Cơ hội vàng để các đơn vị du lịch đổi mới sáng tạo nhờ công nghệ

Thuỳ Liên| 16/08/2022 06:28
Theo dõi ICTVietnam trên

Với ngành du lịch, du khách sẽ ngày càng có những thay đổi không ngừng trong nhu cầu trải nghiệm theo hướng cá nhân hoá nhiều hơn. Do đó, đổi mới sáng tạo (ĐMST) sẽ là chìa khóa giúp cho ngành du lịch Việt Nam đáp ứng được một cách linh hoạt và nhanh chóng những thay đổi đó của du khách.

ĐMST, ứng dụng công nghệ sẽ là chìa khoá cho ngành du lịch

Theo ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Du lịch (VHTT&DL) là ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển như "vũ bão" song hành cùng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với các công nghệ như blockchain, trí tuệ nhân tạo (AI)... 

Điều này thể hiện rõ ràng qua các hoạt động dịch chuyển của du khách, từ bước đặt phòng, vé tàu xe đến đánh giá dịch vụ đều thực hiện trên ứng dụng di động. Tuy nhiên, ngành du lịch đã chịu ảnh hưởng rất nặng nề trong đại dịch COVID-19. Theo báo cáo của tổ chức du lịch trên thế giới, năm 2020 tổng lượng du khách quốc tế giảm 390 triệu lượt, giảm 73% so với năm 2019, ước tính thiệt hại 2,4 nghìn tỷ USD. Có thể nói, ngành du lịch đã lùi về so với thời điểm 30 năm nước - những năm 1990.

Theo các chuyên gia, những giải pháp công nghệ và số hoá có thể nói sẽ là động lực quan trọng hỗ trợ và đẩy nhanh tốc độ ĐMST của ngành du lịch Việt Nam trong những năm tới. Ông Đặng Mạnh Phước, Đồng sáng lập và CEO Outbox Consulting khẳng định, ĐMST cần được xác định như là chìa khoá quan trọng để tạo nên lợi thế cạnh tranh cũng như sức bật tăng trưởng của bản thân mỗi doanh nghiệp (DN) hoạt động trong ngành du lịch nói riêng và của cả ngành du lịch Việt Nam nói chung. Trong bối cảnh áp lực cạnh tranh giữa các điểm đến cũng như giữa các DN với nhau ngày càng cao như hiện nay thì sự khác biệt để thu hút du khách sẽ nằm ở chính khả năng sáng tạo và không ngừng đổi mới của các DN trong xây dựng sản phẩm, thiết kế trải nghiệm hướng đến việc đáp ứng được các nhu cầu riêng biệt của mỗi du khách.

Trong tiến trình ĐMST của ngành du lịch Việt Nam trong thời gian tới, chắc chắn sẽ không phủ nhận vai trò đặc biệt quan trọng của sự xuất hiện và ứng dụng các nền tảng giao dịch trực tuyến, công nghệ mới, giải pháp số hoá trong mỗi điểm chạm trên hành trình trải nghiệm của du khách. Những giải pháp công nghệ và số hoá có thể nói sẽ là động lực quan trọng hỗ trợ và đẩy nhanh tốc độ ĐMST của ngành du lịch Việt Nam trong những năm tới.

Tuy vậy, ông Phước cho rằng, để có thể tạo nên được những thay đổi bền vững, trên tất cả các yếu tố kể trên, bản thân mỗi điểm đến và DN cần xây dựng rõ tư duy lấy khách hàng làm trung tâm trong bất kì chiến lược hay kế hoạch sản phẩm nào của mình. 

"Chúng ta sẽ và đang ở trong thời đại mà trải nghiệm của khách hàng sẽ là trung tâm cũng như đích đến của mọi chiến lược. Bất kì giải pháp hay ứng dụng ĐMST nào chỉ có thể xem là hiệu quả nếu nó đáp ứng được đúng nhu cầu trải nghiệm của khách hàng mục tiêu của mỗi điểm đến và DN", ông Phước bày tỏ.

Cơ hội vàng để các đơn vị du lịch đổi mới sáng tạo nhờ công nghệ - Ảnh 1.

"Du lịch online Khu di tích lịch sử ATK Định Hóa" là một trong số những ứng dụng chuyển đổi số để phát triển du lịch bền vững tại Thái Nguyên.

Bình thường mới là giai đoạn bùng nổ trở lại của du lịch

Tác động của đại dịch COVID-19 đã khiến các hoạt động du lịch hoàn toàn "đóng băng". Vì vậy, giai đoạn "bình thường mới" sẽ là quãng thời gian phục hồi và phát triển nhanh chóng của lĩnh vực du lịch và lữ hành do nhu cầu của du khách tăng cao đáng kể.

Theo Tổng cục Du lịch, 5 tháng đầu năm 2022, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 365.300 lượt người, gấp 4,5 lần so với cùng kỳ năm trước; Khách du lịch nội địa đạt khoảng 48,6 triệu lượt; Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 211.000 tỉ đồng. Các công ty như Vietravel, TST tourist, Lữ hành Fiditour - Vietluxtour cũng ghi nhận sức hồi phục của du lịch nội địa đã cao hơn so với cùng kỳ trước dịch ít nhất 15 - 20%.

Báo cáo tổng kết Xu hướng tìm kiếm nổi bật của người Việt trong quý 2/2022 của trình duyệt Cốc Cốc đã ghi nhận sự quan tâm đặc biệt của người dùng đối với chủ đề du lịch và hàng không. Trong đó, tổng lượng tìm kiếm về địa điểm du lịch nội địa và quốc tế, vé máy bay, khách sạn, hành trang du lịch đều tăng đáng kể so với quý trước. Trong đó, với du lịch nội địa, Hạ Long và đảo Phú Quý là hai điểm đến ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất về lượng tìm kiếm. Với du lịch quốc tế, Thái Lan, Singapore và Mỹ là những điểm đến ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất về lượng tìm kiếm so với quý trước, lần lượt là 97%, 68% và 30%.

Ông Ngô Minh Đức, Chủ tịch Tập đoàn HG, đơn vị sở hữu ứng dụng Gotadi khẳng định, mặc dù là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do COVID-19 nhưng khi dịch bệnh qua đi, du lịch sẽ là một trong những ngành phục hồi trở lại nhanh và mạnh mẽ nhất. Trong lĩnh vực du lịch, công nghệ là một nhân tố quan trọng, góp phần thúc đẩy sự ĐMST.

Cùng với việc khách hàng ngày càng có năng lực và hiểu biết hơn về công nghệ cũng như sự phát triển để thích nghi với "bình thường mới" hậu COVID-19, khách hàng có thể trải nghiệm du lịch không "tiếp xúc" trên các nền tảng khác nhau trong cả quá trình du lịch từ việc tìm hiểu thông tin, chuẩn bị chuyến đi, đặt chỗ, thuê xe... Việc đưa công nghệ vào du lịch giúp giảm chi phí, cải thiện dịch vụ, nâng cao hiệu quả hoạt động và mang lại nhiều tiện ích cho khách hàng. Công nghệ được sử dụng để chạm vào hầu hết mọi khía cạnh của ngành du lịch, tăng độ chính xác, tốc độ, sự tiện lợi, thân thiện với người dùng và làm quá trình trải nghiệm du lịch thuận tiện và hấp dẫn hơn với khách hàng.

Trên thực tế, trong thời gian qua, ngành du lịch cũng là một trong số những lĩnh vực đã có sự tích cực trong việc ứng dụng công nghệ, khi mà chỉ sau vài năm ngắn ngủi, những khái niệm công nghệ hiện đại tưởng chỉ tồn tại ở những quốc gia phát triển như "số hóa 3D", "tiếp xúc không chạm", "trợ lý ảo", "thực tế ảo tăng cường"... đã dần trở nên quen thuộc với công chúng đam mê khám phá bảo tàng tại Việt Nam hay các tour công nghệ ảo. 

Theo đó, các tour du lịch trực tuyến càng được quan tâm và được biết đến nhiều hơn bởi tận dụng công nghệ và chuyển đổi số nhằm tạo ra các trải nghiệm thực tế ảo (virtual experience) của điểm đến, phục vụ du khách ở bất cứ đâu một cách đơn giản và tiện lợi hơn thông qua website hoặc ứng dụng. Các hình thức du lịch ảo cũng đã được áp dụng và triển khai tại Việt Nam như Hồ Gươm hay mới đây là Mộc Châu với những địa điểm như thác Dải Yếm, rừng thông Bản Áng.

Hay Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã bước đầu ứng dụng công nghệ tương tác thực tại ảo 3D để giới thiệu những trưng bày chuyên đề như Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam, Đèn cổ Việt Nam nhằm phát huy trưng bày ảo lâu dài tới đông đảo đối tượng công chúng sau khi trưng bày thực kết thúc. 

"Mở kho trực tuyến" là cách thức mà Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh lựa chọn, khi tiến hành thử nghiệm giới thiệu một phần bộ sưu tập cổ vật quý hiếm của Victor Thomas Holbé để tạo thêm nội dung đáp ứng nhu cầu tham quan online của công chúng, như một bước ứng dụng công nghệ vào quản lý, khai thác gia tăng các bộ sưu tập có giá trị đang sở hữu.

Bên cạnh đó, tại các địa điểm du lịch, việc thanh toán không cần chạm thông qua các ví điện tử như Momo, VNPay và ViettelPay sẽ giảm bớt gánh nặng mất mát tiền mặt, giúp khách du lịch tự tin di chuyển hơn. Công nghệ không tiếp xúc và thanh toán không tiền mặt là những công nghệ đơn giản nhưng truyền cảm hứng cho mọi người khám phá thế giới bên ngoài một cách tự tin, dễ dàng và an toàn.

Cơ hội vàng để các đơn vị du lịch đổi mới sáng tạo nhờ công nghệ - Ảnh 2.

Những công nghệ như thực tế ảo, blockchain...sẽ được ứng dụng rất mạnh mẽ trong ngành du lịch thời gian tới.

Xu hướng công nghệ mới trong ngành du lịch

Ngoài ra, theo các chuyên gia, một số công nghệ như Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), chatbot hay blockchain cũng sẽ được ứng dụng mạnh mẽ trong ngành du lịch thời gian tới. Cụ thể, dữ liệu IoT tạo điều kiện cho các DN du lịch biết được nhu cầu của du khách về thói quen đi lại, địa điểm yêu thích, sở thích du lịch và một số đặc điểm, hành vi tìm kiếm trên mạng khác. Từ đó, các công ty có thể đưa ra chương trình du lịch được thiết kế cá nhân hoá cho du khách và có thể truyền tải đến các khách hàng tiềm năng thông tin mà họ quan tâm. Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ IoT sẽ giúp các DN du lịch tăng hiệu quả hoạt động trong quá trình vận hành, giúp tiết kiệm thời gian và tiền bạc.

Còn nhờ yếu tố phi tập trung, blockchain có thể được sử dụng để lưu trữ thông tin khách hàng và sử dụng thông tin đó để cải thiện dịch vụ nhận dạng tại các sân bay, điều này có thể giúp giảm thời gian làm thủ tục và hàng đợi. Blockchain có thể là công cụ hỗ trợ trong các chương trình khách hàng thân thiết, giúp đơn giản hóa quy trình quản lý cho tới việc giúp khách hàng dễ dàng kiểm tra thông tin về điểm thưởng, hay sử dụng điểm thưởng (tokens).

Cuối cùng, sự kết hợp giữa AI và chatbot sẽ cho phép người dùng đặt vé máy bay, phòng, xác định vị trí khách lựa chọn đề xuất du lịch tốt nhất. Hai công nghệ này sẽ hỗ trợ DN xây dựng thương hiệu, dự báo nhu cầu khách hàng, phát triển mạnh chất lượng và dịch vụ của DN.

Để có thể ứng dụng mạnh mẽ những công nghệ mới vào lĩnh vực du lịch, ông Đức cũng lưu ý rằng, do trình độ công nghệ của Việt Nam còn đi sau nhiều so với các quốc gia trên thế giới. Vì vậy, cần có nhiều nghiên cứu, đầu tư từ khu vực tư nhân cũng như nhà nước để các sản phẩm công nghệ ứng dụng cho du lịch đi vào chiều sâu, thực sự tạo ra sự thay đổi trong hoạt động du lịch, góp phần đạt mục tiêu phát triển du lịch thông minh./.

Bài liên quan
  • Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đối thoại với WEF về đổi mới sáng tạo
    Trong chuyến tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 55 Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Davos (Thụy Sĩ), chiều 21/1/2025 giờ địa phương (tối 21, giờ Hà Nội), Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Phiên đối thoại đặc biệt giữa WEF và Thủ tướng Chính phủ với chủ đề: “Bứt phá tới tương lai: Tầm nhìn của Việt Nam về đổi mới sáng tạo và vai trò toàn cầu”.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Cơ hội vàng để các đơn vị du lịch đổi mới sáng tạo nhờ công nghệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO