Việt Nam có hơn hơn 72 triệu người dùng Internet
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam có các lợi thế về địa lý để trở thành Digital Hub khu vực, đó là: nằm giữa Đông Bắc Á và Đông Nam Á, gần các trung tâm phát triển lớn và năng động trong khu vực và trên thế giới, nơi có nhiều nền kinh tế đóng vai trò là động lực tăng trưởng của khu vực và thế giới; nằm trên tuyến đường bộ xuyên Á do Ủy ban Kinh tế - Xã hội châu Á - Thái Bình Dương thuộc Liên hợp quốc khởi xướng nhằm nối liền tuyến đường cao tốc châu Á, phát triển giao thương đường bộ giữa các nước khu vực châu Á và châu Âu.
Việt Nam cũng nằm trên trục chính của Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC) kết nối Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, tạo ra tiềm năng lớn cho hoạt động vận chuyển hàng hóa nhanh chóng, hiệu quả với chi phí thấp. Với bờ biển dài, có nhiều khu vực thích hợp xây dựng cảng biển, trong đó có nhiều cảng nước sâu, Việt Nam đóng một vai trò then chốt về kinh tế và cung ứng dịch vụ logistics cho các quốc gia trong và ngoài khu vực…
Ông Lê Anh Vũ, Giám đốc Sáng tạo CMC Telecom, cho rằng Việt Nam đang hội tụ đầy đủ các yếu tố quan trọng để trở thành một Digital Hub tiếp theo của khu vực, từ yếu tố thiên nhiên như vị trí địa lý thuận lợi, yếu tố hạ tầng sẵn có với các tuyến cáp biển và trạm cập bờ lớn, sở hữu các trung tâm dữ liệu trung lập quy mô lớn, sự phát triển nhanh của điện toán đám mây, yếu tố nguồn lực với hệ sinh thái công nghệ cao, các chính sách mở và nhất quán.
Cùng đó, Việt Nam sở hữu một nguồn tài nguyên số khổng lồ và quý giá, đó chính là nguồn nhân lực với tệp dân số trẻ, đam mê toán học và trình độ lập trình cao. "Digital Hub không chỉ có các kết nối Internet mà còn đi kèm cả một hệ sinh thái gồm hạ tầng viễn thông, hạ tầng số, công nghệ, nhân lực,…", Giám đốc Sáng tạo CMC Telecom Lê Anh Vũ nhấn mạnh.
Khi trở thành Digital Hub, Việt Nam sẽ là nơi trung chuyển, kết nối, lưu trữ và xử lý dữ liệu của khu vực châu Á, Thái Bình Dương và thế giới, không chỉ tạo cơ hội và sự phát triển lớn cho doanh nghiệp trong nước, mà còn kéo theo sự đầu tư mạnh về vốn, cơ sở hạ tầng, con người, tri thức… của thế giới, tất cả đều tập trung tại Việt Nam.
Đặc biệt, nội dung của Internet là do người dùng tạo ra, trong khi với lợi thế hơn 72 triệu người dùng thì những ứng dụng nội dung số, nhất là video như Youtube, Tiktok, Facebook…, thường sẽ được địa phương hóa để giúp người dùng địa phương sử dụng dịch vụ nhanh nhất, trải nghiệm dịch vụ tốt nhất.
Cần phải giải quyết những hạn chế từ thực tiễn
Dự thảo quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông giai đoạn 2021 - 2030 được Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng có đặt ra mục tiêu đưa Việt Nam thành Digital Hub - nơi trung chuyển, kết nối, lưu trữ và xử lý dữ liệu của khu vực và thế giới.
Digital Hub được định nghĩa là tổ hợp các trung tâm lưu trữ dữ liệu, hạ tầng đám mây và trao đổi lưu lượng truy cập Internet của những nhà phát triển siêu cấp, viễn thông toàn cầu, công nghệ thông tin, nội dung số, cung cấp dịch vụ trên phạm vi rộng khắp các quốc gia và khu vực lân cận. Để thành Digital Hub, Dự thảo quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông cho rằng ngoài vị trí địa lý, hạ tầng kết nối băng thông rộng, tin cậy và giá cả phải chăng, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hỗ trợ khởi nghiệp, còn cần phải đáp ứng các tiêu chí về hạ tầng pháp lý về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và dữ liệu cá nhân hoàn thiện, sự sẵn sàng và tiềm năng phát triển nền kinh tế Internet, sự liên kết, hợp tác quốc tế.
Hiện tại, khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang có 3 Digital Hub là HongKong (Trung Quốc), Singapore và Nhật Bản. Theo các chuyên gia, 1 Digital Hub của khu vực cần đáp ứng một số tiêu chí như: vị trí địa lý, hạ tầng kết nối băng thông rộng, tin cậy, giá cả phải chăng với hệ sinh thái đổi mới, sáng tạo…
Để trở thành trung tâm số của khu vực, Việt Nam sẽ phải cạnh tranh mạnh mẽ với một số quốc gia khác, đặc biệt là Thái Lan, Malaysia trong "cuộc đua" giành vị trí trung tâm số tiếp theo trong khu vực. Và để đạt được mục tiêu, Việt Nam cần phải hoàn thiện và nâng cao hơn nữa hạ tầng Internet, hạ tầng số.
Ngoài việc tập trung phát triển các trung tâm dữ liệu tiêu chuẩn quốc tế, Việt Nam cần tập trung giải quyết một số vấn đề hạn chế. Đó là, sự mất cân bằng giữa băng thông trong nước và quốc tế, phụ thuộc và nền tảng, nội dung quốc tế và vấn đề quản lý, đảm bảo an toàn, toàn vẹn dữ liệu của Internet Việt Nam. "Hiện nay 80% dữ liệu Internet Việt Nam đang ở nước ngoài. Rõ ràng, chúng ta chưa nhận thức được tầm quan trọng, giá trị của dữ liệu trên Internet", ông Nguyễn Hồng Thắng - Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam cho biết.
Với tinh thần "đưa dữ liệu của người Việt về lưu trữ tại Việt Nam", thời gian qua, các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam đã đầu tư xây dựng các hệ thống Trung tâm dữ liệu (IDC) hiện đại, nhằm góp phần đồng bộ, hoàn thiện hạ tầng số quốc gia, hướng tới mục tiêu Việt Nam trở thành trung tâm lưu trữ và xử lý dữ liệu của khu vực và quốc tế.
Thời điểm gần đây, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) triển khai hợp tác với Amazon Web Service (AWS), các doanh nghiệp lớn nước ngoài nhằm bổ trợ cho hạ tầng hiện có của Tập đoàn; CMC Telecom đã sở hữu 3 Data Center trung lập, Data Center Tân Thuận đạt tiêu chuẩn Uptime Tier III có diện tích 10.000m2, cung cấp 1.200 rack với công suất cao lên tới 20kw/rack. Tháng 5/2022, Uptime Institute công bố Data Center Tân Thuận đã thành công đạt được chứng chỉ TCCF (Tier Certification of Constructed Facility) đầu tiên với số lượng bài test cao hàng đầu Việt Nam…
Để thực hiện được chiến lược trên, cộng đồng Internet Việt Nam, các tổ chức, doanh nghiệp cần chung tay, hợp tác phát triển đưa Việt Nam trở thành trung tâm kết nối số với 100% người dân Internet Việt Nam truy cập Internet, thu hẹp khoảng cách số để không ai bị bỏ lại phía sau./.