Phát triển kinh tế cho người trồng rừng theo hướng phát triển lâm nghiệp bền vững

Đỗ Thêu| 12/11/2022 16:11
Theo dõi ICTVietnam trên

Trong những năm qua, phát triển lâm nghiệp luôn được tỉnh Tuyên Quang xác định là nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế. Chính vì vậy, hàng năm, tỉnh tích cực triển khai kế hoạch phát triển lâm nghiệp, trong đó tập trung vào nâng cao hiệu quả kinh tế cho người trồng rừng theo hướng phát triển lâm nghiệp bền vững.

Tỉnh Tuyên Quang có thế mạnh về  phát triển sản xuất lâm nghiệp với 448.556 ha đất lâm nghiệp, chiếm 76% tổng diện tích đất tự nhiên, trong đó diện đất có rừng là 426.042,45 ha (rừng tự nhiên là 233.170,65 ha, rừng trồng 192.871,8 ha). 

Hàng năm tỉnh trồng được trên 11.000 ha rừng, sản lượng khai thác 880.000 m3/năm, độ che phủ của rừng luôn duy trì trên 65%, là một trong những tỉnh có độ che phủ lớn nhất cả nước, đã hình thành vùng nguyên liệu rừng trồng trên 190.000 ha, trong đó có trên 36.900 ha rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC (là một tiêu chuẩn tự nguyện nhằm hỗ trợ quản lý rừng có trách nhiệm trên phạm vi toàn cầu).

Phát triển kinh tế cho người trồng rừng theo hướng phát triển lâm nghiệp bền vững - Ảnh 1.

Rừng keo được cấp chứng chỉ FSC

Để cụ thể hóa kế hoạch của UBND tỉnh giao, UBND các huyện thành thị, các cơ quan chuyên môn đã ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai kế hoạch phát triển lâm nghiệp, trong đó tập trung vào các chỉ tiêu về trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng; tích cực tuyên truyền, vận động người dân chú trọng đẩy mạnh, phát triển rừng, đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy rừng. Các cơ quan chuyên môn đã chủ động tham mưu và chỉ đạo thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng và lựa chọn trồng các loài cây phù hợp với điều kiện địa phương để tăng năng suất, chất lượng rừng trồng…

Trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, nhiều công ty lâm nghiệp, nhà máy chế biến gỗ và các hợp tác xã, nhóm hội đã xây dựng cac chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ gỗ nguyên liệu cho người trồng rừng. Tuy nhiên, trên thực tế cũng còn rất nhiều khó khăn do sản xuất không tập trung, thu nhập từ trồng rừng chưa cao, các hộ gia đình chủ yếu là trồng rừng gỗ nhỏ chưa đủ tiềm lực đầu tư thâm canh trồng rừng gỗ lớn để nâng cao năng suất, chất lượng rừng, đây là nút thắt lớn dẫn đến người dân chưa thực sự mặn mà trong việc phát triển kinh tế lâm nghiệp.

Thăm mô hình trồng rừng bền vững áp dụng chứng chỉ FSC của gia đình ông Xin Văn Lương ở thôn Khuân Trò, xã Công Đa (Yên Sơn) cho biết, khi mới tham gia trồng rừng, bản thân ông cũng rất lo lắng, nhưng với quyết tâm và tỉnh thần học hỏi, và nhờ sự giúp đỡ về kỹ thuật và kinh phí của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Công ty CP Woodsland Việt Nam triển khai thực hiện mô hình quản lý rừng trồng bền vững để cấp chứng chỉ FSC cho nhóm hộ gia đình nông dân trên địa bàn.

Ông Lương cũng chia sẻ thêm, để trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC đòi hỏi tuân thủ một quy chuẩn rất nghiêm ngặt, một môi trường không được sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, có đường vận xuất, có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, các hộ được tập huấn, trung bình 1 ha chỉ trồng 2.500 cây... Thế nhưng khi cây gỗ bán ra thị trường sẽ bán giá cao hơn, bởi gỗ chất lượng đã được qua thẩm định. Do đó, các hộ trồng rừng rất an tâm sản xuất. 

Phát triển kinh tế cho người trồng rừng theo hướng phát triển lâm nghiệp bền vững - Ảnh 2.

Khu rừng trồng tại xã Phú Thịnh (Yên Sơn)

Theo ông Nguyễn Xuân Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tuyên Quang cho biết, phát triển kinh tế rừng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong cơ cấu kinh tế chung của tỉnh. Để phát triển kinh tế rừng bền vững, tỉnh đã đưa ra định hướng tiếp tục cơ cấu lại sản xuất lâm nghiệp, tạo động lực mới cho phát triển lâm nghiệp…

Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức, vai trò trách nhiệm và sự vào cuộc của hệ thống chính trị, các tổ chức kinh tế và Nhân dân về phát triển lâm nghiệp bền vững nói chung; bảo vệ rừng tự nhiên, phát triển rừng trồng sản xuất nói riêng. Từ đó, nâng cao đời sống của người trồng rừng và bảo vệ rừng; phấn đấu trở thành tỉnh điển hình về phát triển lâm nghiệp bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới và phát triển du lịch sinh thái./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Phát triển kinh tế cho người trồng rừng theo hướng phát triển lâm nghiệp bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO