CNTT sẽ cất cánh nhờ cơ chế thuê dịch vụ CNTT

03/11/2015 21:00
Theo dõi ICTVietnam trên

Từ năm 2013, Văn phòng Chính phủ và Văn phòng Quốc hội đã tiên phong ứng dụng giải pháp thuê hạ tầng CNTT và phần mềm quản lý điều hành của Viettel và VNPT.

Trong những năm gần đây, dịch vụ cho thuê hạ tầng Công nghệ thông tin (CNTT) và phần mềm đã trở nên phổ biến trên thế giới và bắt đầu hiện diện ở Việt Nam. Từ năm 2013, Văn phòng Chính phủ và Văn phòng Quốc hội đã tiên phong ứng dụng giải pháp thuê hạ tầng CNTT và phần mềm quản lý điều hành của Viettel và VNPT. Trên cơ sở những thành công ban đầu, tại cuộc họp đầu tiên của Ủy ban Quốc gia về Ứng dụng CNTT do Thủ tướng chính phủ chủ trì diễn ra cuối tháng 6/2014, chủ trương cho các cơ quan nhà nước thuê dịch vụ CNTT đã được đưa vào Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2014. Hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã hoàn thiện dự thảo cuối cùng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế thuê dịch vụ CNTT trong cơ quan nhà nước. Bài viết sẽ điểm qua đôi nét những bước đi của Tập đoàn Viettel trong việc cung cấp dịch vụ CNTT.

TIỀN CHỦ...

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn viễn thông quân đội (Viettel) từng nhấn mạnh sự chuyển dịch chiến lược của tập đoàn này: "Viettel đã chính thức tuyên bố từ bỏ khái niệm nhà mạng viễn thông, chuyển sang khái niệm nhà cung cấp dịch vụ“. Cụ thể, tập đoàn này sẽ đầu tư mạnh về CNTT để đưa viễn thông kết hợp với CNTT len lỏi vào mọi ngõ ngách cuộc sống...

Để thực hiện chiến lược này, Viettel đã đưa ứng dụng CNTT vào mọi hoạt động quản lý, điều hành và sản xuất kinh doanh của Tập đoàn. Một chiếc SIM điện thoại chỉ được kích hoạt khi tiền đã được nộp vào tài khoản, một chiếc máy nổ luôn có thiết bị giám sát để báo về trung tâm tình trạng của máy, trạm BTS tại tất cả các quốc gia Viettel đầu tư đều được giám sát tại một trung tâm đặt ở Hà Nội để điều hành, ứng cứu 24/7.

Phần lớn các văn bản ở Viettel đều được gửi, trình, ký chữ ký điện tử trên phần mềm văn phòng điện tử (V Office). "Dù không ngồi ở cơ quan, tôi vẫn có thể ký văn bản và nhận tin nhắn từ điện thoại thông báo Tổng giám đốc Viettel vừa ký hoặc từ chối tờ trình mà đơn vị trình ký.“, giám đốc một đơn vị thuộc Viettel nói và cho biết thêm: "Từ công đoạn xin ý kiến các đơn vị liên quan đến khi ra bản hoàn thiện trình ký lãnh đạo cao nhất, tôi đều xử lý trên phần mềm cài đặt trên điện thoại và máy tính bảng của mình“.

Sở dĩ có chuyện ứng dụng CNTT được sử dụng nhanh chóng, rộng rãi ở Viettel như vậy là vì Tổng giám đốc yêu cầu: Mọi người Viettel đều phải dùng CNTT. Đặc biệt là người đứng đầu đơn vị phải tiên phong sử dụng một cách khó tính, khắt khe hơn để các sản phẩm, ứng dụng CNTT của Viettel ngày một ưu việt hơn.

...HẬU KHÁCH

Cùng với đó, Viettel đang xúc tiến, triển khai cho thuê dịch vụ CNTT ở hàng loạt các Bộ, Ban, Ngành và Doanh nghiệp lớn. Trong đó, điển hình là dự án Tin học hóa cho Văn Phòng Chính phủ (VPCP), hệ thống Quản lý bán hàng cho Vinamilk và dự án Ứng dụng CNTT trong quản lý khám chữa bệnh và thanh toán Bảo hiểm Y tế cho Bộ Y Tế. Các hệ thống này đều có thể điều hành, trực tiếp xử lý từ các thuê bao di động.

Bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Công ty sữa Vinamilk - khách hàng của Viettel chia sẻ: "Với mục tiêu trở thành 1 trong 50 công ty sữa lớn nhất thế giới đến năm 2017 với doanh thu đạt 3 tỷ USD, Vinamilk cần có công cụ để phản ứng nhanh nhất với những diễn biến thị trường để gia tăng chất lượng dịch vụ khách hàng, nâng cao trình độ quản trị doanh nghiệp quốc tế. Vì vậy, việc ứng dụng CNTT trong quản trị được Vinamilk nhìn nhận từ sớm và đầu tư bài bản mang tầm chiến lược".

Sau khi tìm hiểu rất kỹ, bà Liên đã chọn Viettel. Chỉ trong thời gian ngắn, hệ thống do Viettel cho thuê đã giúp Vinamilk quản lý đến 200 nhà phân phối, gần 2.000 nhân viên bán hàng và 200.000 cửa hàng bán lẻ trên cả nước.

Tương tự, phần mềm Quản lý văn bản tại VPCP do Viettel cung cấp kết nối thông suốt với 63 Tỉnh, Thành với 700 người dùng thường xuyên xử lý công việc trên hệ thống quản lý này. Hiện nhiều Bộ, Ban, Ngành và chính quyền một số tỉnh cũng đang đặt hàng Viettel xây dựng, cho thuê phần mềm ứng dụng CNTT để phục vụ yêu cầu quản lý của cơ quan mình. Dự kiến trong tháng 9/2014, một phần mềm có độ phủ rộng, tùy biến cao và tiện ích như đã cung cấp cho Vinamilk cũng được Viettel giới thiệu, cung cấp cho các doanh nghiệp ở Campuchia.

KHÁC BIỆT LÀ "MAY ĐO" GẮN CHẶT VỚI VIỄN THÔNG

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, là một trong số những đơn vị đi sau, Viettel xác định điểm khác biệt trong cách làm là cung cấp các dịch vụ cho thuê CNTT theo hình thức "may đo". Tức là, tiến hành nghiên cứu, đánh giá theo nhu cầu thực tế của từng khách hàng; từ đó thiết kế và đầu tư hạ tầng, thiết bị trước và tiến hành cho thuê. Chính vì thế, các ứng dụng của Viettel có tính linh động cao, dễ dàng thay đổi theo các nhu cầu thực tế tại đơn vị, tổ chức.

Một cán bộ kỹ thuật của Viettel cho biết: Dự án Tin học hóa VPCP đòi hỏi đội dự án cần phải thực sự hiểu luồng làm việc phức tạp và khắt khe trong quá trình xử lý văn bản hay các quy trình phối hợp khác. Đội dự án đã trực tiếp làm việc cùng cán bộ nhân viên VPCP, phân tích luồng làm việc của từng bộ phận, từng đơn vị, từ đó điều chỉnh các tính năng sao cho phù hợp nhất với thói quen sử dụng của cán bộ nhân viên VPCP, giúp người sử dụng cảm thấy gần gũi dễ dàng thao tác trên hệ thống.

Tương tự, cũng theo vị cán bộ này, "đứng trước bài toán xây dựng hệ thống quản lý bán hàng thông minh cho khách hàng Vinamilk với hơn 200 đại lý, 2.000 điểm bán lẻ, chúng tôi cần phải tìm ra hướng đi mới". Để thực hiện điều này, đội dự án đã thực hiện khảo sát bằng cách tổ chức các buổi làm việc với từng nhóm nghiệp vụ, đưa ra các tính năng phù hợp. Viettel đã tận dụng lợi thế và kinh nghiệm triển khai tại các hệ thống phân phối ở mỗi Chi nhánh của Viettel, từ đó tư vấn và đưa ra những cách giải quyết nhanh chóng, phù hợp với hệ thống kênh phân phối. Tiếp sau đó, đội đã phân tích và đưa ra những phương án giải quyết nhu cầu phân phối trên toàn quốc của Vinamilk.

Bà Mai Kiều Liên kể: "Chúng tôi đã tìm kiếm nhiều sản phẩm phần mềm của nước ngoài, nhưng không có được giải pháp phù hợp với các yêu cầu của chúng tôi. Hệ thống của Viettel có khả năng mở rộng không hạn chế số lượng người sử dụng, nhất là giải pháp này kết hợp với mạng 3G của Viettel đã giúp chúng tôi giải quyết được bài toán quản lý các điểm bán rộng khắp của Vinamilk".

Hiện nay, trong nước có rất nhiều doanh nghiệp cung cấp phần mềm ứng dụng CNTT. Tuy nhiên, bên cạnh giải pháp "may đo, cá nhân hóa nhu cầu của từng khách hàng" thì một trong những lợi thế khác biệt mà Viettel triệt để khai thác, sử dụng là phát triển CNTT gắn chặt với viễn thông như tận dụng triệt để 3G, hệ thống băng thông rộng và điện thoại thông minh hay máy tính bảng.

Nhằm giải quyết khó khăn lớn nhất của các khách hàng là về kinh phí đầu tư, Viettel thực hiện cơ chế cho thuê dịch vụ CNTT. Chẳng hạn, đối với VPCP, Viettel đầu tư toàn bộ từ hệ thống máy móc, trang thiết bị, hạ tầng và con người (nghiên cứu, vận hành, triển khai, hỗ trợ). Với cách làm như vậy, Viettel cho Vinamilk thuê dịch vụ và trả phí theo từng tháng, năm.

Đánh giá cao hiệu quả mang lại, ông Nguyễn Lê Phúc, Tổ trưởng Tổ Công tác Ứng dụng CNTT, Phó Tổng Giám đốc Cổng thông tin điện tử chính phủ (VPCP) cho biết thêm: "Nhờ có hệ thống này, chúng tôi có thể kết nối với 63 tỉnh/thành phố trên cả nước một cách nhanh chóng, các công việc khẩn cấp và quan trọng được xử lý kịp thời, giảm thiểu nhiều rủi ro. Ngoài ra, toàn bộ dữ liệu được lưu trữ điện tử, thuận tiện tra cứu và tìm kiếm các dữ liệu lịch sử; tiết kiệm thời gian và các chi phí khác trong quá trình vận hành". 

Hà Quảng

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
CNTT sẽ cất cánh nhờ cơ chế thuê dịch vụ CNTT
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO