Truyền thông

Cơ hội mới cho doanh nghiệp Việt từ thị trường tín chỉ carbon

P.V 28/11/2023 12:47

Trong mục tiêu chung hướng đến phát thải ròng về mức 0 vào năm 2050 (Net Zero), Việt Nam đang xây dựng thị trường tín chỉ carbon, dự kiến thí điểm từ năm 2025, hoàn thiện khung pháp lý vào năm 2027 và vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon từ năm 2028. Với mục tiêu của Chính phủ, thì đây vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội đổi mới đối với doanh nghiệp Việt Nam.

Thị trường carbon là lĩnh vực kinh doanh tỷ đô

Thị trường carbon được bắt nguồn từ Nghị định thư Kyoto của Liên Hợp quốc về Biến đổi khí hậu (1997). Các quốc gia có dư thừa quyền phát thải được bán, cho hoặc mua từ các quốc gia phát thải nhiều hơn hoặc ít hơn mục tiêu cam kết. Từ đó, trên thế giới đã xuất hiện loại hàng hóa mới là các chứng chỉ giảm/hấp thụ phát thải khí nhà kính.

10.jpg
Việt Nam đang xây dựng thị trường tín chỉ carbon, dự kiến thí điểm từ năm 2025, hoàn thiện khung pháp lý vào năm 2027 và vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon từ năm 2028.

Hiện nay, trên thế giới giao dịch tín chỉ carbon trên 2 thị trường, đó là bắt buộc và tự nguyện. Trong đó, thị trường carbon bắt buộc là thị trường mà việc mua bán carbon dựa trên cam kết của các quốc gia trong Công ước khung Liên Hợp quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC) để đạt được mục tiêu cắt giảm khí nhà kính. Hiện tại, lớn nhất là thị trường carbon châu Âu (EU ETS) và thị trường carbon Hoa Kỳ (America Carbon Registry)...

Còn thị trường carbon tự nguyện là thị trường dựa trên cơ sở hợp tác thỏa thuận song phương hoặc đa phương giữa các tổ chức, công ty hoặc quốc gia. Bên mua tín chỉ tham gia vào các giao dịch trên cơ sở tự nguyện để đáp ứng các chính sách về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp (ESG) để giảm dấu chân carbon.

Tại Việt Nam, Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Nghị định số 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ Việt Nam về Quy định về giảm khí nhà kính và bảo vệ tầng Ozon… đã quy định lộ trình thành lập sàn giao dịch tín chỉ carbon tại Việt Nam. Trong đó, từ năm 2024 sẽ thực hiện kiểm kê khí nhà kính đối với các doanh nghiệp lớn.

Trong mục tiêu chung hướng đến phát thải ròng về mức 0 vào năm 2050 (Net Zero), Việt Nam hiện đang xây dựng thị trường tín chỉ carbon, dự kiến thí điểm từ năm 2025, hoàn thiện khung pháp lý vào năm 2027 và vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon từ năm 2028.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến nay, đã có 46 quốc gia và 35 vùng lãnh thổ đã áp dụng định giá carbon với sự tham gia của hàng chục ngàn tập đoàn, doanh nghiệp lớn, nguồn thu năm 2022 khoảng 95 tỉ USD.

Thời gian qua, các doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng tốt cơ hội và thu được nhiều lợi ích trong thực hiện các cơ chế khi nhận được hơn 15.000 tỷ đồng thông qua bán tín chỉ carbon từ các dự án cơ chế phát triển sạch (CDM) và gần 35 triệu USD hỗ trợ cho các dự án cơ chế tín chỉ chung (JCM) để áp dụng các công nghệ, sản phẩm, hệ thống, dịch vụ carbon thấp tiên tiến của Nhật Bản.

Tham gia thị trường carbon là cơ hội cho các tổ chức, doanh nghiệp

Ngay từ năm 2012, Việt Nam đã tích cực chuẩn bị cho quá trình hình thành, phát triển thị trường carbon trong nước, tiến tới hội nhập với khu vực và thế giới. Ngày 07/01/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon. Theo đó, lộ trình phát triển, thời điểm triển khai thị trường carbon trong nước đã được vạch rõ.

Giai đoạn đến hết năm 2027, nước ta sẽ xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon; xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon; triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong các lĩnh vực tiềm năng và hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon kể từ năm 2025; triển khai các hoạt động tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về phát triển thị trường carbon.

carbon-6246.jpg
Doanh nghiệp có thể cải thiện giảm phát thải ròng thông qua cơ chế mua – bán tín chỉ carbon.

Việc tham gia thị trường carbon là trách nhiệm cũng là cơ hội cho các tổ chức, doanh nghiệp. Thị trường tuân theo quy tắc “thuận mua - vừa bán,” Nhà nước thu được nguồn ngân sách khi áp dụng thu phí từ hoạt động trao đổi hạn ngạch, tín chỉ carbon hay thuế carbon trong tương lai. Những khoản phí này sẽ được tái tạo cho các dự án, công trình nghiên cứu về giảm phát thải, hấp thụ, lưu giữ carbon…

Trong khi đó, bên bán carbon được hưởng lợi do những đơn vị thực hiện tốt giải pháp môi trường, bên mua cũng sẽ bù đắp được lượng phát thải quá hạn ngạch cho phép. Qua đó, các nỗ lực về giải pháp giảm phát thải, hấp thụ carbon, giải pháp xanh được áp dụng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

Trong bối cảnh các khu vực phát triển trên thế giới như EU, Mỹ hay tới đây là Trung Quốc, Nhật Bản… áp dụng hàng rào thuế carbon cho hàng hóa xuất nhập khẩu, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình xây dựng, phát triển thị trường carbon. Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội để cơ quan quản lý, các tổ chức, doanh nghiệp chuyển mình, nghiên cứu, áp dụng ngay giải pháp xanh, giảm phát thải, thực hiện biện pháp để tạo ra và tích lũy tín chỉ carbon cho thời gian tới.

Thị trường tín chỉ carbon và thị trường tài chính xanh có quan hệ mật thiết với thị trường chứng khoán, đặc biệt là các doanh nghiệp đã và đang niêm yết. Việc thay đổi công nghệ theo hướng giảm phát thải khí nhà kính, tạo ra quyền phát thải sẽ giúp doanh nghiệp thu hút nguồn tài chính dễ dàng với chi phí rẻ. Đồng thời, góp phần nâng tầm giá trị trên thị trường thế giới.

Đối với doanh nghiệp, nhận thức sớm các rủi ro về khí hậu, xác định chiến lược chuyển dịch hợp lý, từ đó tăng lợi thế cạnh trạnh và tạo cơ hội thu về nguồn doanh thu bổ sung sẽ góp phần quan trọng vào sự phát triển trong tương lai.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Cơ hội mới cho doanh nghiệp Việt từ thị trường tín chỉ carbon
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO