Phát biểu đề dẫn hội thảo, Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản Vũ Trọng Lâm cho rằng miền Trung là địa bàn chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh; là "mặt tiền" của quốc gia, "khúc ruột" của Tổ quốc, là "cửa ngõ" ra biển cho các tỉnh Tây Nguyên. Con người miền Trung rất cần cù, chịu khó, năng động, sáng tạo, có ý chí và khát vọng vươn lên.
Đặc biệt, miền Trung có rất nhiều tiềm năng, lợi thế về biển, phát triển kinh tế biển mà không một vùng nào có được. Vùng có 14 tỉnh, thành phố thì tất cả đều có biển, trong đó có nhiều bãi biển, vùng biển, đảo rất đẹp, nhiều tài nguyên vào loại nhất cả nước.
Tuy nhiên, theo ông Vũ Trọng Lâm, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung hiện vẫn là vùng có nhiều chỉ số phát triển thấp hơn mức trung bình của cả nước. Nhiều tiềm năng, lợi thế của vùng, nhất là lợi thế về kinh tế biển chưa được khai thác, phát huy hiệu quả để trở thành một nguồn nội lực quan trọng cho phát triển. Các khu kinh tế ven biển, cảng biển phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Du lịch phát triển chưa bền vững, thiếu đa dạng, sức cạnh tranh quốc tế còn thấp. Liên kết phát triển vùng còn lỏng lẻo, lúng túng, bị động…
Tại hội thảo, nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học cũng khuyến nghị nhiều nội dung khác để phát triển kinh tế biển miền Trung nhanh, bền vững. Tiến sĩ Nguyễn Dũng Anh, Học viện Chính trị khu vực III, đề xuất một số giải pháp về cải cách thể chế, trong đó nhấn mạnh việc nâng cao chất lượng quy hoạch không gian phát triển kinh tế vùng biển ở các tỉnh miền Trung đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 theo hướng bền vững.
Đồng thời, hoàn thiện thể chế liên kết nhằm bảo đảm sự thống nhất, hiệu lực, hiệu quả về quy hoạch và đầu tư phát triển kinh tế - xã hội nói chung, phát triển kinh tế biển của các tỉnh miền Trung nói riêng. Điều này sẽ khắc phục được tình trạng phân bổ nguồn lực dàn trải, phân tán dẫn tới lãng phí, sử dụng kém hiệu quả. Trong đó, chú trọng xây dựng bộ máy có tính pháp lý để thực hiện việc hoạch định, tổ chức thực thi các chính sách phát triển vùng, liên quan đến vùng.
Bên cạnh đó, cần hoàn thiện môi trường đầu tư nhằm huy động các nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế biển. Hình thành "vành đai du lịch dịch vụ, giải trí cao cấp" nhằm khai thác tiềm năng du lịch, tài nguyên biển vùng Trung Bộ có tính liên kết, hiệu quả, bền vững. Xây dựng, phát triển hệ thống đô thị, nhất là các đô thị ven biển bền vững và đồng bộ về mạng lưới liên kết với các đô thị trong vùng, toàn quốc và quốc tế. Thu hút các dự án lớn đầu tư xây dựng đô thị ven biển nhằm cải thiện, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng hiện hữu để tăng tính liên kết trong phát triển các ngành du lịch, dịch vụ, thương mại.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến đề nghị nhiệm vụ trọng tâm trước mắt là phải chung tay tháo gỡ thẻ vàng của EC, vì đây không chỉ là bộ mặt của quốc gia mà còn liên quan đến chính sách khai thác hải sản bền vững, là sinh kế lâu dài của cộng đồng ngư dân. Và khẩn trương có chính sách, giải pháp thay thế Nghị định 67 để tháo gỡ khó khăn cho tàu cá vỏ thép nằm bờ, bị bán đấu giá./.