Cơ quan bảo vệ người tiêu dùng châu Âu kêu gọi điều tra ChatGPT
Tổ chức Bảo vệ người tiêu dùng châu Âu (BEUC) bày tỏ lo ngại về những ảnh hưởng tiêu cực của ChatGPT và các chatbot trí tuệ nhân tạo (AI) khác.
Cuộc chiến giành quyền thống trị không gian công nghệ AI trỗi dậy vào cuối năm ngoái với việc công ty khởi nghiệp OpenAI (Mỹ), được Microsoft hậu thuẫn, ra mắt chatbot AI tạo sinh ChatGPT. Cơn sốt này khiến các gã khổng lồ công nghệ khác như Google của Alphabet, Amazon và Meta Platforms tung ra các sản phẩm tương tự.
BEUC, cơ quan bảo trợ cho 46 tổ chức người tiêu dùng từ 32 quốc gia, đã bày tỏ lo lắng của mình trong các bức thư riêng gửi tới Mạng lưới các cơ quan an toàn người tiêu dùng (CSN) và Mạng lưới các cơ quan bảo vệ người tiêu dùng (mạng CPC). Đồng thời thời kêu gọi các cơ quan bảo vệ người tiêu dùng của Liên minh châu Âu (EU) điều tra công nghệ này cũng như khả năng gây hại cho các cá nhân.
BEUC cho biết nội dung do chatbot tạo ra có vẻ đúng và đáng tin cậy nhưng thường không chính xác trên thực tế, có thể đánh lừa người tiêu dùng và dẫn đến quảng cáo lừa đảo. Theo cơ quan này, người tiêu dùng nhỏ tuổi và trẻ em dễ bị rủi ro như vậy hơn.
"Do đó, BEUC yêu cầu điều tra những rủi ro mà các hệ thống AI này gây ra cho người tiêu dùng như một vấn đề cấp bách, và tiến hành những hành động khắc phục để tránh gây hại cho người tiêu dùng", Phó Tổng giám đốc BEUC Ursula Pachl đã viết trong thư gửi mạng lưới CPC và EU.
Nhóm cũng kêu gọi CSN bắt đầu trao đổi thông tin và điều tra về các rủi ro an toàn của các sản phẩm này./.