Cơ hội và thách thức đặt ra từ Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực

PV| 14/07/2022 21:40
Theo dõi ICTVietnam trên

Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) là hiệp định thương mại tự do (FTA) có quy mô lớn, toàn diện, mang nhiều ý nghĩa quan trọng. Hiệp định này đang mang lại nhiều cơ hội “vàng” cho các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, cơ hội luôn đi kèm với không ít thách thức đặt ra đối với các doanh nghiệp nước ta.

Dấu mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế của Việt Nam

Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được khởi động vào năm 2012 theo sáng kiến của các nước ASEAN nhằm khuyến khích thương mại giữa 10 quốc gia thành viên ASEAN và 6 đối tác ban đầu là Ô-xtrây-li-a, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Niu Di-lân và Hàn Quốc. Mục tiêu của RCEP là hướng tới tất cả các bên "cùng có lợi, cùng thắng". Đến ngày 15/11/2020, trải qua tám năm với 31 vòng đàm phán, 15 cuộc họp của Ủy ban đàm phán thương mại và 19 vòng đàm phán cấp bộ trưởng, RCEP đã chính thức được các nước ký kết theo hình thức trực tuyến (Ấn Độ đã xin rút khỏi quá trình đàm phán từ trước đó).

RCEP dựa trên "kiềng ba chân", gồm thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ và thương mại điện tử, được cụ thể hóa bằng một văn kiện dài hơn 14.000 trang với 20 chương, cùng với các phụ lục và lịch trình. Khi chính thức có hiệu lực, với tổng GDP thực tế đạt khoảng 25.000 tỷ USD, chiếm gần 30% GDP của thế giới - ngang bằng với Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và lớn hơn cả Liên minh châu Âu (EU), RCEP sẽ tạo nên một thị trường tiêu dùng lớn với khoảng 30% dân số thế giới, làm tăng GDP của khu vực châu Á - Thái Bình Dương thêm 2,1% và GDP thế giới lên 1,4%, mang lại thêm 209 tỷ USD hằng năm cho doanh thu toàn cầu và 500 tỷ USD cho thương mại thế giới vào năm 2030.

Đối với Việt Nam, việc ký kết RCEP đánh dấu mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế của Việt Nam và mang lại các lợi ích cả trong ngắn hạn cũng như dài hạn. RCEP khi được thực thi ngoài việc tạo nên một thị trường lớn, thì Việt Nam và các nước đối tác sẽ xóa bỏ thuế quan đối với ít nhất 64% số dòng thuế ngay khi hiệp định có hiệu lực. Đến cuối lộ trình sau 15-20 năm, Việt Nam sẽ xóa bỏ thuế quan với khoảng 85,6%-89,6% số dòng thuế với các nước đối tác, trong khi các nước đối tác xóa bỏ thuế quan cho Việt Nam khoảng 90,7%-92% số dòng thuế. Nền kinh tế Việt Nam tiếp tục có những sức bật mới từ hiệp định này.

Ngành dệt may được đánh giá là một trong những ngành hưởng lợi nhiều nhất với Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Cơ hội lớn song hành cùng nhiều thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam

Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố báo cáo mới, phân tích những cơ hội và thách thức của Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đối với nền kinh tế của các quốc gia thành viên. Theo các chuyên gia WB, Việt Nam có thể là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ RCEP.

Việc Việt Nam chủ động cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng sẽ đem lại giá trị cho nền kinh tế Việt Nam còn cao hơn so với các lợi ích mở cửa thị trường trực tiếp của các nước, làm cho Việt Nam có cơ hội trở thành một điểm đến đáng tin cậy cho các nhà đầu tư quốc tế về lâu dài. Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, khi RCEP được thực thi, việc tiếp cận thị trường sẽ mang tính bền vững hơn, không có sự cạnh tranh mang tính bất bình thường.

RCEP sẽ giúp thiết lập thị trường xuất khẩu ổn định dài hạn cho các doanh nghiệp Việt Nam. Theo đó, RCEP cũng sẽ mở thêm cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia các chuỗi giá trị và sản xuất mới trong khu vực; đồng thời, giúp Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp chế biến, may mặc... vào thị trường các nước thành viên.

Việc mở của thị trường mang tính sâu hơn, rộng hơn, đảm bảo cho các doanh nghiệp Việt Nam được quyền tham gia vào thị trường các quốc gia trong khu vực kể cả dưới góc độ thương mại cũng như đầu tư. Do đó, sẽ làm tăng khả năng tiếp cận thị trường xuất khẩu và nhập khẩu đối với các doanh nghiệp Việt Nam.

Trong đó, ngành dệt may được đánh giá là một trong những ngành hưởng lợi nhiều nhất khi có thể tiến sâu vào thị trường quy mô lớn nhưng mức độ cam kết ít khắt khe hơn so với một số hiệp định trước đó. Theo đó, một trong những điểm khác biệt tại Hiệp định RCEP so với các hiệp định khác là nguyên tắc xuất xứ cộng gộp. Nguyên liệu có xuất xứ của một nước thành viên này sẽ được coi là nguyên liệu có xuất xứ khi tham gia vào quá trình sản xuất hàng hóa diễn ra tại một nước thành viên khác. Với quy định này, các công ty dệt may nước ta có thể tận dụng được cơ hội đẩy mạnh mở rộng xuất khẩu sang các nước thành viên.

RCEP cũng đem lại cho Việt Nam một thị trường có sức sống, kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ với nhu cầu tiêu dùng lớn, mà đòi hỏi không quá cao về chất lượng sản phẩm như khi tham gia vào Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Đây là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng hơn nữa thị trường, thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm của doanh nghiệp tới thị trường các nước thành viên RCEP.

Bên cạnh những mặt thuận lợi, theo Bộ Công Thương, Hiệp định RCEP có thể mang tới những sức ép cạnh tranh đối với hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam, nhất là trong bối cảnh các doanh nghiệp Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu từ bên ngoài. Cam kết trong RCEP cũng sẽ làm giảm thuế quan của nhiều nước trong khối đối với hàng hóa Trung Quốc. Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ buộc phải cạnh tranh trong nước với một loạt hàng hóa mới có giá thành thấp hơn từ Trung Quốc. Một số ngành sẽ bị ảnh hưởng bởi việc giảm thuế quan này.

Hiện nay, các doanh nghiệp chưa biết đến hoặc chưa hiểu rõ về các cam kết FTA, trong đó có RCEP. Theo một khảo sát của VCCI năm 2020, tỷ lệ hiểu biết ở mức tương đối về các cam kết FTA của các doanh nghiệp Việt Nam trung bình chỉ đạt 23%. Ngoài ra, nhiều đối tác trong RCEP có cơ cấu sản phẩm tương tự Việt Nam, nhưng năng lực cạnh tranh mạnh hơn, trong khi đó, chất lượng, hàm lượng giá trị gia tăng của hầu hết các sản phẩm của Việt Nam còn khiêm tốn.

Để tận dụng các cơ hội cũng như hóa giải thách thức từ RCEP, Bộ Công thương vừa qua đã ký ban hành Kế hoạch thực hiện Hiệp định RCEP giai đoạn 2022-2026. Kế hoạch tập trung triển khai 3 nhiệm vụ chính là: Xây dựng pháp luật, thể chế; tuyên truyền, phổ biến thông tin về Hiệp định RCEP; nâng cao năng lực cạnh tranh, tận dụng hiệu quả Hiệp định RCEP.

Đồng thời, nhấn mạnh tới vai trò chủ động của doanh nghiệp sẽ quyết định tới hiệu quả thực thi hiệp định, cũng như với các hiệp định FTA khác, để khai thác triệt để lợi ích từ Hiệp định RCEP mang lại, việc đầu tiên doanh nghiệp cần làm là nghiên cứu kỹ cam kết của hiệp định, nhất là các cam kết liên quan đến lĩnh vực kinh doanh của mình. Chẳng hạn như lộ trình cắt giảm và xóa bỏ thuế quan đối với hàng hóa của Việt Nam và của các nước tham gia hiệp định, quy tắc xuất xứ của hiệp định, cam kết mở cửa thị trường trong lĩnh vực dịch vụ và đầu tư, các quy định về thủ tục hải quan và thuận lợi hóa thương mại.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Cơ hội và thách thức đặt ra từ Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO