, đôi khi chúng ta đã mở cửa cho những kẻ có thể lạm dụng thông tin cá nhân của chúng ta. Dữ liệu của chúng ta đang ở ngoài kia, được mua bán mà thường không có sự nhận biết hoặc chấp thuận của mình”, chuyên gia UNDP nói và cho rằng đây là lý do tại sao, khi đón nhận những biên giới số mới, phải đảm bảo rằng khung pháp lý và giáo dục người tiêu dùng đi trước một bước.

"Chúng ta cần xây dựng một Việt Nam số không chỉ đổi mới và hiệu quả, mà còn an toàn và đáng tin cậy cho mọi công dân”.

Ông Patrick Haverman cho biết khi chứng kiến sự phát triển bùng nổ trong khu vực tư nhân của nền kinh tế số, thì các dịch vụ số quan trọng khác của khu vực công, như CPĐT, lại đang tụt hậu.

Theo khảo sát PAPI, chỉ khoảng 8% công dân đang sử dụng các cổng dịch vụ điện tử quốc gia và tỉnh để xử lý các thủ tục như cấp giấy khai sinh và đăng ký hộ khẩu. Đôi khi, nỗ lực chuyển đổi giấy tờ số, dù với ý định tốt, lại khiến công việc của các cán bộ và cả người dân tăng lên gấp đôi khi phải điền cả biểu mẫu trực tuyến (online) và ngoại tuyến (offline).

Xây dựng cơ sở hạ tầng số dễ tiếp cận, nâng cao kỹ năng số cho mọi người

Chính quyền địa phương cung cấp nhiều dịch vụ công trực tuyến hơn sẽ mang lại nhiều tiện ích và minh bạch hơn cho người dân. Công nghệ số ngày nay có tiềm năng thay đổi cuộc sống, đặc biệt là ở các nhóm dễ bị tổn thương như người khuyết tật, để họ không chỉ tham gia mà còn phát triển trong xã hội. Tuy vậy, vấn đề là làm thế nào để thu hẹp khoảng cách số, để không ai bị bỏ lại phía sau trong công cuộc xây dựng CPĐT.

Và ông Patrick Haverman cho biết UNDP tin rằng Việt Nam cần giải quyết ba vấn đề chính trong bài toán này. Theo đó, đầu tiên là đặt con người làm trọng tâm trong quá trình phát triển CPĐT. Điều quan trọng không nằm ở việc sở hữu công nghệ mới nhất, mà là đảm bảo công nghệ đó phục vụ lợi ích của tất cả mọi người.

“Tại UNDP, chúng tôi đang thúc đẩy cách tiếp cận lấy con người làm trọng điểm trong thiết kế các dịch vụ số. Điều này có nghĩa là khi phát triển chính sách hoặc sản phẩm, chúng tôi xem xét kỹ lưỡng toàn bộ trải nghiệm của người dùng”.

Một ví dụ tiêu biểu là Chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI). “Chúng tôi không chỉ đo lường mức độ áp dụng của CPĐT, mà còn tìm hiểu lý do tại sao một số người dân vẫn chưa sử dụng những dịch vụ này”, ông cho biết.

UNDP đang hợp tác với chính quyền địa phương để không chỉ thu hẹp khoảng cách số mà còn cải thiện khả năng tiếp cận CPĐT cho người dân tại các khu vực xa xôi. “Chúng tôi tập trung phát triển các dịch vụ số đáp ứng nhu cầu thực sự của người dân, mang dịch vụ trực tuyến đến gần hơn với những người cần sử dụng chúng nhất”.

three_tech_feature_article_v02.jpg
Khi nói về CĐS, chúng ta thường nghĩ đến máy móc và dữ liệu, nhưng phía sau mỗi con số là một con người. Ảnh minh họa

Thứ hai, việc hợp tác là vô cùng cần thiết. Không ai có thể thực hiện công cuộc CĐS một mình. Để thúc đẩy đổi mới trong lĩnh vực kỹ thuật số, UNDP đang hợp tác với các đối tác quan trọng như Trung tâm Đổi mới Quốc gia nhằm xây dựng một hệ sinh thái số toàn diện. Đồng thời, UNDP cũng mong muốn tăng cường hợp tác với các đối tác tư nhân như Samsung trên hành trình này. Nếu Samsung có thể hỗ trợ đưa công nghệ đến gần hơn với người dân Việt Nam, điều đó sẽ tạo ra tác động lớn đối với lĩnh vực giáo dục và việc làm cho người khuyết tật, giúp đưa họ thoát khỏi đói nghèo và cùng tham gia vào quá trình CĐS.

Không dừng lại ở việc đưa ra các chính sách trên lý thuyết, UNDP còn hỗ trợ phát triển một công cụ ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) mang tên dichvucong.me. Công cụ này sử dụng AI để tương tác qua văn bản và giọng nói, giúp hướng dẫn người dân thực hiện 15 dịch vụ hành chính công quan trọng. Nó cung cấp hỗ trợ cá nhân hóa và hoạt động 24/7, giúp người dân dễ dàng tiếp cận và xử lý các thủ tục hành chính cần thiết.

Cuối cùng, theo ông Patrick Haverman, để xây dựng CPĐT mà không ai bị bỏ lại phía sau thì các quốc gia cần xây dựng một cơ sở hạ tầng số dễ tiếp cận và tập trung vào việc nâng cao kỹ năng số cho mọi người, tương tự như việc dạy cách "câu cá" trong thời đại số.

Các sáng kiến như Thử thách Công dân số (Youth Digital Challenge) và Nâng cao kỹ năng số cho phụ nữ trẻ khởi nghiệp (Empower Her Tech) của UNDP đang khuyến khích sự đổi mới và tinh thần khởi nghiệp trong giới trẻ và phụ nữ - những nhóm thường ít được đại diện trong lĩnh vực công nghệ.

Các chương trình này không chỉ dừng lại ở việc dạy các kỹ năng lập trình hay phát triển ứng dụng, mà còn tập trung vào việc rèn luyện tư duy phản biện, khả năng giải quyết vấn đề, và nhận thức sâu sắc về các khía cạnh đạo đức liên quan đến công nghệ.

“Khi nói về CĐS, chúng ta thường nghĩ đến máy móc và dữ liệu, nhưng phía sau mỗi con số là một con người, và cuộc sống của họ có thể thay đổi đáng kể nhờ công nghệ”, ông Patrick Haverman nói.

Theo ông, cần đầu tư vào việc mở rộng khả năng tiếp cận công nghệ hỗ trợ trên quy mô lớn, đảm bảo rằng người khuyết tật cũng có thể tham gia vào quá trình CĐS, vào việc xây dựng và ứng dụng CPĐT. Ngoài ra, cần tăng cường các biện pháp an ninh mạng và bảo vệ dữ liệu - đó là yếu tố cốt lõi để xây dựng niềm tin vào các hệ thống số.

Chính phủ cũng cần liên tục đánh giá tác động của CĐS không chỉ dựa trên mức tăng trưởng kinh tế mà còn thông qua cách nó cải thiện cuộc sống của tất cả công dân Việt Nam, đặc biệt là những nhóm người dễ bị tổn thương nhất.

“Dù bạn là nhà hoạch định chính sách, doanh nhân công nghệ, hay là một nhà lãnh đạo cộng đồng, bạn đều có một vai trò trong việc này. Cùng nhau, chúng ta có thể xây dựng một Việt Nam số mà không ai bị bỏ lại phía sau. Một Việt Nam nơi công nghệ không phân biệt mà chỉ trao quyền. Một Việt Nam nơi lợi ích của kỷ nguyên số vươn tới mọi ngóc ngách của đất nước tươi đẹp”, chuyên gia UNDP Việt Nam nhấn mạnh.

Không để ai bị bỏ lại phía sau cũng chính là mục tiêu của Việt Nam trong CĐS, xây dựng CPĐT. Điều này bao gồm việc nâng cao hiệu quả quản lý công, tăng cường sự minh bạch và truy cập của người dân đến các dịch vụ công, cũng như nâng cao sự hài lòng của người dân với các dịch vụ công. Bằng cách này, chính phủ hy vọng đảm bảo rằng mọi người đều có cơ hội tham gia và hưởng lợi từ các tiện ích công cộng hiện đại./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Chuyên gia tư vấn giải pháp xóa khoảng cách số trong phát triển chính phủ điện tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO